Phật Học Vấn Đáp


Chấp hành những quy củ mà đạo tràng chế định lại đắc tội với người khác, xin hỏi có như pháp không?
Con ở trong đạo tràng làm việc, vì hộ trì đạo tràng, khi chấp hành những quy củ mà đạo tràng chế định lại đắc tội với người khác, xin hỏi có như pháp không? Liệu có nhân quả không ạ? Phải nên làm việc sao cho tốt?

8/13/2022 5:27:43 PM

Hiện nay [làm việc cho] đạo tràng khó, đúng thật là vô cùng khó khăn. Người chấp sự không phải là phàm phu. Giống như trường mẫu giáo vậy, chúng ta đến tu hành đều là những bạn nhỏ ở trường mẫu giáo, chấp sự là cô giáo dạy trẻ, cho nên người chấp sự trong đạo tràng là Bồ tát, không phải người thường. Bồ tát có vô lượng trí huệ, có vô lượng phương tiện thiện xảo, khi đang chấp hành nhiệm vụ thì các Ngài dùng thái độ nghiêm khắc để giáo huấn, nhưng người ta sẽ kính sợ đối với các Ngài, vừa sợ vừa yêu quý các ngài, đây chính là Bồ tát. Nếu khi bạn chấp hành mà đắc tội với người, người ta có oán hận, vậy thì sai rồi. Oán hận, oan gia nên giải không nên kết. Cho nên, việc này là việc khó làm, không phải người bình thường làm được. Trong đây có nhân quả, nhân quả thì xem mức độ oán hận của đối phương, mức độ oán hận sâu thì họ nhất định muốn báo thù, vậy thì không có cách gì, đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo, không ngừng không dứt.

Nói chung, nhất định phải nghe kinh nhiều, phải tu hành nhiều, chỉ có nghe kinh, tu hành. Thời xưa, tất cả chấp sự trong đạo tràng đều là người tu hành, sau khi về hưu thì nhận lấy công việc này, cho nên kinh nghiệm của họ rất phong phú, họ cũng nhận được sự tôn kính của người. Ở thời đại trước đây, đại khái Pháp sư giảng kinh thông thường, pháp sư tu hành, giống như ở niệm Phật đường lãnh chúng, ở thiền đường lãnh chúng, từ 70 tuổi trở lên thì về hưu, về hưu thì đi làm hộ pháp, đi làm người hộ trì. Cho nên họ có kinh nghiệm, họ cũng biết cảnh giới của người tu hành, người tu hành công phu đắc lực hay không đặc lực, họ có thể giúp đỡ nhanh chóng. Đạo tràng hiện nay khó, đặc biệt chúng ta ở nơi này, bạn nói đây là đạo tràng cũng được, bạn nói không phải là đạo tràng cũng được, vì không phải là chùa chiền chính quy. Cho nên chúng tôi thành lập một Hiệp Hội Giáo Dục Phật đà, mọi người cùng nhau tu học.

Cho nên vì sao phải đặc biệt xem trọng Đệ Tử Quy, xem trọng Thập Thiện Nghiệp Đạo, xem trọng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên? Học ba thứ này rồi thì đạo tràng đó bất luận là chấp sự hay hay là đồng tu, đều có thể chung sống hòa mục, có thể hợp tác lẫn nhau. Nếu ai nấy đều không học thì đạo tràng là đạo tràng đấu tranh, bạn đi đâu mới thấy được đạo tràng Lục Hòa Kính chứ? Đạo tràng nhỏ có hai người ở, hằng ngày đều cãi nhau, bạn còn có cách gì không? Đây là hiện tượng mạt pháp, đây là hiện tượng Phật pháp suy đến chỗ cực điểm, chúng tôi xem thấy rồi rất đau lòng! Có phương pháp gì không? Chính mình nghiêm túc nỗ lực tu học. Càng ở trong hoàn cảnh này càng phải gấp rút dụng công, vì sao vậy? Chúng ta không có năng lực thành tựu người khác thì ít nhất phải thành tựu chính mình. Nếu chính mình không thể thành tựu thì cả đời này của bạn đã trải qua vô ích rồi, đó gọi là thật sự đáng tiếc.

Chúng tôi thường khuyến khích người ở đạo tràng hộ trì đạo tràng, thực sự chính mình không thể nào nhẫn chịu, nhưng chúng ta cũng đừng đắc tội với người khác, chúng ta có thể rời bỏ công việc này, có thể từ chức. Trong đạo tràng có người nào đó đi làm thì đó là việc của họ, đạo tràng có thể làm thành hay không, hoặc là đạo tràng hoàn toàn thất bại thì đó là nghiệp báo của chúng sanh khu vực này. Chúng sanh khu vực này có phước thì tự nhiên có người tốt đến hộ trì, đến làm, không có phước báo thì Phật Bồ tát đến cũng chẳng có tác dụng. Cho nên là phước báo của chúng sanh, bản thân chúng ta chỉ có nguyện lực. Bạn phải hiểu rằng, Phật ở trong Kinh thường nói “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt”. Nguyện lực của chúng ta phát ra so với nghiệp lực của chúng sanh là bình đẳng, nguyện lực của chúng ta kết hợp với Phật lực mới giúp đỡ được chúng sanh. Nếu không có sự gia trì của Phật lực thi chúng ta sẽ không có cách nào chống lại nghiệp lực của chúng sanh. Vào lúc này chính mình phải khéo tu, hi vọng chính mình đến thế giới Cực Lạc thành Phật rồi, thừa nguyện tái lai cũng không muộn. Đạo lý này nhất định phải hiểu, cho nên nhất định không được miễn cưỡng, như vậy là được.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật