Home > Giới Luật > Tong-Quat-Ve-Gioi-Luat

Tổng Quát Về Giới Luật

Tổng Quát Về Giới Luật


1. Quảng Luật

Quảng Luật là chỉ cho toàn thể mọi quy chế, nguyên tắc sinh hoạt của người xuất gia và tập thể xuất gia. Nói tóm lại, một bộ biên tập đầy đủ chi tiết tất cả những gì thuộc về và liên quan đến Giới Luật trong đạo Phật, thì gọi là Quảng Luật. trong Luật tạng của Phật giáo Trung Hoa có đến năm bộ Quảng Luật là:

Tứ Phần Luật.

Thập Tụng Luật.

Ngũ Phần Luật.

Ma Ha Tăng Kỳ Luật.

Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật.

Nội dung của một bộ Quảng Luật gồm hai phần:

1. Giới Bổn: gồm các giới điều cấm ngăn làm ác hay đánh mất oai nghi mà các vị tăng ni phải tuân thủ. Phần này gồm luôn cả các nguyên do Phật chế lập giới điều, và các nguyên tắc trị phạt khi phạm giới. Tức là “năm thiên bảy tụ”, và thường được gọi là Giới Bổn Ba La Đề Mộc Xoa (Pratimoksa), dịch là tùng giải thoát, tùy thuận giải thoát, biệt biệt giải thoát hay biệt giải thoát, xứ xứ giải thoát hay xứ giải thoát, bảo giải thoát, tối thắng hoặc vô đẳng học.

2. Kiền Độ: gồm tất cả mọi pháp thức và nguyên tắc liên quan đến các sinh hoạt căn bản hằng ngày, các sinh hoạt tu tập, thọ giới, truyền giới, sám tội v.v… Tức các sinh hoạt của tăng ni trong tập thể Tăng đoàn.

Bộ Quảng Luật Pali còn thêm một phần thứ ba, gồm các điều phụ thuộc khác nữa.

2. Giới Bổn Nguồn gốc

Sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử kết tập Tam tạng. Trong suốt kỳ hạ ấy, Ưu Ba Ly tôn giả tám mươi lần tụng mới trọn hết Luật tạng, gọi là Bát Thập Tụng Luật. Trăm năm sau, đến thời kỳ phân phái, Luật tạng cũng ảnh hưởng theo quan điểm của các bộ phái mà phân thành năm bộ Luật, nguồn gốc cũng đều từ Bát Thập Tụng mà ra. Năm bộ Luật gồm:

1. Thập Tụng Luật của Tát Bà Đa Bộ (Sarvastivada) hay Nhất Thiết Hữu Bộ.

2. Ma Ha Tăng Kỳ Luật của Đại Chúng Bộ (Mahasanghika).

3. Tứ Phần Luật của Đàm Vô Đức Bộ (Dharmaguptaka) hay Pháp Tạng Bộ.

4. Ngũ Phần Luật của Di Sa Tắc Bộ (Mahisasaka) hay Hóa Địa Bộ.

5. Giải Thoát Luật của Ca Diếp Di Bộ (Kasyapiya) hay Ẩm Quang Bộ.

Theo Phó Pháp Tạng truyện, thời Tổ thứ năm là Ưu Bà Cúc Đa có năm vị đệ tử, do quan điểm khác nhau mà phân Luật tạng thành năm bộ Luật như vậy.

Bát Thập Tụng đã thất truyền từ xưa. Còn Giải Thoát Luật, tức bộ Quảng Luật của Ca Diếp Di Bộ thì không có duyên được truyền dịch sang Trung Quốc, nên chỉ có bốn bộ Quảng Luật của bốn bộ phái kia là được lưu truyền tại Trung Quốc.

Giới Bổn truyền dịch

* Giới Bổn Thập Tụng Luật được phiên dịch, theo truyền thuyết, là vào khoảng năm Vĩnh Bình (249 ~ 254) thời Tào Ngụy, tức Tăng Kỳ Giới Tâm, do Đàm Kha Ca La dịch. Tiếp theo, đời Diêu Tần, Đàm Ma Trì và Trúc Phật Niệm hợp tác dịch Thập Tụng Tỳ Khưu Giới Bổn gồm 260 giới. Cả hai bộ Luật trên đều không còn nữa.

Sau đó cũng đời Diêu Tần (404), Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập và Phất Nhã Đa La hợp dịch bộ Thập Tụng Tỳ Khưu Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bổn. Trào Lưu Tống, Pháp Hiển tập thành bộ Thập Tụng Tỳ Khưu Ni Ba La Đề Mộc Xoa Giới Bổn.

Căn cứ theo Xuất Tam Tạng Ký Tập (q. 3) trong phần tựa ghi chép về việc bốn bộ Luật đến đất Hán, thời Pháp Tạng do Đại Ca Diếp truyền lại là Bát Thập Tụng. Đến thời Ưu Ba Khuất Đa mới san lại thành Thập Tụng. Hoặc có thể bản mà Cưu Ma La thập dịch chỉ là Lược Luật được lưu truyền tại nước Ca Thấp Di La. Còn bản Nghĩa Tịnh dịch là Quảng Bổn lưu truyền tại nước Ma Thâu La.

Trong bốn bộ Quảng Luật truyền sang Trung Quốc, Thập Tụng Luật được dịch ra sớm nhất, thịnh hành ở phương Nam. Các bậc thầy thời Nam Triều như Tăng Nghiệp, Tăng Cừ, Đạo Nghiễm, Trí Xưng v.v…, đều tinh nghiên Luật này.

Các tác phẩm liên quan đến bộ Luật gồm Tát Bà Đa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa (9 q.), Tát Bà Đa Bộ Tỳ Ni Ma Đắc Lặc Già (10 q.), Đại Sa Môn Bách Nhất Yết Ma Pháp (1 q.). Ngoài ra Trí Xưng tạo Thập Tụng Nghĩa Ký (8 q.), Tăng Hựu tạo Thập Tụng Nghĩa Ký (10 q.), Đàm Viện tạo Thập Tụng Nghĩa Ký Sớ  (10 q.) . Nay các tác phẩm này đều không còn nữa.

* Diêu Tần (410) Phật Đà Gia Xá dịch bộ Tứ Phần Tăng Giới Bổn, Tứ Phần Luật Tỳ Khưu Giới Bổn, Tứ Phần Luật Tỳ Khưu Ni Giới Bổn.

* Đông Tấn (418) Phật Đa Bạt Đà La dịch bộ Ma Ha Tăng Kỳ Luật Đại Tỳ Khưu Giới Bổn. Đông Tấn Pháp Hiển và Giác Hiền hợp dịch Ma Ha Tăng Kỳ Tỳ Khưu Ni Giới Bổn.

* Ngũ Phần Luật gồm 30 quyển của Hóa Địa Bộ, do ngài Pháp Hiển từ Sư Tử quốc đem về thời Lưu Tống, do Phật Đà Thập và Trúc Đạo Sinh hợp dịch, gồm có năm bộ hợp thành, nên gọi là Ngũ Phần, nội dung rất gần với Luật Pali. Nam Triều Lương đại Minh Huy tập lục bộ Ngũ Phần Tỳ Khưu Ni Giới Bổn.

Đường đại Nghĩa Tịnh dịch bộ Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Giới Kinh, Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bí Su Ni Giới Kinh.

* Nguyên Ngụy Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi dịch bộ Giải Thoát Giới Kinh, thuộc Ca Diếp Di Bộ.

* Ngoài ra Bồ Tát Giới Bổn trích ra từ Bồ Tát Địa Trì Luận do Đàm Vô Sám dịch, và Bồ Tát Giới Bổn trích ra từ Du Già Sư Địa Luận do Huyền Trang dịch.

Nội dung Giới Bổn

Các giới điều trong Giới Bổn được gọi là các “học xứ” (siksapada), có nghĩa là các “điều căn bản phải học” trên con đường giải thoát, hoặc có nghĩa là đây là các “chỗ để y cứ vào đó mà học hỏi” về con đường giải thoát. Tuy nhiên các điều phải học này chính yếu là nhằm vào việc ngăn chặn thân và khẩu không cho tạo các nghiệp tội ác hay lỗi lầm. Nhờ đó Giới thể thanh tịnh và giải thoát mà vị Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni đắc được trong giới đàn thọ giới được toàn vẹn và tăng trưởng mạnh mẽ. Nhìn theo khía cạnh khác thời tâm thức của vị Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni nhờ đó mà càng ngày càng tùy thuận theo Giới thể thanh tịnh và giải thoát bên trong mình.

Các giới điều hay các học xứ này lại được xắp loại ra thành năm loại hay bảy nhóm, gọi là “năm thiên bảy tụ”. Sự phân loại này là tùy theo cường độ tội lỗi nặng nhẹ khi vi phạm vào các điều học xứ ấy:

1. Tội nặng nhất được gọi là Ba la di (Parajika), được dịch là “người khác hay cái khác thắng mình”, hoặc là đọa, là ác, là trọng, là cắt mất đầu, đáng vất bỏ v.v..; hay còn gọi là căn bổn tội, biên tội. Các học xứ nào mà nếu vi phạm vào mà tội có cường độ nặng nhất, thì được xắp vào loại tội Ba la di này.

2. Tội nặng thứ nhì gọi là Tăng Tàn (Samghavasesa), phiên âm phạn ngữ là Tăng già bà thi sa, dịch là tăng tàn hay tăng sơ tàn, có nghĩa là “thành phần dư thừa trong chúng Tăng” hay là “cặn bã của chúng Tăng”. Các học xứ nào nếu vi phạm vào mà tội có cường độ nặng thứ nhì, thì được xếp vào loại tội Tăng tàn này.

Hai loại tội trên thuộc tội nặng. Ba tội dưới đây thuộc tội nhẹ:

3. Tội nặng thứ ba là Ba dật đề (Prayascittika), dịch là đọa hay khí đọa, xả đọa, có nghĩa là “sẽ bị đọa lạc nếu không chịu xả bỏ”. Các học xứ nào nếu vi phạm vào mà tội có cường độ nặng thứ ba, thì được xếp vào loại tội Ba dật đề này.

4. Tội nặng thứ tư là Ba la đề đề xá ni (Pratidesaniya), dịch là hướng bỉ hối hay đối tha thuyết, nghĩa là “đối trước một người khác để nói tội ra mà sám hối”. Các học xứ nào nếu vi phạm vào mà tội có cường độ nặng thứ tư, thì được xếp vào loại tội Ba la đề đề xá ni này.

5. Tội nặng thứ năm là Đột kiết la (duskrta), dịch là ác tác, hay còn là tiểu quá, khinh cấu, thất ý, việt tỳ ni, ưng đương học. Các học xứ nào nếu vi phạm vào mà tội có cường độ nặng thứ năm, thì được xếp vào loại tội Đột kiết la này.

Năm phẩm chất tội lỗi trên được gọi là “năm thiên” tội. Tất cả các điều giới của Giới Bổn đều được xắp loại lại với nhau theo “năm thiên” ấy.

Năm phẩm chất tội lỗi kia vốn thuộc về trường hợp khi mà sự vi phạm các giới điều được hoàn tất viên mãn. Song khi mà sự vi phạm ấy được thực hành mà không hoàn tất, thì người thực hành ấy vẫn có tội. Tội này không thuộc về năm thiên trên, mà được gọi riêng là Thâu lan già (sthulatyaya), dịch là thô tội, thô ác, thô quá, hay đại tội, trọng tội. Dĩ nhiên không có giới điều nào thuộc về loại tội này, thông thường khi một vị Tỳ khưu muốn phạm tội Ba la di hay tội Tăng tàn mà chưa hoàn tất được, thì coi như thuộc về loại tội này. Ngoài ra còn có tội Thâu lan già kế tội Tăng tàn, và Thâu lan già kế tội Ba la đề đề xá ni.

Lại tội Đột kiết la gồm hai loại là “ác tác” và “ác thuyết”. Do đó nếu kể đủ mọi phẩm chất tội lỗi, thời có đến bảy phẩm chất cả thảy để mà định tội, gọi là “bảy tụ”: Ba la di, Tăng tàn, Thâu lan già, Ba la đề đề xá ni, Ba dật đề, Ác tác và Ác thuyết.

Theo Tứ Phần Luật, Tỳ khưu có 250 giới điều, Tỳ khưu ni có 348 giới điều, phân theo năm thiên tội như sau:

1. Ba la di: Tỳ khưu có 4 giới, Tỳ khưu ni 8 giới. Phạm tội này là đánh mất tư cách của Tỳ khưu và Tỳ khưu ni, nên sẽ bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn.

2. Tăng tàn: Tỳ khưu có 13 giới, Tỳ khưu ni có 17 giới. Phạm tội này thời tư cách Tỳ khưu và Tỳ khưu ni chưa mất hẳn, song hoàn toàn hoen ố, cần phải được sửa chữa lại cho thanh tịnh bằng cách phải nương theo Tăng đoàn, tối thiểu là 20 vị, để thực hành pháp thức diệt tội cho mà thi hành sáu đêm ma na đỏa (manapya), dịch là “duyệt ý”, có nghĩa là làm vui lòng chư Tăng. Nhưng nếu vị phạm tội che dấu tội đó trong bao lâu, thì phải chịu pháp ba lợi bà sa (parivasa), dịch là “biệt trú”, nghĩa là bị cô lập ra khỏi Tăng đoàn, trong khoảng thời gian bằng thời gian che dấu, rồi sau đó mới được áp dụng pháp ma na đỏa.

3. Ba dật đề: Các giới điều thuộc tội này phân làm hai loại: 1. một là Ni tát kỳ Ba dật đề (naihsargika prayascittika), dịch là “xả đọa” hay “khí đọa”. Tỳ khưu và Tỳ khưu ni đồng có 30 giới. Đây là các tội cất chứa y bát v.v… quá lượng hay quá độ, coi như dư thừa, nên cần phải xả bỏ, giao lại cho tăng; nếu không sẽ bị đọa. Tội này cần phải thực hiện pháp sám hối và “xả bỏ” trước một túc số Tăng là bốn vị. Hai là Đơn đề hay Đơn đọa (suddha prayascittika), thuộc tội “đọa nhỏ”, như tiểu vọng ngữ và giết súc sinh v.v…, cần phải sám hối trước Tăng chúng trong thời Bố tát, thời được thanh tịnh lại. Tỳ khưu có 90 giới, Tỳ khưu ni có 178 giới.

4. Ba la đề đề xá ni: Tỳ khưu có 4 giới, Tỳ khưu ni có 8 giới. Tội này liên quan đến vấn đề ăn uống, cần phải đối trước một người khác mà cáo bạch sám hối.

5. Đột kiết la: Tỳ khưu có 109 giới, Tỳ khưu ni có 107 giới. 109 giới của Tỳ khưu gồm 2 giới bất định (aniyata), bảy pháp diệt tránh (adhikaraqa samatha) và 100 chúng học (sambahulah saiksadharmah): Tỳ khưu ni không có hai giới bất định, nên chỉ có 107 giới mà thôi. Giới bất định nghĩa là khi phạm giới này chưa có thể định ngay là tội nào: Ba la di, Tăng tàn hay Đơn đọa? Song trong khi chờ định tội, thì người ấy đã phải chịu ngay tội Đột kiết la này rồi.

Theo Thập Tụng Luật, Tỳ khưu có 257 giới, vì chúng học có đến 107 giới. Tỳ khưu ni có 355 giới.

Theo Ngũ Phần Luật, Tỳ khưu có 251 giới, vì Đơn đọa có đến 91 giới. Tỳ khưu ni có 370 giới.

Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật, Tỳ khưu có 218 giới. Tỳ khưu ni có 277 giới.

3. Kiền Độ

Kiền Độ (skandha) tức phân loại biên tập để đem các pháp đồng loại với nhau mà tụ tập vào một chỗ, thì gọi là Kiền Độ. Phần Kiền Độ này tức là phần “tác trì môn” trong Giới Luật. Tứ Phần Luật có đến 20 Kiền Độ:

Thọ giới Kiền Độ

Thuyết giới Kiền Độ hay Bố tát Kiền Độ hay Tác bố tát pháp.

An cư Kiền Độ.

Tự tứ Kiền Độ.

Bì cách Kiền Độ: các giới chế về các loại da phải sử dụng ra sao.

Y Kiền Độ: nói về ba y.

Dược Kiền Độ: nói về bốn loại thuốc.

Ca hi na y Kiền Độ: nói về việc trong vòng năm tháng sau khi an cư tăng được phép thọ nhận y ca hi na.

Câu Thiểm Di Kiền Độ hay Câu Xá Di pháp: nói về việc Tỳ khưu hủy báng lẫn nhau ở nước Câu Thiểm Di.

Chiêm Ba Kiền Độ: nói về việc chư Tăng tranh chấp với nhau tại nước Chiêm Ba.

Ha trách Kiền Độ hay Yết ma Kiền Độ: nói về cách thức trị phạt các ác Tỳ khưu.

Nhân Kiền Độ hay Tăng Tàn hối pháp hay Biệt trú pháp hay Biệt trú Kiền Độ: nói về cách thức khi Tỳ khưu phạm tội mà không che dấu thì phải giáo huấn ra sao.

Phú tàng Kiền Độ hay Tụ tập Kiền Độ: nói về cách thức trị phạt Tỳ khưu phạm tội mà có che dấu.

Già Kiền Độ hay Già bố tát pháp: nói về các trường hợp khi Tỳ khưu thuyết giới ngăn không cho một Tỳ khưu không hội đủ điều kiện như pháp chế định được nghe giới.

Phá Tăng Kiền Độ hay Điều Đạt sự: nói về việc phá Pháp luân Tăng và phá Yết ma Tăng.

Diệt tránh Kiền Độ hay Tránh sự pháp: nói về cách thức diệt bảy trường hợp tranh chấp.

Tỳ khưu ni Kiền Độ: nói về các pháp đặc biệt của Tỳ khưu ni.

Pháp Kiền Độ hay Oai nghi pháp: chiếu theo cách thức đứng ngồi nói im của Tỳ khưu, mà nói lên các oai nghi đúng như pháp.

Phòng xá Kiền Độ hay Ngọa cụ pháp: nói về phòng xá và các đồ vật dụng của Tỳ khưu.

Tạp Kiền Độ: nói về các pháp khác ngoài 19 Kiền Độ kể trên ra.

Theo Luật Pali thì cả thẩy là 22 Kiền Độ, 10 Kiền Độ đầu được gọi là “đại phẩm”, 12 Kiền Độ sau là “tiểu phẩm” liên hệ đến các vấn đề trị phạt ra sao. Hai phẩm cuối có liên quan đến hai kỳ kết tập thứ nhất tại Vương Xá thành và thứ hai tại Tỳ Xá Lê.

4. Sự khác biệt giữa Giới Bổn và Kiền Độ

Giới Bổn là để trình bày về tùy tướng của Giới Luật, Kiền Độ là xả ác hành thiện, nói lên các ý nguyện muốn làm, là chỉ rõ ra thọ thể và tùy hành của Giới Luật. Ngoài ra Giới Bổn thì tiêu cực cấm chỉ làm ác, nên gọi là “chỉ trì”; còn Kiền Độ là hành vi tích cực, nên gọi là “tác trì”.

Thật ra, Giới Bổn là sự thực hành viễn ly các ác pháp thuộc phương diện cá nhân. Các ác pháp này gồm các hành động làm tai hại và gây đau khổ cho người khác, cũng như làm ô nhiễm và gây rạn nứt trong Tăng đoàn, còn có thể nói là làm mất sự tín nhiệm và gây tổn hoại cho lòng tin thanh tịnh của tín thí. Các ác pháp như thế là nhân kéo người tu đọa lạc vào các đường ác. Sự thiệt thòi như thế không phải cho ai mà chính cá nhân người làm ác phải chịu hết tất cả. Thế nên người tu hành bắt buộc phải thực hành sự lìa xa các ác pháp này qua sự quy định và tuân thủ theo các điều trong Giới Bổn vậy. Sự thực hành Giới Bổn như thế làm cho người tu được đặt yên vào trong phạm vi của thanh tịnh và giải thoát, và nhờ thế mà được hưởng ân huệ chở che của Giới pháp thanh tịnh, mới thoát khỏi mọi tội lỗi cuốn trôi vào ba đường dữ.

Song sự thanh tịnh của một người tu hành thật sự không bao giờ lại chỉ có tính cách cá nhân mà thôi. Bởi mọi người tu hành, một khi đã là đệ tử Phật, thì đều là một thành phần của Tăng đoàn. Mà Tăng đoàn không hề phải là một thật thể thật có độc lập ngoài cá nhân các vị tăng, thế nên Tăng đoàn có hiện hữu hay không, là do chư tăng có hòa hợp hay không; Tăng đoàn có hoạt động sống thực hay không, là do chư tăng có cùng nhau hòa điệu vận chuyển theo cùng một lối, một đường hướng hay không. Người tu hành do đó không phải chỉ tu như một cá nhân, mà còn phải tu như một Tập thể nữa; không phải chỉ thanh tịnh như một cá nhân, mà còn phải thanh tịnh như một Tập thể nữa. Nói cách khác, đã là một đệ tử của Phật, thì bắt buộc phải tuân hành hết mọi sinh hoạt tập thể của chư Tăng nữa.

Song Tăng đoàn có ích lợi gì? Và có cần thiết phải có mặt hay không? Cá nhân mình được thanh tịnh và giải thoát rồi chưa đủ hay sao, mà còn cần phải tham dự vào sinh hoạt của Tăng chúng? Không có vị Phật Chính Đẳng Giác nào mà lại không có Tam Bảo. Nghĩa là không có vị Phật Chính Đẳng Giác nào mà lại không thuyết Pháp để thành lập Pháp Bảo, không có vị Phật Chính Đẳng Giác nào mà lại không thâu nhận đệ tử để thành lập Tăng Bảo. Do đó Tam Bảo nói chung, và Tăng đoàn nói riêng vẫn là một thể hiện riêng biệt của chư Phật Chính Đẳng Giác, nói lên bản chất đại bi nhiêu ích hữu tình của chư Phật Chính Đẳng Giác, khác hẳn với bản chất cô đơn riêng lẻ của Độc Giác Phật.

Nghĩa là bản thể giác ngộ của một vị Phật Chính Đẳng Giác không phải chỉ thể hiện qua một thân ba mươi hai tướng thanh tịnh, và qua một tướng lưỡi dài rộng chân thật mà thôi, song còn thể hiện qua các sinh hoạt tập thể thanh tịnh, tương ưng với giải thoát. Nơi Phật và Pháp, bản thể giác ngộ thể hiện ra như là thành quả viên mãn; còn nơi Tăng thời bản thể giác ngộ thể hiện ra như là nhân chủng. Chính trong lãnh vực Tăng này, bản thể giác ngộ mới được bộc lộ ra qua muôn vàn sắc thái của muôn vàn xu hướng tu tập của các vị tăng, và cho thấy rõ ràng năng lực từ bi, trí huệ và phương tiện cứu độ của chư Phật đối trị lại vô minh và phiền não của chúng sinh ra sao, cũng như sự “tôi luyện” chúng sinh của chư Phật cho họ trở thành giải thoát và giác ngộ như thế nào.

Do đó Tăng đoàn là môi trường giác ngộ và giải thoát viên mãn nhất cho bất cứ người xuất gia tu hành nào. Muốn đạt được bản thể giác ngộ và giải thoát của một vị Phật Chính Đẳng Giác, người tu hành phải xây dựng cho bằng được một bản thể “Tăng” cho chính mình qua pháp thức thọ giới do Tăng truyền bằng pháp yết ma. Có bản thể Tăng ấy rồi, vị ấy mới có được tư cách Tăng. Và để cho bản thể Tăng này được hiển lộ ra thành quả viên mãn, vị ấy phải duy trì không cho tổn hoại tư cách Tăng của mình, không phải chỉ bằng cách trì giữ cho thanh tịnh các giới điều trong Giới Bổn, mà còn phải hòa hợp tham dự vào mọi sinh hoạt như pháp của Tăng đoàn qua thể thức yết ma.

Trong khi hòa “cá nhân” mình vào trong “tập thể” Tăng như thế, người tu hành sẽ dần dà xả bỏ được cái ngã tính cá nhân, vốn là hiện tướng của vô minh và phiền não, để hòa đồng vào trong cái bản thể Tăng với vô lượng năng lực công đức của tập thể tăng hợp lại, nhờ đó người ấy sẽ thể nhận ra được cái bản thể giác ngộ chân thật vừa vô ngã tịch diệt, mà vừa hiển hiện vô lượng tác dụng thanh tịnh giải thoát của chư Phật Chính Đẳng Giác. Y như cá nhân một giọt nước nhỏ bé không có được bất cứ một tác dụng mạnh mẽ hữu hiệu nào, nhưng nếu nó hòa mình vào trong “tập thể” vô lượng các giọt nước của biển cả, nó sẽ nhận ra được năng lực mạnh mẽ vô địch của “nước”, và nó sẽ giác ngộ ra được “bản thể” của nước này là gì. Cũng vậy, thật sự bản thể giác ngộ và thanh tịnh giải thoát của chư Phật, chỉ có thể được giác ngộ ra chính xác nhất qua hoạt động của Tăng đoàn mà thôi. Và nếu không “hòa mình” vào chúng Tăng, người ấy không bao giờ thật sự chân chính giác ngộ!

Do đó mà Kiền Độ, tức phần hoạt động để duy trì tư cách Tăng qua sự hòa mình vào tập thể đại chúng, là tối quan trọng. Tuy nhiên tập thể Tăng không mấy khi đúng “tiêu chuẩn” lý tưởng để mà thi hành trọn vẹn mọi sinh hoạt tập thể theo đúng như pháp trong Kiền Độ. Đôi khi một tập thể đầy bất hòa và không theo đúng pháp, thì còn làm hư hoại cho các cá nhân thành viên hơn là giúp ích. Song mọi người học bắt buộc vẫn cần phải có ý thức rõ ràng về ý nghĩa chân thật vi diệu của Tăng đoàn, thì nhờ duyên ấy mà trong tương lai tập thể Tăng mới có thể khởi sắc và hồi phục trở lại bản thể chân chính của mình, để có thể trợ giúp đắc lực cho cá nhân mỗi người tu, và là nơi nương tựa vững chắc cho toàn thể chúng sinh vậy.

5. Luật Tông

Phật giáo Ấn Độ không có một tông phái riêng rẽ về Luật. Song do vì quan điểm khác nhau trong khi giải thích về Kinh cũng như về Luật của Phật mà phân thành các Bộ phái khác nhau. Các Bộ phái tranh nhau tạo Luận để trình bày và chứng minh quan điểm của mình, thế nên Luận Tạng là điển hình nhất cho sự phân phái của Phật giáo Ấn Độ. Song ngay trong Kinh hay Luật cũng vẫn có những điểm dị biệt phản ảnh lên lập trường sai khác của Bộ phái. Luật Tạng cũng do đó mà không hề hoàn toàn đồng nhất giữa các Bộ phái, như chúng ta đã biết qua năm bộ quảng Luật của năm Bộ phái ở trên.

Qua đến Trung Hoa, thì Luật trở thành một tông phái riêng rẽ trong số 13 tông phái của Phật giáo Trung Hoa (Câu Xá Tông, Thành Thật Tông, Tam Luận Tông, Niết Bàn Tông, Luật Tông, Địa Luận Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Nhiếp Luận Tông, Thiên Thai Pháp Hoa Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông và Chân Ngôn hay Mật Tông). Tuy có đến bốn bộ Quảng Luật được truyền dịch sang Trung Hoa, song chỉ có Tứ Phần Luật mới được căn cứ trên đó để lập thành Luật Tông. Thế nên nói đến Luật Tông chính là nói đến Tứ Phần Luật vậy.

Tứ Phần Luật được Phật Đà Gia Xá và Trúc Phật Niệm dịch vào năm 410 thời Diêu Tần, song phải hơn hai trăm năm sau, đến thời ngài Đạo Tuyên (596 ~ 667) thì bộ Luật ấy mới được giải thích hoàn chỉnh và đúc kết thành tông chỉ của Luật Tông. Song, trước đó vào năm 222 thời Ngụy Văn Đế, Đàm Ma Ka La (Dharmakala) đến Lạc Dương, thấy Tăng chúng Trung Quốc chỉ biết cạo đầu, đắp man y, không biết hành trì gì về Luật pháp hết, nên ngài mới phát nguyện sẽ hoằng Luật. Đến năm 250 thời Ngụy Thiếu Đế, mới dịch được một quyển Tăng Kỳ Giới Bổn. Rồi mới thỉnh mười vị Phạn Tăng lập pháp yết ma. Đó là khởi thủy cho truyền thống truyền Giới Bổn bằng mườì vị đại Tăng, và là giới đàn truyền thọ giới pháp đầu tiên tại Trung Quốc.

Đến thời Ngụy Hiếu Văn Đế (471 ~ 499) có Pháp Thông luật sư trụ tại phía bắc Ngũ Đài Sơn. Đầu tiên học Tăng Kỳ Luật, sau đó tinh nghiên Tứ Phần Luật, rồi cực lực hoằng dương, song chỉ hạn cuộc trong vòng tryền khẩu mà thôi, chứ chưa có trước tác văn tự nào để lưu truyền.

Đến Đạo Phú luật sư, là môn đệ của Pháp Thông luật sư, mới có tạo sớ giải thích, song ngài chỉ viết theo thể thức vấn đáp để quyết trạch các vấn đề mà thôi.

Phải từ Huệ Quang (468 ~ 537) luật sư trở đi mới thật sự thành chương sớ đâu đó, và mở đầu cho phong cách tạo sớ giải thích Luật Tạng qua Tứ Phần Luật. Huệ Quang luật sư vốn là sơ tổ của Địa Luận Tông thuộc Nam Đạo Phái, trào Bắc Ngụy. Ngài họ Dương, quê ở Trường Lô (Hà Bắc). Năm mười ba tuổi theo cha đến Lạc Dương, xuất gia với Phật Đà Phiến Đa. Người thời ấy gọi ngài là thánh Sa di. Ban đầu ngài học Luật Bộ, không lâu sau thọ cụ túc. Bốn năm sau đã giảng Ma Ha Tăng Kỳ Luật. Vào năm 508 trào Bắc Ngụy, Lặc Na Ma Đề và Bồ Đề Lưu Chi đều có dịch bộ Thập Địa Kinh Luận, ngài cứu xét cả hai bản dịch, và tự xem lại phạn bổn, ngộ ra chỗ cương yếu của Luận, nên mới đối chiếu chỗ đồng dị của hai bản mà hợp lại thành một bản. Địa Luận Tông nhờ đó mà hưng khởi. Ngài còn soạn bộ Tứ Phần Luật Sớ. Tứ Phần Luật nhờ ngài chỉnh sức hoằng dương mà trở nên huy hoàng. Ngài còn viết chú sớ cho các Kinh Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Duy Ma, Thập Địa, Địa Trì v.v… Cuối trào Bắc Ngụy, ngài nhậm chức Quốc Tăng Đô tại Lạc Dương, sau được triệu thỉnh vào Nghiệp đổi lại là Quốc Thống, nên mới có danh xưng ngài là Quang Thống Luật Sư. Khi ngài viên tịch, cung điện cõi trời hiển hiện trong không, thị tịch tại Đại Giác Tự ở Nghiệp Thành.

Đến thời nhà Tùy, có Trí Thủ (567 ~ 635) luật sư, họ Hoàng Phủ, quê ở An Định (Cam Túc). Thuở nhỏ theo hòa thượng Trí Mân chùa Vân Môn tại An Châu xuất gia. Năm hai mươi hai tuổi thọ cụ túc giới. Thọ giới xong, không biết là mình có đắc giới thể hay không, ngài bèn đến trước tháp Phật cầu xin hiển chứng, thấy Phật xoa đỉnh đầu mình, thân tâm rất an thái. Sau theo Đạo Hồng học Luật. Đồng học hơn bảy trăm người, không ai bằng được ngài. Tuổi chưa đầy ba mươi đã bắt đầu giảng Luật, đức độ cũng như tư cách của ngài được người đương thời thán phục. Khi Tùy Văn Đế kiến lập Thiền Định Đạo Trường tại Trường An, ngài theo thầy là Trí Mân vào Quan, trú nơi tự viện giảng Luật và khảo định các Kinh trong Tam Tạng. Lúc ấy trong Quan chuyên phụng trì Tăng Kỳ Luật, tuy Hồng Tuân (530 ~ 608?) luật sư đã khai sáng Tứ Phần Luật, đạo tục có tuân theo, song lời văn ý nghĩa về Luật nghi chưa rõ ràng. Ngài bèn sáng tác Ngũ Bộ Khu Phận Sao và Tứ Phần Luật Sớ, nêu lên những gì mà các bậc thầy đi trước chưa giải thích, khiến cho chúng được tỏ tường. Từ đó ngài càng nổi tiếng, chính Hồng Tuân luật sư cũng đến dự Pháp tòa của ngài và bảo chúng của mình phải y vào đó mà học. Suốt ba mươi năm trời ngài một mình qua lại Kinh Sư, không ai đương cự nổi, được sắc phong trụ Đại Thiền Định Đạo Tràng, pháp hóa lẫy lừng…

Hồng Tuân luật sư (530 ~ 608), vốn là “Đoán Sự Sa Môn” thời Bắc Tề, họ Thời, người Tương Châu (Hà Nam An Dương). Tám tuổi xuất gia, thọ cụ xong, chuyên học Luật Bộ, vân du các nơi tham học. Ngài thường theo môn đồ của Huệ Quang luật sư là Đạo Vân luật sư để học về Luật yếu và kinh Hoa Nghiêm, cùng tham dự nghe giảng Đại Luận. Ngài còn lên tòa giảng kinh, chúng đều ngưỡng mộ. Sau đó ngài tu tập theo Đại Luận, Tỳ Đàm và pháp điều thuận của Thiền, có đến mười năm. Sau lại tu tập theo Luật trở lại, người theo học có trên cả ngàn. Năm 587 trào nhà Tùy, ngài được sắc phong trụ Đại Hưng Thiện Tự. Ngài là một trong mười vị Đại Đức Sa Môn suốt mười một năm, và tham dự vào dịch trường của Xà Na Khuất Đa. Lại được phong làm “Giảng Luật Chúng Chủ” trong mười sáu năm trời. Tại Sùng Kính Tự giảng Tứ Phần Luật đưa lại một sự biến chuyển mới cho sự học Luật xưa nay vẫn coi trọng Tăng Kỳ Luật trong Quan. Ngoài ra ngài còn tuyên giảng Pháp Hoa Kinh. Thị tịch tại Đại Hưng Thiện Tự. Môn đệ của ngài có Hồng Uyên luật sư, và trong hàng cháu pháp, thời có khai Tổ của Tương Bộ Tông là Pháp Lệ (569 ~ 635) luật sư là nổi tiếng hơn hết.

Sau cùng đến Đạo Tuyên Luật sư, tạo các sớ giải cho toàn bộ Quảng Luật Tứ Phần, thời từ đó Luật Tứ Phần mới trở thành bộ Luật chính yếu làm nền tảng cho sự tu học Luật, và là rường cột vững chắc cho sự hình thành và phát triển Luật Tông vậy.

Ba tác phẩm chính yếu của ngài là:

1. Tứ Phần Luật San Phồn Bổ Khuyết Hành Sự Sao, gọi tắt là Sự Sao.

2. Tứ Phần Luật Hàm Chú Giới Bổn Sớ, gọi tắt là Giới Sớ.

3. Tứ Phần Luật Tùy Cơ Yết Ma Sớ, gọi tắt là Nghiệp Sớ.Ba bộ này được gọi chung là “Nam Sơn Tam Đại Bộ”. Trong đó bộ Sự Sao là quan trọng nhất, đã học Tứ Phần Luật thì không thể nào bỏ sót bộ sách này được. Ngoài ra ngài còn soạn các tác phẩm khác như Thích Môn Chương Phục Nghi, Thích Môn Quy Kính Nghi, Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao. Tỳ Khưu Ni Nghĩa Sao, Quảng Hoằng Minh Tập, Tục Cao Tang Truyện, Thích Thị Lược Phổ, Thích Ca Phương Chí v.v…

Đạo Tuyên (596 ~ 667) luật sư, còn gọi là Nam Sơn Luật Sư hay Nam Sơn Đại Sư. Ngài họ Tiền, người Ngô Hưng tỉnh Triết Giang. Thuở nhỏ đã có tín tâm, năm mười lăm tuổi cảm thán rằng “Danh vọng phú quý của thế gian không thể còn mãi được!”, nên mới tìm lên Kinh Sư hầu hạ Huệ Duân hòa thượng ở Nhật Nghiêm Tự. Năm mười sáu tuổi tụng hết một bộ Pháp Hoa, rồi xuống tóc xuất gia vào năm mười bảy, Năm hai mươi y theo Trí Thủ luật sư thọ cụ. Trước khi thọ giới, ngài đội một hộp báu trên đầu đi nhiễu quanh tháp hành đạo, cảm ứng xá lợi giáng vào hộp, mới tiến vào giới trường thọ giới. Năm hai mươi sáu, theo Trí Thủ luật sư nghe học Luật tạng. Nghe xong một lần, liền muốn về núi ngồi thiền. Hòa thượng Huệ Duân dạy: “Giới có sạch thì định mới sáng, huệ mới có căn cứ. Ông mới nghe chưa tập thành, thì trì phạm làm sao tỏ được.” Ngài lại quay trở lại nghe đi nghe lại đến mười lượt, rồi lại muốn về ngồi thiền. Hòa Thượng nói: “Nghe thêm mười lần nữa đi, thời ta cho ông toại nguyện.” Thế nên ngài lại trở lại trường Luật tu học như trước. Lúc ấy Trí Thủ luật sư sai ngài úp bổn lại giảng. Lúc đầu ngài không dám, sau không từ chối được, mới đành phải úp bổn mà giảng. Ngài nghe Luật hai mươi lần trong vòng sáu năm.

Năm hai mươi chín, vua Cao Tông phế bỏ Nhật Nghiêm Tự, nhóm ngài gồm bảy người phải di tản về Sùng Nghiêm Tự, tại đây ngài soạn Thích Môn Tập Tăng Quỹ Độ Đồ Kinh một quyển (nay không còn nữa). Năm ba mươi mốt, vua Cao Tông sa thải tăng ni, ngài phải lui về Phong Đức Tự Trữ Ma Lan Nhã tại Chung Nam Sơn để ẩn cư. Tại đây ngài bắt đầu viết Sự Sao. Năm ba mươi hai ngài soạn Thập Tỳ Ni Nghĩa Sao ba quyển để giải thích thêm cho Hành Sự Sao. Bản thảo mới xong là lưu truyền ngay sang Tân La, ở Trung Hoa bị tuyệt bổn. Sau đến thời Tuyên Tông mới mang trở về lại.

Khi ngài sáng tác Sự Sao, không hề đề tên tác giả. Sau có một bổn truyền đến Tương Châu, Pháp Lệ luật sư ca ngợi là đích xác vô cùng, và thường hay duyệt đọc, nghi là do Trí Thủ luật sư sáng tác. Sau ngài đến Tương Châu gặp Pháp Lệ luật sư, nhân đàm đạo cùng nhau mà mới phát giác ra là tác phẩm của ngài. Lệ luật sư kinh dị vô cùng, nhân đó mới thỉnh ngài đề tên tác giả vào. Không lâu sau Lệ luật sư viên tịch, ngài cảm thán không cùng, sau đó trùng tu lại Sự Sao.

Năm ba mươi chín, ngài lại cho ra Tùy Cơ Yết Ma một quyển, Hàm Chú Giới Bổn một quyển và Giới Bổn Sớ ba quyển, cùng Giáo Giới Tân Học Tỳ Khưu Hành Hộ Luật Nghi một quyển.

Năm bốn mươi, Trí Thủ luật sư tịch, ngài viết lời thở than trong Tục Cao Tăng Truyện, sau đó ngài soạn Ni Chú Giới Bổn một quyển.

Năm bốn mươi bảy, mẹ ngài mất, ngài tìm đến núi Chung Nam. Năm năm mươi soạn Tỳ Khưu Ni Sao ba quyển. Năm năm mươi hai, trùng tu Tùy Cơ Yết Ma thành hai quyển. Năm sau cho ra lại Tùy Cơ Yết Ma Sớ tăng thành bốn quyển. Năm năm mươi lăm trùng tu Hàm Chú Giới Bổn và Sớ.

Năm sáu mươi bốn, ngài soạn Thích Môn Chương Phục Nghi một quyển, Hộ Tăng Vật Chế một quyển (không còn nữa), Giáo Tục Sĩ Thiết Trai Nghi một quyển (không còn nữa), Hộ Tam Bảo Vật nghi một quyển (không còn nữa), Tịnh Tâm Giới Quán Pháp một quyển. Năm sáu mươi sáu. soạn Thích Môn Quy Kính Nghi một quyển.

Năm sáu mươi chín ngụ tại Tịnh Nghiệp Tự, Chung Nam Sơn. Năm bảy mươi hai, sáng lập Giới Đàn tại đó. Cũng tại đây ngài thường chiêu cảm người trời đến tìm, nên soạn Luật Tướng Cảm Thông Truyện một quyển. Tháng mười năm đó ngài tổ chức Vô Già đại hội. Vào giờ ngọ, đạo tục đều nghe thấy nhạc trời hương thơm khác lạ, Luật Tổ yên lặng ra đi.

Người sau xắp xếp chư Tổ tương thừa của Tứ Phần Luật Tông như sau:

Pháp Chính Tôn Giả (Đàm Vô Đức Tôn giả) là Tứ Phần Luật Chủ.

Pháp Thời Tôn Giả (Đàm Ma Ca La Tôn Giả) là Tứ Phần Luật Sơ Tổ tại Trung Hoa .

Pháp Thông.

Đạo Phú.

Huệ Quang

Đạo Vân.

Đạo Chiếu

Trí Thủ.

Đạo Tuyên.

Tuy nhiên như vậy, song Tứ Phần Luật Tông không phải chỉ duy nhất có một phái, mà thật ra thời có đến ba phái. Kể từ Tổ thứ sáu là Đạo Vân trở đi, trong số môn đệ của Tổ có hai vị Hồng Tôn và Đạo Hồng. Hồng Tôn truyền xuống Hồng Uyên, Hồng Uyên truyền xuống Pháp Lệ. Pháp Lệ cư ngụ tại Tương Châu sáng tác Tứ Phần Luật Sớ mười quyển, trở thành khai Tổ của một phái riêng, gọi là Tương Bộ Tông.

Pháp Lệ lại truyền cho Đạo Thành. Đạo Thành lại truyền xuống có Mãn Ý và Hoài Tố. Mãn Ý ngụ tại Tây Tháp hoằng dương Tương Bộ Luật của Pháp Lệ. Hoài Tố ngụ ở Đông Tháp, sau này không hài lòng với quan điểm của Pháp Lệ, nên soạn Tứ Phần Luật Khai Tông Ký để phá 16 đại nghĩa của Pháp Lệ, mà thành ra một phái riêng rẽ, gọi là Đông Tháp Tông.

Trong khi đó thì Đạo Hồng truyền cho Trí Thủ, Trí Thủ truyền xuống Đạo Tuyên. Đạo Tuyên trở thành khai tổ của Nam Sơn Tông. Vì thế mà đến giai đoạn này Tứ Phần Luật Tông chia thành ba phái.

Sự sai biệt giữa ba Tông này chính yếu là vấn đề “Giới Thể”. Pháp Lệ y theo Thành Thật Luận, giải thích Giới thể là Bất tương ưng hành pháp. Hoài Tố y theo Câu Xá Luận, giải thích Giới thể là Sắc pháp. Trong khi Tổ Đạo Tuyên cũng chấp nhận Giới thể là Bất tương ưng hành pháp, song ngài đi sâu hơn, dùng quan điểm chủng tử trong A lại gia thức để giải thích về Giới thể.

Sự tranh luận giữa ba phái không cùng. Song gay go nhất là giữa hai Tông Tương Bộ và Đông Tháp. Bởi sau này môn đệ của Mãn Ý là Định Tân lại cho ra một tác phẩm gọi là Phá Mê Chấp Ký một quyển, để bác bỏ lại quan điểm của Hoài Tố, mà biện hộ cho chủ trương của Pháp Lệ…

Vì đệ tử của Tổ Đạo Tuyên rất đông, đồng thời chủ trương của Viên giáo cho rằng hành Tứ Phần Luật vẫn là Đại Thừa, rất thích ứng với căn tính Phật giáo Trung Hoa, thế nên sau này cả hai Tông kia đều suy diệt, mà chỉ còn lại Nam Sơn Tông là hưng thịnh và vững bền mà thôi.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tổng Quát Về Giới Luật