Bổn phận của một người tu đối với đất nước quê hương dân tộc như thế... Thượng Tọa Thích Phước Thái | Xem: 795


Câu Hỏi

Kính bạch thầy, là một người tu hành khi đất nước lâm nguy, thì trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước như thế nào? Nếu con chỉ dốc lòng tu không còn quan tâm đến chuyện thế sự ở quê nhà, thì con có lỗi với tổ tiên tiền nhân đã dầy công dựng nước và giữ nước không? Kính mong thầy khai thị cho chúng con được rõ.

Trả Lời

Câu hỏi của Phật tử chúng tôi thấy có hai vấn đề rất quan thiết mà Phật tử muốn biết.

Thứ nhứt, Phật tử hỏi: Là một người tu hành khi đất nước lâm nguy, thì trách nhiệm và bổn phận đối với đất nước như thế nào?

Xin thưa, chuyện tu hành là việc riêng cá nhân của mỗi người. Còn việc tồn vong hưng suy của một đất nước là việc chung mà mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm và bổn phận chung sức gánh vác phát triển và bảo vệ. Không phải tu hành rồi khi đất nước lâm nguy, chúng ta lại dửng dưng khoanh tay ngồi nhìn. Chúng ta đừng quên câu nói: "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách". Hay câu: "Giặc tới nhà đàn bà cũng phải đánh". Nếu nước nhà bị giặc ngoại bang xâm chiếm, thử hỏi bọn chúng có để yên cho chúng ta gõ mõ tụng kinh tu hành hay không? Hay tất cả đều phải làm nô lệ tay sai cho bọn chúng sai khiến. Lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. Bài học sống động nổi bật nhất là bài học lịch sử ở thời đại nhà Trần. Thời nhà Trần là thời hoàng kim của dân tộc và Phật giáo. Các ông vua cai trị đất nước đều là những vị Minh Quân Thiền Sư. Điển hình như bốn vị vua của đầu nhà Trần. Từ vua Trần Thái Tông đến vua Trần Minh Tông, tất cả đều là những vị vua tu hành chứng ngộ lý đạo.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Mông, vua Trần Thái Tông đã hai lần anh dũng hiên ngang chiến thắng vẻ vang mang lại sự an bình cho đất nước. Trong thời vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên đã hai lần kéo quân ồ ạt sang lấn xâm chiếm nước ta. Nhưng lần nào bọn chúng cũng đều bị thất bại ê chề não nề thê thảm. Đó là gì? Đó có phải là do sự đoàn kết trên đưới một lòng của toàn quân dân ta hay không? Chính vì sự đoàn kết quyết chiến đó, chúng ta mới có thể chống lại một đội quân hùng hậu hung hãn ở phương Bắc. Bọn chúng đã bị quân dân ta đánh cho họ đại bại tả tơi tan tành không còn một manh giáp che thân và cũng không còn con đường rút lui. Đó là hai cuộc chiến thắng vẻ vang oanh liệt hùng dũng hiên ngang, dưới sự lãnh đạo anh minh sáng suốt của vua Trần Nhân Tông, đã mang lại cho nước Đại Việt một thắng lợi lịch sử hiển hách huy hoàng. 

Đến các bậc Thiền Sư tu hành đạt đạo, các Ngài đều là những vị đóng vai trò cố vấn chỉ đạo cho nhà vua. Thế thì, thử hỏi người tu hành đạt đạo có trốn tránh trách nhiệm đối với quê hương tổ quốc hay không? Hay là các Ngài cũng đã dấn thân vào làn tên mũi đạn để cứu nguy dân tộc. Bởi chính những người tu hành đạt đạo họ thấy thân nầy chỉ là bèo bọt hư ảo giả tạm, do đó, nên họ coi sự sống chết nhẹ như bông gòn in như trò huyễn mộng. Vì họ không còn coi nặng xác thân hư ảo như chúng ta. Hơn nữa, với tinh thần "Bi, Trí, Dũng" của đạo Phật, đã rèn luyện hun đúc cho họ có một ý chí mãnh liệt và dám hy sinh xả thân quên mình vì đại cuộc. Thế thì, không phải tu hành là bỏ phế hết mọi việc không quan tâm gì đến sự hưng vong thành bại của đất nước. Đối với người xuất gia tu hành mà còn có trách nhiệm bổn phận đối với đất nước non sông như thế, hà tất gì là người Phật tử tại gia. Tất nhiên, họ còn phải có bổn phận lớn lao hơn nữa. Nói chung, dù xuất gia hay tại gia chúng ta cũng đừng quên rằng, tất cả đều là công dân của một quốc gia Việt Nam vậy.

Thứ hai, Phật tử hỏi: Nếu con chỉ dốc lòng tu không còn quan tâm đến chuyện thế sự ở quê nhà, thì con có lỗi với tổ tiên tiền nhân đã dầy công dựng nước và giữ nước không?

Xin thưa ngay là có lỗi rất lớn. Trong đạo Phật có nêu ra hai đế: Chơn đế và Tục đế. Chơn đế là đứng về mặt chân lý siêu xuất thế gian. Nghĩa là một thực thể vượt ngoài đối đãi nhị nguyên. Đã thế, thì không còn gì phải suy nghĩ luận bàn. Tuy nhiên, đứng về mặt Tục đế hay Thế giới tất đàn, tất nhiên là đời sống của mỗi cá thể đều có liên quan mật thiết với xã hội. Tuy Phật tử có dốc lòng tu, đó là chuyện giải thoát riêng cá nhân mình. Còn đối với tổ quốc như đã nói, đó là việc chung của mỗi người dân. Phật tử đừng quên, ân đất nước là một trong bốn ân sâu nặng mà người Phật tử phải hằng tâm ghi nhớ. Người không có tổ quốc tức là không có cội nguồn. Đất tổ quê cha là cội nguồn của chúng ta. Tất nhiên là chúng ta cần phải quan tâm đóng góp xây dựng. Dù Phật tử sinh sống ở đâu, nhưng đối với các bậc tổ tiên tiền nhân đã dầy công dựng nước và giữ nước, là hậu sanh chúng ta cũng phải hết lòng khắc sâu ghi nhớ. Đó là một công ơn rất lớn lao mà các ngài đã dầy công tạo dựng. Chúng ta phải có bổn phận duy trì phát triển và bảo vệ.  Nếu không có các vị đó, thì thử hỏi chúng ta có còn là người Việt Nam nữa hay không? Nếu Phật tử không quan tâm gì đến việc nước nhà tất nhiên là Phật tử sẽ có lỗi rất lớn đối với các bậc tổ tiên tiền nhân. Đâu phải ai dốc lòng tu rồi cũng đều quên hết việc đất nước? Nếu ai tu hành cũng quên hết như thế, thì không biết tổ quốc sẽ đi về đâu?

Tóm lại, ngoài bổn phận là người Phật tử tại gia ra, Phật tử còn là một người công dân của đất nước. Đã thế, tất nhiên Phật tử phải có bổn phận quan tâm đến việc tồn vong, hưng suy của đất nước, vì nơi đó đã từng ấp yêu cưu mang Phật tử. Nhờ đó mà Phật tử mới có được một cuộc sống an ổn như ngày hôm nay. Thế thì, tất cả chúng ta đều phải có bổn phận và trách nhiệm tùy theo hoàn cảnh và khả năng mà nhiệt tâm tích cực đóng góp xây dựng bằng mọi cách thế cho quê hương đất nước của chúng ta vậy.

Trích từ: Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3