Home > Pháp Luận > Chan-Phap-Than

Câu Hỏi 1: Về Chân Pháp Thân


Tổ Huệ Viễn hỏi: Phật ở nơi pháp thân mà thuyết Kinh cho Bồ Tát. Pháp thân ấy phải là hàng pháp thân Bồ Tát mới có thể thấy được. Song như thế thì pháp thân ấy phải có bốn đại và năm căn. Mà nếu đúng vậy, thì khác với sắc thân ở chỗ nào đâu, mà gọi là pháp thân? Kinh có nói: “Pháp thân không đi không lại, không có khởi hay diệt, giống y như Niết Bàn.” Nếu vậy thì làm sao có thể thấy được mà còn nói là giảng thuyết cho Bồ Tát này nọ?

Huệ Viễn nghe giải thích xong rồi kết luận: cứ xét các điểm trọng yếu mà Ngài giải đáp, thời pháp thân có 3 nghĩa: 1) Một là thật tướng của pháp thân thời không đi không lại, giống y như Niết Bàn; 2) Hai là pháp thân giống như thân biến hóa, không có bốn đại và năm căn, như bóng trăng trong nước, như bóng hình trong gương v.v… ; 3) ba là pháp tính sinh thân. Đây là chân pháp thân, có thể trụ lâu dài trong thế gian, y như mặt trời hiện. Ba loại khác nhau mà gom lại thành một tên, gọi chung là pháp thân. Song xưa nay người ta truyền nói về pháp thân mà chưa ai giải thích rõ ràng, nên dù có danh đó mà sự thật rất mập mờ, nên tôi mới phải đưa ra câu hỏi như trên vậy. Nay ngài tuần tự phán quyết rất đúng và chính xác.

Trả lời số 1 về Chân Pháp Thân

La Thập trả lời:

Pháp thân của Phật không khác gì [thân biến] hóa không [thật] có bốn đại hay năm căn. Tại sao như vậy? Các sắc pháp được [bốn đại] tạo ra (tạo sắc chi pháp) không lìa ngoài bốn đại [mà có được]. Chẳng hạn như các vật có mùi (hương) hiện thấy đây, chắc chắn là gồm có bốn pháp là: sắc, hương, vị và xúc. Các vật có vị thời sẽ có ba pháp là: sắc, vị và xúc. Các vật có sắc, sẽ có hai pháp là: có sắc và có xúc. Các vật có xúc, ắt có một pháp tức là xúc pháp. [Như vậy một vật có thật tối thiểu là phải có xúc pháp;] ngoài ra các pháp khác kia thì hoặc có thể có, có thể không cần có. Như đất ắt phải gồm có sắc, hương, vị và xúc. Nước gồm có sắc, vị và xúc; [Nước vốn không có hương, ] nếu nước có hương, thì đó là hương của đất. Sao biết được là vậy? Vì nếu dùng bát bằng vàng thật hứng lấy nước mưa, sẽ thấy là không có hương gì hết. Lửa thời có [sắc và] xúc. [Và cũng thế, ] nếu lửa mà có hương, thì đó là hương của củi. Sao biết được là vậy? Vì lửa từ “đá trắng” (bạch thạch) phát ra, thời không có hương. Gió thời chỉ có xúc mà thôi, ngay sắc cũng không có nữa.

Theo đó, [một vật có thật tối thiểu phải có xúc pháp]; một vật mà không phải thật là sắc pháp, thời sẽ không có đủ các yếu tố như các vật kể trên. Như hình ảnh trong gương, bóng trăng trong nước, nhìn thấy thì như là có sắc, song lại không hề có các pháp như xúc v.v… thế nên là phi sắc vậy. [Thân biến] hóa cũng như vậy, và cả pháp thân cũng y vậy.

Lại nữa, pháp thân mà như trong Kinh nói, thì hoặc nói là thân do Phật hóa ra, hoặc nói là Diệu hành pháp tính sinh thân. Diệu hành pháp tính sinh thân này mới đúng thật là pháp thân. Như Bồ Tát đắc pháp vô sinh, xả bỏ nhục thân rồi, sẽ đắc được thanh tịnh hành thân.

Lại như Pháp Hoa Kinh có nói: “La Hán được thọ ký làm Phật”. Kinh khác lại có nói: “Thân [này là thân] cuối cùng của La Hán”. Hai Kinh này đều từ miệng Phật mà ra, lẽ nào lại không tin hay sao! Song La Hán không thọ thân hình thuộc kết nghiệp nữa, nên mới gọi thân của La Hán là thân sau cùng (hậu biên). Ví như pháp thân Bồ Tát thì do “tịnh hành” mà sinh, nên mới nói [thân ấy] thành Phật. Các chuyện Phật sự ấy, tuy đều là thật, song có sai khác nhau, có chân có ngụy.

Chân pháp thân thời có mặt khắp pháp giới [vô biên] như hư không khắp mười phương, ánh sáng chiếu khắp vô lượng quốc độ, âm thanh nói pháp thường trọn vô số cõi khắp mười phương, các chúng có đủ thập trụ mới nghe được pháp. Từ thân Phật ấy mới phương tiện mà hóa hiện ra, thường có vô lượng vô biên hóa Phật hiện diện khắp mười phương, tùy theo các loại chúng sinh có bao nhiêu phẩm tính mà hiện hình, các hình ấy có ánh sáng, mầu sắc, hình dáng, tinh thô khác nhau.

Chân thân của Như Lai, bậc Bồ Tát cửu trụ mà còn không thấy được, thì huống gì các Bồ Tát còn thối chuyển và các chúng sinh. Tại sao vậy? Vì pháp thân của Phật vượt ra khỏi ba cõi, không y theo các hành nghiệp của thân khẩu ý, mà do vô lượng các công đức bổn hành thanh tịnh vô lậu mà thành. Thân này có thể trụ lâu dài, giống như Niết Bàn.

Chân pháp thân giống như mặt trời hiện, còn các thân được hóa ra y như ánh sáng mặt trời. Như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật Đăng Minh Vương thọ bẩy trăm A tăng kỳ kiếp, mà là một với Phật Thích Ca này, [Phật Thích Ca] là cùng một thân với Phật kia, không hề sai khác. Nếu hai Ngài chỉ là một Phật thì Phật Thích Ca này phải là do từ Phật kia mà có. Pháp tính sinh Phật và Phật được biến hóa ra (sở hóa chi Phật) cũng giống như vậy.

Còn nói pháp thân không đi không lại, tức là nói cho thật tướng của các pháp, giống như Niết Bàn, vô vi vô tác. Lại có ý kiến rằng: pháp thân tuy là trụ được lâu dài, song vẫn là pháp hữu vi, rốt cuộc cũng quy về Không, tính thật của pháp thân vốn không tịch. Nếu đúng vậy, thì đó cũng là nói cho thật tướng của pháp thân là không đi không lại.

Do đó, tuy kinh có nói “pháp thân thuyết kinh” hoặc nói “tướng của pháp thân không sinh không diệt”, thì cũng không có sai lỗi gì hết.

Kinh Sách Liên Quan

Tìm không thấy