Phật Học Vấn Đáp


Sau khi vãng sanh Tây Phương, Phật Bồ-tát đối diện với nhân duyên quả báo như thế nào?
Sau khi vãng sanh Tây Phương, Phật Bồ tát đối diện với nhân duyên quả báo như thế nào? Những ác nghiệp đời này đã tạo thì sau khi “đới nghiệp vãng sanh” còn có phải báo nữa không? Lúc nào thì báo?

8/12/2022 5:17:40 PM

Khi vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, trên lý luận mà nói, nghiệp chướng hoàn toàn chuyển biến, biến thành gì? Biến thành trí huệ. Phải hiểu nghiệp chướng và trí huệ là một sự việc, giác ngộ rồi thì gọi là trí huệ, mê rồi thì gọi là nghiệp chướng, nó chỉ có khác biệt giữa mê và ngộ. Thật ra mà nói, những thứ này không phải là thật, điều này chúng ta hiểu được, nhưng bạn đang mê thì chúng là thật có, thật đúng là trí huệ biến thành vọng tưởng phân biệt chấp trước. Kết quả mà vọng tưởng phân biệt chấp trước tạo thành chính là nghiệp chướng. Sau khi thành Phật rồi thì vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn biến thành trí huệ. Trong Pháp Tướng Duy Thức nói rất hay, A lại da thức chính là chứa đựng chủng tử nghiệp chướng tập khí, giống như cái kho vậy, một khi giác ngộ thì nó biến thành Đại Viên Kính Trí. Nói cách khác, họ đều đi qua thập pháp giới, đều tạo không ít nghiệp, khi vừa giác ngộ thì thảy đều nhìn thấy rõ ràng, liền biến thành vô lượng trí huệ. Mạt na thức là chấp trước, chấp trước biến thành Bình Đẳng Tánh Trí. Ý thức thứ sáu là phân biệt, phân biệt biến thành Diệu Quán Sát Trí. Năm thức phía trước là tạo tác, tạo tác biến thành Thành Sở Tác Trí. Đó gọi là chuyển tám thức thành bốn trí, cách chuyển như thế nào? Giác ngộ thì chuyển rồi. Mê rồi thì bốn trí biến thành tám thức, giác ngộ thì tám thức biến thành bốn trí, là mê và ngộ mà thôi.

Sau khi giác ngộ, Phật Bồ tát tự nhiên có cảm ứng đạo giao với chúng sanh trong thập pháp giới. Sức mạnh lớn nhất trong cảm ứng chính là người có ân có oán với bạn, người đã từng qua lại với bạn. Người chưa từng qua lại với bạn thì cảm ứng rất yếu ớt, không mạnh như vậy, cho nên đây gọi là Phật không độ người vô duyên. Kết thiện duyên với bạn là người có duyên, kết ác duyên vẫn là người có duyên. Đến một lúc nào đó, bất kể thiện duyên hay ác duyên, đều có cảm ứng đạo giao với bạn. Hay nói cách khác, bạn thảy đều sẽ độ họ, đều sẽ giúp đỡ họ. Trong kinh Kim Cang, bộ kinh mà mọi người tụng quen thuộc nhất, bạn xem Ca lợi vương cắt xẻo thân thể, Ca lợi vương là vị vua ác, bạo quân. Ca lợi là tiếng Phạn, dịch ý nghĩa là bạo quân, hôn quân. Bạn xem Nhẫn Nhục Tiên Nhân là Bồ tát, là tiền thân của Thích ca Mâu ni Phật, Bồ tát tu nhẫn nhục Ba la mật. Khi Ngài bị cắt xẻo thân thể thì không có một mảy may oán hận, hơn nữa vẫn nói với ông ta, tương lai ta thành Phật thì người đâu tiên ta độ là ông. Cho nên khi Thích ca Mâu ni Phật thành Phật, người đầu tiên được độ là Tôn giả Kiều trần như, tiền thân của Tôn giả Kiều trần như chính là Ca lợi vương.

Khi Bồ tát đang phải chịu tai họa lớn như vậy, Bồ tát không có tâm oán hận, ngược lại còn cảm kích, vì sao vậy? Thành tựu được nhẫn lực Ba la mật của Ngài. Không có điều này thì đâu biết được công phu nhẫn nại của mình mạnh như vậy. Đây là điều chúng ta phải học, trong đời sống hằng ngày, chịu một chút sỉ nhục của người khác cũng đừng nổi giận, nổi giận thì chúng ta thất bại rồi, vậy thì mình chẳng có chút công phu gì. Như làm công quả trong đạo tràng, sự việc có một chút xíu bất như ý mà đã quay đầu ra đi, mãi không trở lại nữa, vậy thì đã thừa nhận bạn hoàn toàn thất bại rồi. Nếu có thể kiên trì đến cùng thì đây là Nhẫn Nhục Bồ tát, cơ hội khó có được. Đây là gì? Chính là chuyển cảnh giới đã giảng phía trước, bạn phải biết chuyển, có trí huệ sẽ biết chuyển, sẽ không bị cảnh giới làm chướng ngại. Cảnh giới, nghịch cảnh hay thuận cảnh, người thiện hay người ác, đối với mình đều có chỗ tốt.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Vãng Sanh        Nghiệp        Nhân Duyên        Tây Phương        Bồ Tát       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật