Cực Lạc nói riêng và Phật độ nói chung đều có cùng đặc tính sau:
Thọ dụng hương mà không ăn như chúng sinh ở Ta Bà. Trong kinh Duy Ma Cật nói về Phật quốc Chúng hương của đức Phật Hương Tích (phẩm thứ 10), Duy Ma hóa hiện Bồ tát đi xin hương phạn ở cõi này cho đại chúng thọ thực. Do Phật quốc này lấy hương làm chính nên sự thọ thực cũng vẫn là thọ hương. Hơn nữa nơi các Phật quốc tất cả đều do tâm tạo, mà không có một sắc thân nào là thật sắc thân, nên không có ăn uống và xào nấu vật thể sắc pháp. Hương cũng như các trần khác ở cõi Phật đều thể hiện cho Phật pháp, như sắc và thanh ở thế giới Cực lạc, có nghĩa lục trần đều là pháp, tiếp xúc với lục trần sinh tâm niệm Phật, niệm pháp và niệm tăng. Nói cách khác thì hễ thấy lục trần chính là Phật pháp thì đó là niệm của Phật hay niệm Phật. Sự thấy đó đạt đến trình độ viên mãn và thường hằng tức bất động thì là “niệm Phật” hay chính là Phật; nếu chưa được thường hằng bất động còn phải dụng công thì đó là “niệm của tăng”, hay chính là tăng; nếu thường tiếp xúc lục trần mà giác ngộ thật tướng hay thanh tịnh thì đó là “niệm pháp” hay là chính pháp.
Chúng sinh trái lại bị lục trần mê nhiễm lục căn khiến u mê, ngộ nhận và bất tịnh, nên trần là chỗ chướng ngại, gây phiền não cho chúng sinh, song là chỗ giải thoát, thành bồ đề của chư Phật. Lục trần tức phiền não của chúng sinh, nhưng là bồ đề của chư Phật, vì thế kinh thường nói “phiền não tức bồ đề”. Chúng sinh thấy sắc sinh tâm thèm ăn hay ghét, ngửi hương cũng vậy và các trần khác cũng đều như thế. Chư Phật biết rõ các trần đều không, nên bình đẳng bất động với sáu trần, tu tập để đạt đến địa vị này gọi là hành thâm bát nhã ba la mật đa, càng tiến sâu vào cảnh giới bình đẳng bất động càng là hành thâm bát nhã. Và “hành thâm” không gì khác hơn chuyển sáu trần phiền não đầy thương ghét thành sáu trần thanh tịnh bất động “bình đẳng không thương ghét”, tức đó là niệm của Phật hay còn gọi Phật tri kiến; thật tính thanh tịnh của sáu trần là chính pháp; tu tập như vậy gọi là Thánh hiền tăng.
Thế giới Cực lạc là báo độ cho những người có phúc báo thanh tịnh, nên súc sinh không thể sinh về đây, thậm chí những người có nghiệp nợ ăn thịt lẫn nhau với súc sinh cũng không thể sinh về, mà phải dứt trả cho sạch mối nợ nần này. Vì nếu như thế giới Cực lạc còn súc sinh và người ăn súc sinh thì nghiệp ăn lẫn nhau đó xuất hiện ngay nơi Tịnh độ, và Tịnh độ sẽ trở thành bất tịnh độ, bởi còn các nghiệp của tam ác đạo lưu chuyển và hiện hành ngay tại cõi Phật này. Do cõi Phật hoàn toàn chấm dứt và không có các ác nghiệp này hiện hành, nên kinh nhấn mạnh “bỉ Phật quốc độ vô tam ác đạo” thậm chí đến chữ tam ác đạo còn không nghe thấy hà huống là có thật (thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật), loài chim ở Cực lạc đều do Phật biến hoá mà không phải do nơi tội báo mà sinh làm súc sinh.
