Trong phần Lưu Thông của kinh lá bối thường khen ngợi [công đức] biên chép kinh. Về sau, do kỹ thuật khắc bản, đúc chữ được phát minh, thay vì khen ngợi công đức chép kinh, công đức giảng giải ý nghĩa kinh được đề cao. Xét ra, tuy nghĩa ấy chẳng phải chỉ có một, nhưng cả cõi đời chỉ thường biết tới những ý nghĩa hạn cuộc trong phạm vi phước đức. Nay ta thấy trong khắp xó chợ cùng quê, có nơi nào chẳng có kinh Phật? Đấy chẳng phải là chánh pháp được xiển dương, lưu thông, mà chỉ là phước đức “khắc, in” được thực hiện phổ biến vậy! Thật ra, kẻ phát tâm hoằng dương, tuyên truyền, chẳng xét xem những điều sâu xa, huyền nhiệm trong các kinh có phù hợp căn cơ hay không, chỉ mong cầu phước đức cho chính mình, trao thuốc trái bệnh đến nỗi người nhận lãnh ngơ ngác, người căn cơ bậc thượng chỉ giữ xuông lòng kính trọng cúng dường, kẻ căn cơ bậc hạ xếp cất trên gác cao, lợi sanh ở chỗ nào? Lưu thông ở chỗ nào?
Tôi lại còn nghe nói: Thời Chánh Pháp, căn cơ khế hợp Luật, thời Tượng Pháp căn cơ khế hợp Thiền, thời Mạt Pháp căn cơ chỉ khế hợp Tịnh. Như vậy thì Tịnh, Luật, Thiền há chẳng phải là giống hệt như nhau hay sao? Chỉ xét về Thể thì các pháp giống hệt nhau, nhưng nếu xét về mặt Tướng và Dụng lại muôn vàn sai khác. Nếu chẳng có thật tánh giống hệt như nhau, sẽ không thể xiển dương pháp thể bất biến; nếu không có phương tiện muôn vàn sai khác, làm sao thành Tướng Dụng tùy duyên? Như vậy là Tịnh đề cao phương tiện lớn lao để dẫn về cái Thật, có phương cách thiện xảo nhằm khai hiển, giữ, bỏ. Dẫn về cái Thật thì chỉ có đức Phật thấu hiểu cùng tận, cho nên phải tin; do thiện xảo thích hợp khắp ba căn cho nên dễ hành. Thời tiết ấy, căn cơ ấy, há coi thường được chăng?
Vị tổ đời thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Công dùng lời văn, từ ngữ hiện thời để hoằng truyền đạo đáng tin dễ hành này; người được Ngài giáo hóa rất rộng, người đắc độ rất đông. Người ta biên tập lời Ngài dạy thành bộ Văn Sao, tập hợp những lời dạy ngắn gọn, đơn giản, trọng yếu, lưu truyền khắp trong ngoài nước, nhưng kẻ độn căn vẫn còn sợ rườm rà, chẳng thể thọ trì được, há chẳng phải là điều đáng nuối tiếc hay sao? Có bậc Khai Sĩ đi trước là Tịnh Thông, trích lấy những chỗ đơn giản nhất trong những lời dạy đơn giản, gạn lọc những điều trọng yếu nhất trong những điều trọng yếu, biên soạn thành bộ Tinh Hoa Lục, vừa khế cơ, vừa lợi sanh, nhưng số lượng sách được lưu thông vẫn cảm thấy chưa đủ!
Cư sĩ Triệu Mậu Lâm ở Cổ Ngô cũng là bậc cao túc của Tổ, chuyên nhất Tịnh nghiệp, nguyện thiết tha hoằng dương, ngẫu nhiên có được một bản hoàn chỉnh của sách này, liền vui mừng, nhóm họp những người cùng mến chuộng [sách này] để ấn hành, mong tiếp tục hoằng truyền tổ đức hòng cứu khắp đời Mạt. Nguyện ấy, duyên ấy, chẳng phải chỉ thuộc về phước đức, mà còn có phần giúp đỡ lợi sanh, lưu thông sâu đậm! Lời tựa ban đầu của sách này đã trình bày cặn kẽ ý chỉ, nay vẫn còn đó, hãy đọc sẽ hiểu tường tận. Tôi và Triệu cư sĩ là bạn đồng môn, được ông ta sai viết lời tựa mới, tuy chẳng dám chối từ, e ngại mình đã phải trộm hớt lấy lời bàn của người trước mà ý nghĩa vẫn chẳng bằng, nên chỉ trần thuật duyên khởi tái bản nhằm giãi bày tấm lòng tùy hỷ mà thôi!
Ngày Trùng Dương năm Mậu Thân, tức năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 57 (1968), đệ tử Lý Bỉnh Nam kính đề.