Nghĩ tới tiên sinh Đông Cao từ ngàn dặm gởi thư cho tôi, tự nói suốt năm qua một mực chú tâm nơi Tịnh Độ. Gió cảnh giới Sa Bà lồng lộng, Chân Như Triết, Thảo Đường Thanh đều chẳng khỏi lỡ bước, tiên sinh khuyên tôi gắng lưu tâm sự kiện này. Tôi ngẫu nhiên nhắc đến chuyện này với pháp sư Bách Đình (tức hòa thượng Tục Pháp), pháp sư cho biết đã có cuốn Thế Chí Niệm Phật Chương Sớ Sao để trên án sách. Hai người cùng mở sách ra xem lại, đều hết sức nồng nhiệt khen ngợi, cho rằng: “Tiên sinh dùng thân để thực hiện [những giáo nghĩa này], đúng là những lời lẽ chữa bệnh cứu vãn thời thế vậy”. Tôi bèn bảo con cái quyên mộ để khắc ra. Khắc xong, pháp sư lại bảo tôi viết lời dẫn nhập.
Tôi nghĩ rằng trong đại kinh Hoa Nghiêm, [khi Thiện Tài đồng tử tham học với các vị thiện tri thức], trước hết ngài Đức Vân tuyên dạy pháp Niệm Phật, Mã Minh Bồ Tát là vị tổ tạo luận coi trọng cả Niệm Phật lẫn Chỉ Quán. Lăng Nghiêm là sách luận bàn về Tánh, chương Thế Chí Niệm Phật được xếp vào phần Viên Thông, rõ ràng Thiền Tông chẳng thể chèn ép Liên Tông, bảo đấy chẳng phải là đường lối để trở về nguồn thấy tánh được! Nay những tác phẩm Di Đà Sớ Sao, Long Thư Tịnh Độ Văn v.v… được lưu truyền trong chốn Thiền lâm. Nghĩ tới chương Thế Chí chỉ được giảng giải kèm thêm trong chánh kinh, chưa từng được viết sớ giải chuyên biệt. Pháp sư giảng giải kinh văn, giải thích ý nghĩa, khắc thành sách đã ban thêm cho người trong cõi Chấn Đán (Trung Hoa) một chiếc bè vãng sanh nữa, há chẳng đáng gọi là bậc công thần trong Tịnh Độ ư? Điều này càng rõ ràng hơn nữa. Do vậy, tôi bèn đem ý này phúc đáp Cao tiên sinh, rồi lại nói mò rằng:
- Liên Trì đại sư bảo: “Niệm Phật một tiếng để thay thế tạp niệm trong trăm ngàn vạn ức kiếp. Niệm ấy chính là Không, Không chính là niệm, bản thể đành rành! Chẳng phải ở ngoài niệm lại tìm được Bồ Đề nào khác”. Lại nói: “Chấp trì danh hiệu đến mức nhất tâm sẽ khôi phục được cái Thể không tịch”. Lại nói: “Cần biết do Tịnh Độ duy tâm nên không có ngoại cảnh. Tự tánh trở về bản thể, chính là ý nghĩa nguyện sanh về cõi ấy”. Như vậy là ngài Liên Trì tuy cực lực chủ trương Tây Phương Tịnh Độ nhưng chẳng bỏ sót tông chỉ kiến tánh của Tông môn, rành rành như thế đó! Cho nên nói rằng: Kiến tánh là chỗ chỉ quy của Tịnh Độ, nhưng Tịnh Độ là đường để vào kiến tánh, chẳng mâu thuẫn nhau. Kiến tánh thì chạm tay vào chỗ nào cũng đều là Tịnh Độ, nhưng chẳng thể bỏ không nói đến đài sen. Chưa kiến tánh thì chưa thể hoàn toàn thấu hiểu Tịnh Độ được, nhưng cái nhân đã gieo chẳng hề lỡ làng. Do vậy, dù kiến tánh hay không đều chẳng thể xem thường niệm Phật tu Tịnh Độ được! Dường như nghĩa này chưa được chương Thế Chí Viên Thông này nhắc tới. Tôi đã đem ý này phúc đáp ông Cao, nay viết vào đây để hỏi người thật sự niệm Phật nghĩ như thế nào?
Năm Canh Thân (1680) niên hiệu Khang Hy, Đới Kinh Tăng sinh trưởng ở Tiền Đường kính ghi.