Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Tam-Nhin
Tâm Nhìn
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Xưa có một vị Tỳ kheo, cất một cái am trên một sườn núi vắng vẻ để tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một chuyến đò qua lại. Vị Tỳ kheo muốn hạ sơn hoá đạo phải đi qua chuyến đò ấy. Kẻ đưa đò là một lão mẫu tuổi trên 50, còn khoẻ mạnh.

Một hôm, khách qua sông thấy kẻ đưa đò không phải là lão mẫu nữa, mà một thiếu nữa rất duyên dáng đẹp đẽ, dung nghi trang trọng, cử chỉ thanh cao. Hỏi ra mới hay rằng, người con gái không biết người ở xứ nào, một ngày nọ, tới xin lão mẫu ở trọ và giúp bà một tay đưa khách qua sông.Thấy nàng xinh đẹp, lại đoan trang, lão mẫu vô cùng thương mến.

Từ đó, khách sang sông thăm thầy ngoạn cảnh mỗi ngày mỗi đông. Có lẽ ai cũng thích qua đò để được ngắm dung nhan giai nhân và cái vẻ thướt tha mềm mại của tay ngà đưa mái chèo nhẹ trên mặt nước. Thầy Tỳ kheo thỉnh thoảng có việc phải hạ sơn, cũng qua đò. Nhưng có điều lạ, khi qua bên kia sông rồi, khách chỉ trả có một tiền, cô gái đòi thầy phải trả hai tiền. Vị Tỳ kheo ngạc nhiên hỏi tại sao lấy tiền đắt hơn. Cô gái cười nói: Mọi người qua đò chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm tôi nữa nên phải trả gấp đôi. Không lý cãi cọ lôi thôi với một cô gái, vị Tỳ kheo đành phải chịu trả cho cô hai tiền.

Lần sau, có việc phải hạ sơn. Vị Tỳ kheo bước xuống đò không dám nhìn cô mà úp mặt xuống lòng đò. Ðến bến, mọi người lên trả tiền đò, đến lượt thầy, cô gái bắt trả gấp tư.Thầy Hỏi: Lần trước, cô bảo tôi qua đò nhìn cô phải trả gấp hai, nay tôi không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt xuống đò, tại sao cô đòi gấp tư? Cô gái nói rất nghiêm trang: Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt nhìn nơi mặt và bên ngoài của tôi. Hôm này thầy dùng tâm và nhìn hết toàn thân bên trong của tôi nên phải trả gấp tư. Nghe xong, thầy Tỳ kheo phát lên cười và hình như có sở ngộ. Ngoảnh lại cô gái đò đã biến đi đâu mất. Từ đó, chỉ còn lão mẫu đưa khách sang sông . . .

“Tâm không vọng động, pháp pháp toàn chơn. Tâm là nguồn gốc của Thiện Ác. Muốn đoạn cội rễ trước phải chế ngự Tâm. Tâm có định, ý mới sáng suốt, sau mới chứng Ðạo”.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tâm Nhìn