Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Neu-Chi-Phat-Nguyen-Suong-La-Biet-Thoi-Y-Vay-Biet-Thoi-Y-La-Gi...?

Nếu Chỉ Phát Nguyện Suông Là Biệt Thời Ý Vậy Biệt Thời Ý Là Gì...?
Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh

Đáp: Đức Phật biết chúng sanh phiền não sâu nặng, trôi lăn trong sanh tử, trồi ngụp trong biển khổ, không ngày xuất ly, nên ngài mới tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc y báo chánh báo trang nghiêm, khuyến khích chúng sanh vãng sanh Tịnh độ. Chúng sanh tuy nghe Phật dạy, do vì phiền não chướng có nặng có nhẹ, sự tỏ ngộ có sâu có cạn, thành thử sự tu tập có cao có thấp.

(a) Có một hạng chúng sanh nghe lời Phật dạy bèn chê bai, phỉ báng. Bọn họ không những không sanh Tây Phương, mà còn tự làm cho mình trầm luân biển khổ. Hạng người này vô duyên đối với pháp môn CựcLạc.

(b) Có một hạng chúng sanh nghe pháp Tịnh độ, tuy khởi lòng tin sâu và không phỉ báng, nhưng vì còn tham mê ngũ dục, lưu luyến Ta Bà, không dám phát nguyện, không chịu tu hành. Bọ họ tu thiện, hoặc sanh cõi trời, hoặc lại tiếp tục tạo ác, trầm luân ác đạo. Hạng người này cũng không có duyên với cõi Tây Phương Tịnh độ.

Hai hạng người vừa nêu trên, hoặc không có tâm nguyện cầu, hoặc sanh tâm hủy báng, cho nên Kinh Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác nói: “Nếu có chúng sanh nghe giáo pháp Tịnh độ, nghe như không nghe, lại còn phỉ báng, ta nói hạng người đó chưa được giải thoát, mới từ ác đạo đầu thai làm người.” Không có lòng tin, hoặc không có hạnh nguyện, cho nên chưa được giải thoát.

(c) Có một hạng chúng sanh, túc duyên với Phật A Di Đà đã chín muồi, nghe giáo lý Tịnh độ, khởi lòng kính tin, phát thệ nguyện lớn, nguyện được vãng sanh Tây Phương Tịnh độ, quyết định không cầu quả báo trời người. Người này tuy phát nguyện mạnh mẽ, nhưng hoặc vì nhân duyên phiền não, vẫn tiếp tục đam mê ngũ dục, hoặc phóng dật biếng nhác, không thể tu đạo, gặp ác tri thức, tạo nhiều tội ác, hoặc lúc mạng chung không gặp được thiện tri thức, hoặc thân mang bệnh nặng, cuồng loạn mất trí, hoặc tâm trí tán loạn, không hiểu ý người khác nói, hạng người như vậy chỉ phát nguyện xuông, chưa từng tu hạnh Tịnh độ. Tuy không được vãng sanh ngay trong đời này, nhưng sự phát nguyện của họ sẽ là nhân duyên cho sự vãng sanh trong những đời sau. Hoặc giả, do sức mạnh thù thắng của sự phát nguyện mà sau này họ sẽ nhất định ra công tu hành. Đối với hai hạng người này (chưa thể tu, dự định tu), luận mới nêu lên ý nghĩa “biệt thời ý”, và vì thế, trong kinh mới cho rằng những người này sẽ được vãng sanh Tây Phương. Bởi có những người ngu độn cho rằng chỉ cần phát nguyện mà không cần phải tu tập nhân duyên Tịnh độ, cho nên luận sư giải thích cho rằng đó là biệt thời ý “không phải chỉ do phát nguyện mà được vãng sanh Tịnh độ trong hiện đời.” Người đời sau đọc luận, không hiểu ý thú, bèn cho rằng niệm Phật cũng không được vãng sanh. Đây là điều vô cùng sai lầm.

(d) Có một loại chúng sanh, thiện căn sâu dầy, phiền não mỏng ít, may gặp thắng duyên, nghe được giáo pháp Tịnh độ, sanh lòng tin thanh tịnh sâu xa, phát nguyện tu hành, lâm chung như trong kinh đã nói tường tận. Đây là hạnh nguyện đầy đủ, liền được vãng sanh, khác với hạng người chỉ phát nguyện, cho nên đây không phải là giáo pháp “biệt thời.” Đức Phật đối với hai hạng người chưa được vãng sanh ở trên, nói rằng phát nguyện sẽ được vãng sanh. Luận sư e bọn họ hiểu lầm rằng chỉ cần phát nguyện cũng sẽ được vãng sanh giống như người hạnh nguyện đầy đủ, cho nên mới nói rằng những người chỉ phát nguyện sẽ không được vãng sanh hiện đời, đây là “biệt thời ý.” Các ngài ví dụ sự phát nguyện như một đồng tiền vốn, sự niệm Phật tu hành như chín trăm chín mươi chín đồng tiền trung gian, và sự vãng sanh Tịnh độ như đồng tiền thứ một ngàn. Vì thế trong Luận Nhiếp Đại Thừa mới có ví dụ dùng một đồng tiền làm vốn sanh ra một ngàn đồng tiền. Lại như, niệm Phật Đa Bảo không thể lập tức chứng được giai vị Bất thoái. Vị Bất thoái tức là bậc Bồ tát Sơ trụ. Hành giả lúc niệm Phật Đa Bảo, hoặc là đang ở giai vị dưới Thập tín, hoặc là đang ở giai vị Sơ tín, v.v…, không thể niệm Phật Đa Bảo liền có thể vượt qua mười ngàn đại kiếp từ Sơ tín lên đến Sơ trụ, mà trong giai đoạn trung gian phải tu tám vạn bốn ngàn môn Ba la mật thì mới lên đến Sơ trụ. Vả lại, niệm Phật Đa Bảo và giai vị Bất thoái là nhân duyên xa cho nên gọi là biệt thời ý.

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