Kinh Duy Ma Cật Bất Khả Tư Nghị (Kinh Duy Ma Cật Chẳng Thể Nghĩ Bàn) là bộ kinh nói về chỗ tuyệt diệu vô cùng huyền vi biến hóa tận tột. Chỗ đó sâu thẳm huyền vi, không thể dùng lời lẽ hình tướng mà đo lường được. Đạo vượt tam không, kẻ nhị thừa không thể nghĩ bàn tới; siêu xuất quần sanh, sô' lượng, tuyệt cái cảnh hữu tâm. Nhỏ nhiệm, lớn lao, vô vi mà không gì chẳng làm. Vì chẳng biết chỗ “Nhiên” ấy mà có thể “Nhiên” cho nên chẳng thể nghĩ bàn vậy.
Vì sao? Vì Thánh trí vô tri cho nên soi chiếu khắp muôn vật Pháp thân không hình không tượng mà ứng hợp mọi hình. Âm vận không lời lẽ mà trang trải khắp kinh sách huyền nhiệm. “Quyền” mà không mưu trí nhưng động thì hợp việc, cho nên có thể cứu độ khắp phương, khai vật thành việc, lợi khắp thiên hạ.
Nơi ta thì vô vi nên cái thấy được cảm chiếu nhân dó gọi là trí. Quán vật để ứng hình thì gọi đó là thân. Đạo đem huyền nhiệm khắp kinh sách tùy nơi nên gọi đó là lời. Thấy biến động mà ứng hợp gọi là quyền. Chỗ chí cực của Đạo há có thể dùng hình tượng, lời lẽ, quyền trí mà bàn được ư?.
Nhưng giấc ngủ của quần sanh đã lâu dài, chẳng dùng lời lẽ thì không sao hiểu nổi. Đạo chẳng chuyển vận một mình, rộng mở do người. Do đó đức Như Lai mới bảo đức Văn Thù đến nơi phương khác mời đức Duy Ma Cật ở quốc độ khác tụ tập nơi thành Tỳ Da Ly để cùng rộng mở đạo này. Đó là chỗ kinh này muốn nói rõ.
Muôn hạnh phải lấy trí làm chủ, gốc cây đức phải dùng lục độ làm rễ. Tế độ kẻ mê mờ, lầm lạc phải dùng từ bi làm đầu. Nói cái cực diệu tông yếu ắt dùng chẳng hai làm cửa. Do đó muôn lời nói đều lấy bất tư nghị (chẳng thể nghĩ bàn) làm gốc.
Chỗ mượn tòa ngồi nơi Đăng Vương Phật, thỉnh cơm nơi Hương Quốc, tay tiếp cõi Đại Thiên, nhà bao trùm trời đất đều là dấu tích của bất tư nghị vậy.
Nhưng cửa quan khó mở nên thánh ứng chẳng đồng. Không có gốc thì không lấy gì làm dấu tích. Không có dấu tích thì không lấy gì để hiển gốc. Gốc, tích tuy khác nhưng chỉ một bất tư nghị thôi.
Cho nên chiếu cho kẻ Thị giả lấy mục đích làm tên kinh.
Vua nhà Đại Tần tinh thần khác hẳn hơn đời, riêng ngộ huyền tâm hoằng hóa để an trị thì trên vạn cơ mưu, cho nên chấn hưng đạo giáo hóa đã hơn ngàn năm nay. Nhiều phen tìm những kinh điển quý báu để làm cái nhà trú ngụ cho tâm thần, nhưng chỗ xuất phát ở Thiên Trúc thì quá xa, ngại lý bị ứ trệ nơi văn tự, lại e chỗ tông chỉ huyền diệu bị sai sót nơi người dịch. Kinh này do kẻ môn đồ ở Bắc Thiên Trúc chuyển qua hiện vẫn còn, nên đời Hoàng Thỉ năm thứ Tám chiếu sai Đại tướng quân Thường Sơn Công, Hữu tướng quân An Thành Hầu, cùng với Sa môn của Nghĩa Học thiền sư hơn một ngàn hai trăm người tại chùa Đại Tự nơi Trường An mời Pháp Sư La Thập dịch lại bản chánh. Lấy cái độ lượng cao kiến hơn đời của đức Sư Thập để thấu xét cảnh chân thật của tâm. Ngài La Thập đã tận tột trong cảnh, lại rành rẽ tiếng bản xứ, tay cầm bản chữ Phạn miệng đọc dịch. Kẻ đạo người tục đều kính nể. Mỗi câu đều đọc đi đọc lại, sữa chữa kỹ càng, gắng sức cho còn thánh ý.
Lời văn giản dị mà trực chỉ, theo yếu lý thuận xuôi mà nêu bày, lời lẽ cao xa tinh vi hiển rõ cái “Nhiên”.
Tôi được dự thính một thời gian ngắn, tuy chỗ suy xét chưa được sâu xa, nhưng cũng hiểu được thô sơ văn ý, nên thuận theo chỗ nghe mà chú giải, lược ghi thành lời, thuật lại chứ không phải tự làm để bậc quân tử đời sau được cùng nghe vậy.