Home > Pháp Luận > Thap-Nhi-Mon-Luan

Môn Thứ Nhất: Quán Nhân Duyên Trước Hết Là Môn Nhân Duyên, Chính Là:


Xin thưa rằng: Giờ đây sẽ giải thích sơ lược về ý nghĩa của Ma Ha Diễn (Mahayana).

Hỏi: Giải thích về Ma Ha Diễn có các ý nghĩa lợi ích nào?

Đáp: Ma Ha Diễn (Mahayana) là tạng pháp thâm sâu của mười phương ba đời chư Phật, vì các bậc lợi căn, đại công đức, mà nói.

Chúng sinh đời mạt pháp phúc mỏng căn độn, tuy tìm tòi nơi kinh văn, song không thể thông đạt được. Tôi thương xót các hạng người ấy, muốn giúp họ khai ngộ, cũng là muốn làm rạng rỡ đại pháp vô thượng của Như Lai, cho nên mới giải thích sơ lược về ý nghĩa của Ma Ha Diễn vậy.

Hỏi: Ma Ha Diễn (Mahayana) vô lượng vô biên, không sao kể đếm hết được. Cho dù Phật nói đi nữa cũng không thể tận hết được, huống gì lại giải thích, diễn rộng về ý nghĩa của nó.

Đáp: Do ý nghĩa ấy, nên đầu tiên tôi mới nói là “giải thích sơ lược”.

Hỏi: Cớ gì lại gọi là Ma Ha Diễn (Mahayana)?

Đáp:

1) Ma Ha Diễn (Mahayana) là do cao hơn hai thừa, cho nên gọi là Đại thừa.

2) Chư Phật là lớn nhất, do thừa này có thể đạt đến [Phật vị] nên [thừa này] được gọi là đại.

3) Do chư Phật, các bậc đại nhân, cưỡi thừa này mà đi nên [thừa này] được gọi là đại.

4) Lại do có thể diệt trừ cái khổ lớn của chúng sinh, ban cho họ các điều lợi ích lớn, nên [thừa này] được gọi là đại.

5) Lại do các bậc đại sĩ như các Bồ Tát Quán Thế Âm, Đắc Đại Thế, Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc v.v… cưỡi thừa này, nên [thừa này] được gọi là đại.

6) Lại do vì thừa này có thể thấu tận đến hết bờ đáy của tất cả các pháp nên [thừa này] được gọi là đại.

7) Lại như trong kinh Bát Nhã Phật tự nói rằng ý nghĩa của Ma ha Diễn (Mahayana) vô lượng vô biên. Do nhân duyên ấy nên [thừa này] được gọi là đại.

Thâm ý nghĩa của phần đại [thuộc Đại Thừa] ở đây chính là nghĩa không. Nếu có thể thông đạt được nghĩa này, tức là thông đạt được Đại Thừa, đầy đủ sáu Ba La Mật (Paramita) không gì chướng ngại nữa. Cho nên giờ đây tôi chỉ giải thích về không.

Giải thích về không thời sẽ lấy mười hai môn để nhập vào nghĩa không.

Môn thứ nhất: Quán Nhân Duyên Trước hết là môn nhân duyên, chính là:

Chúng duyên sở sinh pháp
Thị tức vô tự tính
Nhược vô tự tính giả
Vân hà hữu thị pháp?

Dịch:

Pháp do chúng duyên sinh
Chính là không tự tính
Nếu không có tự tính
Pháp ấy làm sao có?

Pháp do chúng duyên sinh có hai loại: một là trong, hai là ngoài. Chúng duyên cũng có hai loại: một là trong, hai là ngoài.

1) Nhân duyên ngoài là: như đất sét, dây thừng, thợ gốm v.v… hòa hợp lại nên có bình sinh ra.

Lại như dây sợi, máy dệt, thợ dệt v.v… hoà hợp lại nên có tấm vải sinh ra.

Lại như đất đắp, nền móng, cột kèo, cỏ bùn, nhân công v.v… hòa hợp lại nên có nhà sinh ra.

Lại như sữa ủ, đồ đựng, khuấy trộn, nhân công v.v… hoà hợp lại nên có sữa đặc sinh ra.

Lại như hạt giống, đất, nước, lửa, gió, hư không, thời tiết, nhân công v.v… hoà hợp lại, nên có mầm cây sinh ra.

Do đó thấy rõ các pháp thuộc duyên bên ngoài đều một kiểu như vậy.

2) Nhân duyên trong là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, mỗi thứ đi trước làm nhân mà sinh thứ đi sau.

3) Do đó các pháp trong ngoài đều từ chúng duyên mà sinh. Do từ chúng duyên mà sinh thì không phải là không có tự tính đó hay sao?

4) Mà nếu tự tính của các pháp là không có, thì tha tính cũng không có, tự tha [cộng lại] cũng không có.

– Tại sao vậy?

– Do nhân nơi tha tính nên không có tự tính. Nếu bảo rằng [các pháp] do tha tính cho nên có chứ không do [tự tính], ắt trâu do tính ngựa mà có, ngựa do tính trâu mà có ; quả lê do tính quả nại mà có, quả nại do tính quả lê mà có. Ngoài ra [mọi trường hợp khác] sẽ đều phải như vậy, nhưng thật ra không hề đúng như thế. Nếu bảo rằng [các pháp] không do tha tính mà có, mà chỉ nhân tha để có thôi. Điều này cũng không đúng.

– Tại sao vậy?

– Nếu do cỏ bồ cho nên chiếu mới có, thì cỏ bồ và chiếu phải là một thể, không được coi là tha [đối với nhau]. Nếu bảo rằng cỏ bồ là tha đối với chiếu, thì không được nói rằng “do bồ nên có chiếu” nữa.

Lại nữa, cỏ bồ cũng không có tự tính.

– Tại sao vậy?

– Cỏ bồ cũng từ chúng duyên mà ra nên không có tự tính. Vì không có tự tính nên không được nói rằng do tính cỏ bồ cho nên có chiếu. Cho nên chiếu không thể nào lấy cỏ bồ làm thể được.

Ngoài ra như bình, sữa đặc v.v…, các pháp do nhân duyên ngoài mà sinh đều y như vậy, đều không thể có được.

Các pháp do nhân duyên trong mà sinh cũng như vậy, cũng không thể có được. Như trong luận Thất Thập có nói:

Duyên pháp thực vô sinh
Nhược vị vi hữu sinh
Vi tại nhất tâm trung
Vi tại đa tâm trung?

Dịch:

Pháp duyên thật không sinh
Nếu bảo là có sinh
Thì là tại một tâm
Hay là nơi nhiều tâm?

Pháp mười hai nhân duyên này, thật sự tự nó không sinh, nếu bảo là có sinh thì là trong một tâm mà có [sinh], hay là trong nhiều tâm mà có [sinh]?

Nếu trong một tâm mà có [sinh], thì nhân và quả sẽ cùng sinh một lúc. Lại nhân và quả mà cùng có một lúc, điều này không đúng. Tại sao vậy? Thường các sự vật phải trước là nhân, rồi sau mới quả vậy.

Nếu trong nhiều tâm mà có [sinh], thời pháp mười hai nhân duyên sẽ mỗi pháp mỗi khác. Phần trước cùng với tâm diệt rồi, phần sau lấy gì làm nhân duyên đây? Diệt pháp vốn không có gì nữa thì làm sao làm nhân đây?

Pháp mười hai nhân duyên nếu trước đã có rồi thì phải hoặc là một tâm, hoặc là nhiều tâm. Cả hai trường hợp đều không đúng. Cho nên chúng duyên đều là không.

Do duyên là không nên các pháp từ duyên mà sinh cũng là không. Cho nên phải biết rằng tất cả các pháp hữu vi đều là không. Các pháp hữu vi còn là không thì huống gì là ngã [lại có được hay] sao? Nhân các pháp hữu vi như năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, nên mới nói là có ngã, như nhân [vật liệu] để đốt được, mới nói là có đốt. Nếu ấm, nhập, giới là không, thì sẽ không có pháp nào nữa để có thể nói là ngã, như không có [vật liệu] để đốt được, thởi không thể nói là đốt.

Như Kinh có nói: ”Phật  bảo chư Tỳ Khưu: Nhân ngã nên có ngã sở. Nếu không có ngã ắt không có ngã sở”. Cũng thế, do các pháp hữu vi là không nên phải hiểu pháp Niết Bàn (Nirvana) vô vi cũng là không. Tại sao vậy?

Năm ấm này diệt mà không sinh năm ấm khác nữa, thì gọi là Niết Bàn (Nirvana). [Song] năm ấm vốn tự là không, thì có cái gì diệt đâu mà nói là Niết Bàn (Nirvana)?

Lại ngã cũng là không, thì ai đắc Niết Bàn (Nirvana) đây?

Lại nữa pháp vô sinh gọi là Niết Bàn (Nirvana). Mà nếu pháp sinh có thành thì pháp vô sinh [dĩ nhiên] cũng phải thành. [Giờ đây] pháp sinh không thành, trước đã nói nhân duyên, sau sẽ lại nói nữa. Cho nên pháp sinh không thành. Mà nhân pháp sinh nên mới gọi là vô sinh. Nếu pháp sinh đã không thành thì pháp vô sinh làm sao thành đây?

Cho nên hữu vi, vô vi và ngã đều là không.