Home > Pháp Luận > Ban-Ve-Bon-Bo-A-Ham

I. A Hàm Và Ngũ Bách Kiết Tập


A hàm còn gọi là A cấp ma, A hàm mộ. Hán dịch: Pháp quy, nghĩa là nơi quy thú của muôn pháp (Bài tựa Kinh Trường A Hàm), còn dịch là "Vô tỷ pháp", nghĩa là pháp tối thượng (Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập 4), cũng dịch là "giáo", là "truyền", nghĩa là giáo pháp được lần lượt truyền trao nhau (Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa 24). A hàm vốn là tên chung của kinh Phật (Pháp Hoa Luận Sớ của ngài Cát Tạng nói A hàm là tên gọi chung cả kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa. Bốn bộ A hàm là Tiểu thừa, Kinh Niết bàn là "Phương Đẳng A hàm", đó là Đại thừa). Nay chỉ bàn về A hàm Tiểu thừa.

Nghiên cứu về lịch sử thành lập kinh điển Phật giáo, tôi xin đưa ra bốn quan niệm để làm tiền đề:

1. Kinh Phật đều không phải có từ hồi Phật còn tại thế, bất luận kinh điển thuộc thừa nào, bộ nào, cũng đều do đệ tử Phật thuật lại sau khi Phật diệt độ. Kinh Phật xuất hiện sớm nhất là sau Phật diệt độ vài tháng, và muộn nhất là từ Phật diệt độ 500 năm về sau.

2. Về việc thuật lại kinh Phật có hai hướng: Một là do đoàn thể công khai kiết tập, hai là do cá nhân trước thuật. Hướng thứ nhất thì có lịch sử để khảo chứng, còn hướng thứ hai thì không làm sao khảo chứng được.

3. Kinh Phật sử dụng cả hai hình thức đơn hành bản và tùng thư, mười mấy bộ kinh lớn hiện còn lưu hành đều là tùng thư. Nhưng theo tính chất thì loại tùng thư này lại chia làm hai: Có loại biên soạn cùng một lúc hoàn thành, có loại phải trải qua nhiều năm bổ sung mãi mới hoàn thành.

4. Đầu tiên kinh Phật không có bản chữ viết mà chỉ dựa vào đọc thuộc lòng, bản chữ viết sau Phật diệt độ mấy trăm năm mới có, Phật giáo truyền đến đâu thì tùy theo tiếng nước đó mà biên chép. Do đó có thể nói kinh Phật đều là văn học phiên dịch.

Bốn bộ A hàm là bốn loại tùng thư do đoàn thể công khai kiết tập cùng một lúc hoàn thành vào tháng thứ tư sau Phật diệt độ. Bốn bộ A hàm này trải qua nhiều năm sau mới dùng mấy loại văn tự biên chép. Lần kiết tập đầu tiên này nổi tiếng nhất trong lịch sử, được gọi là "Ngũ bách kiết tập". Tình tiết của sự kiện này được thấy đầy đủ trong Tứ Phần Luật 54, Di Sa Tắc Ngũ Phần Luật 30, Ma Ha Tăng Kỳ Luật 32, Thiện Kiến Luật 1, v.v...

Sáng sớm ngày Rằm tháng 2, Phật nhập diệt tại Câu thi na, lúc ấy đại đệ tử Đại Ca diếp còn ở tại nước Diệp ba, nghe tin liền trở về. Sau khi trà tỳ Phật xong, tự thầm nghĩ rằng cần phải kiết tập pháp tạng để cho chánh pháp trụ ở đời làm lợi ích chúng sanh, Ngài mời vua A xà thế làm đàn việt, bắt đầu kiết tập vào ngày 27 tháng 6 tại hang Tất ba la (cũng gọi là Thất Diệp) ngoại ô thành Vương Xá, với sự tham dự của 500 người. Ngài Ca diếp làm Thượng thủ, trước tiên mời ngài Ưu ba ly kiết tập Tỳ ni (cũng gọi là Tỳ nại da), Hán dịch: Luật tạng, sau này biên tập thành Luật Bát Thập Tụng. Kế đó, mời ngài A nan kiết tập Tu đa la (cũng gọi là Tố đát lãm), Hán dịch: Kinh tạng, cũng gọi là Pháp tạng, sau này biên tập thành các bộ A hàm.

A nan, đệ tử Phật, làm thị giả Phật 25 năm, Phật khen Ngài là người đa văn đệ nhất, do vì trí nhớ của Ngài rất tốt, cho nên đại chúng suy cử Ngài phải đảm nhiệm chức vụ lớn lao là kiết tập Kinh tạng. A nan thăng tòa, ngài Ca diếp hỏi: "Kinh Phạm Võng trong pháp tạng được nói ở đâu?" (Kinh Phạm Võng này không phải là Kinh Phạm Võng giới Bồ tát của Đại thừa, mà là Kinh Phạm Động trong Trường A hàm). A nan đáp: "Phật nói ở tại nhà Vương am la hy giữa thành Vương Xá và Na lan đà". Hỏi: "Do ai phát khởi?" Đáp: "Do Tu bi dạ ba lợi bà xà ca và Bà la môn Đà đa phát khởi". Sau khi hỏi đáp nhân duyên bản khởi như thế xong, A nan mới tụng lời Phật nói, bắt đầu bằng câu "Tôi nghe như vầy", tụng xong, 500 vị La hán ấn khả, rồi tuần tự tụng đến kinh khác, tụng hết các kinh, về sau chép thành định bản, tức là Kinh A hàm.

Vì sao lại chia A hàm thành bốn bộ? Phẩm Tự của Kinh Tăng Nhất ghi: "Lúc ấy, A nan nói kinh nhiều vô lượng, ai có đủ khả năng làm thành một nhóm, hoặc có một số pháp nghĩa sâu xa, khó trì khó tụng không thể nhớ. Ta nay phải tập hợp pháp nghĩa này để cho các pháp không bị thất lạc". Theo đây thì dường như ngài A nan e rằng các kinh đã được tụng ra tản mạn khó nhớ, nên muốn tập hợp thành "một nhóm" bằng cách dùng hình thức tùng thư để tổng trì nó. Phẩm Tự còn ghi: "Khế kinh nay sẽ chia làm bốn đoạn, trước tiên là Tăng Nhất, hai là Trung, ba là Trường Đa Anh Lạc, bốn là Tạp Kinh". Đó là nói về thứ tự của bốn bộ. Luận Phân Biệt Công Đức giải thích: "Do vì văn nghĩa lộn xộn nên phải lấy sự lý theo nhau, theo thứ tự lớn nhỏ, lấy một làm đầu tiên, theo thứ tự đến mười; một, hai, ba theo sự tăng lên, cho nên gọi là Tăng Nhất. Trung là không lớn không nhỏ, không dài không ngắn, thích hợp với bậc trung. Trường là nói về sự việc từ xa xưa trải qua nhiều kiếp. Tạp là các kinh đoạn kiết khó tụng khó nhớ, việc nhiều tạp toái, dễ làm cho người ta quên". Di Sa Tắc Ngũ Phần Luật ghi: "Ngài Ca diếp hỏi tất cả Tu đa la xong, trong chúng nói rằng: Đây là kinh dài, nay tập thành một bộ, gọi là Trường A hàm. Đây là kinh không dài không ngắn, nay tập thành một bộ, gọi là Trung A hàm. Đây là kinh nói cho các Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiên tử, Thiên nữ nghe, nay tập thành một bộ, gọi là Tạp A hàm. Đây là từ một pháp đến mười một pháp, nay tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A hàm". Căn cứ theo đây, bốn bộ A hàm được phân loại theo văn kinh dài ngắn. Pháp Hoa Huyền Nghĩa 10 ghi: "Tăng Nhất nói về nhân quả trời người, Trung A hàm nói về nghĩa sâu xa của chân tịch, Tạp A hàm nói về các Thiền định, Trường A hàm phá ngoại đạo". Thuyết này không tránh khỏi bịa đặt. Bốn bộ A hàm tuy được nói là đem các kinh sắp xếp tổ chức lại, nhưng cách phân loại của lý luận loại này dường như chẳng phải của thời ấy, ngày nay xem kỹ lại các kinh được dịch thì cũng không thể nói bộ kinh nào chuyên nói về một nghĩa nào.

Tại sao lại lấy số bốn? Hoặc có người cho rằng đó là phỏng theo Tứ Phệ đà, điều này cũng có thể đúng. Nhưng theo Thiện Kiến Luật thì còn có Khuất đà ca A hàm, chứ không phải chỉ có bốn! A hàm chữ Pàli của Tích Lan truyền bá có năm bộ, bộ thứ năm là Khuất đà ca. Nhưng nếu đem văn bốn bộ A hàm trích yếu phân loại biên tập, e rằng chẳng phải là nguyên bản. Tôi ngờ rằng Khuất đà ca này có quan hệ với kinh điển Đại thừa, tôi sẽ bàn ở thiên sau.