Phật Học Vấn Đáp


Nguời thọ Ngũ giới không được đắp y đúng không?
Lão pháp sư đã từng giảng, người thọ ngũ giới không được đắp mạn y, con đưa đĩa DVD Lão pháp sư giảng cho một số cư sĩ ở ngôi chùa nọ ở Quảng Châu để xem, nhưng họ vẫn đắp y như thường, vì sao vậy ? Chẳng lẽ pháp sư chủ trì không hiểu, hay là không lý giải được việc ngũ giới không được đắp y ?

8/14/2022 6:34:16 AM

Hiện nay, nói thật ra, người thật sự hiểu rõ đối với Phật pháp đúng thật là không nhiều, thậm chí bao gồm cả chính chúng ta trong đó. Lời này là thật, không phải giả. Ví dụ như nói, bạn có xem Phật giáo là tôn giáo không? Phải! Tôi tin Phật giáo. Vậy thì bạn không hiểu rõ Phật giáo, vì sao vậy? Phật pháp không phải là tôn giáo. Vấn đề này không phải là tôi đưa ra, hình như là năm thứ mười hai Dân Quốc, Đại sư Âu Dương Cánh Vô. Lúc đó Đại học Trung Sơn Đệ Tứ tổ chức một lần diễn giảng. Đại học Trung Sơn Đệ Tứ là Đại học Sư Phạm Nam Kinh hiện nay, trước đây là Đại học Kim Lăng, thuở ban đầu, năm thứ mười hai Dân Quốc gọi là Đại học Trung Sơn Đệ Tứ. Đề mục diễn giảng của Ngài là “Phật Giáo không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, mà là nhu cầu tất yếu thời nay”.

Năm Dân Quốc thứ mười hai tôi vẫn chưa ra đời, tôi sanh năm Dân Quốc thứ mười sáu. Ba mươi năm trước tôi cũng giảng Kinh ở Hồng Kông, chính là giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, đã xem thấy bài giảng này ở Thư Viện Phật Giáo Trung Hoa trên đường Vành Đai. Đây là do Đại sư Âu Dương Cánh Vô giảng, học trò của Ngài là cư sĩ Vương Ân Dương ghi chép. Tôi tỉ mỉ xem thử, điều Ngài nói rất có đạo lý, Phật pháp thật sự không phải là tôn giáo, cũng không phải là triết học. Nhưng trong Phật giáo có triết học, có khoa học. Chúng tôi học Phật năm sáu năm rồi, trong Kinh điển Phật giáo nói những điều gì? Tôi quy nạp nó thành năm loại lớn, các bạn đồng học tỉ mỉ mà nghe, tỉ mỉ mà xem có đúng không. Trong Kinh Phật giảng luân lý, giảng đạo đức, giảng nhân quả, giảng triết học, giảng khoa học. Chúng tôi trong quá trình giảng “Kinh Hoa Nghiêm” thường hay xem thấy. Tiên sinh Phương Đông Mỹ giới thiệu Phật pháp cho tôi, Ngài nói Phật pháp là triết học cao cấp. Hiện nay chúng tôi tiếp xúc thì biết, không những là triết học cao cấp, mà còn là khoa học cao cấp. Liên quan đến luân lý, đạo đức, nhân quả, thảy đều nói ở mức độ cao nhất, thực sự là hiếm có. Mấy người biết được? Bạn không tiếp xúc, không thâm nhập mà nghiên cứu thì bạn không hiểu được.

Phật pháp là bao gồm tất cả, tôn giáo cũng bao gồm ở trong đó. Phật pháp không phải là triết học, mà trong đó có triết học, không phải là tôn giáo mà trong đó bàn đến tôn giáo, không phải là khoa học mà trong đó bàn đến khoa học cao nhất. Đỉnh cao nhất của khoa học hiện đại nói về vật lý vũ trụ, nói về lượng tử lực học, nói về hạt cơ bản, trong Kinh Phật toàn bộ đều có, hơn nữa nói được còn thấu triệt hơn khoa học. Cho nên, nhận thức Phật giáo quả thật không dễ! Rốt cục Phật giáo nói điều gì? Dùng một câu để nói, như trong “Kinh Bát Nhã” nói là: “Thật tướng các Pháp, là chân tướng vạn sự vạn vật của vũ trụ nhân sanh”. Hiện nay chúng ta càng rõ ràng hơn, càng thấu đáo hơn, nói được càng sát hơn, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” nói điều gì? Chính là nói chân tướng của chính chúng ta, vậy bạn mới thật sự có thọ dụng! Từng chữ từng câu Kinh văn là nói từ trên thân của chính mình. Ngoài thân có hay không? Không có, thật sự là những gì trong Kinh nói, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Cảnh giới bên ngoài là gì? Cảnh giới là biến hiện của tự tánh, cho nên trong “Lục Tổ Đàn Kinh”, khi Đại Sư Huệ Năng kiến tánh đã nói ra năm câu, có thể nói năm câu đó là tổng cương lĩnh của hết thảy Kinh giáo mà mười phương ba đời tất cả chư Phật đã nói, đều nói đến tự tánh. Tự tánh “Vốn tự thanh tịnh”, tự tánh “Vốn không sanh diệt”, tự tánh “Vốn tự trọn đủ”, tự tánh “Vốn không dao động”, tự tánh “Năng sanh vạn pháp”, nói đến cùng cực rồi! Đây mới gọi là chân thật hiểu được Phật pháp.

Việc đắp y hay không đắp y là hình thức, y cũng giống như chúng ta may đồng phục học sinh vậy. Có cần nghiêm trọng như vậy không? Không quan trọng, đó là hình thức. Phật pháp trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Nhưng hình thức này chúng ta cũng phải tôn trọng, là một quy cũ ở trong nhà Phật. Ngũ giới không có đắp y, ngũ giới thuộc về bạch y, thọ Bồ Tát giới mới có y, mới có mạn y. Nói thật ra, hiện nay có giới thật sự hay không? Không những không có Bồ Tát giới, mà ngũ giới cũng không có. Đâu có ai thọ ngũ giới rồi mà làm được chứ? Thứ nhất là không sát sanh, con muỗi vừa cắn thì đập một phát đã đánh nó chết rồi. Bạn có thể làm được không trộm cắp không? Khi nộp thuế vẫn nghĩ một chút phương pháp, làm sao để nộp ít một chút. Loại ý niệm này, loại hành vi này chính là hành vi trộm cắp, tâm trộm. Đóng thuế nhiều một chút, đất nước có thêm một chút thu nhập, bạn đã bố thí rồi. Tại sao không tu bố thí ba la mật, vẫn muốn nộp ít một chút? Là tâm trộm cắp. Còn ý niệm chiếm sự thuận tiện của người khác, đây đều là thuộc về tâm trộm cắp. Vọng ngữ thì càng không cần nói. Cho nên, trong ngũ giới, có điều nào bạn có thể làm được chứ? Có chăng thật sự có thể làm được chỉ có một điều là không uống rượu, bốn điều khác không dễ làm được. Bồ Tát giới lại càng khó hơn. Vì sao vậy? Vấn đề này rất nghiêm túc.

Người xuất gia thì không làm được Sa Di Luật Nghi. Cư sĩ tại gia thì không bàn đến Tam Quy Ngũ Giới, ngay cả Thập Thiện Nghiệp Đạo cũng không làm được. Không làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo thì Tam Quy Ngũ Giới là giả, không phải thật. Bạn xem thứ tự trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, điều đầu tiên là: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Chúng ta đề xướng ba cái gốc Nho Thích Đạo chính là từ điều đầu tiên, chỗ nương vào chính là điều này. Hiếu thân tôn sư ở trong “Đệ Tử Quy”, từ tâm bất sát là giáo dục nhân quả ở trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, tu Thập Thiện Nghiệp là “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, là ba cái gốc này! Có ba cái gốc này rồi thì bạn mới có thể thọ Quy Y, bạn mới thật sự có được Tam Quy. Hiện nay quy y là giả.

Quy y Phật, ý nghĩa của Phật là gì? Thế nào gọi là quy y Phật? Trong “Lục Tổ Đàn Kinh” đã nói rất rõ ràng, giác mà không mê là quy y Phật, bạn có thể làm được không? Chánh mà không Tà là quy y Pháp, Tịnh mà không nhiễm là quy y Tăng, bạn có thể làm được không? Chúng ta khởi tâm động niệm vẫn là mê, vẫn là tà, vẫn là nhiễm, chưa có quy y! Sau khi thật sự quy y rồi thì khởi tâm động niệm, họ là Giác, họ là Chánh, họ là Tịnh, Giác Chánh Tịnh. Trong tâm Bồ Đề nói thanh tịnh, bình đẳng, giác, vậy thật sự là quy y rồi. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể tương ưng với thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, đây là chân thật quy y. Có Tam Quy rồi thì mới thọ Ngũ giới,. Bạn hãy suy nghĩ về thứ tự này.

Cho nên ngày nay chúng ta để nó ở sau cùng, trước hết dạy bạn Hiếu thân tôn sư, trước hết bạn hãy học “Đệ Tử Quy”. Bạn chưa học “Đệ Tử Quy”, chưa học “Cảm Ứng Thiên” thì chắc chắn bạn không làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo. Không làm được Thập Thiện Nghiệp Đạo thì bạn không có tư cách thọ Tam quy Ngũ giới, cho nên đắp y hay không đắp y không cần phải hỏi nữa. Người khác làm được như pháp hay không như pháp cũng đừng để ở trong tâm, chúng tôi thường hay nói, người khác nghĩ bất thiện, làm việc bất thiện, tuyệt đối không được để ở trong tâm, tuyệt đối không được nói ra ngoài miệng, không được đi phê bình người, người ta không sai. Phải phê bình chính mình, ta học Phật, ta chưa làm được tốt, chưa làm được tấm gương tốt cho người ta, để cho người ta vẫn mê hoặc điên đảo, bản thân chúng ta có tội, chính mình có lỗi lầm. Từ chính mình mà làm, sửa lỗi đổi mới, làm ra tấm gương tốt cho người khác xem, vậy thì đúng rồi.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Giới       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật