Lăng Nghiêm là một bộ kinh tâm yếu nhất của nhà Phật, mà có lẽ cũng là một bộ kinh kỳ đặc nhất vì được cả ba tông: Thiền, Tịnh, Mật cùng coi trọng. Từ trước đến nay, kinh đã được bao vị tôn đức phiên dịch, chú giải, giảng thuật. Nhưng chương Thế Chí trong phẩm kinh này không được chú trọng nhiều có lẽ vì đa số các nhà giảng kinh chỉ chú tâm vào phần chỉ bày cái tâm cùng chương ngũ ấm ma. Chính Ấn Quang đại sư đã xếp chương này vào ngang hàng với các kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ kinh và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm và gọi là tịnh độ ngũ kinh.
Nhờ chút phước thừa, mạt nhân được đọc cuốn Lăng Nghiêm Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao của hội Hoa Tạng Tịnh Tông học hội Đài Loan ấn hành. Đọc xong càng thêm hâm mộ Tịnh Tông nên kính cẩn chuyển ngữ sang tiếng Việt, với tâm nguyện khiến những liên hữu cùng tu Tịnh Độ được hiểu thêm về sự lý viên dung của pháp môn Niệm Phật để tín, hạnh, nguyện càng thêm dũng mãnh, người chưa tu cũng nhân đó được phát khởi tín tâm, chuyên cần niệm Phật. Cuốn sớ sao này được pháp sư Từ Vân Quán Đảnh sa môn Tục Pháp soạn dưới đời vua Khang Hy nhà Thanh. Theo lời tự thuật của hòa thượng tác giả, vào năm Mậu Ngọ, nhân được một cư sĩ thỉnh mở pháp hội Hoa Nghiêm để chúc thọ cho phụ mẫu, ngài làm sám chủ, khi tụng đến phẩm Nhập Pháp Giới, đoạn Thiện Tài đồng tử được ngài Đức Vân khai thị pháp môn niệm Phật, ngài chợt rúng động cả tâm can. Đêm ấy, ngài lại mộng thấy hòa thượng bổn sư của mình giảng về chương Thế Chí. Sáng ra, ngài vội duyệt lại bộ Thanh Lương sớ sao để nghiền ngẫm thêm huyền nghĩa rồi đến ngày mồng tám tháp chạp năm ấy mới bắt đầu chấp bút khởi tác bộ sớ sao này cho mãi đến đêm trước ngày rằm tháng giêng năm sau mới hoàn thành. Đến tháng bảy năm ấy, bản chú giải này được khắc in lần đầu. Đủ biết là bản chú giải này thầm hợp với mật ý của chư Phật, Bồ Tát nên mới được in nhanh chóng đến thế. Như tên của tác phẩm đã nêu, phần chú giải gồm có hai phần: sớ là lời chú thích kinh, sao là phần giải thích lời sớ cho được rõ nghĩa hơn. Điểm đặc sắc của bản chú giải này là các khía cạnh về sự lẫn lý của pháp môn Niệm Phật được mổ xẻ cặn kẽ khiến cho người đọc thấy rõ pháp môn này chẳng phải chỉ là ngoài tâm cầu Phật như một số người chưa suy xét kỹ càng đã vội lên tiếng chỉ trích. Trong tác phẩm trên cũng có hai bài pháp luận vô cùng hữu ích cho người niệm Phật: một của pháp sư Đàm Loan, một cao tăng trong Tịnh Độ và một của Trí Giả Đại Sư, một trong những vị sáng lập tông Thiên Thai. Ngay cả tổ Thiên Thai Trí Giả cũng còn nhiệt liệt tán dương pháp môn niệm Phật thời biết pháp môn này chẳng phải chỉ dành cho kẻ hạ căn kém cỏi như lắm người nông cạn xét đoán.
Khi dịch tác phẩm này, mạt nhân xiết bao sợ hãi vì học vấn quá non kém, sự hiểu biết Phật học quá nông cạn đến nỗi nhỡ dịch sai, phản lại cả ý kinh thì tội ấy để đâu cho hết. Nhưng vẫn miễn cưỡng dịch ra với hy vọng đem lại phần nào lợi lạc cho những người không có cơ duyên đọc được chữ Hán. Còn nhớ hai mươi năm trước, lần đầu được đọc cuốn kinh Tam Bảo của hòa thượng Trí Tịnh, con đã sung sướng biết bao khi được biết về cõi Tịnh Độ. Rồi lần lượt đọc những tác phẩm xiển dương Tịnh Độ của ngài, niềm tin vào pháp môn Tịnh Độ càng thêm mạnh mẽ. Nhờ ơn khai thị của thầy, con mới có thiện duyên tin tưởng vào Phật pháp nhiệm mầu, mới gia tâm tìm đọc thêm kinh điển. Nay với dịch phẩm thô lậu này, nếu như con tạo được chút phần công đức nào, thì nguyện xin hồi hướng lên hòa thượng, kỳ vọng ân sư thân tâm thường an lạc, trụ thế lâu dài để tiếp độ hàng hậu học chúng con. Cũng xin hồi hướng phước báo này lên hòa thượng Tịnh Không cùng những đạo hữu trong Tịnh Độ Tông Đài Loan đã phát tâm pháp thí vô biên ấn tống và cho không tác phẩm quý báu về Tịnh học như cuốn Lăng Nghiêm Thế Chí Viên Thông Niệm Phật sớ sao này. Nguyện tất cả chúng sanh thấy, nghe, dẫu có phỉ báng dịch phẩm này cũng được ân triêm pháp lợi.