Home > Học Phật Nên Biết > Quy-Son-Canh-Sach-Yeu-Giang

Quy Sơn Cảnh Sách


Vì nghiệp lực kết buộc mà có thân thể, thì chưa ai thoát khỏi cái lụy của hình hài. Nên bẩm thụ thể chất tiết ra của cha mẹ, vay mượn những yếu tố tương quan mà hợp thành. Tuy được bốn thứ đại chủng hỗ trợ, nhưng chính bốn thứ này lại luôn luôn đối nghịch lẫn nhau.

Do đó mà vô thường già bịnh không hẹn với ai cả. Sớm còn tối mất, trong một sát na là qua đời khác. Khác nào sương mùa xuân, móc sáng sớm, chốc lát đã không ; cây bên bờ, dây trong giếng, đâu được lâu bền. Như ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩ khác, chuyển biến cực kỳ mau chóng, nên trong một sát na, chuyển hơi thở đã là đời sau. Như vậy tại sao vẫn an nhiên để đời mình trôi đi một cách vô ích?

Đối với cha mẹ thì không cung phụng ngọt ngon, đối với thân quyến cố nhiên rời bỏ xa cách, đối với đất nước không có khả năng bình trị, đối với gia tộc bỏ hết nghĩa vụ thừa kế, xa làng bỏ xóm, cắt tóc, bẩm thụ Phật pháp với bổn sư. Như vậy lẽ đáng trong thì siêng về công phu khắc niệm, ngoài thì bủa ra đức tính hòa bình, xa hẳn trần tục, kỳ vọng giải thoát.

Sao lại mới bước lên phẩm bậc của giới pháp, mà đã tự thị ta đây là vị tỷ kheo. Dùng của thí chủ, ăn của thường trú, không biết xét kỹ vì sao mà có của ấy, lại bảo rằng lẽ tự nhiên là phải hiến cúng. Ăn rồi, xúm đầu huyên náo, chỉ nói toàn chuyện tạp của thế gian. Nhưng một thì thừa dịp vui thích, mà không biết chính cái vui ấy là nguyên nhân của sự thống khổ. Bao kiếp xưa kia, đem thân theo trần cảnh, chưa từng phản tỉnh. Thì giờ mất mát, năm tháng lần lữa, hưởng dụng càng nhiều, thí lợi càng lắm, hết năm này qua năm khác mà không biết nghĩ đến sự rời bỏ. Chất chứa càng nhiều cũng chỉ bảo trì xác huyễn mà thôi. Đức Đạo sư có huấn dụ, khuyên dạy các vị tỷ kheo, hãy tiến bộ đạo nghiệp mà trang hoàng cơ thể, còn ăn, mặc, và ngủ, cả ba thứ ấy không lúc nào nên hưởng dụng sung túc. Nhưng con người đa số đối với ba thứ ấy đam mê không ngừng, đến nỗi ngày qua tháng lại, vụt cái bạc đầu. Nên hậu học chưa nghe tôn chỉ của Phật pháp thì phải học hỏi sâu rộng với các vị tiên giác, sao lại toan bảo xuất gia quí hồ cơm áo.

Đức Phật trước tiên thiết chế giới luật là để bắt đầu mở mang cho sự ngu muội. Phép tắc uy nghi sạch như băng tuyết. Đình chỉ là giữ, hành động là phạm, nguyên tắc ấy kềm thúc sơ tâm; điều mục đầy đủ, chương tiết minh bạch, giới pháp này đổi bỏ tồi tệ. Pháp tịch giảng dạy Luật tạng mà chưa hề học hỏi và thân cận, thì đối với Thượng thừa là giáo lý liễu nghĩa, làm sao có khả năng cứu xét rành mạch. Nên thật đáng đau tiếc là để một đời trôi đi một cách trống rỗng, sau này hối hận cũng khó mà đuổi kịp. Giáo lý chưa từng để dạ thì diệu pháp không nhân đâu mà khế ngộ.

Cập kỳ đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn, nhưng bụng thì rỗng, lòng lại cao, bởi vốn không chịu thân cận thiện hữu nên chỉ biết xấc láo ngạo ngược, chưa hiểu thành thuộc giáo pháp và giới luật nên sự tự chế ngự hoàn toàn không có. Lời to, tiếng lớn, nói năng vô phép. Không kính thượng tọa, trung tọa, hạ tọa, ngồi với nhau không khác gì sự tụ họp của các đạo sĩ Bà la môn. Khua bát ra tiếng, ăn rồi dậy trước. Đi ở trái phép nên bản chất tăng sĩ mất hẳn, đứng ngồi quàng hoảng nên làm động tâm niệm của kẻ khác. Phép tắc ít nhất cũng không giữ, uy nghi nhỏ nhất cũng không còn, thì đưa cái gì ra để kềm thúc hậu bối, nên kẻ sơ học không biết do đâu mà mô phỏng.

Vậy mà có ai mới cảnh giác cho thì liền bảo ngay rằng ta đây là tăng sĩ rừng núi. Quả là kẻ chưa bao giờ nghe đến sự hành trì của Phật huấn dụ, nên chỉ có một chiều hướng là tánh tình vẫn còn y nguyên. Cung cách như vậy là vì sơ tâm biếng nhác, nên ham muốn xấu xa y như thói cũ, dần dà theo đời, hóa thành quê kệch. Thế rồi bất giác mà lóng cóng già yếu, nhưng gặp việc thì như đối diện với tường vách. Hậu học thưa hỏi thì không có lời tiếng chi để hướng dẫn. Có nói cũng không liên hệ gì với kinh điển. Và bị khinh thì bảo hậu sinh vô lễ, sân tâm nổi giận, lời tiếng át người.

Một mai bịnh nằm trên giường thì mọi thứ đau đớn bao vây, xiết buộc, bức bách, sớm tối lo nghĩ, trong lòng khiếp sợ, đường trước man mác, chưa biết đi về chỗ nào. Bấy giờ mới biết hối hận, là sắp chết khát mới đào giếng, thì đào mà làm gì. Chỉ còn tự giận lấy mình sớm không dự bị tu tập, tuổi về chiều thì lắm điều tội lỗi, nên khi sắp đi khỏi cuộc đời thì sự sống tan rã thật mau chóng, lòng càng khiếp sợ hãi hùng. Rồi lụa thủng chim bay, tâm thức phải tùy theo nghiệp lực. Như kẻ mắc nợ thì ai mạnh kéo trước, tâm thức lắm thứ ác nghiệp thì chỗ nào nặng hơn là phải rơi trước vào đó. Nên quỉ sứ vô thường sát nhân, ý tưởng này nối tiếp ý tưởng khác, tác hại không ngừng. Sinh mạng không thể kéo dài, thì giờ không hề chờ đợi. Rồi ba cõi luân hồi chưa thể thoát khỏi, và thọ thân như vậy khó nói cho hết số lượng của thì gian lâu dài.

Cảm thương than thở, đau đớn như cắt đứt tim gan, làm sao có thể phong gói lời nói, nên phải cảnh giác để sách tiến cho nhau. Điều đáng tủi hận là chúng ta cùng sinh vào thì gian cuối cùng của thời kỳ Phật pháp tương tự, cách xa thời đại của Phật, Phật pháp lơ thơ, lòng người đa số biếng nhác, nên phải trình bày sơ lược cái thấy chỉ như ống dòm trời, để khuyên bảo những người hậu học. Nếu không loại bỏ tính nết kiêu căng, thì quả thật khó mà thay đổi cho nhau.

Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi. Không như vậy thì chỉ là kẻ lạm xen vào hàng ngũ tăng sĩ, lời nói và việc làm trống rỗng, sơ suất, hưởng dụng một cách vô ích cúng phẩm của tín đồ, đường đi năm cũ thì một tấc một bước cũng không đổi dời, quàng hoảng suốt cả một đời thì còn lấy gì mà nương tựa và cậy nhờ? Huống chi tăng tướng đường hoàng, dung mạo khả quan, toàn do thiện căn đời trước gieo trồng mới có được cái quả báo đặc biệt ấy, vậy mà chỉ nghĩ đến việc ngồi thẳng, khoanh tay, chứ không biết quí trọng từng tấc bóng của thì giờ. Nhưng đạo nghiệp mà không chịu nỗ lực thực hành thì đạo quả sẽ không có nhân tố thành tựu. Như vậy đâu phải chỉ một đời này qua đi một cách vô ích, mà mọi việc trong những đời sau cũng không được bổ ích gì.

Giã từ song thân, quả quyết chí khí, khoác mặc pháp y, là ý muốn vượt lên cho ngang đến chỗ nào nữa kia: sớm tối suy nghĩ như vậy thì đâu có thể chơi đùa cho qua mất thì giờ. Trong lòng tự kỳ hẹn cho mình phải làm trụ cột của Phập pháp, làm gương mẫu cho tương lai: thường xuyên tự nguyện như vậy mà chưa hẳn đã phù hợp phần nào với sự xuất gia.

Nói thì phải liên hệ với kinh điển, bàn thì phải dựa vào sự kê cứu về xưa. Hình dáng đĩnh đạc, chí khí cao nhã.

Đi xa thì phải nhờ bạn tốt để luôn luôn lọc sạch tai mắt, trú ở thì cần chọn bạn hiền để thường thường nghe điều chưa nghe. Nên ngạn ngữ đã nói, sinh ta là cha mẹ, tác thành ta là bạn bè. Gần gũi người hiền thì như đi trong sương móc, tuy không ướt áo mà lúc nào cũng thấm đượm ; quen thân kẻ ác thì lớn thêm kiến thức độc ác, sớm tối làm ác, ác báo đã bị ngay trước mắt mà chết rồi lại phải chìm đắm, làm cho thân người một khi mất đi, muôn kiếp vẫn khó mà khôi phục.

Lời nói ngay thẳng mới trái nghịch thính giác, như thế làm sao không ghi khắc vào lòng dạ? Mà như thế thì tất nhiên có thể rửa tâm, nuôi đức, ẩn dấu, vùi tên, tập trung tinh thần, đình chỉ ồn náo.

Nếu muốn tham thiền học đạo, vượt bỏ ngay cửa ngõ phương tiện, thì phải tâm hợp huyền tông, cứu xét tinh yếu, quyết trạch thâm áo, khải ngộ chân nguyên, bằng cách tham vấnsâu rộng với liệt vị tiên giác, gần gũi thân thiết với các bậc thiện tri thức. Thiền tông như thế này thiệt khó mà nắm được chỗ nhiệm mầu của nó, nên phải khẩn thiết vận dụng cái tâm một cách tinh tế và chín chắn, mới ngay trong khả năng này mà đốn ngộ chánh nhân, mới làm thềm bậc tiến dần trong sự siêu thoát phiền não. Và như thế là phá hủy nhân tố hai mươi lăm hữu trong lĩnh vực ba cõi, các pháp thân tâm vũ trụ đều biết không thật, duy tâm biến hiện, toàn thị giả danh. Đừng nên đem tâm ghé họp: tâm không ghé họp với cảnh thì cảnh đâu chướng ngại cho tâm. Mặc cho pháp tánh lưu lộ toàn diện, đừng cắt đứt mà cũng đừng nối tiếp; thấy sắc nghe tiếng quả thực bình thường thì bên nay bên kia ứng dụng đầy đủ.

Sống mà động cũng như tĩnh đều được như vậy mới thật không khoác mặc pháp y một cách uổng phí, cũng tức là báo đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu đời đời không thoái chuyển thì quả vị Phật đà quyết chắc có thể kỳ vọng, và là người khách qua lại ba cõi nên ra vào đều làm khuôn phép cho người.

Thiền học như thế này cực kỳ huyền diệu. Chỉ lo cho đủ sự "khẳng tâm", đoan chắc không lừa gạt.

Những người trung bình, chưa thể vượt ngay lên được, thì hãy để cả tâm trí vào giáo pháp, ôn cho thuộc và tìm cho rõ kinh điển, cứu xét một cách tinh tường đối với nghĩa lý, rồi truyền bá phu diễn ra để dắt dẫn tương lai, báo đáp ơn Phật. Thì giờ đừng để uổng phí, bằng cách phải lấy công hạnh trên đây mà hỗ trợ đời mình. Như thế thì động cũng như tĩnh đều có uy nghi, biến mình thành bậc "pháp khí" trong hàng Tăng bảo. Không thấy dây sắn quấn theo cây tùng kia sao, nó cao vót lên đến cả ngàn tầm: phải ký thác đời mình vào nhân tố tối thượng, mới có năng lực tạo được ích lợi rộng lớn. Phải chân thành giữ gìn trai giới, đừng man trá, thiếu sót hay vượt bỏ. Vì chính trai giới là cái nhân tối thượng đem lại cái quả tối thượng trong mọi đời kiếp.

Do đó mà không thể tầm thường hết ngày, nhọc nhằn hết buổi, để thì giờ mất đi một cách đáng tiếc mà không chịu cầu lấy sự bước tới và vượt lên. Như vậy là tiêu thụ của tín thí một cách vô ích, mà cũng phụ bạc tất cả bốn ân. Rồi chất chứa sự hệ lụy càng nhiều thì bụi bặm của tâm trí càng dễ làm cho nó bít lấp, nên đụng đâu tắc đó, ai cũng khinh khi.

Phật đã huấn dụ, ai kia đã là đấng trượng phu thì ta đây cũng có thể làm như thế, đừng tự khinh thị mình mà lùi bước và khuất phục. Nếu không như vậy thì chỉ là kẻ ở trong hàng ngũ xuất gia một cách vô ích, dần dà hết cả một đời mà quả thực không có một chút ích lợi nào hết.

Xin phủ phục mà cầu mong các vị nổi dậy cái chí khí quyết liệt, mở ra cái hoài bão cao xa, hết thảy mọi sự động tĩnh đều nhìn lên các bậc thượng thặng, đừng tự ý sống theo những thói hư hèn. Nội một đời này mà thôi, phải giải quyết bản thân cho xong, và việc đó là tự mình liệu lấy cho mình, không phải do ai đâu khác. Bằng cách ý thì ngưng, thức thì thoát, không còn tác đối với trần cảnh ẫ vì lẽ tâm vốn không, cảnh vốn lặng, chỉ vì bế tắc lâu ngày nên không thấu triệt được mà thôi.

Hãy đọc kỹ bài văn này để luôn luôn cảnh giác sách tiến, cưỡng lại mà tự làm chủ tể, đừng thí thân theo tánh tình con người của mình. Vì lẽ nghiệp quả lôi kéo thì quả thực khó mà trốn tránh, cũng như tiếng mà hòa thì tiếng vang phải thuận, hình mà ngay thì hình bóng phải thẳng: nhân quả rõ ràng như vậy, không thể không lo sợ. Trong kinh đã nói, giả sử trải qua trăm ngàn đời kiếp đi nữa, cái nghiệp mình đã làm ra vẫn không tiêu mất: một khi nhân duyên gặp nhau đủ mặt thì quả báo của nó mình phải tự chịu lấy. Vì lý do đó mà hãy ý thức ba cõi đều là những hình phạt ràng buộc và giết chết con người, phải nỗ lực mà tinh tiến tu tập, đừng để đời mình đi qua ngày tháng một cách trống rỗng.

Bởi nhận thức một cách sâu xa và thống thiết mọi sự tội lỗi và tai họa của tội lỗi ấy, nên mới khuyên nhau tu trì. Nguyện rằng trăm kiếp ngàn đời, bất cứ ở đâu, cũng làm "bạn hữu Phật pháp" cho nhau, nên làm bài minh dưới đây:

Thân huyễn nhà mộng,
Vật sắc trong Không,
Khoảng trước không cùng,
Khoảng sau đâu biết?
Thoát đây chìm kia,
Lên xuống cực nhọc,
Chưa khỏi ba luân,
Bao giờ ngừng được?
Tham luyến thế gian,
Ấm duyên thành chất,
Từ sanh đến già,
Không được gì cả.
Căn bản vô minh,
Vì nó sai lầm,
Thì giờ đáng tiếc,
Phút chốc khó lường.
Đời này trôi qua,
Kiếp sau bế tắc;
Từ mê đến mê,
Toàn vì lục tặc,
Qua lại sáu đường,
Lăn lóc ba cõi.
Sớm hỏi minh sư,
Thân gần cao đức,
Quyết trạch thân tâm,
Trừ khử gai góc.
Đời tự giả dối,
Cảnh nào bức được,
Xét cùng pháp tánh,
Chứng ngộ mới thôi.
Tâm cảnh siêu thoát,
Vượt cả nhớ quên,
Sáu căn an nhiên,
Động tĩnh vắng lặng:
Nhất tâm bất sanh,
Vạn pháp thanh tịnh.