Home > Sách Phật Giáo > Triet-Ngo-Dai-Su-Thi-Chung

Triệt Ngộ Đại Sư


Đại sư húy Tế Tỉnh, tự Nột Đường, hiệu Mộng Đông, người ở huyện Phong Nhuận, Kinh Đông, Trung Quốc; họ Mã, cha húy Vạn Chương, mẹ họ Cao. Đại sư là Tổ thứ 12 của tông Tịnh Ðộ. Lúc nhỏ Sư rất thông minh, dĩnh ngộ. Lớn lên Sư theo Nho học, làu thông kinh sử. Năm 22 tuổi, sau một cơn bệnh nặng, Sư ngộ được thân này là vô thường, nên phát chí xuất thế. Hết bệnh, Sư đến huyện Phòng Sơn lễ ngài Vinh Trì ở am Tam Thánh xuất gia, năm sau đến chùa Tụ Vân cầu Luật Sư Hằng Thật thọ giới Cụ Túc. Từ đó về sau Sư tham học với các vị Long Nhất chùa Hương Giới, Huệ Ngạn chùa Tăng Thọ, Biến Không chùa Tâm Hoa, đạt được yếu chỉ kinh Viên Giác, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang và pháp Tam Quán Thập Thừa. Mùa Đông niên hiệu Càn Long 33 (1768), Sư đến chùa Quảng Thông tham yết Thiền Sư Túy Như Thuần Ông phát minh tâm địa, được ấn khả nối đời 36 dòng Lâm Tế, đời thứ 7 phái Khánh Sơn.

Sau Sư kế thừa ngài Thuần Ông ở chùa Quảng Thông lãnh chúng tham thiền suốt 14 năm không hề mỏi mệt, tiếng tăm vang khắp hai vùng Nam Bắc. Có lần, Ngài nghĩ rằng: "Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là một bậc tông tượng trong Thiền môn mà còn hướng tâm về Tịnh Ðộ, cầu sanh An Dưỡng, ta là ai mà chẳng dám hướng tâm về?" Từ đó Ngài chủ trương Liên Tông chuyên tu tịnh nghiệp. Niên hiệu Càn Long năm 57 (1793), Sư đến chùa Giác Sanh trụ trì 8 năm, trùng tu điện đường, xây dựng phòng xá, chấn hưng Tịnh tông. Năm Gia Khánh thứ 5 (1800) Sư lui về ẩn tu ở chùa Tư Phước tại Hồng Loa, dự định đến hết đời, nhưng bốn chúng luyến mộ theo về rất đông. Sư tùy pháp thuận người nên lưu chúng, khiến nơi đây không bao lâu trở thành Tịnh Ðộ tòng lâm nổi tiếng. Sư thông đạt yếu chỉ Thiền Tịnh, nghiêm khắc với mình, tha thiết với người, biện tài vô ngại, là bậc nhất của Phật môn đương thời.

Trước lúc thị tịch nửa tháng, Ngài biết thân hơi có bệnh, bảo đệ tử trợ niệm danh hiệu Phật, thấy trong hư không vô số tràng phan, bảo cái từ phương Tây hiện đến. Ngài bảo chúng rằng: "Tướng Tịnh Ðộ đã hiện, ta sắp về Tây". Đến giờ Thân ngày 17 tháng 12 Ngài đoan tọa, mặt hướng về phương Tây, chắp tay nói rằng: "Niệm một tiếng Hồng Danh thấy một phần tướng quý và vẻ đẹp", rồi kiết ấn Di đà, an nhiên thị tịch, hương thơm lan tỏa khắp nơi. Để nhục thân cúng dường bảy ngày, tóc trắng biến thành đen, diện mạo như lúc còn sống, tươi nhuận lạ thường. Ngày thứ mười bốn nhập khám, ngày thứ hai mốt trà tỳ, thâu được hơn trăm viên xá lợi tôn thờ ở tháp Phổ Đồng.

Ngài sanh vào giờ Mùi ngày 14 tháng 10 niên hiệu Càn Long thứ 6 (1741), thị tịch giờ Thân ngày 17 tháng 12 niên hiệu Gia Khánh thứ 15 (1810), hưởng thọ 70, pháp lạp 48.

***