Đúng thế ! Tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian sùng bái quỷ thần rất không giống nhau, tín ngưỡng Phật giáo tất nhiên phải quy y Tam bảo đầy đủ. Gọi là Tam bảo là chỉ PHẬT, PHÁP, TĂNG; sở dĩ gọi là Bảo vì lấy mãi chẳng hết, dùng mãi chẳng cạn, một khi tiếp nhận, thường theo mãi mãi, nước lửa chẳng thể hủy, trộm cướp chẳng thể đoạt, nhận dùng không hết, các thứ báu trong thế gian đều không thể nào sánh nổi.
PHẬT BẢO là chỉ người đã tu hành tới mức phúc đức, trí tuệ viên mãn cứu cánh, bất cứ chúng sinh nào cũng đều có khả năng thành Phật, bởi thế chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại ba đời mười phương đều là đối tượng để chúng ta quy y tôn kính. Song trong các nhân vật lịch sử của thế giới chúng ta hiện nay, bậc được thành Phật vẫn mới có một mình đức Phật THÍCH CA MÂU NI.
PHÁP BẢO chỉ đạo lý và phương pháp để tu hành Phật và Pháp Bảo mà chúng ta được biết là những điều do Thích Ca Mâu Ni nói ra, vì thế mà gọi Ngài là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Pháp Bảo được thấy hiện nay là chỉ ba tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận cùng với các chú giải, ngữ lục của các tổ sư, đó là chuẩn mực, là căn cứ chỉ đạo chúng ta tu hành và cần phải tu hành như thế nào ?
TĂNG BẢO là chỉ người đang tu học Phật Pháp, và giúp đỡ người khác tu học Phật Pháp, hộ trì chúng sinh tu học Phật Pháp, bao gồm Bồ Tát, La Hán cùng Tăng Ni phàm phu. Thế nhưng Bồ Tát và La Hán là bậc thánh tăng, phàm phu có nhìn thấy cũng chẳng biết được. Những vị mà phàm phu tiếp xúc quá nửa đều là phàm phu tăng. Vì thế lấy Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của thế gian làm trung tâm của tăng bảo.
Tăng bảo là thầy giáo, Pháp bảo là giáo trình, Phật bảo là người phát minh và phát hiện ra giáo trình đó. Chỉ có Tam bảo đầy đủ mới là Phật giáo hoàn chỉnh. Nếu không, chỉ tin Phật bảo trong Tam bảo, thì không khác gì mù quáng mê tín quỷ thần, chỉ tin Pháp bảo trong Tam bảo, thì cũng chẳng khác gì các học giả thông thường nghiên cứu học vấn, chỉ tin Tăng bảo thì cũng chẳng khác gì người thường nhận cha nuôi, mẹ nuôi. Đó chẳng phải là Phật giáo.
Bởi vậy việc quy y Tam Bảo giống hệt như việc học trò đến trường ghi tên nhập học, đó là bước đầu của việc tin Phật, học Phật. Chỉ sau khi ghi tên nhập học, có học tịch rồi, tự mình mới thừa nhận là học sinh của trường và nhà trường cũng mới tiếp nhận bạn vào học tập. Học tập là nghĩa vụ của học sinh, dạy học là trách nhiệm của nhà trường, bởi thế nghi thức quy y rất quan trọng, hơn nữa giống như các cặp vợ chồng kết hôn, như nhân viên đến nhận việc đều phải trải qua các khâu tuyên thệ và giám thệ… Như vậy để tỏ rõ sự thận trọng và khẳng định.
Nếu không kinh qua nghi thức Tam Bảo, đương nhiên vẫn có thể học Phật, Phật giáo không hề coi người chưa quy y Tam Bảo là ma quỷ, thế nhưng người chưa kinh qua nghi thức Tam Bảo, về mặt tâm lý, chắc chắn có sự thoái thác, trù trừ, do dự, đến khi gay cấn, họ sẽ nói rằng : "Tôi chẳng phải là tín đồ Phật giáo, tôi chẳng cần phải làm đúng theo giới luật của Phật giáo"; đối với các nghiệp ác và các thói xấu như lười biếng, phóng túng, tà dâm, vọng ngữ, trộm cắp… họ sẽ tự tha thứ cho mình, hơn nữa còn không chịu phòng ngừa khi các thứ đó chưa xảy ra. Nếu quy y Tam Bảo rồi thì bản thân sẽ tự kìm chế, cảnh giác, canh cánh đối với mình, sẽ được các bậc thiện trí thức là các bạn đồng tu cùng các bậc sư tăng v.v… động viên, đốc thúc, khuyên răn, cho nên về mặt nhân cách thăng hoa, đạo tâm tăng trưởng, tu trì nỗ lực v.v… đều sẽ tiến vào đúng quỹ đạo, đúng nề nếp.
Xin bạn đọc chớ nên cho rằng việc quy y là không quan trọng hoặc hiểu lầm rằng chưa hiểu Phật Pháp và chưa tu trì thì không đủ tư cách quy y Tam Bảo, kỳ thực chính vì bạn vẫn chưa tu hành, không hiểu Phật pháp mà đã biết Phật pháp là đáng tin, đáng học, thế thì càng nên mau quy y Tam Bảo. Người ta cho rằng bản thân chưa đủ tư cách để làm tín đồ Phật giáo càng cần phải quy y ngay từ bây giờ. Sau khi quy y, bất kể về phương diện nào, về tâm thái, sinh hoạt hoặc tập quán v.v… đều có thiện hữu, có chư Phật Bồ Tát đến giúp đỡ cho bạn, gia hộ cho bạn, nếu là người ý chí bạc nhược, tín tâm chẳng đủ mà quy y Tam Bảo thì sẽ được tăng cường ý chí, tăng thêm tín tâm.