Khác với Thượng đế tạo vật cho chúng sinh ăn, chư Phật tạo vật cho chúng sinh giải thoát, vì vậy mọi cõi Phật đều thật không có súc sinh, hay nói cho chính xác là không có chúng sinh, cõi Phật chỉ có Thánh chúng, và tất cả Thánh chúng đều “vô thân” tức không có thân nhất định, mà có thể hiện ra mọi thân theo ý muốn, gọi là “ý sinh thân”. Mọi thân ở đây bao hàm nhất thiết thân tướng từ thiên cho đến địa ngục nhân. Đã không có súc sinh hay chúng sinh tất không còn chuyện ăn lẫn nhau gọi là ăn mặn, nên đến chữ ăn chay cũng chẳng còn. Vì vậy cho dù thế giới Cực lạc có sự ăn uống như thế giới Ta Bà đi nữa, tất cũng không có chút thiểu nhân duyên nào cho việc ăn mặn. Huống hồ chỉ thọ dụng hương theo nghĩa pháp hỷ sung mãn.
Chúng sinh ở Cực lạc có lén ăn mặn không?
Chúng sinh nơi các Phật độ đối trước sáu trần thường sinh tâm niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, mà không hề khởi tâm tắng ái như chúng sinh cõi Ta bà, điều này chứng minh họ đều là bậc “hiền thánh tăng” tức thanh tịnh chúng. Như thế có nghĩa các “hiền thánh tăng” này đối với các sắc của những chúng sinh khác đều khởi tâm thanh tịnh bình đẳng bất động, niệm Phật, niệm pháp và niệm tăng, nên không nghĩ tưởng tới ăn thịt hưởng thụ xương máu của nhau.
Nếu vẫn còn tư tưởng thèm thịt, tất các chúng sinh này khi vãng sinh với dư nghiệp trên ắt như người tù đói khổ ăn cả thằn lằn dán bọ, thì những người vãng sinh này không tìm ra các loài đó trên cõi Phật, ngoài các loài chim như Ca lăng tần gìa mà đức Phật biến hóa ra, và họ cũng sẽ quên niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng khi nghe các loài chim này hót, và chỉ nghĩ đến việc trộm chim ăn lén.
Các loài chim này có giọng hót vi diệu, không phải ở chỗ du dương thánh thót, âm điệu dễ nghe, mà vi diệu ở chỗ khiến người nghe quên hết tắng ái, hay dở, êm tai hay nghịch nhĩ, trong tâm họ chỉ thấy có niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng. Âm thanh này giúp người nghe “hành thâm bát nhã ba la mật đa” nhận rõ “thanh không những bất dị không, mà thanh còn tức thị không”. Nên chẳng có chúng sinh nào khởi cái “tâm còn dư nghiệp” thèm lén ăn chim này. Mọi thức ăn đều là “pháp không thực”, no nê là pháp hỷ sung mãn. Do vậy kết luận “Phật tạo vật để giúp chúng sinh giải thoát, mà để chúng sinh ăn”. Hơn nữa cảnh giới Cực lạc do thân tâm thanh tịnh nên có tha tâm thông vì thế nơi cảnh giới này tuyệt đối không còn chữ lén.
Vì những lý do trên nên cõi Phật không có chúng sinh nghiệp, những chúng sinh nào nghiệp Ta bà còn nặng tức vẫn đeo mang thân nghiệp, một thứ thân chấp ngũ uẩn là ngã, duy trì bằng sáu căn, tồn tại nhờ sáu trần, nên nặng nợ nghiệp quả, vì vậy không ra khỏi cảnh giới luân hồi, nên cổ đức mới dậy “ái bất trọng bất sinh Ta Bà”. Nhờ niệm Phật để xa lìa niệm ái mới có thể dứt ái vãng sinh, do đó cổ đức lại dậy “niệm bất nhất bất sinh Tịnh độ”.
Còn chư Phật và Bồ tát thì sao?
Tất nhiên như ta đã biết ở trên, chư Phật và chư đại Bồ tát đều “vô thân” và tuỳ theo căn cơ phúc báo mà mỗi chúng sinh mỗi thấy khác. Khi chư Phật thị hiện nơi thế gian “giả chư tham dục, nhi nhập sinh tử”, thị hiện các chúng sinh tướng, cũng sinh lão bệnh tử, cũng ăn uống ngủ nghỉ như mọi chúng sinh, song kì thật chư Phật chưa từng đến đi, sinh tử; sự thị hiện theo thuật ngữ của ngài Duy Ma Cật thì do “chúng sinh bệnh nên ta bệnh”. Vì hoàn cảnh ban đầu của hàng sơ cơ, nên chư Phật cho ăn ba thứ “tịnh nhục”, cho đến khi đã hiểu nhiều về chính pháp, bấy giờ đức Thế Tôn tuyệt đối cấm ăn thịt chúng sinh. Riêng về phần Thế Tôn, ta có thể lý giải theo quan điểm của đại thừa về sự ăn tịnh nhục của ngài khi đi khất thực. Thứ nhất ngài chỉ hiện tướng ăn cho mọi người cùng thấy nhưng kì thật ngài không dùng những thứ trên, mà thọ dụng hương từ những thức ăn của chư thiên cúng dường, và chư thiên che mắt những người xung quanh ngài. Thứ hai những chúng sinh có duyên với ngài đều được độ, như chính bản thân ngài đã từng dùng thịt xương của chính mình hiến cho các đạo sư tu tập, lấy đó làm tăng thượng duyên với chính pháp và đạo sư.
Đức Bổn sư đã vậy tất muời phương chư Phật cũng đều như vậy. Chư Phật “vô thân”, và rõ biết chúng sinh cũng “vô thân”, chư Phật không có thân cần đến sự nuôi dưỡng của vật chất, nên chư Phật trên cõi Thật báo độ không có sự ăn uống như chúng sinh, nên thậm chí chay còn không hà huống mặn.
Ai sẽ là người vãng sinh?
Ta lại biết niệm Phật, niệm pháp và niệm tăng có hai cách niệm đó là niệm tính và niệm tướng.
Niệm tính tức niệm sáu trần bằng niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng như “Thánh hiền tăng” ở Tịnh độ thường niệm, thấy thật tính của sáu trần là thật tính của pháp; thật tính của pháp là thật tính của Phật, niệm như vậy đồng với niệm bất nhị, là niệm của Phật, niệm “niệm của Phật” chính là niệm Phật tính.
Niệm tướng tức dựa vào hình tướng của Phật và tướng của ngôn từ qua danh xưng của Phật, để kết duyên thân và gần Phật, nhờ vậy sinh về cõi Phật. Chúng ta dựa vào nguyên tắc này cứu độ súc sinh, khiến chúng dựa vào nhân duyên Phật pháp qua trung gian hành pháp của ta, mà khôi phục thân người, tức sinh về cõi người. Chỉ có cách đó là dễ giúp nhất cho những chúng sinh trót đánh mất thân người, trở về với cõi nhân, thoát khỏi cảnh “một phen mất thân người muôn kiếp khó trở lại” (nhất thất nhân thân, vạn kiếp nan hồi). Chúng ta ca ngợi đức Phật Di Đà từ bi cứu những chúng sinh thời nan độ, vì sao không học cách “ngài độ chúng ta”, để phù trợ ngài cứu giúp những chúng sinh còn bi đát, khó độ hơn chúng ta bao lần. Và nhờ vào công đức hành theo hạnh nguyện của ngài cứu hộ chúng sinh làm tăng thượng duyên cho ta với ngài, đó là cách hồi hướng vãng sinh Tịnh độ, dùng cả thân niệm Phật lẫn tâm niệm Phật, khiến ta và chúng sinh cùng lợi lạc, thể hiện nguyện lực cứu độ chúng sinh vi diệu của đức Phật A Di Đà nói riêng và chư Phật nói chung. Đây cũng là sự chứng minh nguyện độ sinh là chân thật không mơ hồ, là điều mà không chỉ nhân loại thậm chí cho tới muôn loài đều cần đến, và đều được hưởng bình đẳng như nhau.
Pháp môn Tịnh độ cũng có cả hai pháp niệm tính như “thật tướng niệm Phật” và niệm tướng như “xưng danh niệm Phật”, đa số các tông khác đều là “thật tướng niệm Phật”. “Thật tướng niệm Phật” được cho là quá khó so với căn cơ của chúng sinh thời mạt pháp, vì vậy chư Tổ ban sơ của Tịnh độ như các ngài Đạo Xước, Thiện Đạo và Nguyên Không gọi “thật tướng niệm Phật” là “Thánh đạo môn”, còn “xưng danh niệm Phật” là “Tịnh độ môn”. Sau này người tu Tịnh độ quen với “xưng danh niệm Phật” nên chỉ biết công phu niệm Phật là “xưng danh niệm Phật”, mà không biết còn có “thật tướng niệm Phật”, nên hễ ai không niệm hồng danh là không hề niệm Phật, không niệm Phật tất không vãng sinh, đây loại là tư tưởng ngộ nhận. Song ta đã biết chẳng có pháp môn hay tông phái nào mà không niệm Phật, kể cả Thiền hay Mật, và cũng chẳng có cảnh giới nào mà các vị Thánh tăng của các tông phái sinh về mà không phải là Phật quốc độ tức Tịnh độ. Thế nên mới biết vãng sinh có vô lượng ngả, niệm Phật có vô lượng cách, và như phẩm Dược Vương kinh Pháp Hoa đã dậy, chỉ cần thực hành kinh Pháp Hoa cũng được vãng sinh. Chúng ta có thể kết luận theo kinh điển đại thừa “ai tu tập đúng với chính pháp đều vãng sinh”. Đó cũng chính là nguyên tắc “Phương tiện hữu đa môn, cứu cánh quy nhất lộ”.
Xưng danh niệm và Thật tướng niệm.
Thời mạt pháp “xưng danh niệm Phật” để sinh Cực Lạc, sinh rồi tất không còn xưng danh nữa mà tu niệm “thật tướng niệm Phật” để thành đạo, nhập vào cảnh tịnh độ thù thắng Thường tịch quang. Và như vậy trước sau cũng dùng dùng đến “Thánh đạo môn Thật tướng niệm Phật”. Ta có thể kết luận “xưng danh niệm Phật” là bước đầu để được khai thị, và “thật tướng niệm Phật” là bước kế tiếp để hoàn thành sự ngộ nhập. Nếu hành gỉa “xưng danh niệm Phật” đến mức không nhị niệm, tất có thể cánh tiến nhất bộ niệm Phật thật tướng, mà không cần phải đợi vãng sinh rồi mới tu niệm Phật thật tướng. Ví như đứa trẻ học cấp 3 thông hiểu hết trình độ của cấp 3, tất có thể tìm hiểu cấp 4 mà không cần phải chờ lên cấp 4 mới học tập bài vở cấp 4. Đứa trẻ này có thể nhẩy vọt lên cấp 5. Cũng vậy người xưng danh lại quán được thật tướng, thấy ngũ uẩn giai không, lục căn, lục trần bổn vô, tất vượt qua các độ mà đến thẳng cảnh giới Thật báo trang nghiêm. Tu hành như vậy được Liên tông Lục tổ Vĩnh Minh Diên Thọ gọi là “Thiền Tịnh song tu”, hay “tự Phật, tha Phật” đều niệm. Kì thật đây không chỉ là “Thiền tịnh song tu” mà cũng là “Thai tịnh song tu” …..
Ngưỡng nguyện chư Phật ba đời mười phương từ bi chứng giám và gia hộ cho tất cả chúng sinh đều hồi quy tịnh độ.
CM 30/5/09