Phật Học Vấn Đáp


Muốn noi gương Pháp sư Oánh Kha, phải nên làm như thế nào?
Nghe nói Pháp sư Oánh Kha sợ đọa địa ngục, phát tâm niệm Phật ba ngày thì vãng sanh. Đệ tử tự biết thân ở trong thế giới phồn hoa này tuyệt chẳng có định lực. Muốn noi gương Pháp sư Oánh Kha, phải nên làm như thế nào?

8/12/2022 10:53:33 AM

Bạn mới 16 tuổi, bạn cũng không xuất gia, nếu bạn niệm Phật vài ngày mà vãng sanh thì sẽ dọa người trên thế giới này chẳng dám niệm Phật nữa. Vừa niệm Phật thì bạn thấy đó, như vậy mà được sao! Một mình bạn vãng sanh sẽ khiến ngàn vạn người đều không dám niệm Phật, đều không thể vãng sanh. Bạn có nghĩ đến điều này chưa? Sự thị hiện của Pháp sư Oánh Kha là đúng, là người xuất gia, hơn nữa là xuất gia đã rất lâu. Xuất gia không giữ thanh quy, thường phá giới phạm quy, làm một số việc bất thiện, đó là do phiền não tập khí của mình quá nặng. Trong hàng xuất gia, Pháp sư Oánh Kha làm ra thị hiện này là chính xác. Cho nên, nhất định phải nghĩ xem thân phận chính mình hiện nay, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh tu học của mình hiện nay, đang là thời điểm nào? Bạn có thể học thầy Oánh Kha không? Điều này nhất định phải biết, nhất định phải nghĩ đến.

Thầy Oánh Kha đã làm chứng minh cho chúng ta, trong Kinh Di Đà nói, “hoặc một ngày” đến “hoặc bảy ngày” có thể vãng sanh, thầy ấy làm được sự thị hiện này. Hoàng Trung Xương đã làm thí nghiệm ba năm cho chúng ta xem. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện có rất nhiều người niệm Phật ba năm, năm năm thì vãng sanh. Có rất nhiều người đọc qua sách này hỏi tôi, các vị ấy có phải là chỉ còn vừa đúng ba năm, năm năm tuổi thọ, niệm Phật xong thì thọ mạng đến rồi phải không? Tôi nghĩ nếu là một người, hai người thì có thể là có tình hình này, nhiều người niệm Phật xong thì thọ mạng đến rồi, điều này là không thể được, tuyệt đối không phải là tình hình này. Vậy phải nên nói như thế nào? Họ còn tuổi thọ, công phu niệm Phật của họ thành tựu rồi, họ không cần thọ mạng nữa, vậy mới có thể nói được thông, họ không mong muốn ở lại thế gian này nữa.

Nếu công phu thành tựu rồi, có muốn ở lại thế gian hay không cũng không phải ý của chính họ nữa. Họ biết trước giờ lâm chung, tự tại vãng sanh thì chúng ta rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Công phu thành phiến, thượng phẩm thì đắc tự tại, họ có thể làm chủ chính mình. Khi công phu thành phiến rồi, họ còn muốn ở lại thế gian này nữa không? Xem pháp duyên ở thế gian này, nếu chúng sanh có duyên với bạn, có duyên chính là bạn giảng kinh thuyết pháp họ tin tưởng, họ có thể lắng nghe, họ có thể y giáo phụng hành, đây chính là có duyên, vậy thì bạn nhất định phải giúp họ. Nếu không có duyên, cho dù bạn có lòng tốt khuyên họ, họ cũng không tin tưởng, họ không có tín tâm đối với bạn, chính là không có duyên. Không có duyên thì bạn có thể đi, có duyên thì phải dẫn thêm mấy người cùng đi, đây là đạo lý nhất định.

Duyên có cạn có sâu, thiện căn có dày có mỏng khác nhau. Tốt nhất là thiện căn sâu dày, duyên cũng sâu dày, một đời này gặp được bạn, họ nhất định được độ, nhất định họ sẽ vãng sanh. Khuyên một người vãng sanh chính là giúp một người làm Phật. Đại Từ Bồ tát nói rất rõ ràng, đây là việc tốt. Thiện căn của họ không đủ, phải giúp họ nâng lên, đời này họ có thể vãng sanh không? Điều đó không nhất định, nói chung là, trong đời này, thiện căn của họ được nâng lên rồi; họ không có thiện căn nhưng có duyên với bạn, bạn gieo chủng tử Phật pháp cho họ, đó gọi là “Một khi nghe qua tai, vĩnh viễn trồng hạt giống đạo”, đây là việc tốt.

Ngày nay, bạn thấy thế giới phồn hoa này rất đáng thương, những năm đầu Dân Quốc, Tô Mạn Thù nói thế giới này là thế giới bi thảm. Ông ấy sống cách chúng ta khoảng gần một thế kỷ, hiện nay thế giới này so với thế giới một thế kỷ trước lại càng thê thảm hơn, càng đáng thương hơn. Cho nên, khó được nhất là khi chúng ta giác ngộ rồi thì phải hồi đầu, phải học Thích ca Mâu ni Phật, Thích ca Mâu ni Phật đến để giúp chúng sanh khổ nạn. Học Thích ca Mâu ni Phật, ta không có trí tuệ, ta cũng không có phước báo, ta dùng điều gì để trợ giúp? Phật nói với chúng ta, “hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng Như Lai”, câu nói này nói một cách khác, phước báo của bạn, của tôi, của họ là bình đẳng với Phật, trí huệ cũng là bình đẳng, tại sao nói không có trí huệ, không có phước báo để giúp đỡ chúng sanh? Có! Có nhưng không thể hiện tiền, không thể hiện tiền là do chính mình có nghiệp chướng, bạn hễ buông xuống nghiệp chướng thì trí huệ, phước báo liền hiện tiền.

Chúng tôi ở trên bục giảng thường hay nhắc nhở mọi người, buông xuống chấp trước đối với hết thảy người, sự, vật thì bạn sẽ có tiểu ngộ, trí huệ tiểu ngộ đó cũng vượt quá phú quý trời người rồi, trong Phật pháp nói bạn đắc Chánh Giác. Đây là người nào? Là A la hán, Bích chi Phật. Hễ chính bạn chịu buông xuống, chánh giác là vốn có, phước báo cũng là vốn có. Nếu bạn có thể buông xuống phân biệt thì bạn chính là Bồ tát, buông xuống khởi tâm động niệm thì bạn liền thành Phật. Kinh giáo Đại Thừa thường nói, phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm, buông xuống triệt để một niệm đó. Ngày xưa có Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư của Thiền Thông chính là tấm gương tốt, Ngài triệt để buông xuống, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, năm đó Ngài 24 tuổi.

Ngài có thể làm được, vì sao chúng ta không làm được? Nguyên nhân không làm được chính là vì tham luyến ngũ dục lục trần. Bạn có thể nhìn rõ ràng ngũ dục lục trần, nhìn thấu rồi, “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, bạn sẽ không còn tham nữa. Nếu bạn nhìn rõ ràng nhân quả rồi thì bạn sẽ biết tham sân si mạn không phải là thứ tốt, nhất định sẽ chiêu cảm ác báo đời sau, bạn còn dám không? Cho nên, giáo dục nhân quả mặc dù không thể dẫn con người đến triệt ngộ, nhưng nó cho con người sự cảnh giác rất lớn, dạy bạn khởi tâm động niệm đều là nghiệp, tạo tác thì sẽ nghiêm trọng hơn. Việc này trong Liễu Phàm Tứ Huấn đều có.

Cho nên, giáo dục nhân quả là vô cùng quan trọng đối với thế gian hiện nay. Đại Sư Ấn Quang đã làm thị hiện cho chúng ta, Ngài cả đời có thể nói là toàn tâm toàn lực đề xướng giáo dục nhân quả. Chúng tôi muốn đem Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, An Sĩ Toàn Thư làm thành phim truyền hình để hoằng dương giáo dục nhân quả, khiến cho mọi người giác ngộ. Hiện nay bạn dùng cách khác khuyên họ, họ không tin tưởng, rất khó tiếp nhận; bạn nói đến báo ứng, họ nhìn thấy sự việc này thì họ sẽ sợ hãi.

Đời người ở thế gian này phải xác định phương hướng, mục tiêu. Chân thật có thể buông được xuống thì sẽ nắm chắc phần vãng sanh. Không nắm chắc phần vãng sanh, vẫn là việc vướng mắc trong tâm quá nhiều, không thể một đao đoạn dứt. Chân thật có thể buông xuống, chướng ngại nào cũng không còn, bất luận làm sự nghiệp gì cũng đều sẽ thành tựu viên mãn, vì sao vậy? Không vì chính mình mà vì xã hội, vì chúng sanh. Làm thành công là do chúng sanh có phước, làm không thành công là vì chúng sanh không có phước, chẳng liên quan đến mình, bạn nói xem tự tại biết bao!

Có ngã ở trong đó thì không tự tại, bạn sẽ có được mất, sẽ có tốt xấu, vậy sẽ tạo nghiệp. Vô ngã sẽ không tạo nghiệp, tu được vô ngã, Phật pháp gọi là Tịnh nghiệp. Phật đều khuyến khích chúng ta, ở thế gian phải học giống như Bồ tát, tạo tịnh nghiệp, không tạo ô nhiễm, ác nghiệp, vậy thì đúng rồi. Đoạn ác tu thiện, không vì chính mình mà vì người khác. Chính mình phải làm thật nghiêm túc, vì người khác là làm tấm gương cho người khác, dùng cái thân này để gợi mở dẫn dắt người khác, làm thân giáo, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”(học để làm chuẩn mực cho người khác, hành động để nêu gương cho đời), đây là đại công đức! Làm tấm gương cho người khác xem, học Phật Bồ tát, vậy thì đúng rồi.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Niệm Phật        Giới        Vãng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật