Home > Pháp Luận > Luan-Dai-Thua-Trang-Nghiem-Kinh

Phẩm Một: Duyên Khởi


Kệ tụng:

Nghĩa trí giải các nghĩa,
Ngôn cú không nhiễm ô.
Cứu giúp chúng sanh khổ,
Do tự tánh từ bi,
Khéo thuyết pháp phương tiện,
Gọi là thừa tối thượng.
Vì người phát đại tâm,
Lược dùng năm nghĩa nói.

Giải thích:

Luận giải về sự trang nghiêm kinh điển Đại thừa thì ai có thể trang nghiêm?

Đáp: [Bậc] nghĩa trí có thể trang nghiêm.

Hỏi: Vì sao [bậc] nghĩa trí có thể trang nghiêm?

Đáp: Vì khai mở các nghĩa.

Hỏi: Dùng gì khai mở?
Đáp: Dùng ngôn từ và câu cú.

Hỏi: Ngôn từ như thế nào, câu cú như thế nào?

Đáp: Đó là ngôn từ không ô nhiễm và câu cú không ô nhiễm. Ngôn từ không ô nhiễm là ngôn từ đưa đến thành Niết bàn. Câu cú không ô nhiễm là từ ngữ và câu tương ưng. Nếu lìa ngôn từ không ô nhiễm và câu cú không ô nhiễm thì các nghĩa lý không thể được thấu hiểu.

Hỏi: Dùng nghĩa gì để trang nghiêm?

Đáp: Nghĩa cứu giúp chúng sanh đang khổ sở.

Hỏi: Chúng sanh tự làm khổ, dùng nhân tố nào để cứu giúp?

Đáp: Bậc Bồ tát lấy tâm đại bi làm tự thể, thương xót chúng sanh.

Hỏi: Việc cứu khổ chúng sanh thì trang nghiêm cho pháp gì?

Đáp: Trang nghiêm pháp phương tiện mà Như lai đã khéo nói.

Hỏi: Thế nào là pháp phương tiện?

Đáp: Đó là pháp tối thượng thừa.

Hỏi: Vì ai mà trang nghiêm?

Đáp: Vì người phát tâm Đại thừa.

Hỏi: Có mấy nghĩa trang nghiêm?

Đáp: Lược có năm nghĩa thị hiện.

Hỏi: Thế nào là năm nghĩa?

[Đáp bằng kệ rằng: ]

Kệ tụng:

Như vàng làm vật dụng
Như hoa đang độ nở
Như ăn một bữa ngon
Như hiểu biết văn tự
Như mở cái tráp báu
Mỗi việc được hoan hỷ
Năm nghĩa pháp trang nghiêm
Hoan hỷ cũng như vậy.

Giải thích:

Năm thí dụ này dụ cho năm nghĩa pháp trang nghiêm kia. Năm nghĩa pháp có thể làm người phát khởi tâm Đại thừa, tuần tự là: tín hướng, thọ giáo, tư duy, tu tập và chứng đắc.

Hỏi: Năm nghĩa pháp ấy như thế nào?

Đáp: Thí dụ vàng làm vật dụng chỉ cho sự tin tưởng hướng về giáo pháp (tín hướng) làm chuyển hóa tâm thức chúng sanh. Thí dụ hoa đang độ nở chỉ cho sự tiếp nhận giáo pháp (thọ giáo) làm cho chúng sanh khai mở tâm thức. Thí dụ ăn một bữa ngon chỉ cho sự tư duy giáo pháp (tư duy) thì có được mùi vị của giáo pháp. Thí dụ hiểu biết văn tự chỉ cho sự tu tập không có do dự (tu tập). Thí dụ mở cái tráp báu chỉ cho sự chứng đắc bồ đề phần bảo chân thật (chứng đắc), tức là sự tự giác chứng. Do năm nghĩa pháp này mà phân biệt Đại thừa (là thế nào), làm cho người phát tâm sanh tâm ưa thích (Đại thừa).

Hỏi: Nếu pháp Đại thừa có đầy đủ tự tánh và công đức thì còn nghĩa nào nữa cần cho sự trang nghiêm?

[Đáp bằng kệ rằng: ]

Kệ tụng:

Như trang sức vật đẹp
Soi gương sanh vui thích
Diệu pháp trang nghiêm rồi
Được cái vui thứ nhất.

Giải thích:

Thí như người trang sức thêm vật đẹp trên thân, đứng trước gương soi thì sanh lòng vui vẻ. Vì sao? Vì có sự vui thích. Bồ tát cũng vậy, trang nghiêm bằng diệu pháp, nghĩa là thể nhập tự tâm, thì sanh tâm hoan hỷ thù thắng. Vì sao? Có câu hỏi sau đây.

Hỏi: Diệu pháp có công đức gì cần cho sự trang nghiêm? Vì sao thôi thúc người sanh tâm cung kính, tin tưởng, tiếp nhận diệu pháp?

Kệ tụng:

Thí như uống thuốc đắng
Bịnh bớt là nhờ thuốc
Trú văn và hiểu nghĩa
Khổ vui cũng như vậy.
Như việc khó hầu vua
Nhờ hầu được uy quyền
Cũng vậy pháp khó hiểu
Nhờ hiểu được pháp tài.
Thí như thấy báu sanh
Không biết thì không thích
Cũng vậy nghe diệu pháp
Không giác ngộ, không vui.

Giải thích:

Ba bài kệ tụng trên lần lượt chỉ ra diệu pháp có ba công đức: 1. Công đức của nhân tố đoạn chướng; 2. Công đức của nhân tố tự tại; 3. Công đức của nhân tố diệu hỷ.

Hỏi: Nghĩa này như thế nào?

Đáp: Như việc uống thuốc đắng, lúc đầu khổ sở vì thuốc đắng khó uống, sau đó vui vẻ vì bịnh tình thuyên giảm. Diệu pháp cũng như vậy, lúc trú ở nơi văn tự thì khổ sở vì khó được pháp vị, nhưng khi hiểu biết được nghĩa lý thì vui thích vì phá được bịnh chướng. Như hầu vị vua nghiêm minh, ban đầu thì khổ sở vì khó được vừa ý vua, nhưng sau đó thì vui vẻ vì được vua ban cho uy quyền. Diệu pháp cũng như vậy, khi tư duy giáo pháp thì khổ sở vì sự thâm sâu, khó hiểu của giáo pháp, nhưng khi tư duy thấu hiểu giáo pháp thì an vui vì tăng trưởng tài sản của bậc Thánh. Như việc nhìn thấy báu vật sanh ra, khi không biết đó là báu vật nên không ưa thích, cho nó là vô dụng, nhưng khi biết được đó là báu vật thì quý trọng, biết nó có công dụng. Diệu pháp cũng như vậy, khi tu hành thì không hoan hỷ, cho là trống rỗng, không thấy được công dụng của sự tu hành, nhưng khi tu hành chứng đắc thì có niềm vui sâu xa, biết rằng sự tu hành có công dụng lớn.

Phẩm Duyên Khởi trọn vẹn