Thiên có thiên thần, địa có địa thần cùng các quỷ thần. Chư thần quan, thiên tướng… trong trời đất là những vị đảm trách công tác điều tra, gọi là “Tư quá chi thần” chuyên giám sát công, tội ở nhân gian.
Trong kinh Phật giảng: Thiên thần và quỷ thần đều có ngũ thông, ngũ thông này là phúc báo của họ. Họ chỉ không có lậu tận thông thôi, chứ thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mệnh, thần túc… họ đều có đủ. Nếu so sánh thì oai lực của địa thần chẳng bằng thiên thần và năng lực của thiên thần lại thua kém người tu hành chứng quả. Song đối với người thế gian chúng ta thì năng lực của họ đã rất đầy đủ. Vì mỗi khởi tâm động niệm của chúng ta, họ đều biết hết và ghi rõ… đợi đến khi ta chết rồi thì căn cứ theo đó mà phán quyết.
Chúng ta khởi tâm động niệm cũng là tạo ác, nhưng phát ra hành vi thì càng nghiêm trọng hơn. Nếu đã hiểu rõ rồi, thì mỗi khi khởi tâm, động niệm… chúng ta cần phải luôn cẩn trọng vì sợ quả báo.
Nếu bạn khởi niệm ác, làm ác, tương lai không tránh được ác báo. Vì vậy mới nói: Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.
Đạo lý chân thực này, thời nay ít người biết. Gặp kẻ không có thiện căn, không có phúc, mà bạn nói với họ những điều này, thì họ sẽ cười chê, miệt thị là bạn quá mê tín, quá ngu muội… nên nói toàn lời hoang đường! Do họ khó thể tin, nên không tiếp thu được. Nhưng đến khi quả báo hiện thì có hối cũng đã muộn, mà có khi họ chẳng biết đây là ác báo trổ.
Do họ không tin, đó là: Nghi! - Mà các niệm: Tham, sân, si, mạn, nghi… đều thuộc nhóm phiền não cực lớn, làm chướng ngại trí huệ, xui bạn tạo vô biên tội.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật giảng: Mỗi người khi sinh ra, đều có hai vị thần luôn theo bên cạnh, một vị tên Đồng Sinh, một vị tên Đồng Danh, trọn đời không lìa xa bạn. Hai vị thần này ở trên vai, chúng ta không thể thấy hay biết được, mọi người không ai thấy tới. Nhưng hai Thiên nhân này (cũng tính là thiên thần), ngày đêm không rời bạn. Trong kinh Phật cũng có gọi họ bằng tên khác là: Thiện, Ác đồng tử. Một vị coi việc thiện cả đời bạn, một vị coi việc ác cả đời bạn. Như vậy thử nghĩ xem, bạn làm gì không có ai biết ư? Dù làm ác không ai thấy, bạn cho rằng mình có thể trốn thoát được ư? Không ai trốn được, phải nói là vô phương trốn vì vậy những kẻ đụng chết người trong đêm khuya mà rồ ga bỏ chạy, cuối cùng cũng sa lưới pháp luật, nếu thoát được, thì điều này phải xét thêm về nhân quả oan trái khuất tất trong nhiều kiếp giữa họ và nạn nhân, bởi không có gì bất công và tình cờ.
Hai đồng tử Thiện, Ác chính là hai vị thần Đồng Sinh và Đồng Danh mà trong kinh Hoa Nghiêm nhắc đến.
Phật giảng rằng: Cả đời mỗi người chúng ta, có hai vị “Thiện, Ác đồng tử” ngày đêm theo sát, không rời phút giây nào. Nếu bạn thường nghĩ đến có hai đồng tử này luôn ở bên ta, vậy thì sao mỗi lúc khởi tâm động niệm, nói năng, tạo tác, bạn lại không cẩn trọng? Lời Phật giảng ra, quyết định không phải là lời giả, thế thì chắc chắn Ngài không hề lừa dối chúng ta.
Ngày xưa ta có nhiều dịp tu học, được phụ mẫu, thầy giáo dạy dỗ, bạn lành khuyên răn, nên tạo ác ít, làm lành nhiều.
Nhưng bây giờ, người thời nay thường chê nền văn hóa giáo dục truyền thống xưa là cổ hủ, họ không cần đến, cũng không thèm tin, mà cha mẹ cũng không thể dạy, hoặc không rảnh để mà dạy… giáo sư cũng chẳng để ý tới điều này, thế là cả đời chúng ta chỉ biết chìu theo phiền não, tập khí ác, tạo vô lượng tội. Thế thì làm sao mà không đọa lạc và không bị “Thiên địa quỷ thần” trừng phạt chứ?
Ngoài hai thần Đồng Sinh và Đồng Danh ra, còn có “Thiên địa quỷ thần giám sát” thế gian, cũng ghi lại thiện, ác của người, chư quỷ thần này đông không kể xiết, các tôn giáo đều nhắc đến, đều có ghi.
Như vậy, mỗi khi chúng ta khởi tâm, động niệm, nói năng, tạo tác… liệu có thể giấu được ai chứ? Vì vậy ta cần khắc phụ phiền não, tật xấu của mình, lo sửa lỗi đổi mới, nỗ lực tu thiện. Chúng ta sống phải biết hướng thượng thăng hoa, mục tiêu chúng ta là: Phẩm hạnh nhân cách, hành vi… phải luôn xứng đáng, tuyệt hảo, tối ưu, tốt lành. Được vậy tất nhiên chúng ta sẽ ở cảnh tương xứng với tâm hạnh của mình.
Sư Quảng Hóa