Phật Học Vấn Đáp


Niết bàn có liên hệ gì trong ba Pháp ấn?

2/18/2023 8:25:48 AM
Trong kinh tạng A Hàm, Niết bàn là một trong ba Pháp ấn (ba ấn chứng đặc biệt về các lời dạy của Đức Phật trong ba tạng kinh điển), bao gồm: a/ các hành vô thường; b/ các pháp vô ngã; và c/ Niết bàn tịch tĩnh. Nói tóm tắt, ba ấn chứng này là vô thường, vô ngã, và Niết bàn. Mục đích các vị Thánh đệ tử tổng kết ba pháp ấn là để giúp phân biệt rõ ràng những điều do Đức Phật dạy và những điều không phải do Đức Phật dạy. Chúng ta có thể hiểu đại khái ba Pháp ấn này như sau:

a/ Các hành là vô thường: Tất cả những hiện tượng tạo tác của thân, tâm và thế giới là vô thường, chúng là sản phẩm của nhiều nhân duyên, khi các duyên hội tụ thì các pháp hình thành, khi các duyên tan rã thì các pháp biến đổi. Các pháp bản chất của nó luôn luôn thay đổi nên gọi là các hành vô thường.

b/ Các pháp vô ngã: Vì bản chất của các pháp là do nhiều nhân duyên hình thành, do đó các pháp vốn không có tự tính (ngã tính) cá biệt, độc lập nào ngoài sự vận hành của các nhân duyên. Vì vậy, các pháp là vô ngã.

c/ Niết bàn tịch tĩnh: Niết bàn, trong ba Pháp ấn, được gọi là tịch diệt ấn, vì nó xác định trạng thái tịch tĩnh, giải thoát, và tự do tuyệt đối của hành giả tu tập. Ở đây, căn nguyên của sinh tử khổ đau là ái dục (tanhā), do vậy khi ái dục được đoạn tận một cách toàn triệt, hành giả sẽ chứng đắc được cảnh giới của Niết bàn tịch tĩnh.

Trong ba Pháp ấn trên, hai Pháp ấn đầu (vô thường và vô ngã) nói đến bản chất của các pháp hữu vi sinh diệt; Pháp ấn thứ ba (tức Niết bàn) nói đến thực tại của pháp vô vi, bất sinh, và giải thoát.
Trích từ:  Cẩm Nang Của Người Phật Tử Tập 1. Khải Thiên



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật