Phật Học Vấn Đáp


Ý nghĩa chân thật của câu “Trụ tâm một chỗ, không việc gì chẳng thành” là gi?
Xin hỏi ý nghĩa chân thật của câu “Trụ tâm một chỗ, không việc gì chẳng thành”? Phải làm sao mới có thể thật sự đạt được tiêu chuẩn này?

8/13/2022 9:02:40 PM

Thế Tôn đối với câu giáo huấn này, trong Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã nói rất nhiều. Do đây có thể biết, khi Thế Tôn còn tại thế thường hay nêu ra câu nói này. Thường hay nêu ra, vậy thì đây là câu nói rất quan trọng. “Trụ tâm một chỗ” có sâu cạn khác biệt không như nhau, có pháp thế gian và xuất thế gian không như nhau, đương nhiên tác dụng của nó cũng không giống nhau. Gần đây chúng tôi đọc được ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” đoạn Kinh luận này: “Đắc tam muội tịch dụng không ngằn mé”. “Tịch” chính là nhập định, chính là trụ tâm một chỗ, “dụng” là khởi tác dụng. Cho nên, bạn hiểu được đây là định, công phu của nó cạn sâu không như nhau. Theo tiêu chuẩn của pháp Đại thừa, “Trụ tâm một chỗ” chính là trong Tâm Bồ Đề đã nói là Tâm chân thành, Tâm chí thành. Tâm chí thành là chân tâm của bạn, là bản tánh của bạn, từ trên đây mà nói bạn vốn dĩ là Phật. Câu nói này không giả chút nào, là chân tâm của bạn. Hiện nay, bạn mê mất chân tâm rồi. Mê mất chân tâm thì biến thành vọng tâm. Vọng tâm là không thật. Không thật chính là nói tâm của bạn là giả, không phải là chân tâm. Không thành, tâm của bạn là hư ngụy. Chúng ta không nói người khác, mà nói chính mình, bạn sẽ thấy tâm của mình là giả, là hư ngụy, ý niệm của bạn đang thay đổi trong từng sát na, ý niệm trước nói đúng, ý niệm sau nói sai, lập tức phủ định ngay, chính là bạn không thành thật với chính mình. Chính mình còn không chịu trách nhiệm với chính mình, làm sao bạn có thể làm tốt công việc được? Làm sao bạn có thể xây dựng được niềm tin? Đây là điều rõ ràng dễ thấy.

Chân thành, chân không phải là hư vọng. Bạn thử nghĩ những điều Phật giảng ở trong Tam Thừa Kinh Giáo, vũ trụ bao la, nơi đâu là chân thật? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. “Tướng” này không những là vật chất, mà còn bao gồm cả hiện tượng tinh thần trong đó. Nói đến Pháp Tướng Duy Thức thì bạn càng dễ hiểu hơn, A Lại Da đều là giả, đều không phải thật. Bạn xem những pháp hữu vi được liệt kê trong Bách Pháp, pháp hữu vi không phải là thật, pháp vô vi là thật. Cái đầu tiên trong pháp hữu vi chính là A Lại Da, thứ hai là Mạt Na, thứ ba Ý Thức, thứ tư là năm thức đầu. Tâm là hư vọng, tâm sở là hư vọng, bất tương ưng hành pháp là hư vọng, đều không phải là thật. Sắc pháp và vật chất thì sao? Vật chất là y theo chúng mà khởi, cũng không phải thật. Cho nên trong Bách Pháp thì chín mươi bốn loại pháp hữu vi này bao gồm tất cả pháp thế xuất thế gian, quy nạp nó thành chín mươi bốn loại, toàn là hư vọng không thật. Cái thật là gì? Cái thật là vô vi. Trong vô vi có tương tự vô vi, có chân thật vô vi, vô vi chân thật chỉ có một, cái sau cùng gọi là chân như vô vi. Tâm an trụ ở chân như vô vi thì người này đã thành Phật rồi, đó gọi là trụ tâm một chỗ, không việc gì chẳng thành, đó là thật. Ở đây nói bạn chứng đắc chân như, bạn minh tâm kiến tánh.

Tánh là gì? Tánh chính là chân như.

Hình dáng của chứng đắc chân như là gì? Cách nói của Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư nói rất hay, đơn giản rõ ràng: chân như thanh tịnh, chân như không sanh không diệt, chân như trọn đủ vạn pháp. Trọn đủ vạn pháp này rất khó hiểu, vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo thảy đều trọn đủ. Toàn bộ vũ trụ chính là trọn đủ ở trong chân như. Chân tâm từ trước tới nay chưa từng dao động, không giống như vọng tâm của chúng ta, vọng tâm là ý niệm này tiếp nối ý niệm kia mà đến, cho nên vọng niệm lăng xăng, niệm niệm không trụ, đây là vọng tâm. Phía sau nói năng sanh vạn pháp, toàn bộ sâm la vạn tượng trong vũ trụ đều là chân như biến hiện ra. Quả địa Như Lai thật sự thì trụ tâm một chỗ, đây là quả vị Phật cứu cánh viên mãn. Tiếp theo nói, bốn mươi mốt địa vị pháp thân Đại Sĩ trên “Kinh Hoa Nghiêm” cũng là trụ tâm một chỗ, chính là chân thành. Vì sao chân thành vẫn có nhiều cấp bậc đến như vậy? Cấp bậc này là tập khí vô minh từ vô thủy còn mang theo, là từ chỗ này mà nói, chúng ta ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói được rất rõ ràng. “Không việc gì chẳng xong” là giống như Quán Thế Âm Bồ Tát có ba mươi hai ứng thân, Ngài có thể cảm ứng đạo giao với chúng sanh thập pháp giới, đáng dùng thân gì để độ thì hiện thân đó (trong thập pháp giới có Bồ Tát, có Phật, các Ngài chưa kiến tánh, các Ngài cũng là chúng sanh). Thân không có tướng nhất định, pháp không có pháp nhất định, nên dùng phương pháp gì để giúp họ khai ngộ, giúp họ quay đầu thì dùng phương pháp đó, cho nên phương pháp là vô lượng vô biên. Không chỉ có tám mươi bốn ngàn phương pháp. Đây là “không việc gì chẳng xong” của Như Lai, Pháp thân Bồ Tát, là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong bốn cõi.

Chúng ta lại hạ xuống một bậc, hạ một bậc là cõi Phương Tiện Hữu Dư, đó chính là Tứ Thánh Pháp Giới: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác ở trong Thập Pháp Giới cũng là trụ tâm một chỗ. Các Ngài trụ tâm ở chỗ nào? Tâm của các Ngài là vọng tâm, không được tính là chân tâm, vẫn là A Lại Da, nhưng các Ngài giác ngộ. Cho nên trong đây có mê ngộ, lục đạo phàm phu là mê, Tứ Thánh Pháp Giới là ngộ. Tuy ngộ nhưng vẫn không thể chuyển A Lại Da thành Đại Viên Cảnh Trí, vẫn không thể chuyển, ở trong đó các Ngài dùng công phu để chuyển, cho nên chỗ các Ngài trụ chính là chánh giác, niệm niệm giác mà không mê. Điều này thông thường nói là gì? Trụ Bát Nhã, không mê hoặc. Lục Đạo Phàm Phu là niệm niệm mê hoặc điên đảo, không có Bát Nhã, chính là không có trí huệ. Nhiễm và Tịnh này không như nhau, hoặc là nói Bồ Tát trong Tứ Thánh Pháp Giới trụ vào tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ, tâm thanh tịnh và chân tâm rất gần nhau. Bạn xem chân thành, phía dưới là thanh tịnh, ở rất gần nhau. Các Ngài trụ tâm ở chỗ này, tâm trụ ở đây.

Ngày nay chúng ta muốn học Phật, đặc biệt là Tịnh Độ Tông, Tịnh Độ Tông tu cái gì? Là tu tâm thanh tịnh. Tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh. Đâu là Tịnh Độ? Tâm tịnh cảm được chính là Tịnh Độ, đạo lý này rất rõ ràng. Tâm thanh tịnh đó của chúng ta cũng đã quá khó rồi, rốt cục tâm thanh tịnh là gì cũng không biết, cho nên pháp môn Tịnh Tông có phương tiện đặc biệt, điều này trên Hội Lăng Nghiêm gọi là phương tiện tối sơ, là A Di Đà Phật, bạn trụ tâm vào A Di Đà Phật. Đây không phải là miệng niệm, miệng niệm mà trong tâm vẫn có vọng niệm thì không được; trong tâm thật có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không có gì cả, bạn dùng tâm này thì bạn nhất định vãng sanh. Khi còn chưa vãng sanh thì sống ở trên thế giới này, bất luận là làm việc gì, bạn đều sẽ làm được rất viên mãn. Vì sao vậy? Tâm của bạn là định, tâm của bạn không tán loạn, trong tâm của bạn không có vọng tưởng. Sự việc đến rồi, vừa tiếp xúc thì dùng trí huệ để xử lý, không phải là vọng tưởng để xử lý. Ta muốn suy nghĩ xem làm như thế nào, làm ra sao, chính là dùng vọng tưởng xử lý; không cần phải nghĩ, vấn đề vừa đến thì tự nhiên sẽ có cách ứng phó cho bạn, làm được rất viên mãn. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, khi Phật còn tại thế, bạn xem bao nhiêu người thỉnh giáo Ngài, đưa ra câu hỏi, lúc nào Phật cũng lập tức trả lời ngay, tuyệt đối không nói phải suy nghĩ một chút, mà Ngài lập tức liền trả lời cho bạn, liền giải quyết cho bạn. Tổ sư Đại Đức cũng là như vậy.

Tôi thân cận Đại sư Chương Gia được ba năm, khi chúng tôi đưa ra câu hỏi cho Đại sư, Ngài không lập tức trả lời ngay, Ngài đều là đợi rất lâu rồi mới giải đáp. Đó không phải là không lập tức trả lời cho bạn, mà do tâm khí của bạn bao chao. Phương pháp dạy học này cao minh, nhất định phải để tâm của bạn định lại đã, thì mới có thể tiếp nhận. Tâm không định thì không tiếp nhận được, nói cho bạn như là gió thoảng qua tai, ở đây vừa nghe xong, bước ra ngoài cửa liền quên mất, vậy đâu có tác dụng gì chứ? Tôi theo Ngài ba năm đều là như vậy. Có nghi hoặc hướng về Ngài thỉnh giáo, Ngài đều là rất tĩnh, vô cùng an tĩnh nhìn tôi, để chính tôi cũng tĩnh trở lại, vậy mới tiếp nhận được sự dạy dỗ của Ngài. Ngài đâu phải suy nghĩ? Nhìn thấu, buông xuống rồi, Ngài còn phải nghĩ suốt nửa tiếng đồng hồ hay sao? Không có đạo lý này. Cho nên từ trong sự giáo dục của Ngài, chúng tôi vô cùng khẳng định rằng học tập nhất định phải chuyên chú thì mới thật sự có thể học thành. Vậy chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều học trò này, tâm đều không thể chuyên chú, tâm của họ tán loạn thì học không được. Đây chính là nói trụ tâm một chỗ thì họ mới có thể học được gì đó.

A La Hán, Bồ Tát trụ vào Bát Nhã! Vậy phàm phu trong lục đạo như chúng ta, tâm của chúng trụ vào chỗ nào? Đương nhiên học Phật rồi, biết là chúng ta phải trụ vào thanh tịnh, bình đẳng. “Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói với chúng ta: “Thanh tịnh bình đẳng giác”. Bạn không cần phải để ý đến giác, chỉ cần thanh tịnh bình đẳng thì giác sẽ hiện tiền. Thanh tịnh bình đẳng giống như là nước, giác là soi chiếu, nước thanh khiết, nước bình đẳng, thì nó tự nhiên sẽ khởi tác dụng soi chiếu. Tâm không thanh tịnh, không bình đẳng, thì không có tác dụng soi chiếu. Vậy tác dụng là gì? Tác dụng là ý thức, ý thức chính là phân biệt chấp trước. Phân biệt của thức thứ sáu, chấp trước của thức thứ bảy, phân biệt chấp trước sẽ sinh ra rất nhiều sai lầm. Bạn phải hiểu rằng trong chấp trước có tự tư tự lợi, có tham sân si mạn. Bạn xem bốn phiền não lớn của Mạt na thức thường theo nhau, cái đầu tiên là ngã kiến. Ngã kiến chính là tự tư tự lợi; Ngã ái, ái chính là tham; Ngã si chính là ngu si; Ngã mạn, mạn chính là sân khuể, đây là tham sân si, tự tự tự lợi tham sân si. Hiện nay, chúng ta nói là bộ phận tinh thần, có những thứ này thì chúng sẽ hiện hành, sẽ biến thành vật chất, tướng phần liền khởi lên.

Cho nên tham sân si mạn là phiền não cố hữu, không phải là học được, chỉ cần vừa mê thì nó tự nhiên khởi lên. Rốt cục là do thứ gì biến ra? Nói cho các vị biết, là trí huệ đức năng. Phật nói: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ đức tướng Như Lai”. Khi vừa mê thì trí huệ biến thành phiền não, đức liền biến thành tạo nghiệp, tướng liền biến thành lục đạo tam đồ, trong khoảng sát na thì nó đã biến ra! Cái cố hữu này không phải là nói trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đã nhiễm những thứ không tốt này, không phải là ý nghĩa này. Điều này đương nhiên cũng có, đây là ý nghĩa thứ hai. Ý nghĩa thứ nhất chính là bạn mê mất tự tánh đã làm méo mó đi trí huệ công đức trong tự tánh rồi, chuyển biến thành những thứ này.

Ngày nay chúng ta học Phật, hi vọng ngay trong một đời này phải có thành tựu thật sự, thành tựu chân thật, chúng ta an trụ tâm của mình ở A Di Đà Phật. Đại sư Liên Trì về già chính là một câu Phật hiệu, bất kỳ người nào thỉnh giáo với Ngài, Ngài đều là “Nam Mô A Di Đà Phật”, không nói câu thứ hai. Đây là Tổ sư một đời. Ở thế gian, chúng ta vẫn có thân thể lưu tại thế gian, xử sự đãi người tiếp vật, chúng ta nói điều đơn giản nhất, điều thiết thực nhất, bạn trụ tâm ở trong Thập Thiện Nghiệp Đạo là đúng rồi. Tâm của bạn là tâm gì? Là tâm thập thiện. Đừng coi thường Thập Thiện, Thập Thiện rất rộng lớn, sâu rộng không bờ mé; Cạn nhất ở cõi người là Thánh Hiền của nhân gian, lại nâng lên đến cõi Trời, rồi nâng lên Thanh Văn, nâng tiếp lên Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, làm được Thập Thiện viên mãn là quả địa Như Lai. Bạn làm thế nào có thể thấy rõ Thập Thiện? Tâm trụ ở Thập Thiện thì tâm của bạn là Thiện rồi. Bạn tu Tịnh Độ, tâm của bạn Tịnh. Bạn xem chúng ta trụ tâm ở thanh tịnh, trụ tâm ở thiện. Không để mảy may bất thiện xen tạp, thiện này là thiện của Bồ Tát. Phàm phu làm không được, phàm phu vẫn có vọng tưởng phân biệt chấp trước xen tạp. Không để mảy may bất thiện xen tạp, đó là người nào? Cấp bậc thấp nhất đó là người minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ, như các Ngài thì mới có thể làm được.

Chúng ta phải nỗ lực hết sức giảm thiểu bất thiện, cách tu như thế nào? Điều đầu tiên bạn phải học điều mà Đại sư Lục Tổ Huệ Năng dạy bạn: “Không thấy lỗi thế gian”, tâm của bạn mới thiện được. Thấy lỗi thế gian thì như thế nào? Lại có bất thiện xen tạp rồi. Hết thảy chúng sanh, phàm phu ở trong lục đạo đều là thiện ác lẫn lộn, bạn chỉ nhìn vào mặt thiện của họ, bạn đừng nhìn vào mặt ác của họ thì bạn mới có thể tu được tâm thiện, mới có thể tu được không để mảy may bất thiện xen tạp. Nếu bạn thường hay thấy người này không đúng, người kia không đúng, ngày ngày bạn xen tạp, tâm thiện của bạn không viên mãn, đời này không thể viên mãn. Quản cái này, quản cái kia, quản đến sau cùng chính mình vẫn phải vào tam đồ, quả báo của bạn vẫn là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, bạn chạy không thoát. Bạn nói xem bạn chịu thiệt thòi quá lớn! Nói thật ra là quá oan uổng rồi. Bạn quản những việc này để làm gì chứ?

Dạy người cho tốt, phổ độ chúng sanh là chính mình làm tốt rồi thì khiến người khác cảm động, đây là thật. Ở xã hội hiện nay, không phải thời gian ngắn mà thấy được hiệu quả cảm động, thấy được hiệu quả nhanh lắm cũng phải mười năm. Người này thường hay hủy báng bạn, thường hay nói xấu bạn, bạn làm thế nào? Bạn thường hay nói lời tốt về họ, nhất định không có một mảy may tâm oán hận với họ. Cứ như vậy sau mười năm, họ sẽ nghĩ rằng: mình thì ngày ngày nói họ, họ vẫn ngày ngày tán thán mình. Cho nên cần thời gian mười năm thì lương tâm mới có thể thức tỉnh, họ mới cảm thấy trong cả đời này của mình, thật sự đã gặp được một người tốt chân thật. Vậy thì chúng ta muốn hỏi, người ngày ngày hủy báng mình, đặt điều sinh sự, hãm hại mình như vậy, người này có phải là người tốt không? Là người tốt. Vì sao là người tốt? Họ giúp ta tiêu nghiệp chướng. Người học Phật phải hiểu đạo lý này. Họ nói rất nhiều điều không đúng về ta, sau khi ta nghe rồi, ta phải phản tỉnh lại xem mình có hay không. Có thì phải sửa, không thì phải khích lệ, nhất định không được trách họ. Họ là người tốt, họ có thể nói ta, giúp cho ta có thể sửa lỗi đổi mới, thật sự là ân đức, là ân nhân, bạn còn có thể phê bình họ sao? Bạn còn đi trách móc họ sao? Bạn còn đi oán hận họ sao? Vậy được rồi, oan oan tương báo không bao giờ dứt, bạn kết oán với người ta thì bạn sai rồi.

