Home > Kinh Điển > Kinh-Vo-Luong-Nghia

Lời Giới Thiệu


Phật dùng ba chữ  “VÔ LƯỢNG NGHĨA”  để mệnh danh cho cuốn kinh này, là vì có nghĩa không lường ở trong từng câu từng chữ vậy.  Đã có không lường nghĩa, tất nhiên nói không kịp, nghĩ thì sai, chỉ Phật mới hoàn toàn thấu suốt được.

Tuy phàm trí chúng ta không thấu được Thánh trí, nhưng chúng ta cũng có thể căn cứ vào hai chữ Vô lượng mà hiểu.  Pháp của Phật nói ra có nhiều Vô lượng bởi vì căn cơ chúng sinh có nhiều vô lượng, nên phải dùng vô lượng nghĩa mầu để chỉ cho chúng sinh vô lượng tâm niệm mê lầm, vô lượng nhân quả, vô lượng chủng loại, vô lượng thế giới...  Cho đến vô lượng công đức từ, bi, hỷ, xả, vô lượng thần thông diệu dụng v.v.  Pháp nào cũng vô lượng, vì pháp nào cũng không ra ngoài thật tướng viên dung vô lượng.

Trong kinh này Phật đã trả lời cho Ngài Đại Trang Nghiêm Bồ tát ;  Có một pháp môn gọi là “Vô Lượng Nghĩa”.  Bồ tát muốn tu học pháp môn này, cần phải quán sát tất cả các pháp bản lai tánh tướng đều rỗng rang vắng lặng, không lớn nhỏ, không sanh diệt, không dừng nghĩ, không lay động, không tới lui, như hư không, không có hai tướng.  Các loài chúng sinh ở trong ấy, sanh tâm vọng chấp là đây với kia, đặng với mất, rồi khời ra các tâm niệm không lành, gây các nghiệp dữ, luân hồi trông 6 đường, chịu đủ các khổ độc, vô lượng ức kiếp không thể tự ra được.  Bồ tát quán sát như vậy, sanh tâm thương xót, phát tâm đại từ bi cứu độ tất cả chúng sinh ra khỏi vô lượng khổ não v.v...”

Như thế đã làm cho chúng ta nhận thấy bản ý của Phật nói kinh này, cốt chỉ rõ thể tướng vô lượng của vô lượng thân, tâm và sự vật.  Nếu muốn chứng nhập phải từ một nghĩa trong vô lượng nghĩa, lìa tất cả nói phô và suy nghĩ, lóng thần lại mới hội ý được.  Vậy nên Phật đã chỉ cho chúng ta bằng lời, chúng ta phải hiểu bằng ý ngoại mà quán sát, mà tu học.

Thầy Mật Thể Hải Tịnh, Giáo sư Phật học đường Trung Việt, dịch cuốn kinh này là góp vào một viên đá trong vô lượng viên đá của nền tảng Phật giáo quốc văn, cốt ý gieo giống vô thượng Bồ đề trong ruộng bát thức của thế gian này. 

Hội đồng chúng tôi một lòng tùy hỷ viết mấy lời này giới thiệu cùng hải nội chư vị thiện tri thức mong rằng khi đọc cuốn kinh này thần lặng trí yên, thâm nhập nghĩa mầu vô lượng, để cho tâm tánh bớt mê, nhân loại được sáng, cõi đời ô trọc biến thành thanh tịnh trang nghiêm, thì nhân sanh hạnh phúc còn có gì hơn nữa!

Phật lịch 2513 Thuận Hóa Xuân Canh Dần

Chủ tọa Hội đồng Kiểm duyệt
Giáo lý Phật giáo Trung Việt
THÍCH TỊNH KHIẾT