Đầu mùa Thu năm Mậu Thân tức 1968 có một số Cư sĩ học Phật tại Nha Trang này muốn nhờ tôi giảng cho bộ Kinh Pháp Hoa. Tôi nhận lời và đã khai giảng vào ngày 25 tháng 9, mỗi tuần giảng 3 buổi. Giảng xong quyển Vô Lượng Nghĩa, tôi dự định sẽ giảng Phẩm Phổ Môn vào trong dịp Tết Kỷ Dậu. Thời ngày 25 tháng chạp, vừa giảng đến Phẩm Diệu Âm Bồ Tát.
Bộ Kinh Pháp Hoa 7 quyển, có 28 Phẩm tất cả. Mà Phẩm Diệu Âm thứ 24, Phẩm Phổ Môn 25 là đúng như sự đã dự định. Vã lại ngày 25 tháng Chạp Âm lịch là ngày Quốc lục "giáp ấn" nghĩa là những công việc gì đã bày ra trong năm, đến ngày ấy, dù đã xong hay chưa, đều vẫn phải xắp lại để đó, lo vui Tết nhất cái đã rồi ra giêng sẽ hay, thời Phật sự cũng như thế.
Cái năm Mậu Thân con khỉ, tài giỏi nhảy múa lung tung ồn ào, gây rắc rối tai hại cho thiên hạ đã qua; năm Kỷ Dậu con Gà, vỗ cánh dương mào, cất tiếng gáy thanh tao thảnh thoát để cảnh giác mọi người thức giấc thành tâm lễ bái trì niệm trước khi ánh bình minh chiếu sáng hoàn cầu. Tôi tiếp tục khai giảng lại Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn giảng lục vào chiều ngày mồng 3 Tết tân Xuân Kỷ Dậu.
Phẩm Phổ Môn giảng lục do Pháp sư Bảo Tịnh đã giảng vào năm 1937 tại Phật giáo Cư Sĩ Lâm ở lục địa Trung Quốc. Tôi giảng liên tiếp 12 ngày xong. Đang khi giảng, các Phật tử đến dự nghe tuy không đông lắm nhưng đều có ý muốn tôi dịch thành Quốc văn để phổ biến rộng rãi mọi người được đọc hiểu, nhờ đấy tăng thêm lòng tin đối với Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Do đó, nên sau khi giảng xong, tôi mạo muội bắt đầu dịch thuật.
Trong bản dịch này, phần chánh văn, sao lại trong Kinh Pháp Hoa do Thượng Tọa Trí Tịnh đã dịch trọn bộ. Tôi chỉ dịch phần giảng lục và thuật thêm cho rõ ràng những ý nghĩa còn hàm súc bởi Hán văn thâm thúy. Các Phật tử hãy đọc phần giảng lục, mới thấy ơn đức Pháp sư Bảo Tịnh là dường nào! Ngài đã đem trí tuệ thâm viễn mà bố thí Giáo pháp cho chúng ta.
Nếu chẳng gặp được hân hạnh này, thời chúng ta làm sao biết được những điều đã cảm ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Ngoài ra còn có bài lời nói đầu của Phí Phạm Cửu Cư sĩ, bài bạt của Thôi Chú Bình là một trong hai Cư sĩ đã từng dự giảng Hội và theo dõi ghi chép từ đầu chí cuối những lời giảng của Pháp sư. Các Phật tử đọc hai bài này sẽ thấy: Phật pháp khó gặp là dường nào; trên dưới bốn trăm năm chỉ có vài lần giảng; động cơ nào đã thúc đẩy nên mới có cuộc giảng trước đây 32 năm đã diễn ra quang cảnh phồn thịnh đông đảo làm sao và cũng nhờ đó mới có bản dịch này. Phải thật thà, xin thú nhận rằng những điều như trên ở xứ ta khó mà thấy được.
Phẩm kinh giảng lục này, Pháp sư giảng vào giữa mùa Xuân, qua Đông mới in thành sách, và cũng chỉ lưu hành trên lục địa Trung Quốc mà thôi. Sau 18 năm mới lọt qua Hương Cảng, và nhờ hai Phật tử là Trần Khoan Hằng và Lâm Bổn Minh phát tâm in ấn tống vào năm 1956, chính nhờ đấy nên Pháp Bảo này mới tới tay tôi. Đủ biết công đức lưu thông kinh sách, phổ biến Giáo pháp lợi ích lớn lao biết chừng nào!
Vậy nên tôi thành tâm cầu nguyện Đức Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi gia hộ hai Phật tử: Trần Khoan Hằng và Lâm Bổn Minh đều được: Thân tâm thường an lạc, tăng trưởng cội Bồ Đề, chóng viên thành Phật quả.
Về việc khuyến khích các Phật tử nên thành tâm trì niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mới được lợi ích thật sự thì Pháp sư Bảo Tịnh đã từng nhắc đi nhắc lại hàng mấy mươi lần cho các Phật tử bên Tàu. Thời tôi cũng mong rằng: các Phật tử bên ta nên tuân theo những lời dạy của Pháp sư mà thực hành đi thì cũng chắc được sự lợi ích như những vụ đã có ứng hiện và đã ghi chép đầy đủ trong phần giảng lục này.
Đang khi ngồi cặm cụi dịch phẩm kinh này, tôi vừa hay tin Phật tử Lê Đình Thám đã mãn phần. Người rất có công với Đạo Pháp. Tôi thành tâm chú nguyện cầu xin Đức Phật A Di Đà Từ bi tiếp hộ hương linh Phật tử Lê Đình Thám Pháp danh Tâm Minh siêu sanh về Phật quốc. (Hưởng thọ 73 tuổi).
Sau cùng nguyện đem công đức này hồi hương về Pháp giới chúng sanh mau thành Phật quả.
Ngưỡng vọng:
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI TẦM THANH CỨU KHỒ CỨU NẠN QUẢNG ĐẠI LINH CẢM ỨNG QUÁN THẾ ÂM BỔ TÁT MA HA TÁT
Chứng minh gia hộ
Nha Trang, ngày Phật Đản 2513 1969
DỊCH GIẢ CẨN CHÍ