Home > Nghi Thức Phật Giáo > Nghi-Thuc-Le-Phat-Cua-Dai-Su-Hoang-Tan

Nghi Thức Lễ Phật Của
Đại Sư Hoằng Tán

Lời Người Dịch


Sa môn Hoằng Tán, hiệu là Tại Tham, người tỉnh Quảng Châu, tu ở núi Đỉnh Hồ vào đời Nhà Minh. Ngài chuyên về Luật học, đã chú giải nhiều bộ sách nổi tiếng như: Tứ Phận Luật Như Thích, Sa Di Luật Giải, Quy Sơn Cảnh Sách…. Sinh thời, ngài dùng nghi thức lễ Phật sám hối này làm pháp tu căn bản, vì thế quyển sách nhỏ Lễ Phật Nghi Thức là sự dụng công của ngài, muốn để lại cho đời sau phương pháp căn bản cho người có duyên tu tập.

Tập sách này lại được một vị cao tăng chuyên về Luật học của Việt Nam là Sa Môn Phước Bình, tức cố Đại lão Hòa thượng Thích Hành Trụ dụng công lễ sám hằng ngày theo nghi thức này trọn một đời và ấn hành phổ biến bằng nguyên tác Hán ngữ khi ngài còn trụ thế.

Đến thế hệ chúng tôi, nương thừa phước báo và công lao dạy dỗ của Người, từ thuở trẻ đã chí thú tu tập theo đây, mà chúng tôi quen gọi là “Lễ Sám 15”. Bởi vì nghi thức này đơn giản, chỉ với 15 lễ căn bản với 6 lễ thù ân, mổi thời khóa chỉ trong khoảng 15 phút là xong, cho nên trong các khóa hạ an cư, đều sắp thời khóa lễ Phật này làm căn bản thực hành hàng ngày, thường là sau thời ngồi thiền tối để cơ thể được vận động, hoặc sau thời ăn chiều để tiêu hóa dạ dày, hoặc là sau thời kinh khuya thay cho thể dục….Theo như trong lời chú giải của ngài Hoằng Tán, nếu mỗi ngày có thể thực hành được 3 thời như vậy thì mới thành tựu công đức và tiêu trừ nghiệp chướng.

Chúng tôi nhớ nghĩ công hạnh của tiền nhân và thấy việc lễ Phật theo nghi thức này có hiệu quả vô cùng trong việc để hạn chế bệnh tật, nên mạo muội dịch thành chữ Việt, để cho hàng Phật tử lớp trẻ ngày nay hiểu được ý thú của các bài kệ khen ngợi chư Phật Bồ tát. Dẫu rằng, nếu đọc tụng bằng âm chữ Hán thì ý nghĩa súc tích, văn chương rung động hơn nhiều. Nhưng ngày nay trước cao trào thực hiện kinh điển bằng Việt ngữ đang được chư tôn đức cổ súy, chúng tôi cũng tùy thuận mà dịch, tuy rằng không thể gói ghém chỉ trong bốn câu kệ mà đầy đủ ý nghĩa như tiền nhân đã soạn, nhưng cũng là bước đầu hoàn thành tâm nguyện dịch thuật để phổ biến rộng rải cho mọi người có duyên. Hy vọng với hai loại ngôn ngữ song hành, lúc thì âm chữ Việt, khi thì âm chữ Hán cho phong phú hơn tùy người tu tập.

Trong cuốn sách nhỏ này, chúng tôi đưa vào toàn bộ gồm 4 phần, hai phần đầu là nghi thức lễ tụng âm chữ Việt và chữ Hán, hai phần sau là bản dịch phần chú giải và nguyên tác chữ Hán, cũng là để truyền bá cho Phật tử người Hoa có thể thực hành theo vậy.

Văn chương chữ nghĩa thì vô cùng, mà sức tài thì có hạn, nên chuúng tôi biết không sao tránh được các lỗi lầm. Ngưỡng mong các bậc thức giả nhìn thấy chỗ chưa phù hợp, mà rộng lòng bổ chính cho

Trước khi vào nghi thức, cúi xin đảnh lễ chư tôn đức tiền nhân, đã để lại pháp sám này cho hậu thế được nương thừa và thực hiện hoằng truyền. Rất mong được quí hành giả trên đường tu tập, đón nhận ấn phẩm này để cùng nhau thực hành, báo đền công ân Tam bảo và bốn ân trọng vậy.

Nam mô Sám Hối Chủ Bồ Tát Ma Ha Tát.

Chùa Xá Lợi, mùa Vu Lan, Phật lịch 2551

Tỳ kheo Thích Đồng Bổn kính ghi