Home > Khai Thị Phật Học
Gần Gũi Thầy Lành Bạn Tốt Có Thể Diệt Trừ Được Các Phiền Não ()
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ tiếp đoạn sau của câu chuyện tì kheo Sa la na. Câu chuyện được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 323 326.

Trước tiên, chúng ta tóm tắt sơ qua nội dung nửa đoạn đầu của câu chuyện.

Tì kheo Sa la na vốn là thái tử, nhưng ông từ chối kế thừa ngôi vị, xin xuất gia theo tôn giả Ca chiên diên. Sau khi xuất gia, thầy tu hành trong một khu rừng thuộc lãnh thổ của vua Ba thụ đề. Một hôm, vua dẫn các cung nữ đi đến khu rừng này để dạo chơi, nhà vua mỏi mệt chợp mắt nghỉ ngơi một lúc. Sau khi thức dậy, phát hiện không thấy các cung nữ đâu, ông liền tìm kiếm khắp nơi, rốt cuộc nhìn thấy các cung nữ của mình đang vây quanh một thầy tì kheo, chăm chú lắng nghe thầy thuyết pháp. Vua Ba thụ đề bực tức, chất vấn tì kheo Sa la na là đã chứng quả, hay đã đạt được mức thiền định nào chưa. Tì kheo Sa la na trả lời rằng thầy chưa chứng đắc. Nghe vậy, vua Ba thụ đề vô cùng tức giận, liền sai người lột y phục của thầy, lấy gậy có gai ra sức đánh đập.

Tì kheo Sa la na trong lòng rất oán hận, muốn hoàn tục trở về ngôi vua, để dẫn binh đến tiến đánh, trả thù vua Ba thụ đề. Nghe vậy, tôn giả Ca chiên diên ra sức khuyên bảo thầy:

- Thân thể của ông đã bị trận đòn hiểm mà tạo thành vết thương đau đớn, bây giờ, cho dù ông trả thù được, thì đối với những vết thương và sự khổ sở từ trận đánh tàn nhẫn mà ông đã nhận, lẽ nào nhờ vào sự trả thù của ông mà trở lại bình thường được sao? Phải biết, chúng ta có sanh già bệnh chết, đói khát nóng lạnh, thọ nhận sự đánh giết của người khác, hoặc là vết thương do côn trùng cắn v.v., mọi sự thống khổ đó đều từ thân năm uẩn này sinh ra.

Tôn giả Ca chiên diên nói một thí dụ:

- Giống như ở cạnh cổng thành có đặt một cái trống, có một người từ phương xa đến, rất mệt mỏi, muốn ngủ tạm bên thành. Nhưng những ai muốn ra vào cổng thành đều phải đánh trống mới đi qua được, nên người nào cũng phải đánh mấy hồi trống: “Tùng, tùng, tùng, tùng, tùng, tùng”. Như vậy, cứ hết người ra, lại có kẻ vào, nên tiếng trống kêu mãi không thôi, làm cho người này không tài nào ngủ được, anh ta trở nên cáu kỉnh, bực bội với những người đánh trống. Nhưng sau khi tranh cãi với nhiều người, anh ta chợt phát hiện nguồn gốc của vấn đề là ở cái trống, chứ không phải tại người đi đường qua lại, cho nên anh liền đứng dậy đập nát cái trống, từ đây, anh có thể yên ổn ngủ ngon. Cũng vậy, sắc thân của chúng ta chẳng khác nào cái trống lớn, chỉ cần có trống, thì có người muốn đến đánh; cũng giống như mục tiêu, chỉ cần có mục tiêu, thì mũi tên sẽ bắn đến hướng đó; sắc thân này cũng thế, đã có thân, thì làm sao tránh được sự đánh đập, hành hạ, phỉ báng của kẻ khác, hoặc bị trùng muỗi đốt cắn? Do đó, tất cả nguồn gốc của khổ đau thật ra đều là do thân năm uẩn của chúng ta gây nên, đây mới là căn bản sinh ra các thứ khổ. Thân của chúng ta đã thọ khổ rồi, sao lại để cho tâm phát sinh phiền não, tự mình đã khổ, lại càng khổ hơn? Nếu ông muốn tránh khỏi bị đánh đập đau đớn, xa lìa sự sợ hãi chết chóc, thì phải diệt trừ tâm sân hận, phiền não…, không trở lại trong sanh tử luân hồi, mới là con đường giải thoát cứu cánh!

Nói xong, tôn giả lại bảo Sa la na:

- Bây giờ, ông phải xả bỏ tâm sân hận, phẫn nộ, não hại! Nếu nghĩ muốn não hại người khác, trước hết, ông nên nghe tôi nói:

Tất cả chúng sanh trong thế gian đã khổ não lắm rồi, tại sao ông lại muốn làm não hại chúng sanh? Hết thảy chúng sanh cuối cùng cũng đều trở về với cái chết, tôi với ông và cả vị vua kia, không bao lâu sau đều phải chết, bây giờ vì sao ông lại muốn giết chết đối phương? Tất cả chúng sanh, hễ có sanh thì đều có tử, đâu cần ông phải ra tay làm hại? Có sanh ắt có tử, đây là vấn đề không có gì phải nghi ngờ, cũng giống như mặt trời mọc rồi, ắt phải có lặn, đã có thân thể thì cuối cùng cũng phải chết, tại sao ông còn muốn làm hại vị vua kia? Nếu làm hại ông ấy, bản thân ông có an vui không? Ông đã phát tâm xuất gia thọ trì giới pháp, bây giờ lại muốn làm hại kẻ khác, sau này nhất định sẽ nhận ác báo rất nghiêm trọng, phải chịu vô lượng thống khổ; vị vua kia trước sau gì rồi cũng sẽ nhận lấy ác báo, ông ta tự làm tự chịu, ông còn muốn trả thù ông ấy làm gì? Hơn nữa, vị vua kia làm hại ông, khiến cho ông nổi tâm sân hận, do vì sân hận nên đời này ông tạo ra rất nhiều khổ đau cho mọi người, do ác nghiệp như vậy, đến đời sau, quả báo khổ đau mà ông phải nhận sẽ càng nhiều gấp bội. Vì vậy, ông nay phải nên dẹp bỏ tâm sân hận, vì sao lại muốn làm hại vị vua kia? Nếu ông ở trong khoảng sát na sanh khởi tâm sân hận, thì sẽ bị sự phẫn nộ bức não thân tâm. Nay tôi giải nói yếu nghĩa của Phật pháp cho ông nghe, ông phải chăm chú lắng nghe thí dụ này:

Làm cho người khác bị thương thì cũng giống như chính mình tự đốt tay của mình, người khác chưa bị hại thì tự mình đã bị khổ não đốt cháy trước.

Lòng sân hận phẫn nộ cũng giống như thế, muốn làm hại người khác thì chính mình sẽ bị hại và chịu đau khổ trước; thân thể giống như củi khô, lòng sân hận giống như ngọn lửa, người khác chưa bị thương vì bỏng, mà tự bản thân mình đã bị đốt cháy.

Khởi tâm sân hận muốn hại người khác, có thể thành công, cũng có thể thất bại; nhưng việc này chắc chắn sẽ làm tổn thương đến chính mình.

Khi đó, Sa la na yên lặng lắng nghe những lời

tôn giả Ca chiên diên dạy về yếu nghĩa của Phật pháp. Những bạn đồng phạm hạnh của thầy nhìn thấy như vậy đều rất vui mừng, họ bảo nhau:

- Sau khi Sa la na nghe Hòa thượng khai thị yếu nghĩa Phật pháp xong, thì sẽ không đòi hoàn tục nữa.

Thế nhưng, Sa la na vẫn không chịu nghe lời khuyên giải, thầy lớn tiếng nói rằng:

- Người vô tâm còn không thể chịu đựng được việc này, huống gì tôi là người có tâm, làm sao có thể chịu được?

Sa la na lại nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Ánh chớp lóe sáng trong hư không, giống như một sợi roi vàng, hư không là vật vô tình mà còn phát ra tiếng sấm động, huống gì, nay tôi với thân phận là con vua, địa vị có thua gì vua ở nước kia đâu, làm sao có thể chịu đựng sự sỉ nhục của ông ta mà không trả thù được?”.

Sau khi nói xong đoạn kệ tụng này, Sa la na lại thưa với tôn giả Ca chiên diên:

- Hòa thượng nói đúng, nhưng tâm con bây giờ vững chắc như tảng đá, nước không thể lay chuyển được. Nhìn thấy toàn thân mình rách da chảy máu, con lại khởi tâm sân hận, bất mãn. Con không xin xỏ cái gì, không nhờ sự giúp đỡ vua Ba thụ đề, không phải là nô lệ của ông ta, không phải là người làm thuê của ông ta, càng không phải là nhân dân của ông ta. Con không phải là người trộm cướp, cũng không hãm hại ai, lại không có tâm tranh đấu, quấy nhiễu vua

Ba thụ đề. Nói tóm lại, con có lỗi lầm sai trái gì đâu, mà ông ấy lại làm tổn thương con như thế này?

Ba thụ đề ở ngôi vua, ỷ mình có quyền lực, phú quý, còn con nay là kẻ tu hành bần cùng nghèo khổ, mỗi người có một tướng mạo và chí hướng không giống nhau, chẳng qua, con ngày ngày duy trì mạng sống bằng việc khất thực, ngồi một mình trong rừng cây vắng vẻ để tu hành, nhưng vua Ba thụ đề lại mặc tình làm tổn hại con.

Con sẽ làm cho ông ta cũng gặp phải đau khổ như con, làm cho ông ấy không dám phá hoại người tu hành. Con nhất định phải trả thù, làm cho ông ấy không thể ngủ yên!

Con là một người tốt, mà vua lại tùy tiện hãm hại, sỉ nhục. Hôm nay, con nhất định phải trả thù, làm cho ông ấy phải chịu đau khổ hơn con, khiến cho hạng người hung bạo, ngang ngược như ông ta không dám tiếp tục tùy ý làm tổn hại người khác nữa.

Nói xong những lời nói này, Sa la na liền quỳ gối trước mặt tôn giả Ca chiên diên, xin được xả giới. Lúc đó, những người bạn đồng học cùng thờ tôn giả Ca chiên diên làm thầy và cùng tu học phạm hạnh thanh tịnh với tì kheo Sa la na đều khóc to thành tiếng:

- Vì sao hôm nay thầy lại từ bỏ Phật pháp?

Các bạn đồng học nắm tay Sa la na, có người thân thiết ôm chặt thầy; cũng có người năm vóc sát đất, đảnh lễ Sa la na, nói với thầy:

- Dù sao thầy cũng phải thận trọng, dè dặt giữ gìn, không nên từ bỏ Phật pháp!

Rồi vị này nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Vì sao thầy một mình đơn độc xa lìa đại chúng, muốn thoái đạo tâm, xả bỏ những giới pháp đức Phật chế ra?

Vì sao lại khởi ác tâm nói: ‘Đức Thế Tôn không phải là đạo sư của tôi’? Sau khi xả giới về nhà, nếu có tì kheo đến nhà thầy xin ăn, thầy không cảm thấy xấu hổ sao?

Lần đầu tiên, khi thọ giới, thầy đã từng tự mình lập lời nguyện, cho đến khi kết thúc thọ mạng này, sẽ luôn trì giữ giới tì kheo. Tại sao thầy nói mà không làm, lại muốn xả bỏ giới hạnh thanh tịnh?

Thầy mặc ca sa, cầm bát đi khất thực nuôi dưỡng sự sống đã lâu lắm rồi. Tại sao hôm nay lại muốn cởi áo giáp, cầm dao gậy đi đánh nhau?

Cây roi của vua Ba thụ đề hủy hoại sắc thân của thầy, thầy liền muốn xả bỏ pháp sa môn. Tại sao thầy không nghĩ kỹ đến việc quá khứ, đức Thế Tôn là vị tiên nhân, đã từng trải qua tu hạnh nhẫn nhục khi bị vua Ca lợi cắt đứt tay chân? Lẽ nào chỉ có vị tiên nhân nhẫn nhục mới là sa môn xuất gia, còn thầy không phải là sa môn xuất gia hay sao? Chẳng lẽ chỉ có vị tiên nhân mới biết tu hạnh nhẫn nhục, còn thầy không biết tu pháp nhẫn nhục hay sao?”.

Tôn giả Ca chiên diên thấy Sa la na vẫn không lay chuyển, ngài nói với mọi người:

- Tâm ý của ông ấy đã định, thôi thì các thầy nên rời khỏi đây, tôi sẽ giải quyết việc này.

Sau khi đợi các tì kheo đi khỏi, tôn giả Ca chiên diên liền lấy tay xoa đầu Sa la na và nói:

- Con thật sự muốn về sao?

Sa la na trả lời:

- Hòa Thượng! Con nay nhất định phải về.

Tôn giả Ca chiên diên nói:

- Tối nay, con tạm thời ngủ ở đây, ngày mai liền có thể đi về, không nên xả giới vội.

Sa la na trả lời:

- Dạ! Hôm nay là lần cuối cùng con nghe lời Hòa thượng dạy, tối nay con xin nghỉ lại bên cạnh ngài, đợi ngày mai sau khi xả giới xong, con sẽ trở về, lấy lại ngôi vua, sau đó chống cự lại với vua Ba thụ đề.

Tối đó, Sa la na trải cỏ làm nệm lót ngủ ở bên chân ân sư lần cuối, trước khi xả giới hoàn tục. Tôn giả Ca chiên diên vận dụng thần thông, đưa Sa la na chìm vào giấc mộng.

Sa la na thấy mình đã hoàn tục, về đến quốc gia của mình, lên ngôi vua và tụ tập hợp đội quân hùng hậu, rầm rộ kéo đến khiêu chiến với vua Ba thụ đề. Khi đó, vua Ba thụ đề cũng kết tập kết quân đội nghinh chiến. Bất hạnh thay! Toàn bộ quân đội của Sa la na đều bị đánh bại. Quân địch lùng bắt được Sa la na, dẫn đến trước mặt vua Ba thụ đề. Vua nói:

- Đây là một người đại ác, hãy đem đi giết.

Lính hầu và hộ vệ của vua liền đeo vòng hoa Mạn la tì la lên cổ của Sa la na. Bọn giết người nghênh ngang quát tháo, ra lệnh mọi người và hậu vệ cầm dao, gậy bao quanh bốn phía, dắt Sa la na đi về hướng phần mộ.

Trên đường đi đến mộ, Sa la na nhìn thấy tôn giả Ca chiên diên cầm y bát đang chuẩn bị vào thành khất thực, Sa la na không thể kìm lòng, bỗng rơi lệ khóc nức nở, hướng về tôn giả nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Vì con không nghe lời chỉ dạy của Sư trưởng, khởi tâm sân hận, làm nhiễm ô chính mình, bây giờ bị chém đầu để đền tội, con là người tồi tệ làm hư hại Phật pháp.

Bây giờ con sắp phải chết rồi, rất nhiều kẻ cầm đao gậy vây quanh con, giống như con hươu bị nhốt trong chuồng, nay con cũng giống như thế.

Lát nữa đây, con sẽ không còn nhìn thấy cảnh thế gian Diêm phù đề nữa; trong khoảnh khắc cuối cùng này, con có thể nhìn thấy Hòa thượng, tuy trong tâm con vẫn còn ác niệm, nhưng Sư trưởng vẫn từ bi bảo vệ cho con giống như bò mẹ bảo vệ bò con”.

Lúc đó, tên đao phủ cầm thanh đao lớn bén ngót, nói với Sa la na:

- Đây là thanh đao dùng để chém ông, cho dù ông có Hòa thượng, cũng làm gì được nào?

Sa la na đau khổ cầu xin tôn giả

Ca chiên diên. Ông khóc to và nói:

- Bây giờ con xin quy y Hòa thượng.

Ngay lúc đó, Sa la na bừng tỉnh giấc, vội vàng chạy đến bên tôn giả, đảnh lễ thưa:

- Thỉnh cầu Hòa thượng rộng lòng tha thứ cho con, con vì ngu si đã không vâng theo lời dạy của ngài.

Sa la na lại nói:

- Trước kia, con quá ngu muội không biết gì, định xả bỏ giới pháp của đức Thế Tôn. Bây giờ, xin ngài cho phép con xuất gia, con không muốn trả thù, cũng không muốn làm vua nữa. Vì con cảm nhận được con người ta sống ở đời, hưởng được mùi vị của hạnh phúc thì rất ít, mà khổ não, tai họa lại quá nhiều! Con đã hiểu được toàn bộ tội lỗi của oán hận rồi, bây giờ con chỉ muốn được học pháp giải thoát mà thôi. Do chí hướng của con không kiên định, nông nổi hời hợt đối với chúng sanh, không khéo quan sát, đã vậy mà lại không muốn nói chuyện với người có trí huệ, không tiếp nhận lời dạy bảo, khuyên nhủ của người khác, trở thành một người bị đại chúng khiển trách, quở mắng. Chỉ hy vọng Hòa thượng có thể độ cho con xuất gia thêm lần nữa. Con bây giờ rất ưu sầu khổ não, xin Hòa thượng từ bi thương xót mà tế độ cho con!

Tôn giả Ca chiên diên nói:

- Yên tâm đi! Ông vẫn chưa xả giới, ta chỉ dùng thần lực hiển bày một số cảnh trong mộng cho ông thấy mà thôi.

Lúc đó, Sa la na vẫn không thể tin. Tôn giả Ca chiên diên liền phóng ra ánh sáng từ cánh tay phải, nói với Sa la na rằng:

- Ông vẫn chưa xả giới, không tin thì ông hãy nhìn vào dáng vẻ của chính mình.

Sa la na rất vui mừng:

- Tốt quá! Nhờ bậc thiện tri thức dùng phương tiện thiện xảo khuyên bảo, khiến cho con chưa thật sự phạm lỗi lầm, chỉ hiện ra cảnh trong mộng, dẫn dắt chỉ đường cho con. Đức Phật từng nói: “Thiện tri thức là bậc đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh”. Đây là câu nói chân thật không hư vọng. Ai có thể đắc quả giải thoát mà không cần nương tựa thiện tri thức? Chỉ người ngu si mới không nương tựa thiện tri thức, như thế làm sao có thể đạt được giải thoát?

Tôn giả Ca chiên diên từ bi cứu độ tì kheo Sa la na thoát khỏi nạn, làm tiêu trừ độc hại sân hận của thầy đối với vua Ba thụ đề. Vì vậy, người có trí huệ cần phải thân cận thiện tri thức.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta:

Nếu bị người khác mắng chửi, sỉ nhục, cần phải học theo vị tiên nhân tu hạnh an nhẫn, không nên khởi tâm sân hận; nên khởi tâm từ bi, thương xót, thậm chí nhẫn nhục giống như vị tiên nhân, ngài phát nguyện tương lai khi thành Phật, sẽ hóa độ kẻ hãm hại mình trước nhất. Tất cả chúng sanh có sinh ắt phải có tử, tại sao bạn lại muốn ra tay làm tổn thương họ? Nếu khởi tâm sân hận muốn báo thù, làm cho người bị thương thì cũng giống như chính mình tự đốt tay mình vậy. Bạn có thể hại được họ, cũng có thể không, nhưng điều chắc chắn là chính bản thân sẽ bị thương tổn trước; không chỉ tạo thành đau khổ lớn ngay trong hiện đời, mà đời sau còn phải chịu những khổ báo lớn hơn.

Chủ yếu của việc tu hành là ở chỗ ‘hộ tâm’, chứ không phải ‘hộ thân’. Thân thể của chúng ta chứa đầy những thứ bất tịnh, chỉ là đồ chứa đựng đầy phiền não mà thôi, cho dù chúng ta giữ gìn thân thể kỹ lưỡng thế nào đi nữa, vẫn không tránh khỏi già yếu, bệnh tật và chết chóc. Giống như cái trống, chỉ cần có trống, thì sẽ có người muốn đánh, cũng vậy, chỉ cần có sắc thân, thì không tránh khỏi sự đánh đập, phỉ báng của người khác, cũng như tất yếu phải đón nhận sự khổ của sanh già bệnh chết… Thật ra, tất cả nguồn gốc của khổ đau là do thân năm uẩn của chúng ta gây ra. Nếu muốn thoát khỏi thống khổ sanh già bệnh chết và sự đánh đập, phỉ báng của người khác, chúng ta cần phải diệt trừ tâm sân hận phiền não. Được vậy thì không còn trở lại trong sanh tử luân hồi, đây mới là con đường giải thoát cứu cánh!

Trên thế gian này, kẻ thù lớn nhất không phải là người khác, mà là tâm phiền não sân giận của chính mình.

Kẻ thù ở thế gian chỉ có thể phỉ báng, sỉ nhục, áp bức, đánh đập, giết hại, nhiều nhất cũng chỉ làm thương tổn sắc thân nhơ bẩn hôi thối này, chứ không làm tổn thương pháp thân của chúng ta được; nhưng nếu để giặc phiền não nổi lên, sinh khởi tâm muốn báo thù thì sẽ tổn hại pháp thân thanh tịnh lương thiện của chính mình.

Vả lại, kẻ thù ở thế gian, nhiều nhất chỉ tổn thương một đời này của chúng ta thôi; nhưng nếu chúng ta khởi oán thù phiền não, thì sẽ giết hại vô lượng kiếp của chúng ta, khiến cho chính mình đời đời kiếp kiếp đều ở trong biển khổ luân hồi.

Câu chuyện còn nhắc đến sự quan trọng của thiện tri thức. Như trong kinh Tăng nhất a hàm có nói: Thiện tri thức là bậc đầy đủ phạm hạnh. Đây không phải nói người đầy đủ phạm hạnh mới có thể làm bậc thiện tri thức của chúng ta, mà ý muốn nói, ai thân cận gần gũi bậc thiện tri thức, sẽ được dẫn dắt đi đúng theo con đường chánh, làm cho chúng ta phát khởi tín tâm, học rộng biết nhiều, chánh niệm, bố thí, trí huệ, v.v., đều có thể tăng trưởng; theo ý nghĩa này mà nói, thiện tri thức là người đầy đủ phạm hạnh.

Bản thân của đức Thế Tôn cũng nhờ sự dẫn dắt của thiện tri thức mới thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi thành Phật, Ngài hóa độ chúng sanh, khiến cho chúng sanh thoát ly biển khổ sanh tử. Do đó, đức Thích Tôn cũng là thiện tri thức. Nếu như lúc xưa, đức Thích Tôn không gần gũi thiện tri thức, thì cuối cùng đâu thể được Phật Nhiên Đăng thọ ký.

Hy vọng mọi người đều có thể thân cận thiện tri thức, nghe chánh pháp, như lý mà tư duy, nương theo pháp mà hành trì.

Qua câu chuyện này, mong mọi người cùng cố gắng tu tập.

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 11.04.2015