Home > Giảng Kinh > Truc-Giai-Kinh-Duoc-Su

Lời Tựa Khắc Bản Kinh Dược Sư Trực Giải


Ngài Tịnh Danh nói: “Vì tất cả chúng sinh bệnh nên ta bệnh, nếu bệnh của tất cả chúng sinh lành thì bệnh của ta mới lành.” Vĩ đại thay! Tâm từ sâu rộng, thương xót chúng sinh của Bồ tát làm sao dò thấu được?

Kinh Dược sư bản nguyện công đức là phép lạ thoát khỏi mầm bệnh, là bí quyết nuôi sống tuệ mạng. Thuở xưa, Đức Phật của chúng ta, nhân đi giáo hóa ở thành Quảng Nghiêm, nhận lời thỉnh cầu của Bồ tát Diệu Cát Tường, Ngài nói kinh này để thích hợp với căn cơ của chúng sinh trong thời tượng pháp và mạt pháp. Từ đó, tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch và truyền bá rộng rãi kinh này.

Pháp y che trùm khắp thiên hạ, đủ duyên, đúng thời, nên mọi người đều văn trì.2 Bởi vì, kinh điển của Phật tuy đơn giản nhưng công đức rất lớn. Những năm gần đây, có sa môn Linh Diệu ở Cổ Thanh Lương, Chiết Giang, khi nghỉ ngơi trong sân chỉ quán, lúc quanh quẩn giữa chốn thiên tịch, lấy vô ngôn để nói, dùng vô giải để giải, phân chia khoa mục, giải thích kinh ấy, đặt tên là Trực giải. Văn chương sáng tỏ, rõ ràng và vốn có khí chất của sao Đẩu, sao Ngưu. Nhân khi tôi đem các bản sớ giải của các nhà ra đọc lại, mới biết được bản giải thích của sa môn Linh Diệu. Vì bản giải thích vượt ra ngoài hiểu biết của tôi, nên tôi không dám tùy tiện đánh giá, chọn lựa, mà chỉ kiểm tra những bản khắc nguyên vẹn hiện còn gần đây, cho khắc lại và lưu truyền mãi ở đời.

Tất cả chúng sinh vì nuôi nấng cố tật ba chướng, nên bị luân hồi sáu đường, không biết trải qua bao nhiêu số kiếp. Vì vậy, Thanh Đế Bảo Phật dốc hết tình thương nhỏ nhặt, ngồi mười hai nguyện luân, tùy duyên phó cảm, nên tất cả chúng sinh đều được chữa trị, cứu giúp. Tốt đẹp thay! Phương tiện từ bi của cổ Phật hay hơn nước thượng trì. Xa quá biết làm sao? Vì ý chí người thấp kém, lại không hiểu biết xa rộng nên mới có việc khấn cầu ấy.

Từ đó, mọi người chỉ lấy trường thọ, giàu sang làm mục đích; giống như gánh cỏ gai mà vứt bỏ vàng bạc vậy. Thật đáng thương! Biết làm sao để thỏa mãn ý muốn điên đảo của tất cả chúng sinh trong ba cõi? Vì vậy, mới dùng phương tiện thiện xảo từng bước dẫn dụ, nhưng tất cả mục đích đều nhờ vào hành xứ sâu xa mà sinh ra. Than ôi! Nếu đạt được gốc ấy thì ngọn tự nhiên bị trừ diệt. Nếu để mất gốc ấy mà chỉ cầu các việc sống lâu, giàu sang v.v.. vậy thì, há chẳng phải không hiểu được ý nghĩa bản nguyện độ sinh của bậc Y Vương sao?

Ngày rằm tháng 7 năm Bính Dần, niên hiệu Trinh Hưởng thứ ba.

Tì kheo Tuệ Kiên Giới Sơn ở chùa luật An Dưỡng, Hồ Đông, kính ghi.