Toàn bộ giáo lý của Đức Phật có ba hệ thống:
1. Giáo lý chung thông của năm thừa
2. Giáo lý chung thông của ba thừa
3. Giáo lý đặc biệt của đại thừa.
Thừa nghĩa là cỗ xe, có tác dụng vận tải đến đích; giáo lý của Phật dạy có năng lực đưa người đến mục đích giải thoát (niết bàn) và giác ngộ (bồ đề) nên mệnh danh theo danh từ ví dụ ấy, gọi là thừa . Giáo lý (hay Thừa) ấy, để cung cấp cho tất cả trình độ cao thấp bất đồng nên có 5; 5 thừa phân ra 3 hệ thống và là thành phần của 2 loại chánh.
1. Pháp thế gian.
2. Pháp xuất thế.
Giáo lý "năm cấm giới" của nhân thừa (thừa thứ nhất) và giáo lý "mười thiện nghiệp" của thiên thừa (thừa thứ hai) nếu chỉ vì mục đích phước lạc mà thực hành thì kết quả chỉ đạt đến phước lạc ở loài người và chư thiên, nghĩa là vẫn còn trong phạm vi luân hồi, nên thuộc về "pháp thế gian" và đứng riêng một hệ thống, hệ thống thứ nhất. Giáo lý "bốn đế lý" của thanh văn thừa (thừa thứ ba) và giáo lý "mười hai nhân duyên" của duyên giác thừa (thừa thứ tư) thì chỉ thật hiện được mục đích giải thoát cho mình trong một phạm vi đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, nên dầu thuộc về "pháp xuất thế" nhưng vẫn thành một hệ thống riêng, hệ thống thứ hai. Còn giáo lý "thật tướng" của đại thừa (hay tối thượng thừa, tức thừa thứ năm) thì diệt trừ đến tận vô thỉ vô minh, thật hiện đại giải thoát và đại giác ngộ cho mình và cho tất cả, nên tuy thuộc về "pháp xuất thế" mà nội dung bao gồm hết thảy, nên đứng riêng một hệ thống đặc biệt, hệ thống thứ ba.
Hiểu đại loại như vậy rồi, giờ quay lại để nhận định sự tương quan của ba hệ thống giáo lý trên. Trước hết, nên để ý chữ chung thông và chữ đặc biệt. Chung thông thì cái gì của "thừa" dưới có là các "thừa" trên bao gồm cả; nói một cách khác để rõ ràng hơn, giáo pháp gì thừa dưới có, thừa trên cũng phải thực hành (nhưng thực hành với mục đích của mình) mới đạt đến mục đích mình mong mỏi. Trái lại, đặc biệt thì giáo lý gì của thừa trên có, thừa dưới không có giáo lý ấy, nghĩa là người tu thừa dưới đã không thực hành nổi mà cũng không liên quan gì đến mục đích của họ. Hãy lấy một thí dụ trèo thang cho dễ hiểu: Nấc dưới là những nấc mà người muốn lên tột bực phải trèo qua, còn nấc tọât bực không phải là nấc phải kinh quá và có thể kinh quá của người chỉ trèo các nấc dưới. Hiểu như vậy mới thấy cái hệ thống phân minh của năm thừa, đồng thời cũng thấy sự tương quan giữa năm thừa ấy, và do đó, điều quan trọng này tự nhiên lộ diện ra: như một người chỉ muốn hoàn thành nhân cách để được phước lạc trong nhân loại mà thực hành 5 cấm giới, thì năm cấm giới đó chỉ thật hiện mục đích tương đương như thế mà thôi; trái lại, một người có chí nguyện đại thừa, vì mục đích đại giải thoát và đại giác ngộ mà thực hành giáo pháp cơ bản đầu tiên là năm cấm giới trên thì năm cấm giới ấy la øcái viễn nhân thật hiện mục đích vô thượng của đại thừa. Cứ liên tưởng đến cái thí dụ trèo thang trên cũng hình dung được ý niệm này.
Danh từ chung thông và đặc biệt cho ta vài nhận định cần thiết như vậy, tự nhiên ta thấy ba hệ thống của 5 thừa:
1. Năm cấm giới và mười thiện nghiệp là hệ thống giáo lý thứ nhất, tuy thuộc về "pháp thế gian" nhưng đồng thời cũng là nấc thang thứ nhất và nấc thang thứ nhì của ba thừa trên, nên gọi là " giáo lý chung thông của năm thừa".
2. Bốn đế lý và 12 nhân duyên là hệ thống giáo lý thứ hai, tuy thuộc về "pháp xuất thế" nhưng chỉ thật hiện mục đích tự giải thoát, và tuy chỉ tự giải thoát nhưng cũng là nấc thang thứ ba và nấc thang thứ tư của đại thừa, nên gọi là " giáo lý chung thông của ba thừa".
3. Thật tướng là hệ thống giáo lý có hai mặt: Mặt cao thì diễn đạt thật tướng của các pháp và thật hiện mục đích vô thượng; mặt rộng thì bao gồm tất cả giáo lý của các thừa dưới, nói khác đi, các thừa dưới chỉ là giáo lý của hệ thống này, nhưng để cung cấp cho tất cả trình độ nên Phật tỉa thừa này ra mà thiết lập. Bởi hai mặt cao và rộng tột bực như vậy nên nó là " giáo lý đặc biệt của đại thừa" mà thôi.
Bây giờ, tự nhiên có hai câu hỏi mà ta phải giải thích trước khi giải thích đại cương của ba hệ thống giáo lý trên. Hai câu hỏi ấy là:
a/ nếu năm cấm giới và mười thiện nghiệp là nhân thừa và thiên thừa thì giáo lý ấy có khác gì đạo đức luân lý của thế gian mà để nó vào hệ thống giáo lý của Phật? Hỏi như vậy cũng như hỏi 5 cấm giới và 10 thiện nghiệp làm sao thành viễn nhân của mục đích giải thoát trong khi hình thức nó không hơn mấy luân lý và đạo đức thế gian?
b/ Trong 5 thừa (hay 3 hệ thống giáo lý) đó, thứ nào mới thật là Phật Pháp, bao gồm toàn diện giáo lý và đạt đến mục đích cuối cùng của Ngài?
Muốn giải đáp câu hỏi thứ nhất, ta phải nhớ đến "ba qui y". Ba qui y là mục đích của người tu học Phật Pháp. Mục đích ấy có nghĩa là qui ngưỡng người dẫn đạo mình (Tăng) thật hành các giáo lý cao rộng (Pháp) để thật hiện mục đích vô thượng (Phật). Khi thệ nguyện thọ trì và tu tập 5 cấm giới hay 10 thiện nghiệp thì phải thọ "ba qui y" như thế để nhận thức mục đích. Và do 3 qui y (nói cách khác, là do mục đích đó) mà 5 cấm giới và 10 thiện nghiệp vừa là nguyên nhân trực tiếp đem lại phước lạc tương đương với giá trị của nó, vừa là viễn nhân gián tiếp bước lên mục đích vô thượng của Phật Pháp. Vì vậy, hình thức của 5 cấm giới và 10 thiện nghiệp, tuy luân lý đạo đức có giống nó đôi phần, nhưng nó, vì giá trị trên, vốn cũng là những pháp vị đề hồ, những giọt sữa thật chất, chảy ra từ chân như giác hải của Phật đà. Cũng do theo đây, "ba qui y" vừa là cơ bản, vừa là mục đích suốt từ đầu chí cuối của tất cả 5 thừa.
Còn câu hỏi thứ hai, muốn giải đáp, ta phải nhấn mạnh mục đích vô thượng của Phật Pháp. Mục đích ấy là đại giải thoát và đại giác ngộ, nói tóm, mục đích ấy là thành Phật. Mà Phật Pháp là gì? Là giáo pháp do Phật nói ra và đi đến địa vị Phật. Đi đến địa vị Phật, đó là mục đích vô thượng của Phật Pháp. Nhưng giáo lý nào có thể đạt mục đích đó ngoài giáo lý đại thừa? Cái cao của mục đích Phật Pháp là trí giác vô thượng, cái rộng của mục đích Phật Pháp là giác ngộ. tận cùng; cái cao cái rộng ấy phi tính chất cao và rộng của giáo lý đại thừa, không có giáo lý chi đạt thấu, thật hiện được.