Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Nụ Cười Em Bé
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Xưa có một vị Sa di lớn tuổi, chuyên tu khổ hạnh, chứng quả A La Hán. Người ở mãi trong núi sâu, không giao tiếp với ai, quyết chí tu luyện các phép mầu và điều phục mọi phiền não để cầu quả vị Vô Thượng Chánh Giác.

Một làng nọ, sát chân núi, có một em bé mới lên bảy tuổi, mặt mày sáng sủa, tư chất thông minh trông có vẻ khác thường lắm. Mặt dù tuổi còn nhỏ, nhưng em rất mến chuộng Phật Pháp, vì vậy mà em đã sớm gỡ bàn tay âu yếm của người mẹ hiền tìm thầy học đạo.

Một hôm, trên đường tìm thầy vất vả trên núi sâu, em gặp một vị A La Hán đương ngồi tham thiền trên tảng đá lớn. Em mừng rỡ quá, tâm hồn bừng sáng lên, em liền đảnh lễ vị A La Hán xin làm đệ tử hôm sớm với thầy học đạo. Thấy em tướng mạo đẹp đẽ phương phi, có chí hướng xuất trần, vị A La Hán thâu nhận làm đệ tử và trong tâm tưởng rằng em bé mai sau sẽ nối sự nghiệp mình để duy trì Phật Pháp.

Trải qua một năm trường học tập, tu dưỡng em bé ấy không lúc nào lãng xao mà mỗi lúc mỗi tinh tấn thêm nữa. Vì vậy mà em sớm được thần thông tự tại, mắt thấy thấu suốt các quốc độ nhiều như vi trần, tai nghe hết mọi thứ tiếng khắp nơi, tùy theo ý mình có thể thay đổi hình dáng bay khắp trong không gian vô biên tự tại. Ðồng thời em có thể biết biết hết các cuộc đời quá khứ của mình, rõ thấu nguồn gốc chân giả trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai.

Một hôm em bé ấy ngồi tham thiền, thấy cuộc đời quá khứ của mình nên mỉm cười, trông có vẻ nên thơ lắm.

Thấy em bé cười rất dễ thương, vị A La Hán Hỏi:

Vì sao đương khi tham thiền con lại cười thế?

Bạch Thầy. Con cười với con, đời trước cũng như đời này làm một người con để lại cho năm người mẹ ngày đêm khóc lóc, buồn rầu, tủi phận tình thương con không một chút nguôi phai. Con là đứa con làm cho năm người mẹ đau khổ, thân thể hao mòn, mất hết hạnh phúc. Bây giờ năm người mẹ ấy vẫn còn và còn nhớ con, khóc vì con quên ăn bỏ ngủ. Thân con như điện chớp, như sương mai, năm bà mẹ con như người nắm hạt châu trong tay, không khổ mà vẫn cứ đi tìm cái khổ. Con ở trong thiền định nhìn lui về quá khứ thấy cuộc đời như thế nên con mỉm cười trước nỗi rắc rối khó tả ấy. Người mẹ thứ nhất ấy khi sanh con ra, thì bên cạnh nhà con cũng có người sanh ra đồng thời với con. Con ra đời được ít ngày, vì nhân duyên hết nên con đi qua đời sống khác. Mẹ con thấy đứa bé bên cạnh học đi, học nói, học cười liền liên tưởng đến con, buồn rầu và than thở:

“Nếu như con tôi còn thì bây giờ cũng đã biết học đi, học nói, học cười rồi. Trời ơi, sao con tôi bỏ tôi đi đâu sớm vậy”.

Mẹ con ôm bụng nghẹn ngào không nói nên lời, hai hàng lệ lăn tròn xuống khóe miệng.

Mẹ đứa bé bên cạnh tươi vui ngắm nhìn đứa con vừa cười vừa đi chập chững, còn mẹ con đau lòng khóc nức nở.

Khi làm con người mẹ thứ hai, con lại từ giã mẹ con rất sớm. Mẹ con thấy đứa bé ôm vú mẹ vừa bú vừa mân mê rồi say ngủ say sưa trong lòng mẹ, bà liền xúc động nhớ đến con rồi khóc.

“Con ơi, mẹ nhớ con quá. Sao con không ở lại bú sữa mẹ, chuyện vãn với mẹ, để cho mẹ bồng ru con ngủ. Con sao không nhớ mẹ mang nặng đẻ đau mà con vội lìa mẹ để cho mẹ nhớ con đến nỗi hao mòn tàn tạ”.

Khi làm con người thứ ba, năm mười tuổi, con từ biệt mẹ con, chuyển qua đời sống khác. Thường trong bữa ăn, mẹ con khóc lóc và than rằng: “Tội nghiệp cho đứa con tôi, giờ phút này, không cùng ngồi ăn với mẹ như trước. Nào cơm ngon, nào thức ăn quý, một mình mẹ cô độc như thế này sao mẹ nuốt cho vô, con ơi! Gia tài sự nghiệp lâu nay mẹ dành dụm cho con, sao con không ở lại với mẹ hưởng lấy miếng ngon, con lại ra nằm ngoài gò hoang vắng.”

Nói xong mẹ con lăn ra khóc ròng rã.

Khi làm con người mẹ thứ tư, tuổi chưa thành niên, con lại sanh ra trong đời này. Bấy giờ bên cạnh nhà con có một người bạn tuổi đã trưởng thành đang làm lễ rước dâu linh đình nhộn nhịp. Mẹ con thấy thế, ra vào than thở:

“Năm nay mà con mình còn thì cũng đã có cháu sum vầy, mình đây cũng hớn hở vui sướng như ai, có đâu đến nỗi cô đơn, tương lai hiu quạnh!”.

Mẹ con buồn bực, khóc than và oán giận cho kiếp số mong manh bể dâu.

Trong đời này, mẹ con nuôi con được bảy năm, con lại từ biệt quê hương, cắt tình âu yếm của mẹ con, may mắn được gặp thầy học đạo. Hơn một năm tu dưỡng con đã được thần thông tự tại, biết được bao nhiêu con đường gai góc đã qua và nhìn thấy sự cao đẹp huy hoàng suốt đời vị lai không bến hạn. Mẹ con ở nhà nhớ nhung, ngày đêm luôn luôn than vãn.

“Con ơi! Con tìm thầy học đạo ở đâu mà mẹ không nghe tin tức chi đến con cả. Con còn bé quá, rủi ro ai biết, đói lạnh ai hay, lỡ có sơ suất điều gì ai đỡ lời chịu tiếng. Ngày đêm nghĩ đến con mẹ trằn trọc xót xa và đau lòng cho mẹ quá. Mẹ van xin con về để sống có mẹ có con đầm ấm, ngày mai khôn lớn, con đủ lông đủ cánh con hãy tìm thầy học đạo mẹ chả ân hận gì. Nhờ ơn trên xui khiến cho con tôi sực nhớ đến mẹ để trở về núp dưới bóng mẹ hiền che chở, tội nghiệp!”

Trải qua mấy lần tử biệt sanh ly, con đã để lại cho năm người mẹ con một mối thương tâm thống thiết. Giá như thời gian và không gian rút ngắn lại trong một lúc một nơi, con sẽ lần lượt trở về với năm người mẹ con. Nhưng con e việc đi lại đối với con vẫn tự tại an nhiên không mộtchút thêm bớt. Song dù có trở lại, những người mẹ ấy có biết con là ai, rồi chớp nhoáng đời qua càng làm cho người mẹ ấy thêm âu sầu buồn thảm hơn nữa. Năm người mẹ ấy vì tình thương ràng buộc, ngày đêm chỉ cuộc hạn trong vòng nhớ thương chật hẹp, nhưng con vẫn là con, con nào có đắm say lưu luyến trong vòng sanh tử trầm luân. Năm người mẹ ấy, người nào cũng tưởng con sống với cuộc đời ba, bốn, năm năm đâu có biết đời con bao la, sống chan hòa trong muôn nghìn sự vật. Giá như con chỉ sống trong tình lưu luyến ấy thì đời con còn vất vưởng mãi trong vòng tham ái thế gian, có đâu được vươn lên một cuộc đời cao rộng, an vui và giải thoát.

Bạch Thầy, con xem thấy thế gian phàm phu không nhận chân sự thành hoại, hợp tan, hễ được thì reo mừng, mất thì đâm oán trách, nên cứ mãi tao ra vô số ác nghiệp rồi suốt đời suốt kiếp bị nghiệp ấy chi phối. Mọi chúng sanh sở dĩ chịu lấy bao nhiêu khổ báo cũng đều bắt nguồn từ tham ái ấy mà gây ra. Nếu mọi người ai cũng gạt ra ngoài tham ái triền phược, mở mắt vươn lên các đấng Giác Ngộ tối cao để bắt chước làm theo mọi công hạnh tốt đẹp của Người thì cuộc đời biết bao sung sướng.

Thầy là cây đuốc đưa đường cho con làm cho đời con được nhìn xa thấy rộng và giao cảm được với các đấng Như Lai trong mười phương tam thế. Hôm nay con xin tạm biệt cùng Thầy để đem ánh sáng của Thầy gieo rắc mọi chân trời đen tối.

Em bé vì Thầy thưa xong liền bay thẳng lên không bao la, lược khuất trong bầu trời thanh thanh huyền diệu.

Minh Huấn

“Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Ðau khổ thay! Kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa! Bao nhiêu rui mè của ngươi đều gãy cả rồi, kèo cột của ngươi đã tan vụn cả rồi. Trí ta đã đạt đến vô thượng Niết bàn, bao nhiêu dục vọng đều dứt sạch cả”.

----------

(Kẻ làm nhà: nguyên luân hồi, ái dục. Nhà: thân thể. Rui mè: các thứ dục khác. Kèo cột: vô minh).