Home > Pháp Luận > Tho-Khang-Bao-Giam

Lời Mở Đầu


Con người từ sắc dục mà sanh, cho nên tập khí này đặc biệt sâu đậm. Hễ không kiêng dè cẩn thận, phần nhiều sẽ đến nỗi chết vì sắc dục! Các bậc thánh vương thời cổ vì yêu thương dân, cho nên đối với chuyện vợ chồng ân ái, chẳng tiếc công sai quan truyền lệnh, dùng linh gỗ đi khắp các nẻo đườngF, ngõ hầu người dân khỏi phải sầu lo vì trót lầm lẫn mà mất đi tánh mạng. Lòng từ ái ấy đúng là khôn xiết! Cho đến đời sau, không chỉ chánh lệnh của nước nhà chẳng còn nhắc đến, ngay cả cha mẹ cũng chẳng bảo ban con cái, đến nỗi đại đa số thiếu niên do lầm lạc mà mất đi tánh mạng, đáng buồn quá sức! Bất Huệ sống trên cõi đời mấy chục năm, thấy nghe khá nhiều, khôn ngăn bi thương! Do vậy, quyên mộ in cuốn sách này để mong những người cùng hàng đều được sống lâu, mạnh khỏe. Mong sao những người có được cuốn sách này, ai nấy đều đọc kỹ, xoay vần lưu thông, đừng để phí tâm tư, tiền tài, mà trọn chẳng được mảy may lợi ích thật sự nào, thì may mắn lắm thay!

Mỗi người đều hy vọng bản thân và con cái khỏe mạnh trường thọ, hạnh phúc mỹ mãn. Nhưng nếu như trong những chuyện sắc dục này không biết kiêng kỵ, không biết tiết chế, không biết thận trọng. Tức thời chỗ hy vọng và đạt được sẽ hoàn toàn trái ngược nhau. Há chẳng đáng buồn, đáng đau xót ư! Cho nên Khổng Tử nói: “Thời kỳ thiếu niên, huyết khí chưa định, không được phép phạm sắc dục”. Mạnh Tử nói: “Phương pháp dưỡng tâm tốt nhất không gì qua được thiểu dục (ít dục). Người ít dục tuy cũng có đoản thọ, nhưng rất ít; người nhiều dục tuy cũng có trường thọ nhưng cũng rất ít.” Vì vậy có thể nói, sinh tử tồn vong của con người quá nửa quyết định bởi lòng dâm dục nhiều hay ít. Bất huệ [Ấn Quang] tôi tuy chẳng có năng lực cứu thế, nhưng lại thường hy vọng thế nhân đều có thể khỏe mạnh sống lâu, bèn bổ sung hiệu đính và biên tập đồng thời khắc bản lưu hành cuốn sách này, hy vọng những người biết yêu mến bản thân và yêu thương con cái nhà mình, có thể đem cuốn sách này đọc kỹ. Đối với quan hệ lợi hại giữa sắc dục với khỏe mạnh và thọ yểu, sáng như ban ngày, mà còn có thể dạy bảo con cái trong nhà, khuyên bảo thân hữu bên ngoài. Mặt khác, tôi còn nguyện cầu cho cuốn sách này có thể lưu thông rộng khắp ở thế gian. Khiến cho hết thảy mọi người đều trường thọ khỏe mạnh. Đây là hương lành mà tôi cầu chúc.

Những lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư

(1) Trong cõi đời gần đây, bọn thiếu niên do tình dục quá nặng, nên buông lung chơi bời, hoặc mê mệt thê thiếp, hoặc do ý chuyên nghĩ đến điều dâm mà tinh thần ngầm bị tổn thương, hoặc thủ dâm để rò rỉ, phung phí thứ quý báu nhất. Do vậy, thân yếu, tâm hèn, chưa già đã suy; học vấn, sự nghiệp đều chẳng thành tựu. Thậm chí con cái sanh ra đều bấy bớt hoặc khó khôn lớn, thành người được! Mà thọ mạng của chính mình cũng khó thể dài lâu như trong số mạng đã định, chẳng đáng buồn ư? (Hoằng Hóa Nguyệt San kỳ thứ hai Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, Quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Vĩnh Nghiệp)

(2) Tám chữ “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” chính là quy củ, mực thước để làm người. Nếu ai chẳng tận sức nơi tám chữ ấy chính là đã mất đi tám chữ. Tám chữ đã mất thì là loài cầm thú đội mũ mặc áo! Người tuổi còn trẻ thì cái khó chế ngự nhất là tình dục. Thế đạo hiện thời chuyên lấy việc hướng dẫn khêu gợi dâm dục làm mục đích. Các con tuy có âm đức của tổ tiên, chẳng đến nỗi sa đà lắm, nhưng cần phải dè dặt tự giữ gìn mới hòng chẳng thẹn với cha ông. Nếu chẳng dốc sức tạo lập phẩm hạnh, bị dâm dục khống chế, sau này quyết định chẳng có thành tựu, hoặc đến nỗi đoản mạng mà chết. Nay ta gởi cho các con hai bộ Lịch Sử Thống Kỷ – đây là những chuyện nhân quả báo ứng rõ ràng trích từ hai mươi bốn bộ sử ra, hai cuốn Gia Ngôn Lục – đây chính là đạo trọng yếu để học Phật, là quy củ thường hằng để tu thân, hãy nên đọc kỹ!

Câu “nam mô A Di Đà Phật” như đã nói chính là diệu pháp để tiêu nghiệp chướng, chuyển phàm thành thánh, nếu có thể thường niệm thì tâm địa tự nhiên mở mang, thông suốt, tri kiến tự trở về chánh lý, học hành, làm việc đều có lợi ích lớn. Huống hồ nay đang lúc thế đạo hoạn nạn, niệm Phật sẽ có thể gặp dữ hóa lành, gặp nạn trở thành chuyện may, lợi ích chẳng thể nói trọn hết, các con hãy nên hành theo Gia Ngôn Lục. Đọc Thọ Khang Bảo Giám, Thanh Niên Bảo Thân v.v… thì chẳng đến nỗi buông lung theo tình dục hoặc thủ dâm. Thiếu niên hiện thời quá nửa mắc chứng thủ dâm. Đấy thật sự là một con dao thật sắc giết hại cái thân vậy, hãy nên đau đáu răn dè!

Anh các con là Đức Tấn mong mỏi các con sẽ do Phật pháp mà giữ vẹn hạnh nhà Nho, đã sớm xin Quang viết thư khuyên lơn các con. Quang sợ các con bị nhiễm theo trào lưu thời thượng, trái nghịch với Phật, uổng phí tâm ta, vô ích cho các con, nên không viết thư ngay. Nay các con đã biết tấm lòng sâu đậm của anh mình, gởi thư xin dạy dỗ, nên ta chỉ nói những điều khẩn yếu. Những điều khác hãy tự mình chịu tận lực thực hiện, lâu ngày sẽ chẳng khó gì mà dần dần biết được! Phải biết con người và trời đất cùng xưng là Tam Tài. Trời đất cao dầy ai có thể biết được; con người với tấm thân sáu thước sao lại có thể cùng trời cao đất dầy khôn lường cùng xưng [là Tam Tài] cho được? Ấy là vì con người có thể kế tục bậc thánh đời xưa, mở lối cho hàng hậu học đời sau, dự phần vào cuộc sanh thành, dưỡng dục của trời đất vậy.

Con người không thể giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành thì đã mất cái danh nghĩa con người, huống hồ kẻ chuyên ôm lòng mưu mẹo, dối trá, ỷ mạnh nuốt yếu ư? Người như thế còn thua kém sài lang, hổ, báo, rắn độc, rết dữ nữa, còn có thể gọi là người được ư? Thường nghĩ đến lời ta đừng quên thì sẽ dần dần tự có thể dự vào bậc thánh, hưởng được phước nhân từ, sống thọ. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Ninh Đức Hằng và Ninh Đức Phục)

(3) Đối với lớp hậu sinh trong hiện thời, khi chúng nó vừa hiểu chuyện đời, liền dạy chúng nó về đạo giữ tinh, hộ thân. Nếu chúng nó biết tốt xấu, sẽ chẳng đến nỗi tự xem thủ dâm là vui, để rồi mắc các nỗi họa như bị mất tánh mạng, hoặc trở thành tàn phế, hoặc vĩnh viễn truyền lại nòi giống yếu ớt v.v… Với đứa chưa hiểu chuyện đời, chớ nên nói. Còn đứa đã hiểu chuyện đời nếu chẳng nói thì trong mười đứa hết chín đứa phạm phải tật này, đáng sợ vô cùng!

Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử dạy: “Phụ mẫu duy kỳ tật nhi ưu” (Cha mẹ chỉ lo về tật ấy). Những tật khác đều không quan hệ lắm. Chơi bời bừa bãi, thủ dâm, tham ân ái, quả thật là chuyện khẩn yếu, quan trọng nhất! Vì thế, Khổng Tử mới nói đến điều này, nhưng người chú giải chẳng chịu nói rõ chỗ tai hại nhất, khiến cho lời của Khổng Tử cũng chẳng có hiệu quả thật sự, đáng than thay! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển Hạ, Thư trả lời cư sĩ Niệm Phật)

(4) Nay gởi cho ông một bộ Lịch Sử Thống Kỷ, hai cuốn Thọ Khang Bảo Giám, ba cuốn Gia Ngôn Lục. Thống Kỷ thì ông tự giữ để biết [cõi đời] bình trị hay loạn lạc, biết gương nhân quả. Thường xem Thọ Khang Bảo Giám thì chẳng đến nỗi phạm tà dâm và thủ dâm v.v... tự hại cuộc đời, tự hao phước thọ, chẳng bị tàn phế và chết chóc. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Từ Thư Dung)

(5) Tuổi con còn thơ ấu, phải cực lực chú ý giữ gìn thân thể! Hãy đọc kỹ sách Dục Hải Hồi Cuồng trong bộ An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Có nhiều thiếu niên ý niệm tình dục dấy lên rồi bèn thủ dâm; chuyện ấy khiến thân thể bị tổn thương tột cùng, chớ nên phạm! Hễ phạm sẽ tàn hại thân thể, nhơ bẩn tự tâm, khiến cho thân thể hữu dụng bị chết yểu hoặc trở thành phế nhân yếu ớt không làm nên cơm cháo gì! Lại còn phải hằng ngày phản tỉnh, suy xét tội lỗi nơi thân, nơi tâm, ngõ hầu chẳng đến nỗi tự mình tàn hại. Nếu không, cha mẹ không nói, sư trưởng chẳng nói, bạn bè đàn đúm xúi giục nhau tạo thành thói ác ấy; chuyện này nguy ngập còn hơn đi vào vực sâu, bước trên băng mỏng đấy!

Tăng Tử có tư cách đại hiền mà đến lúc sắp chết mới nói: “Kinh Thi chép: ‘Dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng’. Từ nay trở đi, ta biết đã thoát”. Chưa đến lúc sắp chết thì vẫn thường kinh sợ, nay ta sắp chết mới biết mình không bị hãm [trong tội lỗi]. Cừ Bá Ngọc năm hai mươi tuổi biết mười chín năm trước sai trái; đến tuổi năm mươi, biết bốn mươi chín năm trước đều sai. Khổng Tử vào tuổi bảy mươi còn muốn trời cho sống thêm vài năm hoặc dăm mười năm nữa để học kinh Dịch hòng tránh lỗi lớn. Cách thánh hiền gìn giữ, trưởng dưỡng sự phản tỉnh, suy xét như vậy chính là nền tảng để học Phật liễu sanh tử. Những điều khác đã được nói tường tận trong Văn Sao và các sách khác, cho nên không viết cặn kẽ! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Từ Chí Nhất)

(6) Con em thông minh trong thế gian khi bước vào tuổi dậy thì, do cha, mẹ, anh hay thầy chẳng dạy rõ lợi hại đến nỗi vì thủ dâm hoặc tà dâm mà mất mạng đến quá nửa. Dẫu chẳng chết ngay cũng sẽ thành tàn phế, không có thành tựu gì. Ông đã bị hại sâu xa, hãy thường nên giữ lòng nghiêm cung kinh sợ, chớ để một niệm nghĩ tới nữ sắc. Hãy nỗ lực tu pháp môn Tịnh Độ, lâu ngày chắc sẽ mạnh khỏe. Ông đã lấy vợ hay chưa? Nếu chưa, hãy nên đợi vài năm nữa rồi mới lấy vợ. Nếu đã có vợ rồi thì hãy nói rõ với vợ, nhằm dưỡng thân thể, ở riêng phòng khác, coi nhau như khách, quyết chẳng coi nhau như vợ chồng. Đôi bên khuyên nhủ lẫn nhau, chớ móng tưởng một niệm nghĩ đến chuyện ăn nằm. Đợi đến khi thân thể hoàn toàn mạnh mẽ rồi, hoặc mỗi năm chung đụng một lần, hoặc mỗi quý (ba tháng) chung đụng một lần. Nếu thường ân ái sẽ bị lại bệnh cũ. Hãy nên nói với hết thảy những kẻ thiếu niên về họa hại này để vun bồi phước cho chính mình

(Những đứa chưa hiểu biết đừng nói chuyện này. Với đứa đã hiểu biết hãy nên cực lực nói về sự họa hại). (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 1, Thư trả lời cư sĩ Tôn Nghệ Dân)

(7) Gần đây người ta hay bị bệnh phổi, Quang chẳng nghĩ như vậy là bình thường! Người đời sau nghiệp nặng, dậy thì sớm, mười một mười hai tuổi đã có dục niệm. Dục niệm đã dấy lên, không có cách gì kiềm chế, lại chẳng biết nghĩa lý giữ gìn thân thể nên bèn dùng đến cách thủ dâm. Như cây cỏ vừa mới nẩy mầm liền bị bẻ chồi, ắt phải khô héo. Con em thông minh do vậy mất mạng chẳng biết là bao nhiêu! Dẫu chẳng đến nỗi chết ngay lập tức thì thân thể yếu đuối, không nên cơm cháo gì! Đến khi lớn lên cưới vợ, cha mẹ, sư trưởng tuyệt chẳng nói đến đạo tiết dục, giữ gìn thân thể. Vì thế, quá nửa bị bệnh chết đều do thủ dâm và tham ăn nằm mà ra!

Do vậy, Khổng Tử đáp lời Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu rằng: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu” (Cha mẹ chỉ lo lắng về tật ấy), chính là dạy phải kiêng ăn nằm. Chẳng kiêng ăn nằm thì trăm bệnh đua nhau phát ra, có thể kiêng ăn nằm thì giảm bớt bệnh tật nhiều lắm! Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả (do kẻ khéo dưỡng thân ắt phải nhờ vào chế ngự tâm chẳng cho dục niệm khởi lên, nên gọi là “dưỡng tâm”) mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn giả, quả hỹ” (Dưỡng tâm thì không gì hay bằng ít ham muốn. Ai làm người mà ít ham muốn, tuy tâm người ấy có những điều không hợp đạo nghĩa, nhưng những điều ấy cũng ít. Ai làm người mà lắm ham muốn, tâm dù có giữ được đạo nghĩa thì đạo nghĩa ấy cũng chẳng được mấy).

Cổ nhân trọng sanh mạng người dân, thiên Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký chép: “Trọng Xuân tiên lôi tam nhật, tù nhân dĩ mộc đạc tuần ư đạo lộ viết: ‘Lôi tương phát thanh, kỳ hữu bất giới kỳ dung chỉ giả (tức phòng sự) sanh tử bất bị, tất hữu hung tai” (Ba ngày trước khi sấm động vào lúc giữa mùa Xuân, viên quan chấp lệnh cầm mõ gỗ đi khắp nẻo đường rao truyền: ‘Sấm sắp rền, kẻ nào chẳng kiêng ân ái (tức ăn nằm) sẽ sanh con chẳng vẹn toàn, ắt có tai nạn hung hiểm) (tức là chân tay, thân thể chẳng trọn vẹn, hoặc sanh ra quái thai, hoặc vợ chồng bị chết, hoặc bị bệnh ngặt nghèo, nên nói là “ắt có tai nạn hung hiểm”). Đấy là chánh lệnh của quốc gia. Nay thì cha mẹ, sư trưởng, trọn chẳng nói với con cái về chuyện này. Đến khi đã ngã bệnh, thầy thuốc cũng chẳng bảo kiêng ăn nằm. Ấy là vì chẳng coi mạng người là trọng, chỉ mong người ta bệnh ngày càng nặng để phải chữa trị nhiều hơn! Thầy thuốc dụng tâm như thế, tội khác nào bọn cường đạo chặn đường cướp của! Bệnh của ông bất luận là do nguyên nhân nào phát sanh, đều nên lấy việc đoạn hẳn chuyện ăn nằm làm phương sách để mau được lành bệnh. Đợi đến khi hoàn toàn bình phục rồi, hoặc mỗi năm chung đụng một lần, hoặc mỗi quý (ba tháng) một lần để mong chẳng lỗi đạo “tiếp nối đời trước, mở ra đời sau”, đừng thường xuyên ân ái, sẽ sanh được con cái thể chất khỏe mạnh, tánh tình từ thiện, thọ mạng dài lâu, vẻ vang nhiều lắm!

Quang đưa cho vị Sư [mang thư ông tới đây] một cuốn Thọ Khang Bảo Giám [nhờ trao lại cho ông], văn lẫn lý trong cuốn sách ấy đều đáng tuân theo. Chỉ có điều trong những ngày kiêng ăn nằm, [ngày vía] của những vị [thần thánh] có thần thông nhỏ nhoi cũng đều kể vào, dường như không thích đáng lắm. Nhưng đối với chuyện “[ngày vía của] đại quỷ thần thì nên kính, chứ [đối với ngày vía của] tiểu quỷ thần nếu chẳng kính sẽ do vậy mà bị chuốc họa”, hãy đừng nên bàn luận bừa bãi thì may mắn lắm thay! Dùng điều này để tự lợi mà cũng dùng những điều này để lợi tha. Do vậy, tự tu Tịnh nghiệp sanh về Tây Phương giống như trao bằng khoán chuộc lại vật cũ. Nữ nhân cũng thế! Ai muốn tiết dục ắt trước hết phải nói nguyên do với vợ sẽ chẳng đến nỗi [gia đình] bị lục đục. Trong đời có những kẻ thanh xuân chôn chồng, nguyên nhân quá nửa là vì chẳng khéo tiết dục mà ra! So với cảnh giữ phòng không ở góa, sao bằng tiết dục để được tề mi giai lão chẳng hay hơn ư? Đây là đối với nữ nhân mà nói. Đàn ông cũng nên biết những chuyện kiêng kỵ có liên quan đến tánh mạng của nữ nhân, đấy chính là người phối ngẫu có đức hạnh hằng nâng đỡ, tạo lợi ích cho nhau. Quang ăn nói dài dòng chỉ vì bi tâm tha thiết, có lẽ đã gây nhàm tai người nghe!

Tịnh Độ Ngũ Kinh là căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Hãy đọc kỹ lời tựa, sẽ tự biết được những ý chánh. Tịnh Độ Thập Yếu là trước thuật thiết yếu nhất của Tịnh Độ. Quan trọng nhất là sách Di Đà Yếu Giải, là bản chú giải tuyệt diệu nhất của kinh này. An Sĩ Toàn Thư là sách đứng đầu các thiện thư. Cảm Ứng Thiên Trực Giảng dùng chữ đơn giản, dễ hiểu nhưng không dung tục, kẻ nhã người tục cùng xem đều được lợi ích. Ấn Quang Văn Sao văn tuy vụng về, chất phác, nhưng nghĩa lý chấp nhận được. Noi theo những điều được sách này đề xướng chắc chắn chẳng bị chê là trái luân thường, gây rối đất nước. Hãy nên lấy Thọ Khang Bảo Giám làm sách giữ gìn tánh mạng cho con em đã hiểu chuyện đời. Chẳng những thanh niên phải nên xem, ngay cả người già cũng nên đọc. Muốn con em được trường thọ phải hoàn toàn cậy vào người cao tuổi thường nói đến chuyện họa phước. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Chân Tịnh)

(8) Năm mười bốn, mười lăm tuổi, ông đã phung phí nguyên khí, mười năm qua dâm dục vô độ, tinh thần bị tổn thương kể sao cho xiết? Huống chi lại có hai người vợ trẻ! Nếu chẳng biết tiết dục thì chẳng những không thể sanh con mà còn đến nỗi đoản mạng chết yểu! Từ nay trở đi, hễ thấy phụ nữ của người khác hãy tưởng như mẹ, chị, em, con gái; xem hai cô vợ của chính mình như đạo hữu. Ngày thường niệm Quán Âm, đêm đừng ngủ chung với hai cô vợ. Dưỡng cho thân thể được hồi phục mười phần rồi mới làm chuyện vợ chồng một lượt. Mỗi năm ăn ở với hai bà vợ một lần thì tình cảm vợ chồng ổn thỏa, mà đôi bên đều chẳng bị tổn thương, chắc chắn sẽ sanh được con cái mũm mĩm, thông minh, tâm tánh hiền thiện, không bệnh, trường thọ, có thể làm rạng rỡ gia đình, làm khuôn mẫu cho người trong một làng. Nếu coi chuyện ân ái là điều vui thú thì chuyện vui chưa lâu, khổ lớn liền tới. Tinh khô, thân chết, không thuốc nào cứu được đâu!

Lại nên đem nghĩa này nói với hai người vợ, mọi người cùng giữ điều răn cấm này thì sẽ có nhiều con cái tốt đẹp, ba người bọn ông hạnh phúc đến già, sống thì hưởng Ngũ Phước, mất sẽ lên chín phẩm. Nay gởi cho ông một bộ An Sĩ Toàn Thư, một cuốn Thọ Khang Bảo Giám, một cuốn Gia Ngôn Lục, một bộ Quán Âm Tụng, một cuốn Sức Chung Tân Lương. Trong bộ An Sĩ Toàn Thư có bốn tác phẩm:

Đầu tiên là Âm Chất Văn Quảng Nghĩa giảng rộng về ý nghĩa “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”; thứ hai là Vạn Thiện Tiên Tư [khuyên] kiêng giết; thứ ba là Dục Hải Hồi Cuồng răn dâm; thứ tư là Tây Quy Trực Chỉ khuyên tu Tịnh Độ.

Quán Âm Tụng giảng rõ cặn kẽ sự linh cảm của đức Quán Âm. Hễ đọc Thọ Khang Bảo Giám sẽ chẳng dám không tiết dục. Gia Ngôn Lục giảng đầy đủ rõ ràng về những điều quan trọng trong tu trì. Sách này trích lục những điều trọng yếu từ bộ Văn Sao. Đọc Sức Chung Tân Lương sẽ có thể làm cho mẹ ông quyết định được vãng sanh Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Dương Chân)

(9) Con tuổi còn trẻ dại, phải hết sức chú ý giữ gìn thân thể, hãy nên đọc kỹ cuốn Dục Hải Hồi Cuồng trong bộ An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Có nhiều thiếu niên khi ý niệm tình dục khởi lên bèn thủ dâm. Chuyện ấy gây tổn thương thân thể cực lớn, chớ nên phạm. Hễ phạm chính là tự tàn hại thân mình, nhơ bẩn tự tâm, khiến cho thân thể hữu dụng bị chết yểu, hoặc thành phế nhân bấy bớt không nên cơm cháo gì! Hằng ngày phải phản tỉnh, quán sát tội lỗi nơi thân tâm, ngõ hầu chẳng đến nỗi tự tàn, tự hại. Nếu không, cha mẹ chẳng nói, sư trưởng không nói, bạn bèn đàn đúm xúi giục nhau đến nỗi thành ra thói ác ấy. Nguy hiểm lắm, còn hơn vào vực sâu, đi trên băng mỏng!

Tăng Tử mang tư cách đại hiền mà đến khi sắp chết mới nói: “Kinh Thi chép: ‘Dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, bước trên băng mỏng’, từ nay trở đi, ta biết thoát khỏi”. Chưa đến lúc sắp chết, vẫn thường dè dặt, kinh sợ, biết mình ắt có chỗ thiếu sót. Nay sắp chết rồi, mới biết mình không thiếu sót! Cừ Bá Ngọc năm hai mươi tuổi, biết mười chín năm trước sai trái; đến khi tuổi tròn năm mươi, biết bốn mươi chín năm trước sai trái. Khổng Tử vào độ tuổi bảy mươi, vẫn mong trời cho sống mấy năm nữa, hoặc dăm mười năm để học Dịch, ngõ hầu tránh khỏi lỗi lớn. Đấy chính là cách dưỡng tâm giữ ý, phản tỉnh, quán sát của thánh hiền, là cơ sở để học Phật liễu sanh tử vậy. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao và các sách khác, nên không ghi cặn kẽ.

Con tên là Giám Chương, lại thêm có chánh trí huệ thì không gì chẳng hợp với Phật, với thánh, không gì chẳng đúng pháp thế tục. Người đời nay hơi thông minh bèn cuồng vọng. Đấy đều là chẳng biết nghĩa lý “vị học nhật ích, vị đạo nhật tổn” (vì việc học [đạo đức] ngày càng tăng thêm, vì đạo [thói xấu] ngày càng giảm bớt). “Vị đạo nhật ích” là đem đạo đức thánh hiền cất chứa trong thân tâm ta, “vị đạo nhật tổn” là nghiêm túc phản tỉnh, quán sát, để khởi tâm động niệm trọn chẳng có tội lỗi gì! Nếu không, chỉ là bậc văn tài lỗi lạc, đã chẳng thể vì việc học, huống là vì đạo ư? Hiện nay thời cuộc nguy hiểm, hãy nên khuyên hết thảy già trẻ trai gái hằng ngày thường kiền thành niệm thánh hiệu Quán Âm để làm thượng sách cầu hòa bình, giữ gìn thân mạng. Ngoài cách này ra, không còn tìm được cách nào khác nữa đâu! (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Bảy) (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Từ Giám Chương)

(10) Lời di chúc khẩn yếu là giữ gìn thân thể. Tấm thân của ông quan hệ đến cả nhà, cha ông đã ra ngoại quốc rồi. Trong nhà ông còn có mẹ, cậu em thứ hai và cô em gái nhỏ đều trông cậy vào ông. Nếu ông chẳng biết thận trọng giữ thân, cả nhà sẽ nguy lắm. Xét theo tánh cách của ông, cũng trọn chẳng đến nỗi dâm đãng, nhưng trong vòng vợ chồng cũng nên điều độ, chớ nên mặc sức tham ưa khoái lạc. Đối với những điều kỵ húy trong Thọ Khang Bảo Giám, hãy nên suy xét kỹ càng, ghi nhớ. Cũng nên bảo Sư Thiệu đọc kỹ, ngõ hầu được sống hạnh phúc đến già, cùng được sống lâu, khỏe mạnh.

Những kẻ thanh xuân ở góa trong cõi đời cũng như những người cưới vợ chưa được mấy chốc vợ đã chết, mười phần hết tám chín là do chẳng biết tự thận trọng đến nỗi uổng mạng! Há có phải mỗi trường hợp đều do bổn mạng từ lúc sanh ra đã như thế ư? Nếu La Tế Đồng, thương nhân X… và đứa con của thương gia Y… đọc kỹ Thọ Khang Bảo Giám, đã biết rành rẽ những điều kỵ húy, há có chuyện bị chết ngay ư? Quang thương bọn họ vô tri, nên mới đặc biệt biên tập sách này (đã in năm vạn cuốn). Sợ ông nghĩ “ta chẳng đến nỗi phạm tà dâm, cần gì phải đọc sách ấy!” Vậy là sai lầm quá đỗi rồi! Hoàng đế Đồng Trị cũng do bệnh chưa lành mà ân ái nên phải chết.

Chuyện này quả thật là đạo trọng yếu để giữ thân yên đời. Thuở xưa, hoàng đế còn sai viên quan truyền lệnh dùng mõ gỗ đi khắp nẻo đường (tức đường sá, ngõ ngách trong thôn làng) để bảo ban. Nay thì cha mẹ cũng chẳng bảo ban con cái, đến khi con phạm phải những điều kỵ húy chết mất rồi, chỉ biết gào khóc, há chẳng đáng buồn quá sức ư? Tôi có tình thâm giao với cha ông, mẹ ông mà vợ chồng ông lại quy y [với tôi], tôi xem vợ chồng ông như con cái vậy. Vì thế mới nói lôi thôi như thế này. Những vị thiện tri thức khác quyết chẳng nói đến chuyện này, chẳng biết ông có nghĩ lời Quang là đúng hay không? Những điều khác đã có trong kinh điển, nên Quang chẳng cần phải nói nữa! (Ngày mồng Hai tháng Hai năm Kỷ Tỵ 1929) (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Sư Khang)

(11) Ông nói năm sáu năm qua, từ sau khi ra trường, mắc bệnh xương khớp rã rời, gần như đã chết một nửa người. Có phải vì [trong thuở còn đi học ấy] bạn bè đàn đúm tụ họp, cùng nhau đọc tiểu thuyết đến nỗi chân tinh mất mát, thủ dâm liên tục, do vậy mới có hiện tượng ấy hay chăng? Đấy chính là căn bệnh chung của lũ học sinh trong hiện tại, trong mười đứa có đến tám chín đứa [vướng phải]. Do cha mẹ, thầy, bạn đều chẳng chịu nhắc đến, nên kẻ bị bệnh ngày thấy càng nhiều, chẳng thể ngăn dứt được! Do chuyện này, Quang liền cho in tám trăm cuốn Thọ Khang Bảo Giám. Hễ kẻ trẻ tuổi gặp Quang, Quang đều nói rõ lẽ lợi hại với họ, bảo họ giữ gìn thân thể đừng phạm. Dù là thủ dâm hay tà dâm đều phải nghiêm túc kiêng dè, đừng phạm; ngay như vợ chồng ăn nằm với nhau cũng phải có chừng mực, cũng như biết kiêng kỵ để khỏi đến nỗi bị mất mạng oan uổng! Nếu không, người cực tốt cũng vẫn có thể chết vì chuyện này. Xúm nhau đổ thừa cho số mạng, chẳng biết tự mình đã nộp mạng!

Ông còn rất trẻ mà đã bị bệnh, hãy nên thường đọc sách ấy, cũng như bảo Đức Chánh thường đọc. Đôi bên răn nhắc lẫn nhau, ngõ hầu những đứa con đã sanh như Quân Tốn v.v… đều được mũm mĩm, trưởng thành, tánh tình hiền thiện, vợ chồng ông sống hạnh phúc đến già, cùng sanh Tây Phương. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 3, Thư trả lời cư sĩ Ôn Quang Hy (thư thứ sáu) )

(12) Lại còn có Thọ Khang Bảo Giám đã giao cho thợ sắp chữ. Đợi khi sắp chữ xong, sẽ cho in cùng lúc với Văn Sao. Sách này chính là bản tăng đính (mở rộng, sửa chữa) cuốn Bất Khả Lục rồi đổi tên. Bọn thiếu niên hiện thời thường chẳng biết cách giữ gìn thân thể, mặc sức theo đuổi sắc dục; do vậy mà chết chừng bốn phần. Do ham sắc dục mà bị các thứ bệnh khác rồi chết cũng chiếm đến bốn phần. Người trong cả cõi đời, trong mười phần có đến tám phần là do bị chết trực tiếp hay gián tiếp bởi nữ sắc, cũng đáng thảm lắm!

Đừng nói chi kẻ buông lung tìm hoa kiếm liễu, ngay như trong tình vợ chồng, những kẻ vì chẳng biết kiêng kỵ mà bị tử vong cũng chẳng biết đến mấy vạn! Trong tháng Mười năm ngoái, do một đệ tử của Quang vì bị bệnh đã lâu, người thiếp bèn cầu Phật, nguyện ăn chay suốt đời, ông ta không uống thuốc mà được lành. Khí sắc của ông ta thuần tịnh rạng rỡ ít có ai bằng. Chưa được hơn một tháng, do phạm phòng sự (ăn nằm) liền chết! Vì thế, tôi phát tâm in cuốn sách này để cứu những kẻ chẳng biết kiêng kỵ khỏi phải bị chết. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 3, Thư trả lời Phước Châu Phật Học Xã)

(13) Nay đem Vật Do Như Thử, Sức Chung Tân Lương, Thọ Khang Bảo Giám, Tức Tai Khai Thị, Liễu Phàm Tứ Huấn, mỗi thứ hai cuốn, lèn chặt [thành một bưu kiện]. Những thứ giấy dùng để chèn chỗ trống cũng đừng vất đi, bởi đấy chính là Sớ Lễ Quán Âm Cầu Con và Ba Điều Trọng Yếu Để Cầu Con, cũng là bài văn có quan hệ lớn lao cho hết thảy kẻ thanh niên. Bất luận già hay trẻ đều chớ nên không biết! Nếu không, chẳng biết tiết dục mà mong sanh con thì chưa sanh được con mà cha đã chết trước rồi! Hoặc mẹ do ân ái quá nhiều bị mắc bệnh lao sái, chẳng biết là bao nhiêu!

Đồ Hữu Sanh khá thông minh. Những con em thông minh hiện thời phần nhiều mắc bệnh thủ dâm, hãy bảo chúng nó đọc Thọ Khang Bảo Giám và Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ chẳng đến nỗi mắc phải những mối họa đau khổ như trở thành tàn tật và đoản mạng mà chết. Xưa kia, thánh vương sai quan bố cáo [khuyên mọi người không nên ăn nằm khi sấm sắp động vào đầu Xuân], nay thì cha, mẹ, thầy, bạn nhất loạt chẳng nói đến chuyện này, cũng là do ác nghiệp của mọi người cảm thành!

Có kẻ càng ngu hơn, hễ con cái bị bệnh liền cưới vợ cho nó; ý muốn cho con mau được lành bệnh, thật ra là làm cho nó chóng chết! Chẳng đáng buồn ư? Một người ở Hồ Nam có hai đứa con đều chết vì lý do này. Đứa con thứ ba mắc bệnh vẫn muốn làm như thế, bị một người bạn quở trách mới thôi. Ấy chính là quả báo do đời trước dụ dỗ kẻ khác chơi bời bừa bãi đến chết. Một đứa đã chết còn chưa ngộ, hai đứa chết luôn mà vẫn chưa ngộ! Nếu không bị người bạn quở trách chắc sẽ bị tuyệt tự! Rốt cuộc vì lẽ nào mà tâm kẻ ấy ngu như thế? Nếu không phải do oán quỷ xui khiến, ắt chẳng đến nỗi ngu như thế! Xin hãy sáng suốt thì may mắn thay! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 3, Thư trả lời cư sĩ Tịnh Thiện (thư thứ ba))

(14) Nay gởi cho ông một bộ Văn Sao, một bộ An Sĩ Toàn Thư, một bộ Quán Âm Tụng, hai cuốn Thọ Khang Bảo Giám, xin hãy đọc kỹ. Văn Sao thì chẳng những tu trì Tịnh nghiệp có chỗ làm căn cứ nương tựa, ngay cả những cách xử thế, giữ thân, tề gia, dạy con v.v… đều có nêu rõ T. rong đời hiện thời, ắt cần phải sốt sắng đề xướng nhân quả báo ứng. Dạy con cố nhiên là nhiệm vụ trọng yếu, nhưng dạy con gái càng quan trọng hơn dạy con trai, bởi lẽ con người lúc bét hường ở bên mẹ, nếu mẹ hiền thì con cái cũng tự nhiên sẽ hiền. Do thường được un đúc nuôi dạy đã tập quen thành thói, đến khi lớn lên được cha dạy dỗ sẽ thuận chiều chỉ dạy, thật là dễ dàng. Đời hiện tại loạn đến mức như thế này đều là vì không có hai thứ khéo dạy trên đây mà nên nỗi! Quang không có sức cứu vãn kiếp vận, nhưng có tâm cứu đời, cho nên ở đây mới dài dòng một phen. Nếu chẳng cho lời bàn của lão tăng là viễn vông, hủ bại thì may mắn lắm thay! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển thượng, Thư gởi cư sĩ Tự Giác)

(15) Khéo sao cư sĩ Bành Mạnh Am đưa truyện người con gái có hiếu ở Hồ Nam cho đọc. Cô con gái có hiếu ấy chỉ biết có mẹ, người con gái tiết hạnh chỉ biết đến nghĩa, sự sống chết của chính mình chẳng thèm màng đến nữa. Tuy đã thể hiện gương táng thân vì mẹ, vì nghĩa, nhưng chẳng thể [dùng gương ấy để] răn dạy người tầm thường được; tuy vậy, lòng thành tận hiếu, tận nghĩa, ngay đến cả thiên địa, quỷ thần cũng bị cảm động, huống chi những người sẵn cùng một cái tâm ấy ư? Những kẻ chẳng nghĩ đến ân dưỡng dục, tùy ý tự do luyến ái, thấy nghe những chuyện này há chẳng thẹn muốn chết, do đó bèn đau đáu sửa đổi lỗi trước, dốc lòng tu đức sau ư? Điều này liên quan đến thế đạo nhân tâm cũng lớn lắm.

Hơn nữa, tiết tháo như Tần Chiêu, ngay trong khi ấy mà giữ được lòng chẳng loạn lại càng sâu sắc gấp trăm lần. Do [giữ cho] một lúc chẳng loạn thì dễ, nhưng nhiều ngày chẳng loạn thì khó lắm. Huống chi ông Đặng X… đã nói: “Nếu chẳng thể kiềm chế được thì cô gái ấy sẽ thuộc về anh” đó ư? Thêm nữa, thiếu niên nam nữ trong mấy chục hôm, ngày cùng ăn, đêm cùng ngủ, mà có thể trọn chẳng có chuyện nam nữ tình dục, chẳng xáo trộn thiên lý, chẳng phải là kẻ trọn chẳng có nhân dục mà làm được ư? Tôi đem chuyện này ghi thêm vào An Sĩ Toàn Thư và Thọ Khang Bảo Giám. Hai cuốn sách ấy đã in hơn hai mươi vạn cuốn, nay lại ghi kèm [câu chuyện trên đây] vào cuốn sách này, hợp thành truyện trung hiếu tiết nghĩa để làm nhát kim đâm xuống đỉnh đầu những gã phế trừ luân lý, ngõ hầu căn bệnh đã lậm vào tạng phủ được mau lành, khôi phục chuyện giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, không làm các điều ác, vâng giữ những điều lành. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển hạ, Lời tựa cho bộ Dương Tiêu Sơn Tiên Sinh Ngôn Hạnh Lục)

Mười đại lợi ích của việc niệm Phật

(Nghĩa là người niệm Phật quyết định sẽ được mười điều lợi ích)

(1) Ngày đêm thường được hết thảy chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân thủ hộ người ấy.

(2) Thường được hai mươi lăm vị đại Bồ Tát như Quán Âm bảo vệ, gia hộ.

(3) Ngày đêm thường được chư Phật hộ niệm, A Di Ðà Phật thường phóng quang minh nhiếp thọ người ấy.

(4) Hết thảy ác quỷ, dạ xoa, la sát đều chẳng hại được, chẳng bị trúng phải rắn độc, thuốc độc.

(5) Nước, lửa, oán tặc, đao binh, súng ống, gông, cùm, lao ngục... đều chẳng mắc phải.

(6) Những tội nghiệp đã tạo khi trước thảy đều tiêu diệt.

(7) Ðêm ngủ mộng thấy điềm lành, hoặc thấy thân sắc vàng thắng diệu của Phật A Di Ðà.

(8) Tâm thường hoan hỷ, vẻ mặt tươi tắn, khí lực sung mãn, việc làm tốt đẹp.

(9) Thường được hết thảy mọi người trong thế gian cung kính lễ bái giống hệt như kính Phật.

(10) Lúc lâm chung tâm không hãi sợ, chánh niệm hiện tiền. Tây Phương Tam Thánh dùng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Ðộ, liên hoa hóa sanh, hưởng sự vui thắng diệu.

Xin quý vị chú ý: Trong mười điều lợi ích này, chín điều trước đều là những lợi ích chuyển hóa nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn. Ðiều lợi ích cuối cùng là thân sau thoát khỏi luân hồi.

Phương pháp niệm phật

(1) Khóa lễ sáng chiều đơn giản nhất

Nam mô đại từ đại bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).

Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật (niệm lễ giống như trên).

Nam mô A Di Ðà Phật (không cần lễ bái, chỉ cung kính niệm. Quỳ niệm, ngồi niệm, đứng niệm đều được. Tối thiểu là trăm câu đến ngàn câu, vạn câu tùy theo công việc rảnh hay bận của mỗi người. Chỉ nên từ ít tăng lên nhiều, đừng từ nhiều giảm xuống ít).

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (một niệm, một lạy).

Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (niệm một niệm, một lạy.

Quán Âm, Thế Chí là hai vị hiếp sĩ (Bồ Tát thị giả thân cận)

của đức A Di Ðà, thường gọi chung là Tây Phương Tam Thánh. Niệm Phật xong, lẽ đương nhiên nên lạy hai Ngài).

Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (một niệm, một lạy. Cực Lạc thế giới có rất nhiều vị Bồ Tát, tương lai đều là thầy bạn của mình nên cũng nên lễ bái).

Nguyện đem công đức này,

Trang nghiêm Phật tịnh độ

Trên đền bốn ân trọng

Dưới cứu khổ ba đường

Nếu có ai thấy nghe, Ðều phát tâm Bồ Ðề,

Hết một báo thân này.

Cùng sanh cõi Cực Lạc.

(Ðây là bài hồi hướng, cũng nói về nguyện lực niệm Phật của mình)

Lễ bái lui ra.

Phụ chú:

Mỗi ngày sáng chiều hai lượt thực hành công khóa trên đây. Rửa tay, súc miệng, đối trước tượng Phật thắp hương, đảnh lễ, theo đúng pháp tụng niệm. Nếu không có tượng Phật hoặc chỗ mình ở không thuận tiện thì không đốt hương, không đảnh lễ cũng được, chỉ hướng mặt về Tây, trong lòng cung kính thì cũng có công đức tương tự. Ðừng niệm những chữ ghi trong dấu ngoặc.

(2) Phương pháp niệm Phật mười hơi

Cho đến hết một hơi, niệm dăm ba câu hoặc sáu bảy câu “nam mô A Di Ðà Phật”. Niệm hết mười hơi như vậy bèn niệm bài hồi hướng một lượt, lễ bái lui ra.

Phụ chú:

Cách này dành cho người cực kỳ bận rộn, chỉ tốn thời gian không quá năm phút. Ðiều trọng yếu nhất là mỗi ngày sáng chiều phải thực hành một lần. Vạn phần chẳng được gián đoạn. Có tượng Phật thì đối trước tượng Phật niệm tụng, không có tượng Phật thì hướng về phía Tây mà làm.

Hai cách niệm Phật vừa đề cập trên là dành cho người quá bận rộn. Nếu có lúc rảnh rỗi thì sau khi niệm “nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật”, tụng một quyển kinh A Di Ðà, tụng ba biến chú Vãng Sanh, tán Phật một lượt thì càng hay. Cách hành trì này tối đơn giản, hợp thực tế, quyết định thành công.

MỤC LỤC

ĐỀ TỰA 2

Đề tựa sách Thọ Khang Bảo Giám 2

Lời tựa tái bản sách Bất Khả Lục 6

Lời tựa [khuyên] giữ vẹn luân lý cho sách Bất Khả Lục 8

Lời tựa phổ khuyến thọ trì lưu thông sách Dục Hải Hồi Cuồng 10

* Phụ lục: Đức cao đẹp đáng ngưỡng mộ 12

CẢNH HUẤN 14

Huấn sức sĩ tử giới dâm văn (Bài văn khuyên bảo sĩ tử kiêng dâm) 14

Giới dâm thánh huấn 16

Giới dâm văn 18

Giới dâm cách ngôn (Những câu cách ngôn răn dạy kiêng dâm) 20

Mười hai điều tai hại của tà dâm 42

Tứ giác quán 45

Cửu tưởng quán 46

Mười điều khuyên răn 48

Giới chi tại sắc phú (bài phú khuyên răn kiêng giữ sắc dục) 50

SỰ CHỨNG 54

Phước thiện án (những câu chuyện kể về được phước do làm lành) 54

Họa dâm án (Những chuyện mắc họa vì dâm) 70

Hối lỗi án (những câu chuyện hối lỗi) 85

Đồng thiện dưỡng sanh 91

LẬP THỆ 95

Phát thệ trì giới 95

Lời thệ nguyện 98

GIỚI KỲ 100

Bảo thân lập mạng giới kỳ cập thiên địa nhân kỵ 100

CẦU TỰ 127

Bảo thân quảng tự yếu nghĩa 127

PHỤ LỤC 132

Tích tự do kết hôn tà thuyết văn 132

Bất Khả Lục kỷ nghiệm 136

Tích tự cận chứng 138

o G i á m

ĐỀ TỰA

Đề tựa sách Thọ Khang Bảo Giám

Chẳng có ai không muốn trường thọ, mạnh khỏe, yên ổn, con cháu đông đảo, công nghiệp lẫy lừng, vận may đưa tới; cũng không có ai muốn bị đoản mạng, chết yểu, bệnh tật, con cháu tuyệt diệt, gia đạo suy đồi, hung thần ngự đến. Đấy là niềm mong ước thường tình của con người trong khắp cõi đời, dẫu là đứa trẻ mới cao ba thước (thước Tàu), không ai là chẳng [mong muốn] như vậy. Dẫu là kẻ chí ngu, cũng hoàn toàn chẳng vui mừng vì bị tai họa, chán phước, ghét lành; nhưng kẻ hiếu sắc tham dâm thì những điều tâm họ mong mỏi và những chuyện thân họ làm, đích thực là trái nghịch nhau. Rốt cuộc đến nỗi chuyện chẳng mong muốn lại bị, chuyện mong muốn không có cách nào đạt được, chẳng đáng buồn ư? Khoan hãy nói đến kẻ buông tuồng nơi hoa, nơi liễu, chỉ mong mỏi chuyện ấy; ngay trong vòng vợ chồng, nếu cứ tham đắm, ắt sẽ bị táng thân, mất mạng! Cũng có kẻ chẳng quá mức tham đắm, nhưng do không biết kiêng kỵ (những chuyện kiêng kỵ được ghi đầy đủ ở phần sau cuốn sách, cho nên ở đây, tôi không ghi rõ) cứ mạo muội theo đuổi, đến nỗi bị tử vong, thật quá đáng thương! Vì thế, tiền hiền soạn sách Bất Khả Lục thuật rõ cặn kẽ mối hại sắc dục, [sưu tập] những câu cách ngôn khuyên răn kiêng dâm, bớt dục, những câu chuyện chứng tỏ “phước thiện, họa dâm”F, phương pháp trì giới, như ngày tháng, những lúc, những nơi chốn, những người, những việc nên kiêng kỵ, chẳng ngại phiền phức, đều được trình bày cặn kẽ, ngõ hầu người đọc biết phải nên kiêng dè những gì. Tâm giác thế cứu dân ấy, có thể nói là “khẩn thiết, châu đáo, thiết tha hết mực!” Ấn Quang lại tăng đínhF sách ấy, đặt tên là Thọ Khang Bảo Giám và quyên mộ để in ra, hòng lưu truyền rộng rãi, là vì có nỗi đau lòng chẳng thể chịu được!

Một đệ tử [của Quang] là La Tế Đồng, người Tứ Xuyên, bốn mươi sáu tuổi, có thuyền buôn ở Thượng Hải, tánh tình khá trung hậu, tin sâu Phật pháp, cùng với nhóm ông Quan Quýnh Chi v.v… đồng sáng lập Tịnh Nghiệp Xã. Trong những năm Dân Quốc 12, 13 (1923 1924), thường muốn đến núi [Phổ Đà] quy y, do bận việc, nên chưa được thỏa nguyện. Năm Dân Quốc 14 (1925), ông ta mắc bệnh cổ trướng mấy tháng, tình thế cực nguy hiểm, chữa thuốc Tàu, thuốc Tây đều vô hiệu. Đến ngày Mười Bốn tháng Tám, thanh toán tiền thuốc, vì số tiền quá lớn, liền bực mình nói: “Từ đây dù có chết, ta cũng không uống thuốc nữa”. Bà vợ bèn đối trước Phật cầu đảo khẩn thiết, nguyện suốt đời ăn chay, niệm Phật, cầu

o G i á m

cho chồng được lành bệnh. Ngay trưa hôm ấy, bệnh liền chuyển biến, đi tiêu xả ào ạt nước ứ ra, không thuốc gì mà hết bệnh.

Cuối tháng Tám, Quang đến đất Thân (Thượng Hải), ngụ tại chùa Thái Bình. Ngày mồng Hai tháng Chín, đến Tịnh Nghiệp Xã họp mặt cùng ông Quan Quýnh Chi, ông Tế Đồng cũng có mặt. Tuy thân thể chưa hoàn toàn khỏe hẳn, nhưng khí sắc thuần tịnh, tươi tắn không ai bằng. Gặp Quang, ông ta vui mừng thưa: “Sư phụ đến rồi! Con xin quy y tại đất Thân, chẳng cần phải lên núi nữa!” Ông ta chọn ngày mồng Tám, cùng vợ đến chùa Thái Bình, cùng thọ Tam Quy, Ngũ Giới. Lại thỉnh các cư sĩ Trình Tuyết Lâu, Quan Quýnh Chi, Đinh Quế Tiêu, Âu Dương Thạch Chi, Từ Trĩ Liên, Nhậm Tâm Bạch v.v… bồi tiếp Quang dùng cơm. Ngày mồng Mười, lại mời Quang đến nhà dùng cơm, và nói: “Sư phụ chính là cha mẹ của bọn đệ tử, bọn đệ tử chính là con cái của sư phụ”. Quang nói: “Cha mẹ chỉ lo khi con bệnh, nay bệnh ông tuy khá, nhưng chưa bình phục, hãy nên thận trọng”. Tiếc là chưa nói rõ “chuyện phải thận trọng” chính là chuyện phòng sự (ân ái). Đến hôm cuối tháng, tại Công Đức Lâm mở hội Cảm Hóa Nhà Tù, ông ta cũng dự hội. Buổi hội giải tán xong, có mười mấy người giữ Quang lại dùng cơm. Ông ta vừa mới đến, bèn cùng người trông coi sổ sách trao đổi mấy câu rồi đi, sắc mặt giống hệt như người chết, Quang biết là do ông ta phạm phải phòng sự mà ra. Rất hối tiếc lúc đó chỉ nói “cha mẹ chỉ lo khi con bệnh”, chưa từng nói rõ duyên do, đến nỗi ông ta lại bị nguy ngập.

Muốn tu chỉnh sách này để khẩn thiết khuyên răn, nhưng do bận bịu, chưa làm được. Ngày mồng Sáu tháng Chín, Quang về núi, bèn gởi ngay một lá thư, trình bày hết sức tường tận lẽ lợi, hại, nhưng đã không còn thuốc gì cứu được nữa, mấy ngày sau [ông ta] mất. Lúc mất, ông Quan Quýnh Chi mời các vị cư sĩ đều đến niệm Phật, ông La có được vãng sanh Tây Phương hay không, chưa thể biết, nhưng không đến nỗi đọa lạc. Ôi! Bị bệnh nặng mấy tháng, do Tam Bảo gia bị, nên không dùng thuốc mà được lành bệnh, trong vòng mười mấy ngày, khí sắc tươi tỉnh vượt xa người bình thường. Do không biết thận trọng, lầm lẫn phạm phải phòng sự mà chết. Không chỉ là tự tàn hại cuộc đời, mà còn cô phụ từ ân của Tam Bảo quá đỗi! Quang nghe tin cáo phó, tâm đau xót, nghĩ cõi đời chẳng biết kiêng kỵ, cứ mạo muội theo đuổi chuyện đó, đến nỗi mất mạng nhiều vô số! Nếu chẳng lập cách ngăn ngừa, gìn giữ trước, đúng là đã đánh mất đạo từ bi cứu khổ của đức Như Lai. Tính đem Bất Khả Lục tăng đính, ấn loát lưu truyền rộng rãi, ngõ hầu cả thế gian đều biết kiêng kỵ, chẳng đến nỗi lầm lẫn, đánh mất tánh mạng.

Một vị cư sĩ đem số tiền do mẹ để lại là một ngàn sáu trăm đồng, tính in thiện thư để thí tặng. Quang bảo ông ta dùng hết số tiền ấy để in Thọ Khang Bảo Giám, hòng cứu vớt thanh niên nam nữ chưa gặp cảnh nguy hiểm. Tức là do cái chết của một mình ông La Tế Đồng, sẽ khiến cho hết thảy những người đọc sách

này trong hiện tại và vị lai, đều biết phải nên răn dè, thận trọng, cũng như do xoay vần lưu thông, lần lượt khuyên bảo lẫn nhau, sẽ khiến cho cả thế gian đều cùng hưởng trường thọ, mạnh khỏe, bình yên, nỗi khổ “quan, quả, cô, độc”F ngày càng ít thấy. Như vậy thì do cái chết của một mình ông La Tế Đồng, lại khiến cho hết thảy mọi người đều được sống thọ, khỏe mạnh, thì cái chết của ông Tế Đồng sẽ có công đức. Nhờ công đức ấy, hồi hướng vãng sanh, ắt sẽ từ tạ Sa Bà, cao đăng Cực Lạc, làm đệ tử của Phật Di Đà, làm bạn lành trong hải chúng. Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả, mạc thiện vu quả dục” (Dưỡng tâm thì không gì tốt bằng bớt ham muốn). Tuy cũng có kẻ thiểu dục mà đoản mạng, nhưng cũng rất ít. Cũng có người đa dục, vẫn sống lâu, nhưng [người như vậy] ít lắm! Lúc mạnh khỏe còn nên tiết dục, huống chi lúc bệnh nặng mới lành!

Mười năm trước, con của một vị đại thương gia, học Tây Y ở Nhật Bản, đỗ đầu, ngồi xe điện. Xe chưa ngừng, đã nhảy xuống, ngã gãy cánh tay. Do chính anh ta là bác sĩ, nên chữa trị ngay. Phàm bị thương ở xương, ắt phải kiêng nữ sắc trong vòng một trăm mấy mươi ngày. Cánh tay của anh ta lành chưa được bao lâu, do mừng thọ mẹ, liền trở về nước, đêm ngủ cùng vợ, ngày hôm sau liền chết. Anh chàng này khá thông minh, sắp thành bác sĩ, sao lại đối với chuyện kiêng kỵ này lại ngờ nghệch chẳng biết, để đến nỗi khoảnh khắc khoái lạc cướp mất tánh mạng rất trọng? Đáng buồn quá sức!

Năm trước, một thương nhân đang gặp vận may, hôm trước giành được mối lợi sáu bảy trăm đồng, khá đắc ý. Ngày hôm sau, từ chỗ người thiếp đi đến chỗ vợ cả, người vợ vui lắm. Lúc đó, nhằm tháng Năm, trời rất nóng, vợ bật quạt điện, sắp đặt chậu tắm, lấy nước đá pha mật cho uống. Chỉ biết giải nhiệt cho mát, nào biết: Hễ muốn ân ái, không được dùng chất lạnh. Chưa đầy ba tiếng sau, đau bụng chết tốt! Do vậy biết: Vì thế gian chẳng biết kiêng kỵ, cứ làm bừa đi, đến nỗi tử vong chẳng biết mấy ngàn vạn ức! Nhưng từ xưa đến nay, người có phước lớn nhất, không ai hơn hoàng đế. Phước lớn thì thọ cũng phải dài! Thử xét kỹ xem: Mười ông vua, có tám chín ông không thọ; chẳng phải là vì dục sự quá nhiều, lại do chẳng biết kiêng kỵ, đến nỗi tự rút ngắn tuổi thọ đó ư? Người đại thông minh trong thế gian, đa phần thường chẳng thọ, là vì không hiểu kỹ chuyện này mà nên nỗi! Quang thường nói: “Người đời trong mười phần, có đến bốn phần do sắc dục mà chết. Bốn phần tuy chẳng chết trực tiếp vì sắc dục, thì cũng vì do tham sắc dục mà bị hao tổn, chịu đủ mọi thứ cảm xúc gián tiếp khác mà chết. Người vốn do số mạng mà chết, bất quá chỉ là một hai phần trong mười phần mà thôi!” Thế giới mênh mông, nhân dân đông đảo, mười phần có tới tám chín phần chết vì sắc dục, chẳng đáng buồn ư? Đấy chính là lý do Quang lưu thông sách Thọ Khang Bảo Giám. Mong những người yêu thương con cái trong cõi đời, cũng như những ai vì đồng bào tạo hạnh phúc, ngăn ngừa họa hoạn, thảy đều phát tâm ấn tống, xoay vần lưu thông, khiến cho ai nấy đều biết những điều kiêng kỵ, ngõ hầu chẳng đến nỗi lầm lạc, đánh mất tánh mạng, cũng như chẳng bị tàn tật, đến nỗi không thể thành tựu. Những kẻ buông tuồng tìm hoa kiếm liễu, đa số là vì không có chánh kiến, bị lầm lạc bởi bè bạn phóng túng hoặc dâm thư, đến nỗi hãm thân trong biển dục, không thể thoát được! Nếu chịu đọc kỹ [sách này], sẽ biết lợi hại sâu xa, đối với những điều quan hệ đến sự vinh diệu hay nhục nhã của tổ tông, cha mẹ, cũng như đối với sự “sống, chết, thành, bại” của bản thân lẫn gia đình, cũng như con cháu hiền hay ngu, tuyệt diệt hay hưng vượng, sẽ đều hiểu rõ như nhìn vào ngọn lửa. Nếu thiên lương chưa hoàn toàn mê muội, có ai hễ mắt nhìn đến, mà tâm chẳng kinh hoàng, nỗ lực đau đáu kiêng dè ư? Sẽ thấy từ đó về sau, ai nấy vui hưởng mối thiên luân vợ chồng, chẳng đến nỗi tham dục tổn thân, sẽ tề mi giai lãoF, vừa thọ, vừa khỏe mạnh. Người ít dục thường đông con. Con của họ chắc chắn thể chất mạnh mẽ, tâm chí trinh lương, không chỉ chẳng mắc lỗi tự tổn hại thân thể, mà chắc chắn còn trở thành hạng lanh lợi làm rạng mày nở mặt cha mẹ. Đấy chính là điều Quang thơm thảo mong mỏi dài lâu. Nguyện người đọc cùng thể hiện sự đồng tình, tùy duyên lưu truyền, thì nhân dân may mắn lắm, mà nước nhà cũng may mắn lắm thay!

Cuối Xuân năm Dân Quốc 16 (1927), tức năm Đinh Mão, Thường Tàm Quý

Tăng Thích Ấn Quang kính soạn