Nhâm Cung Nhơn là vợ của Châu Vận Tuyền tiên sanh ở Hải Diêm. Từ trẻ bà đã tin Phật pháp, sau khi về nhà họ Châu, sự giúp đỡ chồng nuôi dạy con đều tròn chức phận. Tánh bà đoan trang nghiêm chánh, đối đãi với người rất ân hậu. Mùa đông năm Giáp Thìn thời Quang Chữ nhà Thanh, chồng mãn phần, lúc ấy Cung Nhơn đã 59 tuổi. Trải nhiều phen mục kích cảnh tang thương biến đổi, nhân cảm việc chồng từ trần, bà nghĩ cuộc đời như huyễn, sanh mệnh vô thường, bỗng sanh tâm tư thoát tục. Sau khi xét định kỹ, Cung Nhơn liền đem việc nhà giao cho con trai và dâu, rồi buông hết muôn duyên trường trai niệm Phật. Sự tu hành của bà rất tinh chuyên, không lúc nào dám trễ bỏ.
Mùa đông năm Đinh Tỵ thời Dân Quốc, Cung Nhơn bỗng vương chứng bán thân bất toại, tay chân tê nhức, lúc đi đứng phải có người dìu đỡ. Bà cho ngăn riêng một gian nhà, phía trước thờ Phật, sau là chỗ nghỉ, ở yên tịnh tu niệm, như người nhập thất. Nhân đó tâm càng định, niệm lực càng được tinh chuyên.
Mùa hạ năm Tân Dậu, hai con là Điều Sanh, Cát Sanh được nghe cư sĩ Phạm Cổ Nông giảng diễn về Phật pháp, anh em mới phát tâm học Phật và đem những điều đã hiểu biết về khuyên giải lại cho mẹ nghe. Nhân đây, lòng tin nguyện cầu sanh của bà càng thêm chuyên thiết. Tháng giêng năm Giáp Tý, Điều Sanh lại có duyên dự cuộc hành trình với các vị cư sĩ đi nghe giảng kinh, Cung Nhơn bảo: "Mẹ đã cao tuổi, con chớ nên đi xa lâu!". Đến ngày hai mươi bốn, bà lại vương chứng thương phong, rồi kế ho suyễn. Sang ngày hai mươi tám, bịnh thêm nặng, người nhà mời các nữ liên hữu đến niệm Phật để giúp sức cầu nguyện. Nghe tiếng xưng hồng danh, Cung Nhơn liền được tâm an, hơi thở điều hòa, rồi chợp mắt thiếp đi một lúc. Đến lúc tỉnh dậy, bà nói: “Vừa rồi ta mộng thấy một lão nương mặt hồng hào, tóc bạc trắng đưa cho một chiếc bánh in bảo ăn. Sau khi dùng xong, ta cảm thấy thanh sảng nhẹ nhàng, nhân mới Hỏi: "Tôi có được giải thoát khỏi sự khổ chăng?". Lão nương Đáp: "Sẽ được giải thoát, hãy cố gắng niệm Phật!". Ta nghe nói liền niệm Phật hơn một trăm câu rồi chợt tỉnh!”.
Sau khi đó các chứng: thương phong, khí suyễn và bán thân bất toại của bà đều được khỏi hẳn. Đêm ấy Cung Nhơn ngủ một giấc yên lành. Sáng ra thức dậy, bà cảm thấy thân tâm thơ thới nhẹ nhàng không còn bịnh khổ, lại thoảng nghe có mùi hương. Đến ngày hai mươi tháng hai, Cung Nhơn sanh chứng uất muộn khó thở, người nhà lại rước nữ chúng tới trợ niệm. Sang ngày hai mươi hai, bà tự biết mình không qua khỏi, dặn gia quyến chớ nên than khóc, phải luân phiên cao tiếng trợ niệm để mình được nương sức niệm theo. Đến canh ba, Cung Nhơn an lành mà qua đời.
Ban sơ tay chân của bà đều lạnh trước, chỉ nơi ngực còn nóng rất lâu. Mọi người vẫn để yên, cao tiếng niệm Phật tiếp tục không dứt. Hơi nóng mới lần lần chuyển lên tới miệng, mắt, sau cùng đạt thẳng lên đảnh đầu. Sự trợ niệm vẫn kéo dài đến nửa đêm hôm sau mới chấm dứt. Lúc tẩn liệm, tay chân Cung Nhơn còn dịu mềm, sắc mặt tươi như sống. An táng xong, người nhà đem những tờ Tây Phương công cứ của bà đã ghi số câu niệm Phật lúc bình nhựt ra thiêu hóa. Khi lửa tắt, trên tro hiện ra tướng một vị tăng đứng trên hoa sen, nét rõ ràng in như vẽ.
Lời bình:
Ấn Quang pháp sư bảo: "Tất cả Lý của thế gian và xuất thế gian đều không ngoài hai chữ Tâm Tánh. Tất cả Sự của thế gian và xuất thế gian, đều không ngoài hai chữ Nhân Quả". Nhâm Cung Nhơn bị vương nhiều bịnh, là chịu quả của nghiệp sát kiếp trước; cảm mộng lành được khỏi khổ, bởi nhờ nhân tu niệm của kiếp này. Lúc lâm chung hơi nóng trụ nơi ngực, đáng lẽ bà phải chuyển sanh làm người tu thêm một kiếp nữa mới được giải thoát. Song nhờ công đức của gia đình và các liên hữu luân phiên chí tâm trợ niệm, nên kết cuộc bà lại được vãng sanh. Điểm này cho thấy sự trợ niệm lúc lâm chung rất là thiết yếu.