Tài liệu tham khảo: Dẫn nhập Khởi tín luận (mục 8) của tôi, Phật học nghiên cứu (bài 11) của Lương Khải Siêu, Chính 14/501, 25/30 32, 43/1, 45/8.
(1)
Dị tông luận (Dị bộ tông luân luận) là 1 trong vài tác phẩm được thấy trong Hoa tạng, nói về học thuyết của các bộ phái tiểu thừa. Các bộ phái này, có 20 tất cả, dĩ nhiên phong phú đến phức tạp về học thuyết. Học thuyết ấy chắc chắn cho thấy giai đoạn trước đó là gì và giai đoạn sau đó là gì. Vậy mà tài liệu để được biết đến thì quá ít. Dị tông luận đã giúp được phần nào trong việc này.
Dị tông luận có 3 bản Hoa dịch. Bản 1 chưa xác định được dịch giả, gọi tắt là Tần dịch. Bản 2 là của ngài Chân đế, gọi tắt là Lương dịch. Bản 3 là của ngài Huyền tráng, gọi tắt là Đường dịch. Bản này là định bản, được dịch vào ngày tiền Vu lan 1226 (682), và do chính đại sư Khuy cơ giải thích bằng cách vừa tham dự công việc phiên dịch của thầy vừa nghe thầy giảng giải mà ghi chép lại, mệnh danh Dị bộ tông luân luận thuật ký, hiện có trong Vạn 83/211 234, và gọi tắt là Thuật ký.
Bản dịch của tôi lấy Đường dịch làm chính văn, nhưng đối chiếu rất nhiều với Tần dịch, nhất là Lương dịch, lại căn cứ rất nhiều vào Thuật ký. Có điều từ C trong B cho đến hết, Thuật ký mà Vạn 83/228 233 chép thì nghĩa vẫn khá, dẫu rằng có chỗ quá lược; nhưng văn đáng ngờ đến nỗi có thể quyết chắc không phải của đại sư Khuy cơ. Tựu trung, tệ nhất là trọn phần D trong C nói về học thuyết của Thuyết hữu bộ (tên gọi tắt của Thuyết nhất thế hữu bộ), không giúp gì bao nhiêu cho sự tham khảo, nên tôi đành tự thực kỷ lực mà không có gì bảo đảm. Những bản giải thích sau này tôi biết có, nhưng lúc này tìm mượn không ra.
Tác giả Dị tông luận là bồ tát Thế hữu, thuộc Thuyết hữu bộ. Niên đại của ngài là bách kỷ 4 sau Phật nhập niết bàn. Thế hữu cũng dịch là Thiên hữu, hoặc dịch âm là Bà tu mật. Ngài là người mà Thiền tông nói là tổ thứ 7, còn tựa của Bà tu mật tập thì nói sẽ nối đức Từ tôn mà thành Sư tử như lai. Thế nhưng ngài Thế hữu thủ tọa kiết tập Đại tỳ bà sa (bách kỷ 7 sau Phật niết bàn) thì không phải là ngài. Tác phẩm của ngài trong Hoa tạng thấy có Phẩm loại túc luận và Giới thân túc luận (là 2 trong số 6 túc luận), Bà tu mật tập và luận này. Xét văn cách luận này mà thôi cũng đủ để thấy ngài là một tác giả bác học, nghiêm chỉnh và tự tín. Nội cái việc đối với ngài Đại thiên ngài không có lời chữ nào cho thấy có ý công kích, cũng đủ chứng tỏ phong cách của ngài.
(2)
Có mấy vấn đề liên quan đến sự phân hóa bộ phái cần phải nêu lên ở đây. Trước hết, hãy nói bối cảnh của sự phân hóa ấy. Nguyên nhân phân hóa mà luận này nói, chỉ là nói bản thân Phật giáo. Kỳ thật sự phân hóa ấy bị bức xúc, và bức xúc không ít, bởi thời thế lúc ấy. Phâểt niết bàn 152 năm (trước dương lịch 327 năm) thì A lịch sơn đại xâm nhập Ấn độ, khiến xứ này chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp không ít. Rồi hơn 50 năm sau, A dục vương xuất hiện, thống nhất Ấn độ, làm cho Phật giáo trước đó chỉ lưu hành một dãy phụ cận Ma kiệt đà (Trung Ấn) mà nay có mặt khắp cả những nơi phong tục và ngôn ngữ khác nhau. Bối cảnh phân hóa của các bộ phái là như vậy: phân hóa mà thích ứng để tự tồn.
Thứ hai, hãy nói nguyên nhân của sự phân hóa bộ phái. Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ không phải mới phân hóa khi có ngài Đại thiên, với 5 sự do ngài đưa ra. Mà 2 bộ phái này đã có ngay khi ngài Ca diếp triệu tập đại hội 1 của kiết tập 1, và trách nhiệm phải được qui cho chính ngài Ca diếp. Còn 5 sự của ngài Đại thiên thì rõ ràng đánh giá lại đạo quả La hán, cho thấy đạo quả này rất bất toàn. Sự đánh giá này Dị tông luận cho thấy được tán đồng không ít. Còn nhân cách của ngài Đại thiên thì xưa nay hầu hết nói theo Đại tỳ bà sa (cuốn 99), một sự phản tuyên truyền quá ấu trĩ. Ngay đại sư Khuy cơ khi giải thích luận này cũng vậy, dầu ở tác phẩm khác là Du dà lược soán (Chính 43/1) lại nói khá trái lại, (coi phụ lục 1).
Thứ ba, hãy nói công tội của sự phân hóa bộ phái. Lịch sử có thể có trường hợp có phân hóa mới có tiến hóa. Nên nhìn một mặt thì phân hóa bộ phái là có tội, nhưng nhìn mặt khác thì sự phân hóa ấy làm cho Phật giáo phong phú. Đoạn kinh Văn thù vấn (phụ lục 2) đã cho nhận thức này. Phụ lục ấy còn cho thấy sự phân hóa bộ phái là lấy trí tuệ (bát nhã) làm sở trường, suy diễn và phát kiến về Phật thuyết, nhưng trọng Luận hơn Kinh đến nỗi cuối cùng Kinh lượng bộ mới chấm dứt tình trạng này.
(3)
Có một sự kiện mà tôi muốn nói sự nhận xét của tôi, bổ túc cho đoạn 2 trên đây. Ấy là sự phân hóa bộ phái trong thời đại A dục. Dị tông luận nói sự phân hóa bắt đầu từ thời đại này. Lại nói thời đại này là đầu bách kỷ 2 sau Phật niết bàn. Nhưng thời đại này các bộ phái đã và đang phân hóa cực điểm, đến nỗi Dị tông luận đã ghi Thượng tọa bộ cũng phân ra Thuyết hữu bộ. Và sự kiện quan trọng là các bộ phái bắt đầu chép ra văn bản 3 tạng mà mình học thuộc lòng, bằng những ngữ văn của địa phương giáo hóa. Tây tạng tương truyền có đến 4 ngữ văn: ngữ văn Maharastra, của Đại chúng bộ ở địa phương này; ngữ văn Paisaci (Paly) của Thượng tọa bộ ở dãy Ujayana; ngữ văn Apabhramsa, của Chánh lượng bộ ở dãy Surasena; ngữ văn Samkrta, của Thuyết nhất thế hữu bộ ở Kasmira và Gandhara. A dục vương không những là hộ chủ của 3 tạng Paly mà còn truyền bá 3 tạng này. Sự kiện này, nhất là chính kinh tạng Paly chép chuyện A dục vương không ít, chứng tỏ nay gọi 3 tạng ấy là nguyên thỉ thì không đúng.
(4)
Nay, hãy tạm gác những nhận xét và kết luận của một số học giả mà nhìn thẳng vào học thuyết các bộ phái do Dị tông luận lược thuật, thì thấy như sau.
Đối với Tiểu thừa, La hán là hoàn toàn. Phật cũng chỉ là một vị La hán mà thôi. Nói trái lại thì là đầu mối tranh luận và phân hóa. Thế nhưng không phải chỉ hệ Đại chúng bộ với ngài Đại thiên mới nói trái lại, mà hệ Thượng tọa bộ, kỳ lạ nhất là Tuyết sơn bộ do Thượng tọa bộ chuyển danh, cũng nói như vậy. Càng kỳ lạ hơn nữa là Độc tử bộ nói đến cái "bổ đặc dà la", kỳ lạ đến ngạc nhiên hơn nữa là Kinh lượng bộ nói đến cái "thắng nghĩa bổ đặc dà la". Chưa hết, lui lại, Thuyết hữu bộ đã nói: "Phật đà với Thanh văn Duyên giác không khác nhau về giải thoát, nhưng thánh đạo của tam thừa thì không đồng đẳng". Thuyết hữu bộ còn hạ giá quả vị La hán hơn cả 5 sự Đại thiên. Như vậy có thể nói vắn tắt, qua học thuyết của các bộ phái thì Phật quả mới hoàn toàn, La hán chỉ đồng nhất một phần với Phật quả về đoạn đức (giải thoát phiền não) nhưng không đồng nhất với Phật quả về trí đức (chứng ngộ các pháp) và ân đức (giáo hóa chúng sinh). Thế nên chẳng phải Đại chúng bộ mới liên quan Đại thừa. Chúng ta có thể thấy bóng dáng Hoa nghiêm Pháp hoa Bát nhã nơi Đại chúng bộ, và, lạ thay, thấy bóng dáng Niết bàn nơi Độc tử bộ và Kinh lượng bộ. Còn nữa, Pháp tạng bộ nói 5 pháp tạng Kinh, Luật, Luận, Minh chú, Bồ tát, thì đích thị không những liên hệ Đại thừa mà còn là Đại thừa mật tông xa xuôi về sau. Các bộ này toàn là hệ Thượng tọa bộ cả. Đặc biệt hơn nữa, qua sự phiên dịch về Luận của ngài Huyền tráng và sự phiên dịch về Luật của ngài Nghĩa tịnh, trong Hoa tạng, Thuyết hữu bộ tương đối hoàn bị hơn cả, và rất dễ dàng thấy bộ này là tiền thân của pháp tướng trong Duy thức học.
Phụ Lục 1
Trích Du Dà Lược Soán, Chính 43/1
Thích luận giải thích như sau. Phật niết bàn rồi việc ma lộn xộn là sau khi Phật nhập niết bàn, trong bách kỷ 1, do ngài Đại thiên mà có sự tranh biện về 5 sự. Ngài Đại thiên danh cao đức lớn, đạo quả đã chứng mà tuổi tác đang nhỏ, vương hầu khâm phục phong cách, tăng chúng ngưỡng mộ đạo hạnh, siêu quần bạt tục nên phàm phu tục tử lúc ấy đố kﬠvu khống ngài làm 3 tội nghịch. Tình trạng kịch liệt thêm vì 5 sự [mà ngài đưa ra]. Ngài Đại thiên có bài chỉnh cú sau đây.
Kẻ khác dẫn dụ,
còn sự không biết,
còn điều hoài nghi,
người khác giúp vào,
và chính thánh đạo
cũng có nhờ tiếng:
như thế gọi là
Phật giáo chân thật.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 1, kẻ khác dẫn dụ là] các vị La hán không có 2 sự phiền não và xuất tinh, nhưng bị ma vương dẫn dụ, hoặc bị ma vương đem tinh khí vấy bẩn vào y, làm như tinh xuất. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, bị cảnh mê hoặc mà tâm ô nhiễm, ban đêm tư tưởng mà xuất tinh bẩn y rồi đổ cho ma vương quấy phá. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối
Ngài Đại thiên giải thích [sự 3, còn điều hoài nghi là] các vị thấy biết đế lý thì cái nghi đối với chân lý, tức cái nghi của phiền não, tuy bị diệt trừ cả rồi, nhưng [ban đêm hay nhìn xa] nghi cây trụi là người, thì cái nghi đối với sự thường này vẫn còn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói các bậc thánh còn có nghi hoặc. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 2, còn sự không biết là] sự không biết có 2 thứ: có ô nhiễm và không ô nhiễm; các vị La hán không còn sự không biết có ô nhiễm, nhưng sự không biết không ô nhiễm thì vẫn còn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói bậc La hán còn có sự không biết không ô nhiễm. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 4, người khác giúp vào là] các bậc lợi căn như ngài Xá lợi phất vân vân mà còn nhờ thiện hữu giúp cho vào đạo, vậy có người nhờ người khác dẫn giúp vào đạo là điều chắc chắn. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phàm phu ngu tối, không hiểu giáo lý chân thật, nói những bậc lợi căn như ngài Xá lợi phất vân vân mà còn nhờ người khác dẫn giúp vào đạo, mà còn không tự biết đã chứng vào đạo quả La hán, [nhờ Phật nói cho mới biết], huống chi các người. Thế là thành ra mâu thuẫn chống đối.
Ngài Đại thiên giải thích [sự 5, và chính thánh đạo cũng có nhờ tiếng là] các bậc tu tập từ đời trước, vì tu đã nhiều đời nên khi sắp chứng đạo quả thì nhân Phật nói khổ nói không vân vân, nghe là ngộ nhập đạo lý, là chứng nhập thánh quả. Như vậy dưới lời Phật nói, có nhiều người hiện tại chứng quả, lại có nhiều người chán khổ, tự kêu lên cái tiếng chán khổ mà thánh đạo phát hiện. Các vị khác phỉ báng rằng Đại thiên phạm các tội nghịch, nhưng chưa mất thiện căn nên biết sợ sa đọa, đêm ngủ hay kêu khổ quá, đệ tử cho là bị bịnh nên sáng ra hỏi thăm, Đại thiên nói không bịnh, đệ tử hỏi vậy tại sao kêu khổ, Đại thiên đáp rằng ngày xưa tuổi nhỏ đạo nhập tùy tâm, ngày nay tuổi lớn đạo sinh khó tùy, nếu không kêu lên cái tiếng khổ quá thì đạo nhờ đâu mà có. Vì [các vị khác] phỉ báng như vậy mà mâu thuẫn chống đối lung tung, nên nói Phật niết bàn rồi việc ma lộn xộn.
Phụ Lục 2
Trích Kinh Văn Thù Vấn, Cuốn Hạ
Chính 14/501
Lúc ấy ngài Văn thù thưa rằng, bạch đức Thế tôn, sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn thì đệ tử của Ngài phân hóa bộ phái như thế nào? bộ phái căn bản là gì? Đức Thế tôn dạy: Văn thù, sau này đệ tử của Như lai có 20 bộ phái, [sự kiện này] giúp cho sự tồn tại của Pháp. Tất cả 20 bộ phái cùng được 4 đạo quả, 3 tạng của họ bình đẳng, không ai hơn kém, như nước biển cả toàn một mùi vị, như người có 20 đứa con. Đó là sự thật mà Như lai nói [trước].
Văn thù, bộ phái căn bản thì có 2, và cùng xuất từ Đại thừa, [nghĩa là] xuất từ bát nhã... Đức Thế tôn lại nói những lời chỉnh cú sau đây.
Từ Đại chúng bộ
phân hóa ra bảy,
từ Thượng tọa bộ
phân hóa mười một,
như thế gọi là
hai mươi bộ phái.
Mười tám bộ ngọn
với hai bộ gốc,
tất cả toàn là
xuất từ Đại thừa,
không có gì phải
không có gì trái,
đó là Như lai
nói việc sau này.
(17/11/2532)