Skip Navigation Links
Home
>
Pháp Luận
>
Thien-Ac-Nghiep-Bao
Thiện Ác Nghiệp Báo
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn, Biên Soạn
Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt dịch
Mục Lục
Trang Sau
Tải Về
Tựa
Ngày xưa, lúc Sơ tổ mới sang Trung Hoa, nghe nói Lương Vũ đế là vị vua anh minh, kính tin Phật pháp, giỏi giảng kinh thuyết pháp, viết luận tạo sớ…, Tổ bèn đến gặp. Vừa diện kiến, Vũ đế liền hỏi Sơ tổ rằng: “Trẫm đã xây chùa, tạo tượng, chép kinh, cho phép mọi người xuất gia, lập trai hội lớn. Như vậy có công đức chăng?”. Sơ tổ
Đáp:
“Không có công đức!”. Vũ đế
Hỏi:
“Vì sao không có công đức?”. Tổ
Đáp:
“Bởi các việc làm này chỉ đưa đến phúc quả nhỏ, sanh vào cõi trời người. Như bóng theo hình, tuy có nhưng chẳng thật”. Vũ đế lại
Hỏi:
“Thế nào là công đức chân thật?”. Tổ
Đáp:
“Trí tuệ thanh tịnh, tròn sáng nhiệm mầu, lìa có và không. Công đức như thế, chẳng thể dùng pháp thế gian để mong cầu”.
Sở dĩ Lương Vũ đế bị Sơ tổ trách, vì Đế đã đứng trên cương vị một hoàng đế giỏi, hiểu Phật pháp, làm được rất nhiều việc thiện, chứ không phải ở vị trí một hành giả cầu đạo chân thật mà hỏi câu ấy. Ngữ khí của câu hỏi mang hơi hám tự thị, chấp chặt, cho mình là bậc nhất. Tổ muốn Đế không sống mãi với những việc đã làm, mà phải lìa bỏ, hướng đến chí đạo, nên mới trả lời như thế. Một câu chưa thấm, Đế lại
Hỏi:
“Thánh đế đệ nhất nghĩa là gì?”. Tổ lại thêm một câu: “Rỗng không, không có gì gọi là thánh”. Không công đức, lại không có Thánh, thật đã làm cho Đế mờ mịt. Lâu nay Vũ đế sống với cái có ấy, nào là có công đức, có Thánh vị để chứng, có thánh nghĩa để ngộ, có thánh cảnh để dạo chơi… Tổ muốn Đế vượt qua những quan niệm ấy để đạt đến chỗ rốt ráo, nên trả lời như thế. Đến đây mà Đế vẫn chưa tỏ ngộ, cũng chẳng khởi nghi tình thì Tổ cũng hết thuốc, bèn lên Thiếu Thất ngồi quay mặt vào vách chín năm.
Thật ra, Tổ không xem thường những pháp thiện này, ngài chỉ phá chấp cho Vũ đế. Bởi tự thân pháp thiện không thuộc hữu lậu hay vô lậu, hữu hay vô đều do tâm người hành thiện mà thôi. Như một việc giảng kinh thuyết pháp, Vũ đế thực hiện thì được công đức hữu lậu, nếu Sơ tổ làm thì vô lậu. Như độ tăng, Vũ đế làm thì hữu lậu, Sơ tổ độ thì vô lậu. Tóm lại, khi chưa
“Đại tử nhất phiên”
thì tất cả những việc làm đều hữu lậu, cho nên cần phải mượn tâm hành hữu lậu để đạt đến vô tâm vô lậu. Hơn nữa, biết Vũ đế ở đời này đã đạt được nền tảng thiện nghiệp vững chắc từ những Phật sự trên, nên Tổ muốn Vũ đế từ nền tảng này mà vượt lên, bước vào cõi chơn không, cho nên mới nói Không.
Nếu nhất tâm vì đạo, vì người thực hiện những việc thiện như: giảng kinh, thuyết pháp, bố thí cúng dường, in ấn kinh điển, xây chùa tạo tượng… sẽ được vô lượng phước báu, cũng là tạo nền tảng để mau đạt đến giải thoát. Bởi nếu tạo ác thì tâm luôn bất an, tâm đã bất an thì mọi sự không thành; hành thiện vì đạo, vì người thì tâm luôn an vui, tâm đã an vui thì làm việc gì cũng dễ thành tựu, cho đến tu đạo xuất thế cũng vậy. Nếu Bồ tát không hoàn thành những pháp thiện: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ thì nhất định không thể đạt đến quả Phật. Nếu phàm phu không thực hiện các điều thiện: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, hoặc không thật tu mười điều thiện thì không thể có được an lạc đời này và đời sau.
Ngày nay, trong thời Mạt pháp, xã hội lại cực kì loạn động, bất an. Khắp nơi, nào là chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, đói nghèo, tất cả đều nguy hại đến thân. Trong Phật pháp, thân người rất quí, là kết quả của việc giữ gìn năm giới, mười giới, là chỗ nương để tu tập giải thoát. Nhưng hiện nay, thế gian này không quí mạng người, xem nhẹ hiếu nghĩa, chỉ cần một lời cải cọ, một va chạm nhỏ, một chút lợi trước mắt, một sự ham muốn nhất thời cũng đều có thể gây ra nghiệp ác. Vì sao? Vì tất cả không hiểu, không tin nhân quả nhiều đời, đã không tin không hiểu nhân quả nhiều đời thì không thích việc thiện sợ điều ác, không thích thiện sợ ác thì không việc ác nào mà không làm, không việc thiện nào mà không chối bỏ. Trong gia đình có người bất thiện thì gia đình không an vui hạnh phúc, trong xóm thôn có người bất thiện thì xóm thôn ấy bất an, trong một quốc gia có nhiều người bất thiện thì quốc gia ấy sẽ không thái bình, thịnh vượng. Như vậy phải từ con người mà xây dựng nền tảng chí thiện cho xã hội, cho quốc gia. Hễ con người thuần thiện thì gia đình cho đến quốc gia, rộng hơn là thế giới sẽ tốt đẹp.
Nếu chúng ta, mỗi mỗi người thực hiện pháp thiện hữu lậu, tức luôn luôn tác ý thiện, nói lời thiện, làm việc thiện. Cứ như thế, không gián đoạn, thì đến một lúc nào đó, thiện này sẽ trở thành tập tánh, giống như đói ăn khát uống vậy. Bấy giờ tâm không nghĩ thiện mà thân vẫn làm thiện, miệng vẫn nói lời thiện. Mọi việc làm và lời nói đều hợp với thiện, đều vì lợi ích của tất cả mọi người. Như thế há chẳng trở thành bậc Hiền thánh sao?
Những gì mà Phật giáo cho là thiện, cho là bất thiện? Hành thiện như thế nào đúng pháp? Hành thiện thì đời này, đời sau được những gì, gây ác thì đời này, đời sau chuốc hoạ gì?
CHƯ KINH YẾU TẬP
sẽ giải đáp cho chúng ta thấu đáo vấn đề này.
CHƯ KINH YẾU TẬP
hay
THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO LUẬN
, một tác phẩm của ngài Đạo Thế. Ngài đã tuyển chọn những đoạn Kinh, Luật, Luận, Truyện kí… thiết yếu liên quan đến thiện ác nghiệp báo ba đời rồi thêm lời bình mà thành bộ sách này. Để cho người đọc dễ nắm bắt được nội dung trước khi xem đọc, ban Dịch thuật chọn bốn chữ
THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO
làm đề mục cho dịch phẩm
.
Tạm cho đây là một dịch phẩm lớn, chứa đựng nhiều thể loại: văn tựa, luận nghị, thi kệ, tán tụng, truyện kí… với sự tham gia của nhiều thành viên ban dịch thuật, nên về mặt nhất quán ngôn từ, nhất quán cách hành văn, giọng văn, chất văn hẳn không được hoàn toàn như ý, dù đã mời nhiều người và nhiều lần xem đọc trước khi cho in ấn lưu hành. Kính xin người đọc hoan hỉ chỉ chánh cho.
Chúng tôi cũng xin cảm niệm công đức của Đài Trung liên xã, đạo tràng
Niệm Phật Tùy Duyên, nhóm bảo trợ dịch thuật Pháp Loa, Phật tử Thiện Ân, Phật tử Phương Tú và nhất là cố Phật tử Hoàng Mạnh Hùng pháp danh Thiện Chí đã trợ duyên dịch thuật, in ấn lưu truyền tác phẩm này.
Xin hồi hướng công đức này đến tất cả chúng sanh, giúp hiện đời tịnh hoá thân tâm, hành thiện an vui, lâm chung tuỳ ý sanh về quốc độ hữu duyên giáo hoá hữu tình đồng thành Phật đạo.
Từ Nghiêm ngày 19 tháng 3 năm Kỉ Sửu (13/04/2009)
Nguyên Chơn
kính ghi
Chư Kinh Yếu Tập còn có nhan đề Thiện Ác Nghiệp Báo Luận, 20 quyển do sa môn Đạo Thế ở chùa Tây Minh biên tập vào niên hiệu Hiển Khánh đời Đường (656 – 660) được thâu nhập vào Đại Chính Tạng quyển 54.
Đạo Thế tự Huyền Uẩn, họ Hàn, nguyên quán Y Khuyết (nay là Tây Nam, huyện Y Xuyên, tỉnh Hà Nam) nhân vì ông nội làm quan nên gia đình dời về Trường An. Năm 12 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Thanh Long chuyên nghiên cứu Luật bộ, sưu tầm kinh sách. Vào khoảng niên hiệu Hiển Khánh (656 – 661), Sư nhận chiếu tham dự dịch trường của Tam Tạng pháp sư Huyền Trang. Về sau, Sư vào chùa Tây Minh cùng ngài Đạo Tuyên xiển dương Luật tông. Ngài trứ tác 11 bộ sách, tổng cộng 154 quyển, trong số đó các sách đã bị thất truyền gồm có: Đại Tiểu Thừa Thiền Môn Quán (10 quyển), Thụ Giới Nghi Thức (4 quyển), Lễ Phật Nghi Thức (2 quyển), Đại Thừa Lược Chỉ Quán (1 quyển), Biện Ngụy Hiển Chân Luận (1 quyển),
Kính Phúc Luận (3 quyển), Tứ Phần Luật Ni Sao (5 quyển), Kim Cang Bát nhã Tập Chú (3 quyển). Hiện còn Chư Kinh Yếu Tập (20 quyển), Tỳni Thảo Yếu (6 quyển) và Pháp Uyển Châu Lâm (100 quyển).
Chư Kinh Yếu Tập là một tác phẩm trích lục trong kinh sách Phật những điều liên quan đến giáo pháp, tu hành, nghi quỹ và luận thuật các việc liên quan đến thiện ác nghiệp báo rồi chia thành các thiên. Toàn thư được chia làm 30 bộ loại: Kính Tam Bảo (17 mục), Kính Pháp (7 mục), Nhiếp Niệm (4 mục), Nhập Đạo (4 mục), Bái Tán (3 mục), Hương Đăng (4 mục), Thụ Thỉnh (8 mục), Thụ Trai (2 mục), Phá Trai (2 mục), Giàu Sang (2 mục), Nghèo Hèn (2 mục), Khích Lệ (7 mục), Báo Ân (3 mục), Phóng Sinh (4 mục), Làm Phúc (6 mục), Chọn Bạn (5 mục), Nghĩ Kỹ (5 mục), Lục Độ (20 mục), Nghiệp Nhân (5 mục), Tham Dục (3 mục), Tứ Sinh (6 mục), Thụ Báo (9 mục), Thập Ác (10 mục), Dối Gạt (6 mục), Biếng Nhác (3 mục), Rượu Thịt (3 mục), Xem Tướng (3 mục), Địa Ngục (8 mục), Tống Chung (9 mục), Linh Tinh (13 mục). Tổng cộng 185 mục.
Đặc điểm của Chư Kinh Yếu Tập là tính lý luận, là tính thuật tác.
Về tính lý luận, trong sách này trích lục nguyên văn Kinh, Luật, Luận Phật giáo liên quan đến ý nghĩa, nội dung, yêu cầu, phương pháp tu hành của người tại gia và xuất gia. Tuy nhiên, trong đó chẳng thiếu ví dụ, ngụ ngôn và truyện tích, nhưng chúng đều được xiển thuật theo lý luận của giáo pháp, giáo quy, đồng thời chẳng tự thành hệ thống cũng chẳng chiếm địa vị chủ đạo. Lý luận được đề cập đến rất rộng rãi, có hàm nghĩa kính trọng Phật, Pháp, Tăng; quy tắc nhiễu tháp, nhập tự; phương pháp nhiếp niệm, kiềm chế dục vọng; công đức đốt hương, cúng Phật, thụ trai, phóng sinh; ba đường ác của nghiệp thân phạm thập ác; nghiệp nhân giàu sang, nghèo hèn; yếu chỉ của lục độ Đại thừa; bốn loài (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh) của hữu tình chúng sinh; nguyên lý và chủng loại của nghiệp báo; nhiếp ý của địa ngục, sinh hoạt thức ngủ ăn uống của người xuất gia.
Về tính thuật tác, Chư Kinh Yếu Tập tuy lấy việc trích lục kinh văn làm chủ thể nhưng có nhiều chỗ trong nội dung là do tác giả trứ thuật, có tư tưởng lý giải của tác giả trong đó. Trong tác phẩm này, trừ bộ loại Thập Ác ra, 29 bộ loại kia mở đầu đều có phần dẫn nhập do soạn giả viết để lược thuật đại ý của một bộ hoặc một thiên, có tác dụng nêu lên cương lĩnh. Lại nữa ngoài phần dẫn nhập, y cứ vào nội dung của kinh văn biên định trong các mục cũng có phần do tác giả trứ tác. Các phần này mở đầu có hai chữ “thuật viết” đặt ở đầu của nguyên văn được trích lục.
Nguồn gốc tư liệu của Chư Kinh Yếu Tập trích lục từ Kinh, Luật, Luận Hán dịch. Do vì tác giả nghiêng nặng về trình bày giáo lý cho nên chỉ chọn lấy phần nhiều là luận như: luận Đại Trí Độ, luận Thập Trụ Tỳ bà sa, luận Đại Trang Nghiêm, luận Du già sư địa, luận Kim Cang Cương, luận Thành Thật, luận Câu xá, luận Địa Trì, luận Thi Thiết, luận Giải Thoát Đạo, luận Tân Bà sa v.v… Về Luật thì có trích dẫn luật Tứ Phần, luật Thập Tụng, luật Ma ha Tăng kì, kinh Phạm Võng, kinh Bồ tát Thiện Giới, kinh Ưu bà tắc Giới v.v… Về kinh thì các kinh Phật trích lục như kinh A hàm, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Tập, kinh Phổ Diệu, kinh Hiền Ngu, kinh Tạp Bảo Tạng, kinh Vị Tằng Hữu v.v…, ngoài ra còn có các kinh chưa thấy ghi trong kinh lục như: kinh Xá lợi phất Xử Thai, kinh Đại Thừa Liên Hoa Tạng, kinh Nhật Vân.
Ngoài Kinh, Luật, Luận, Chư Kinh Yếu Tập còn trích lục Tây Quốc Hành
Truyện của Vương Huyền Sách đời Đường, Cao Tăng Truyện của Huệ Kiểu đời Lương, Tây Vực Kỳ hoàn Tự Đồ của Đạo Tuyên đời Đường, Thượng Thư của Nho gia (trong phần Thuật viết) có dẫn Lễ Ký, Tả Truyện, Hoài Nam Tử.
Lúc Đại sư Ấn Quang (1862 1940) còn tại thế, Ngài thường khuyên các đệ tử chú trọng đến tội phước nhân quả, nên Ngài giới thiệu Pháp Uyển Châu Lâm của ngài Đạo Thế cho mọi người, như trong thư đáp Đặng Tân An, Đại sư viết: “ Đến như lúc xử sự bình thường hoặc sợ làm tội không hay, giảm phúc không biết, nên đọc bộ Pháp Uyển Châu Lâm tất sẽ nắm được khuôn phép để giữ gìn, tâm niệm không dám buông lung nữa” (Ấn Quang Văn Sao). Nhưng bộ Pháp Uyển Châu Lâm dày đến 100 quyển, thiết nghĩ không tiện cho người hiện nay thời giờ eo hẹp duyệt đọc, cho nên Ban Dịch Thuật chọn tác phẩm Chư Kinh Yếu Tập (tức Thiện Ác Nghiệp Báo Luận) 20 quyển có cùng một nội dung và cũng cùng một soạn giả phiên dịch ra tiếng Việt có phụ thêm phần cước chú để cống hiến cho bạn đọc xa gần.
Nguyện tập sách này được nhiều người thấy nghe rồi vâng làm theo lời Phật dạy, hiện đời thân tâm an lạc, sống trong thế giới hòa bình hạnh phúc, sau khi bỏ báo thân này sinh về cõi Phật thanh tịnh.
Tu viện Huệ Quang, ngày 15 tháng 3 năm Kỉ Sửu (9/4/2009)
Định Huệ
kính ghi
Chúng tôi có được nhân duyên rất lớn và may mắn được làm việc với ban Dịch thuật Hán tạng Pháp Âm. Nói may mắn, vì lâu nay có được mấy cơ hội Phật giáo Việt Nam thành lập và duy trì được dịch trường Hán tạng qui củ, chuyên nghiệp, có đào tạo, thi tuyển? Tôi càng may mắn hơn khi được đọc qua bản dịch quyển
Thiện ác nghiệp báo
(tên gọi khác của
Chư kinh yếu tập
do pháp sư Đạo Thế đời Đường biên tập từ những bộ kinh Đại thừa quan trọng). Đối tượng độc giả của quyển sách này không hạn chế trong phạm vi của người xuất gia hay kẻ tại gia, người tu Phật hay không tu Phật, tất cả những ai nếu đã đọc qua quyển sách này chắc chắn sẽ có được sự lợi ích. Chỉ ở điểm này thôi cũng tạo nên giá trị lớn cho tác phẩm khá đồ sộ này.
Cách trình bày từng vấn đề cụ thể được sắp xếp theo trình tự:
Đặt vấn đề dựa vào lý luận kinh điển.
Đi vào từng đề mục cụ thể, chi tiết.
Định nghĩa, lý giải, dẫn chứng kinh điển.
Xen kẽ có những bài kệ tụng tóm gọn nội dung vừa nêu.
Mở rộng phạm vi nội dung đến những điều có liên quan.
Giá trị của quyển sách không chỉ dừng lại ở đó, bởi tính giáo dục, thực tiễn, tính lý luận và phương pháp thực hành giúp con người hướng thiện, làm lành lánh ác, tu tập, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, được trình bày hết sức cụ thể, sinh động, dễ đi vào lòng người. Đó là những bài học đạo đức được nói đến như những tấm gương soi rọi qua sự tái hiện nhiều câu chuyện sinh động và sâu sắc từ kinh, luật, luận, có liên hệ thực tế đến từng vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, kinh
A xà thế vương thụ quyết
nói đến chuyện bà già nghèo xin được hai đồng tiền liền mua dầu cúng dường Phật Thíchca, rồi phát nguyện: “Nếu đời sau tôi đắc đạo giống như Đức Phật, thì xin số dầu này được cháy sáng suốt đêm không hết”. Quả nhiên, ngọn đèn của bà chẳng những cháy suốt đêm không tắt, mà còn rực sáng hơn các ngọn khác.
Giá trị khoa học của tác phẩm nổi bật hơn cả ở sự trình bày phương pháp ứng dụng những lời Phật dạy cho từng việc làm, hành động cụ thể và tính lý luận được thể hiện khá sâu sắc, cách lập luận vững vàng, sắc bén, chặt chẽ, đúng pháp. Ngoài ra, sự uyên bác của tác giả còn thể hiện ở khả năng liên hệ đến những vấn đề có liên quan đến chủ đề chính, khiến người đọc vừa lòng, thú vị vì vấn đề được trình bày khá đầy đủ, trọn vẹn. Điểm đặc biệt khác lôi cuốn người đọc là tác giả biết khai thác những chi tiết và khía cạnh cụ thể, cho nên dù nói đến những điều tưởng chừng khá quen thuộc như: làm thế nào khi đến chùa, cách lễ Phật, thắp hương, đốt đèn, treo phan, điều kiện thuyết pháp, nghe pháp, cúng dường đúng pháp, thực hành năm giới cấm, cách ăn uống… cũng trở thành mới mẻ, người đọc cảm thấy dường như chưa từng biết qua. Tâm trạng này không chỉ có ở độc giả tại gia mà người xuất gia cũng cảm nhận như thế. Ví dụ, khi dạy về tác dụng của việc treo phan, kinh
Phổ Quảng
có ghi: “Khi nhà có người lâm chung hoặc đã qua đời, thì ngay trong ngày mất, quyến thuộc của họ treo tràng phan màu vàng trên tháp, thì người ấy được phúc đức, xa lìa tám nạn khổ, được sinh trong cõi nước của chư Phật ở mười phương. Khi tràng phan vừa xoay, người ấy sẽ được ngôi vị Chuyển luân thánh vương. Tràng phan tung bay theo gió, rách nát hết, cho đến thành từng hạt bụi nhỏ, người ấy liền được ngôi vị tiểu vương. Người nhà cũng nên đốt đèn cúng dường, chiếu sáng những nơi tăm tối, giúp cho chúng sinh đau khổ nhờ ánh sáng này mà thấy nhau và được an ổn”. Điều này chưa thấy nói trong các kinh sách Tịnh độ, đặc biệt là sách hướng dẫn trợ niệm cho người lâm chung.
Nét đặc sắc của nghệ thuật trình bày tác phẩm còn thể hiện qua tác dụng hòa nhập. Bất kể vấn đề nào tác giả nêu ra có vẻ như sâu mầu, cao xa, nhưng lại giản dị, gần gũi, khiến người đọc cảm thấy như có mình ở trong từng hoàn cảnh, được cảnh tỉnh, dạy bảo, không còn phân biệt vấn đề này dành cho người xuất gia hay tại gia nữa. Chẳng hạn oai nghi của người tu Phật ảnh hưởng thế nào đến niềm tin người xung quanh; hay những trò đùa vui, những hành động vô tình hay hữu ý tạo ác nghiệp đều gây nên hậu quả xấu đến nhiều kiếp về sau…
Ở trình độ Phật học nào độc giả cũng đều gặt hái được lợi ích từ quyển sách này. Người xuất gia có thể dùng sách này làm đề tài giảng pháp, có thể sử dụng những dẫn chứng sinh động để thu hút người nghe. Kẻ tại gia có được những bài học giác ngộ, giải thoát quí báu cho hành động, suy nghĩ, lời nói của mình qua từng câu chữ, từng trang sách sáng ngời tính giáo dục. Mỗi vấn đề được đặt ra đều có thể là cẩm nang cho việc tu sửa thân tâm, tinh tiến để trở nên thanh tịnh bồ đề hoàn thiện, không cấu uế, nhiễm ô; còn được thâm nhập Phật pháp trong từng sát na, mọi hành động đều mang tính Phật pháp, lợi ích cho mình cho người một cách tự nhiên như gió, như mây, cao rộng, sâu thẳm như núi sông, biển cả…
Góp phần tạo nên những giá trị quí báu như đã nêu trên cho quyển sách này, không thể không nói đến sự nỗ lực to lớn của tập thể ban Dịch thuật Hán tạng Pháp Âm. Tuy mỗi thành viên phụ trách dịch thuật các phần, quyển khác nhau, nhưng nhìn chung, văn phong nhất quán, trong sáng, ý văn mạch lạc, diễn dịch nhiều vấn đề mang tính lý luận sâu xa trở thành dễ hiểu, gần gũi với nhiều đối tượng độc giả. Có rất nhiều đoạn dịch văn sâu sắc, mang tính hình tượng rõ nét và sống động, tạo tính thú vị, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Đó là lợi ích to lớn đầu tiên mà người đọc thấy được từ trang sách đầu tiên…
Xin thành tâm cảm niệm công đức của tác giả (pháp sư Đạo Thế đời Đường) và ban dịch thuật Hán tạng đã cống hiến cho độc giả nói chung, cho người tu Phật xuất gia, tại gia vốn pháp bảo bao quát nhiều phương diện quan trọng và hết sức sâu sắc này.
Ngày 26 tháng 4 năm Kỷ Sửu (20/5/2009)
Quảng Âm Đoàn Ánh Loan
kính ghi
Trang Trước
Mục Lục
Trang Sau
Từ Ngữ Phật Học Trong:
Tựa
Huệ Quang
Hữu Lậu
Luật Tông
Xá Lợi
Xá Lợi Phất
Xuất Gia
Du Già
Địa Ngục
Giải Thoát
Bồ Tát
Bậc Hiền
Phóng Sinh
Kinh A Hàm
Nghi Tình
Lâm Chung
Liên Hoa
Trang Nghiêm
Tăng Kì
Kinh Điển
Chúng Sanh
Công Đức
Thanh Long
Tả Truyện
Vô Lậu
Vô Tình
Tam Tạng
Lục Độ
Thập Ác
Thập Trụ
Nhất Thời
Nhất Nghĩa
Đệ Nhất Nghĩa
Nhất Tâm
Ấn Quang
Thiện Ác
Phật Trí
Phật Tử
Pháp Bảo
Phật Đạo
Ác Nghiệp
Tịnh Độ
Thiền Định
Thanh Tịnh
Chuyển Luân Thánh Vương
Hành Giả
Sinh Tử
Quyến Thuộc
A Xà Thế Vương
Thế Gian
Thế Giới
Tham Dục
Như Ý
Sa Môn
Hồi Hướng
Phát Nguyện
Nỗ Lực
Noãn Sinh
Hành Thiện
Tâm Hành
Phật Sự
Thành Tựu
Phá Trai
Lợi Ích
A Tăng Kì
Tam Tạng Pháp Sư
Tập Trí
Pháp Danh
Nghi Quỹ
Phân Biệt
Phật Học
Phúc Đức
Tỉnh Hà
Chỉ Quán
Hoá Thân
Thuyết Pháp
Thánh Vị
Thiện Nghiệp
Tinh Tiến
Nhiễm Ô
Phiên Dịch
Cao Tăng Truyện
Hình Tượng
Lương Vũ Đế
Chúng Sinh
Thiền Môn
Nhân Duyên
An Lạc
Sư Huyền
Bảo Tạng
Báo Thân
Tác Ý
Tại Gia
Pháp Thực
Quốc Độ
Luân Hồi
Luận Nghị
Thánh Đế
Bất Thiện
Phàm Phu
Pháp Sư
Huyền Sách
Huyền Trang
Nhập Đạo
Nhập Tự
Nhiễu Tháp
An Ổn
Tâm Niệm
Tiểu Thừa
Tiểu Thừa Thiền
Pháp Loa
Phật Pháp
Bố Thí
Thành Phật
Hương Đăng
Hữu Duyên
Pháp Uyển Châu Lâm
Thụ Giới
Tạo Tượng
Tập Giải
Sát Na
Mạt Pháp
Tam Bảo
Nghiệp Báo
Nhân Quả
Nhẫn Nhục
Bát Nhã
Bồ Đề
Hiền Thánh
Chư Kinh Yếu Tập
Hữu Tình
Nghiệp Nhân
Niệm Phật
Kinh Sách Liên Quan
1.
Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác,
Đời Tùy Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Đăng
|
Thích Thiện Thông, Việt Dịch