Phật Học Vấn Đáp


Càng học Phật, học Đệ Tử Quy thì càng dễ tự trách, xin hỏi làm sao để giải phóng áp lực?
Đệ tử sau khi học Phật thì bớt nóng giận, đã ôn hòa hơn, cách nhìn đối với người việc vật cũng không thiên lệch và cực đoan nữa. Người nhà và đồng nghiệp đều có đồng cảm sự thay đổi này. Nhưng tự con cảm thấy áp lực rất nặng, trong tâm không nhẹ nhàng, càng học Phật, học Đệ Tử Quy thì càng dễ tự trách, xin hỏi làm sao để giải phóng áp lực? Càng cảm thấy duyên phận học Phật rất thù thắng thì càng biết phải trân quý, ngược lại làm cho áp lực lên chính mình rất lớn, xin hỏi điểm mấu chốt ở đâu? Có loại áp lực này thì có bình thường không?

8/12/2022 11:04:02 PM

Có áp lực là sự việc theo giai đoạn, bạn học Phật ở một giai đoạn nào đó. Đương nhiên nó không phải là bình thường, nếu đó là bình thường thì chư Phật Bồ tát các Ngài đều có áp lực, đâu có loại đạo lý đó? Có áp lực đều là do không buông xuống được. Bây giờ tôi dạy bạn trước, bạn buông xuống áp lực của bạn, thảy đều buông xuống áp lực thân tâm. Chúng ta học Đệ Tử Quy, Đệ Tử Quy là tánh đức, bạn quay về tự tánh, bạn khởi tâm động niệm, xử sự đãi người tự nhiên chính là như vậy, cần học gì đâu? Vốn dĩ là vậy mà. Hết thảy giới luật trong nhà Phật, đó chính là đời sống hằng ngày bình thường của Phật Bồ tát, các Ngài cũng không cố ý đi làm, các Ngài vốn dĩ là như thế, như thế mà ghi chép lại. Những gì phàm phu chúng ta làm toàn là ngược lại với các Ngài, do nguyên nhân gì? Phàm phu mê mất tự tánh, tùy thuận phiền não, chư Phật Bồ tát các Ngài giác ngộ, các Ngài tùy thuận tánh đức. Cho nên hết thảy thiện pháp là tánh đức, tự nhiên là như vậy.

Chúng ta hiện nay mê quá lâu rồi, không giác ngộ, hiện nay trong phút chốc học như Phật Bồ tát thì cảm thấy rất khó, cảm thấy rất có áp lực, dần dần quen rồi thì không còn áp lực nữa. Nói chung thời gian càng dài thì càng quen. Hơn nữa, còn có cảm giác sứ mạng, hiện nay xã hội động loạn, thế giới sắp đến ngày tận thế, nguyên nhân là ở đâu? Nguyên nhân là ở lòng người bất thiện, tạo nghiệp quá nhiều, tạo thành kết quả như vậy. Thế thì sứ mạng ngày nay của chúng ta là phải làm ra một tấm gương tốt cho người khác xem, hi vọng chính chúng ta có thể cảm hóa được người khác. Bạn có thể cảm hóa được một người, hai người đều là đại công đức, cảm hóa càng nhiều người thì công đức càng lớn. Tuy có công đức cũng không để ở trong tâm, vì sao vậy? Đó là việc nên làm, như vậy là tốt. Cho nên đoạn ác tu thiện không phải hoàn toàn là vì mình, mà vì chúng sanh khổ nạn.

Hiện nay chúng sanh bất hiếu, chúng ta phải làm ra hiếu đạo. Nếu cha mẹ không còn nữa, ít nhất phải cúng một bài vị cha mẹ ở trong nhà, hoặc là treo một bức ảnh của cha mẹ lên, mỗi ngày sau khi lạy Phật xong thì cũng lạy cha mẹ một lạy. Bất kể người nhà nhìn thấy hay không nhìn thấy, chúng ta tận hiếu tâm, đề xướng hiếu đạo, không quên ân đức của cha mẹ, không quên ân đức của thầy giáo. Hiện nay con người không xem trọng, không tôn kính thầy cô, bạn xem người thế gian sai ở đâu thì chúng ta sửa lại cho đúng. Không phải là dạy họ, mà là từ chính ta, ta biểu diễn cho họ xem. Bạn dạy họ, họ không tin tưởng, họ sẽ không tiếp nhận, phải làm, làm thời gian dài, để cho họ xem mấy năm, đột nhiên giác ngộ, họ có thể quay đầu, có thể sửa lỗi đổi mới, vậy là đúng rồi. Tích tập quá lâu, không dễ quay đầu như vậy, cho nên phải rất nhẫn nại, phải làm tấm gương tốt nhất.

Chúng ta thấy người, chúng ta hành lễ chào cúi sâu 90 độ, như vậy có phần hơi quá không? Có phần hơi quá, nếu không làm quá thì họ không có cảm thấy được, chúng ta gật đầu với họ thì họ không cảm thấy gì. Chúng ta cúi 90 độ thì họ cảm thấy được. Đây không phải là vì mình, là vì muốn người khác tốt, vì để cho họ có thể sinh tâm cung kính đối với người.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Nghiệp        Học Phật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật