Home > Giảng Kinh > Kinh-Bach-Du-Giang-Giai

Người Ngu Ăn Muối


Kinh Bách Dụ Người Ngu Ăn Muối:   Người ngu đến nhà bạn ăn cơm, song hiềm vì món canh vô vị nhạt nhẽo nên khó ăn, chủ nhà thấy vậy rắc muối thêm vào, người ngu thấy vị đậm đà hơn, nên suy nghĩ chỉ mới cho chút ít mà đã ngon như vậy, nếu nhiều sẽ càng ngon hơn, liền trút cả lọ vào miệng nào dè vừa mặn chát khó nuốt, vừa ói cả ra. Ngoại đạo nghe tiết chế ăn uống có thể đắc đạo, nên nhịn không ăn, trải qua 7 ngày hay 15 ngày, tự bị đói hành, chẳng ích gì cho đạo quả, như người ngu chỉ ăn muối không, dẫn đến quả khổ.

Lời Bình:  Kinh Kim cương đức Phật tuyên thuyết, nhất thiết pháp giai thị Phật pháp, mọi pháp đều là Phật pháp, chẳng riêng nơi kinh điển mới có Phật pháp, mà nơi thế gian cũng dẫy đầy Phật pháp, không chỉ nơi lời đức Phật mới có Phật pháp mà ngay lời nói hay ý tưởng của kẻ ngu cũng tràn đầy Phật pháp. Nếu thường tư duy, cứu xét căn nguyên của các pháp tất sẽ nhận ra điều này, bằng không thì học Phật pháp mà vẫn hiểu thành thế gian pháp như những gì được trình bày qua các câu chuyện ngu, vì chỉ nhận ra hiện tượng mà không thấy căn nguyên. Tăng triệu nói, Pháp thân vô tượng, ứng vật nhi hình, bát nhã vô tri đối duyên nhi chiếu (Pháp thân không hình tượng, theo vật mà hiện, bát nhã vô tri đối duyên mà chiếu). Thấy hình tượng, nhận ra duyên thì dễ, nhưng nơi hình thấy Pháp thân, nơi duyên nhận được bát nhã mới là giá trị cứu cánh.

Mong rằng chúng ta sẽ nhờ sức tư duy nhận chân được chính nhân nơi mọi duyên, tức bát nhã, thấy được vô tướng trong mọi tướng tức pháp thân.

Câu chuyện người ngu ăn muối cho thấy sự tư duy khác biệt giữa chủ nhà và khách.

Chủ nhà vừa biết điều vị, vừa biết gu khách, nên khéo làm hợp khẩu khách, như bồ tát độ sinh vừa biết điều pháp vị, vừa biết căn tính chúng sinh, điều vị pháp sao cho khế hợp căn tính (khế cơ), khiến chúng sinh được hưởng cam lồ pháp vị (khế lý), dụ như điều cả ba vị giới định huệ tất thành vị giải thoát, nhưng khi thiết pháp độ người tham thì giới nhiều hơn định huệ, người sân thì định nhiều, và người si thì tăng huệ, khiến các hạng này đều được nếm vị giải thoát hợp khẩu. Giáo pháp của Như lai tuy chỉ có một vị duy nhất là giải thoát, nhưng vị giải thoát gồm nhiều vị pháp phương tiện hợp thành, biết điều các pháp phương tiện mới nếm được vị giải thoát, trong vị giải thoát có mọi vị phương tiện, trong mọi vị phương tiện có vị giải thoát, như đức Phật phải tu vô lượng đạo phẩm, mà tiêu biểu là 37 đạo phẩm, mới giải thoát.

Người ngu không hiểu chỉ theo một pháp, như giới định huệ, chỉ theo giới bỏ định huệ, theo giới rồi lại chỉ chọn oai nghi đi đứng bề ngoài, bỏ tính chất đoạn ác hành thiện, và nhiêu ích hữu tình của giới pháp, chẳng khác nào người ngu không biết vị ngon là nhờ điều nhiều vị với nhau, mà chỉ riêng chọn một vị là muối, loại bỏ hết các vị kia, nên biến ngon thành dở, cái dở của muối nếu khéo biết điều lại trở thành vị ngon, cũng vậy cái ngu mà nhận ra lại thành cái khôn, cái khôn mà không đúng thật lại thành cái ngu. Điều này nói lên bản tính của muối là chẳng ngon chẳng dở, ngon dở chỉ tùy duyên.

Lại dụ như vị ngon của canh chua, bao gồm các vị, cay chua mặn ngọt hợp thành, nếu thiếu một vị tất vị ngon không thành, vì vậy chủ nhà nhận ra khách ăn không ngon là do thiếu một vị, đó là vị mặn nên thêm muối cho vừa miệng khách, người ngu kia không biết như vậy chỉ thấy hiện tượng trước mắt là thêm muối, mà không biết bản chất như chủ nhà, nên vọng tưởng muối là ngon, may mà không thiếu vị cay, nếu thiếu chắc hẳn chủ nhà sẽ cho thêm ớt và người ngu kia càng khổ sở hơn vì tham ngon. Hơn nữa phải hiểu rằng nếu điều các vị đó với nhau thì gọi là canh chua, nhưng nếu bỏ vị chua ra sẽ thành canh khác, chỉ dùng muối thôi lại thành canh mặn, người ngu muốn hưởng vị ngon của canh chua, nhưng chung cục lại chịu cái dở khủng khiếp của canh muối.

Phật pháp cũng vậy, vị giải thoát là tổng hợp của ba vị giới định huệ, nếu bỏ đi một sẽ không thành vị giải thoát nữa, chỉ hành một pháp thì trở ngược thành pháp trói buộc, pháp trói buộc mà khéo biết dụng lại thành giải thoát, nên chư Phật được tôn xưng là Pháp vương, tự tại với mọi pháp mà không hề kiêng úy pháp nào. Tham dục của chúng sinh, chư Phật cũng biến thành pháp trợ duyên tu tập, như theo thị hiếu tham dục của họ, bầy cho cách được phúc báo cõi nhân, rồi tăng dần lên tới thiên, khi có đủ phúc hưởng thụ, nhưng còn sự chết đe dọa cướp đi tất cả mọi dục lạc họ khổ công tạo dựng, thì chư Phật dậy cho pháp liễu sinh thoát tử. Như vậy tính tham dục của chúng sinh cũng trở thành thiện nghiệp trợ duyên cho họ tu hành, nếu khéo biết điều.

Lại như người tu hành ban đầu cần tài chính để làm Phật sự, dần dà huân tập tư tưởng này nghĩ là mới có chút tài chính đã làm được một số Phật sự, như vậy nếu có nhiều tiền tất sẽ làm được nhiều Phật sự hơn, nên dốc hết tâm chí vào việc kiếm tiền, rồi biến kiếm tiền thành Phật sự, thay vì kiếm tiền để làm Phật sự, tạo nhân duyên ái thủ, xa đạo gần đời, chịu bao nhiêu nỗi cực y như tục nhân, chẳng khác nào người ngu ăn muối.

Từ câu chuyện này, chúng ta sẽ thu nhận được giới định huệ qua người ngu này, tự răn để đừng rơi vào những tư duy ngu ngốc đó, là giới. Răn không để vô minh sinh sản, trí huệ mới có cơ hội phát triển, đó mới thực là giới, vì nhờ giới này mới sinh huệ. Thấy rõ chỗ ngu, là thấy rõ được gốc ngu (bản chất), đó gọi là huệ. Chỉ biết phan duyên và nhận định sự vật qua hiện tượng mà không thấy bản chất thật, Phật pháp gọi là y thức bất y trí, thuộc về vô minh. Thường răn (giới) và thường nhận ra mọi chỗ ngu (huệ) là định.

Người ngu trong câu chuyện này chưa thật chí ngu vì gã chưa được nghe chuyện ngu của gã, còn những người từng nghe chuyện ngu này và cười chê gã, nhưng rốt cục trong đời sống vẫn học theo cách suy nghĩ và hành động của gã, mới quả là chí ngu.

Ngẫm lại cái ngu của thời xưa giờ lắm người học theo và còn cho đó là khôn nữa mới thực chí ngu.