Home > Pháp Luận > Tam-Luan-Luoc-Chuong

Nghĩa Nhị Đế


Sư Nhiếp Sơn: “Nhị đế chính là giáo pháp thù thắng biểu thị trung đạo, là thuyết chí cực để đạt cùng tận ngôn giáo”. Đạo lí trình bày có và không, nhưng có và không chẳng trái với đạo lý ấy. Lí tuy bặt cả hai, nhưng nhờ hai này mà đạt được lý. Do đó Phật mở ra môn chân tục, nói pháp Nhị đế để giáo hóa chúng sinh. Thế nên, kinh ghi: “Này thiện nam! Phật tùy thuận chúng sinh nên nói pháp Nhị đế. Trong đó tuỳ phàm phu mà thuyết ‘hữu’ thì gọi là Tục đế, tuỳ bậc thánh mà thuyết ‘không’ thì gọi là Chân đế.

Hỏi: Lí đã chẳng hai mà nói hai thì làm sao mà đạt được lý?

Đáp: Nếu nói hai mà chấp hai thì không đạt được lý. Như nghe có mà chấp có, nghe không mà chấp không thì sai, không đạt được lý. Nếu nghe hai mà không chấp hai thì nhờ hai mà hiểu được không hai. Như nghe có mà chẳng chấp có thì nhờ có mà ngộ được chẳng có, nghe không mà không chấp không thì nhờ không mà ngộ được chẳng không, như vậy liền đạt được lí.

Hỏi: Nếu nghe hai mà chấp hai thì mất, nghe hai mà ngộ được không hai, thì được, vậy được và mất này cùng là một giáo mà sao mỗi mỗi lãnh thụ chẳng đồng?

Đáp: Giáo pháp này thật không hai, vì thực hành thì có được mất, cho nên gọi là chẳng đồng. Do đó kinh ghi: “Nếu uống cam lộ thì được sống lâu, nhưng không khéo uống thì sẽ bị chết yểu”.

Hỏi: Hữu là tục đế, không là chân đế, chỉ có một cách phán định như vậy hay còn có cách giải thích nào khác?

Đáp: Giáo môn Nhiếp Lĩnh truyền thừa, có nói sơ lược về ba loại Nhị đế.

1. Đơn Nhị đế: Lấy hữu và không làm tục đế, không và hữu làm chân đế.

2. Phức Nhị đế: Không hữu và hữu không là tục đế, chẳng không chẳng hữu là gọi là chân đế.

3. Trùng phức Nhị đế: Không và hữu là hai, chẳng không chẳng hữu là không hai. Hai và không hai là tục đế, chẳng hai chẳng phải không hai là chân đế.

Hỏi: Nếu chỉ cho hữu là tục đế, không là chân đế, thì có thể nói không là tục đế, hữu là chân đế chăng?

Đáp: Về ý nghĩa thì cũng như nhau, nhưng chỗ sử dụng thì có khác. Như trong Đại phẩm đã nói hữu là tục đế, không là chân đế. Kinh Niết bàn thì nói không là tục đế, hữu là chân đế. Vì sao? Bởi vì trong Đại phẩm phần nhiều phá bệnh chấp có, nên lấy hữu làm thế đế, ca ngợi ‘rốt ráo không’ và cho đó là chân đế. Nhưng trong kinh Niết bàn, vì phá bệnh chấp không, cho nên lấy không làm tục đế, ca ngợi niết bàn diệu hữu, nên hữu làm chân đế. Thế nên, kinh ghi: “‘Không’ là hai mươi lăm cõi, ‘chẳng không’ chính là đại niết bàn”.

Hỏi: Trước đã nói: Đối với phàm phu thì nói hữu, đối với bậc thánh thì nói không. Vậy cũng có thể nói: Đối với bậc thánh thì nói hữu, đối với phàm phu thì nói không chăng?

Đáp: Cũng có thể nói như thế. Khi giải thích phẩm Vãng sinh, trong Thích luận có ghi: “Thánh nhân biết hữu đều là giả hữu”.

Hỏi: Đức Phật có phương tiện khéo léo, vì sao không nói thẳng là chẳng hữu chẳng vô mà phải khiến cho chúng sinh nhân nơi hữu vô mới ngộ được chẳng hữu chẳng vô?

Đáp: Cần phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng, nếu không có ngón tay thì không thể thấy được mặt trăng. Cần phải nhờ hữu và vô để ngộ được chẳng hữu chẳng vô. Nếu không nhờ hữu và vô thì không thể ngộ được chẳng hữu chẳng vô vậy. Cho nên giáo hữu vô biểu thị cho lý chẳng hữu chẳng vô; lý chẳng hữu chẳng vô thì hợp với giáo hữu vô vậy.

Cho nên, kinh Hoa nghiêm ghi: “Đối với tất cả pháp hữu và pháp vô mà liễu đạt được chẳng hữu chẳng vô”. Đây chính là minh chứng vậy”. Huyền thông luận ghi: “Chân đế thì dùng Bản vô làm tên gọi, tục đế thì lấy giả hữu mà đặt tên. Giả hữu biểu thị cho phi hữu, mà gọi đó là hữu, bởi vì trừ chấp đoạn, chứ chẳng phải thật là hữu vậy. Bản không biểu thị cho phi vô mà gọi là vô, vì để dứt trừ chấp thường, chứ chẳng phải thật vô vậy. Đó là nói hữu mà không hoàn toàn hữu, nói vô nhưng không hoàn toàn vô, ngôn từ thì chưa từng là một, nhưng chỗ biểu thị thì chưa từng khác.

Hỏi: Do phá hữu vô mà ngộ phi hữu phi vô, hay do chẳng phá hữu vô mà ngộ?

Đáp: Gồm cả hai nghĩa: Nếu điên đảo chấp định tính hữu vô, tức đồng với việc phá hữu mà biết phi hữu, phá vô mà biết phi vô. Nếu nương vào nghĩa nhân duyên giả danh thì biết nhân duyên hữu mà chẳng phải hữu, nhân duyên vô chẳng phải vô, cho nên không phá trừ vậy.

Hỏi: Ở đây giải thích Nhị đế, so với chỗ đúng và sai của các thuyết trên, ngoài các điều ấy ra thì có gì khác chăng?

Đáp: Giáo ngày nay có nhiều rất cách giải thích, nhưng chỉ lược nêu hai thuyết là Bất không giả danh nhị đế và Không giả danh nhị đế.

Thứ nhất, nói bất không, nghĩa là các pháp do duyên sinh vốn không có tự tính, nên gọi là không. Vì vô tính không, nên chỉ gọi là chân đế. Pháp do các duyên giả hợp mà có thì không thể nói là không, nên gọi là thế đế.

Thứ hai, biết rõ các pháp đều do duyên sinh tức là thế đế, toàn thể của các duyên đều bất khả đắc, nên gọi là chân đế”. Cho nên thuyết xưa nói: “Nghĩa bất không thì giống như hạt dẻ bị chuột ăn mất ruột chỉ còn lại vỏ, người sau cho giống như dùng tay dìm trái bầu vào nước. Hai thuyết này đều không đúng. Kinh ghi: “Sắc tức là không, không tức là sắc”, sao ông lại nói giả là chẳng không. Kinh lại ghi: “Không phá giả danh mà nói thật tướng”, vì sao ông nói toàn thể của sắc là không vô, cho nên có sắc”.

Hỏi: Ngày nay cũng có nghĩa này không?

Đáp: Tùy duyên phương tiện cũng có nghĩa này. Như lần thứ nhất luận các duyên giả hợp mà có là tục đế, không có tự tánh là chân đế. Lần thứ hai nói tuy không có tự tánh mà có các duyên, thì vẫn là tục đế. Vì thể hội các duyên đều không thật có nên gọi là chân đế. Vì đã tạm lược, chứ nên có hai ý này. Do đó hữu và vô dụ cho quả bầu nổi trên mặt nước.

Hỏi: Vì sao gọi là Tục đế và Đệ nhất nghĩa đế?

Đáp: Từ trước chỉ có một loại, nhưng nay thì không y theo đó, vì có nhiều nghĩa. Tóm lược thì có ba loại: Một là căn cứ vào tên mà giải thích, hai là luận bàn theo chiều ngang, ba là giải thích theo chiều dọc.

Căn cứ vào tên để giải thích: Thế đế khác biệt chẳng đồng, còn Đệ nhất nghĩa thì không có hai danh xưng.

Hỏi: Thế đế và tục đế, Đệ nhất nghĩa đế và chân đế đồng hay khác?

Đáp: Vừa đồng vừa khác. Khác nhau, như pháp sư Vân Anh nói: “Thế là luận về thời gian, tục là nói về không gian”. Kinh ghi: “ Phàm phu đời đời kiếp kiếp qua lại trong năm đường”. Sách Nho ghi: “Ba mươi năm là một đời”, cho nên ấn định thế là thời gian vậy. Tục là không gian, như trong Tì ni ghi: “Cõi nước và phong tục chẳng đồng”, cho nên xác định tục là không gian”.

Chân đế và Đệ nhất nghĩa đế khác nhau. Đó là, như chân thật thì đối với giả, ngay nơi thể mà đặt tên. Đệ nhất thì đối với nhị, từ chỗ ca ngợi mà đặt tên.

Nói đồng, dù là thế đế hay tục đế thì vẫn là Hữu đế; dù đệ nhất hay chân cũng là Vô đế. Đây tức là y cứ vào tên gọi mà giải thích nghĩa vậy.

Giải thích theo chiều ngang: Đó là chân lấy tục làm nghĩa, tục lấy chân làm nghĩa, không lấy sắc làm nghĩa, sắc lấy không làm nghĩa. Thế nên kinh ghi: “Vì muốn giúp cho chúng sinh ngộ Đệ nhất nghĩa đế, nên nói thế đế. Muốn cho chúng sinh biết rõ thế đế nên nói Đệ nhất nghĩa đế”. Đây là minh chứng vậy.

Giải thích theo chiều dọc: Đó là chân lấy chẳng phải chân làm nghĩa, tục lấy chẳng phải tục làm nghĩa. Kinh ghi: “Tất cả pháp hữu vô, biết rõ chẳng hữu vô”, Đây là minh chứng vây.

Hỏi: Đế lấy gì làm nghĩa?

Đáp: Đế lấy chân thật làm nghĩa.

Hỏi: Chân đế có thể cho là chân thật, nhưng tục đế là hư giả, sao gọi là thật?

Đáp: Có thuyết giải thích: “Tục đế chân thật hư giả”, nay cho đây là chân thật thì đâu thể nói là thật! Ở đây xin nêu hai nghĩa: Một là ư thật, hai là giáo thật. Giáo thật, đó là Đức Phật nói hữu vô để biểu thị cho đạo, và tùy theo căn cơ, cho nên gọi là thật vậy. Ư thật, nghĩa là hữu đối với phàm là thật, ‘không’ đối với bậc thánh là thật, cho nên gọi là thật vậy.

Hỏi: Ở đây nói nghĩa Nhị đế có gì khác với các thuyết kia không?

Đáp: Thuyết kia nói hai đế thì có hai lý, hai cảnh. Ở đây nói Nhị đế tức là giáo môn. Thế nên luận ghi: “Chư Phật luôn nương vào hai đế để thuyết pháp cho chúng sinh”. Kinh Đại phẩm ghi: “Bồ tát trụ trong hai đế mà thuyết pháp cho chúng sinh”. Chúng sinh nương vào giáo pháp hai đế mà phát sinh trí tuệ, nhưng giáo Nhị đế chuyển tên thành cảnh.

Hỏi: Có thuyết nói: “Thế đế có ngôn thuyết, đệ nhất nghĩa đế không ngôn thuyết, không thể dùng ngôn thuyết thế đế để gọi chân đế, vì chân đế thật không có ngôn thuyết”. Ở đây nói thế nào?”.

Đáp: Gồm có bốn trường hợp: Đều nói, đều chẳng nói, vừa nói và vừa chẳng nói.

Đều nói: Thế đế thì nói sinh diệt, giáo sinh diệt chính là thế đế. Đệ nhất nghĩa nói không sinh diệt, giáo không sinh diệt đó chính là đệ nhất nghĩa đế.

Đều chẳng nói: Nhị đế tuy nói, nhưng thật không có chỗ nói, nên gọi là đều chẳng nói.

Vừa nói và vừa không nói: Thế đế tuy nói nhưng thật ra nói mà không có chỗ nói. Chân đế tuy không nói, nhưng không nói mà hay nói, nên gọi là vừa nói vừa chẳng nói vậy.

Hỏi: Thế nào là thể của nhị đế?

Đáp: Có hai cách giải thích: Một là hai đế có tự thể riêng biệt, là thuyết của Long Quang sử dụng. Nghĩa là tính của hữu và vô khác nhau, thì làm sao đồng thể. Hai là Nhị đế chỉ nhất thể, trong đây lại có hai cách giải thích: một, hai đế cùng lấy hữu làm thể, vì chia chẽ hữu để được không, nên lấy hữu làm thể. Hai, hai đế cùng lấy chân thật làm thể, vì ‘không’ là gốc của các pháp. Ở đây thì nói hai đế lấy trung đạo làm thể, vì thuyết nhị đế là để biểu thị bất nhị, bất nhị chính là trung đạo.

Hỏi: Nhị đế tương tức như thế nào?.

Đáp: Phật vì bậc thánh và hàng phàm phu cho nên nói Nhị đế. Hữu là tục đế cho nên có danh ngôn, không là chân đế nên dứt đường ngôn ngữ. Chúng sinh nghe vậy bèn cho không và hữu nhất định khác nhau. Vì nhân duyên này, cho nên Phật nói tức không là có, tức có là không vậy.

Hỏi: Nhị đế thâu nhiếp hết các pháp không?

Đáp: Theo thuyết của Khai Thiện thì Nhị đế thu nhiếp hết các pháp. Còn thuyết của Trang Nghiêm, thì Phật quả thường trụ và hư không thì nằm ngoài nhị đế, cho nên Nhị đế không thu nhiếp hết các pháp. Ở đây nói kinh có đầy đủ hai nghĩa, tức nên phá.

Kinh Sách Liên Quan

Tìm không thấy