Thật sự là từ vô thủy kiếp đến nay đều là sai, ngày nay gặp được Phật pháp mới hiểu rõ ràng, mới tường tận, không làm việc sai nữa. Chúng ta học Phật rồi, chúng ta hiểu được đạo lý này, y giáo phụng hành, đó là thật. Bạn xem việc oan ức chịu thiệt cả đời này của tôi rất nhiều, nhưng tôi rất biết ơn. Những người đặt điều sanh sự, hủy báng tôi, có không ít người thật sự quay đầu rồi, bởi vì sao? Tôi từ trước tới nay không nói một điều xấu về họ, từ trước tới nay chưa từng phê bình họ, tôi đều là tán thán, họ tiêu nghiệp chướng thay tôi, tôi rất cảm kích. Vậy thì sao? Vậy thì có thể hóa giải xung đột, hóa giải mâu thuẫn.

Mâu thuẫn có hai loại nguyên nhân, một loại là nghiệp nhân trong đời quá khứ, một loại là hiểu lầm ở hiện tại, đều không đáng để vào trong tâm. Chính mình rất rõ ràng, rất tường tận là trí huệ, như như bất động là định công. Tiếp nhận rồi thì chính mình tự kiểm điểm, sám hối, đây là công phu tu hành của mình, đây là công đức. Nếu bạn biết tu thì ngày ngày đang tích công lũy đức. Nếu bạn không biết tu thì ngày ngày phê bình người, đốt sạch toàn bộ công đức mà bạn tu được, lửa thiêu rừng công đức, thiêu sạch sẽ. Vấn đề ở chỗ bạn có biết hay không? Bạn có hiểu hay không?

Ngày nay, chúng ta làm người, học Phật làm người, tâm an trụ vào thuần tịnh thuần thiện, an trụ vào thuần tịnh, Tịnh Độ của chúng ta nhất định thành công. An trụ vào thuần thiện, chúng ta có thể hóa giải được oán thân trái chủ ở hiện tiền và trong đời quá khứ, toàn bộ có thể hóa giải, thuần thiện có thể hóa giải. Thuần tịnh nhất định sanh Tịnh Độ, tương ưng với tâm Bồ Đề. Điều kiện vãng sanh Tịnh Độ là: “Phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm”, chúng ta đều trọn đủ, vậy thì đúng rồi. Cho nên, từ chỗ không nhớ lỗi của người khác mà hạ thủ. Chúng tôi xem thấy báo cáo của người Hawaii bản địa, tôi vô cùng cảm động, nguyên lý nguyên tắc ở trong đó nói hoàn toàn tương đồng với những gì Phật pháp nói. Người khác không có lỗi, lỗi là ở chính mình. Thật sự không có lỗi, bất luận họ làm thiện, làm ác đều không có lỗi lầm. Vì sao vậy? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, họ đâu có lỗi! Là cùng đạo lý với lời mà Đại sư Ngẫu Ích đã nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu ở nơi tâm”. Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, không có tốt xấu, cũng chính là nói không có lỗi lầm, không có thiện ác. Tốt xấu, thiện ác là ở tâm của mình, ở phản ứng của mình. Chúng ta dùng tâm thiện để phản ứng thì thế giới vô cùng tốt đẹp, điều gì cũng là thiện cả. Chúng ta dùng tâm bất thiện thì trên thế giới này không có thứ gì là thứ tốt cả. Là ở chính mình, không phải ở bên ngoài, bên ngoài không có, phải hiểu điều này. Bạn phải nghe hiểu, phải nghe cho rõ ràng, sau khi nghe rồi thì dùng vào trong đời sống, bạn sẽ rất vui sướng. “Học mà thường thực hành, không phải vui lắm sao”. Trong Phật nói là pháp hỉ sung mãn, là thật, không phải giả. Bạn xem, ngày ngày tiêu nghiệp chướng, ngày ngày thêm lớn trí huệ, vậy làm sao mà không vui sướng! Phải hiểu đạo lý này.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Từ Ngữ Phật Học Trong Phần Vấn Đáp



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật