Home > Pháp Luận > Dai-Tri-Do-Luan-Tap-2

Đại Trí Độ Luận Tập 2

Lời Nói Đầu


Trong Tập II này gồm có nửa sau của phẩm Tựa đầu, từ chương 31 đến chương 46 (phẩm Tựa có 46 chương, 30 chương đầu đã in ở tập I – 1997). Tiếp đó là phẩm Dâng bát thứ hai, phẩm Tập tương ưng thứ ba, phẩm Vãng sanh thứ tư, phẩm Thán độ thứ năm, phẩm Tướng lưỡi thứ sáu. Tất cả trải dài trong 20 cuốn, từ cuốn 21 đến cuốn 40.

Ngài Cưu ma la thập dịch luận Đại Trí Độ này vào khoảng năm 402 404, trước Ngài Huyền Trang dịch trên hai thế kỷ, nên có những thuật ngữ rất xưa, ít được phổ cập. Khi gặp các thuật ngữ như vậy, tôi đã đổi lại một số theo thuật ngữ của các vị dịch sau và đã được phổ cập nhiều hơn. Ví dụ:

Thuật ngữ ngũ tình, lục tình đổi lại là ngũ căn, lục căn

Thuật ngữ ngũ chúng, ngũ thọ chúng, ngũ ấm, ngũ thọ ấm đổi lại ngũ uẩn, ngũ thủ uẩn.

Thuật ngữ ngũ vô học chúng đổi lại ngũ vô lậu uẩn.

Thuật ngữ ẩn một vô ký, phi ẩn một vô ký, đổi lại là hữu phú vô ký, vô phú vô ký.

Thuật ngữ sổ duyên tận, phi sổ duyên tận; sổ duyên diệt, phi sổ duyên diệt; trí duyên tận, phi trí duyên tận; trí duyên diệt, phi trí duyên diệt ở các chương 23, 24, 29, 30, 43 đều đổi lại là trạch diệt, phi trạch diệt.

Phái hữu bộ khái quát tất cả pháp vào 75 pháp, trong đó 72 pháp thuộc hữu vi và 3 pháp thuộc vô vi. Hữu vi là pháp có mang theo nó bốn tướng hữu vi là sanh, trụ, dị, diệt. Còn pháp vô vi thì tức là chơn lý, chơn không, không có bốn tướng ấy.

Ba pháp vô vi:

Hư không vô vi: chỉ cho tánh suốt thông không ngăn ngại của hư không đối với sự vật. Tính trống không của hư không thuộc sắc pháp, bị thay đổi sanh diệt, còn tính suốt thông không ngăn ngại của hư không thì không hề thay đổi sanh diệt, nên gọi là vô vi.

Trạch diệt vô vi: do trí tuệ lựa chọn, quán sát pháp Tứ đế, diệt được pháp hữu lậu hữu vi phiền não, làm hiển lộ bản tính thanh tịnh vô vi vô lậu ngoài bốn tướng hữu vi, đây tức là Niết bàn.

Phi trạch diệt vô vi: đây không phải do trí tuệ lựa chọn làm tiêu diệt, mà chính vì thiếu duyên, hoặc bị trở ngại nên pháp hữu lậu hữu vi tương lai không sanh khởi được. Không sanh tức không diệt, nên cũng gọi là vô vi.

Ba vô vi như vậy, dù dịch thuật ngữ có sai khác thì ý nghĩa cũng đồng nhau mà thôi.

Trong bản dịch này có đổi chỗ dựa theo kinh Đại Bát nhã của Ngài Huyền Trang dịch.

Đôi điều như vậy, tôi xin lưu ý quí vị độc giả.

PL. 2542 Từ Đàm, mùa An cư Mậu Dần (1998)

Thích Thiện Siêu