Ngày 19 tháng 10 năm 1992, pháp sư Tịnh Không giảng Lăng Nghiêm Kinh Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương tại học viện Đức An Tác (De Anza College) ở Gia Châu (California) hơn một tuần, nhờ pháp sư bảo cư sĩ Trương Đức Thanh gởi cho băng thâu âm lời giảng kinh gồm tám cuốn, chúng tôi mở lên kính nghe, trích lấy những điểm trọng yếu chép lại, dâng lên các đồng tu khảo duyệt.
Chư vị đồng tu!
Lần giảng kinh này, tôi chọn lấy một đoạn kinh văn trọng yếu nhất của kinh Lăng Nghiêm là chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông. Cổ đức nói: “Khai huệ: Lăng Nghiêm, thành Phật: Pháp Hoa”. Trong các kinh luận Đại Thừa, thường nói Nhất Xiển Đề chẳng thể thành Phật, Nhất Xiển Đề là kẻ đoạn mất thiện căn. Đến khi giảng kinh Pháp Hoa, Phật lại nói Nhất Xiển Đề cũng có thể thành Phật, tức là nói ai nấy đều có thể thành Phật. Đấy mới là giảng Phật pháp đến mức viên mãn rốt ráo, bởi thế nói “thành Phật: Pháp Hoa”.
Nói chung, kinh điển Phật giáo truyền đến Trung Quốc, đều do các cao tăng đại đức hoặc cư sĩ Ấn Độ đến Trung Quốc truyền giáo mang theo, ngoài ra còn có những kinh do các học trò Trung Quốc qua Ấn Độ tham học, khi trở về nước mang theo. Những lưu học sinh ấy khi ở Ấn Độ đều chẳng được thấy kinh Lăng Nghiêm là do các vương triều nắm quyền thời ấy coi kinh này là quốc bảo, chẳng cho phép truyền ra ngoại quốc.
Thời Đường, có vị cao tăng người Ấn Độ là pháp sư Bát Lạt Mật Đế, từng trước sau hai lượt lén chuyển kinh này ra ngoại quốc, đều bị quan xét ải xét thấy, ngăn cản. Cuối cùng, Ngài chép kinh này lên một loại lụa rất mỏng, xẻ bắp tay nhét vào, trông giống như một vết thương nặng, lén chuyển qua Trung Quốc. Sau khi phiên dịch xong kinh này tại Trung Quốc, Ngài bèn trở về Ấn Độ tiếp nhận pháp luật quốc gia xét xử. Quá trình vận chuyển kinh gian nan như thế đấy.
Cuối đời Tùy, đầu đời Đường, bậc đại đức của tông Thiên Thai là Trí Giả đại sư, căn cứ vào kinh nghĩa của kinh Pháp Hoa phát huy học thuyết Tam Chỉ Tam Quán. Đương thời, có một vị cao tăng Ấn Độ nói: “Tam Chỉ Tam Quán rất giống với giáo nghĩa kinh Lăng Nghiêm”. Trí Giả đại sư nghe vậy, rất mong kinh Lăng Nghiêm sớm có ngày được truyền đến Trung Quốc. Do đó, Ngài bèn xây một đài lạy kinh ở núi Thiên Thai, ngày ngày hướng về Tây lễ bái cầu cảm ứng. Lạy suốt mười tám năm cho đến ngày lão nhân gia viên tịch.
Nơi phiên dịch kinh này là Quảng Châu, người tham gia phiên dịch không đông. Tể tướng đương triều Võ Tắc Thiên là Phòng Dung, nhân phạm lỗi bị biếm ra Quảng Châu làm quan địa phương, khéo sao, nhân cơ duyên ấy được tham dự công tác dịch kinh, đảm trách nhiệm vụ bút lục. Ông rất giỏi văn chương. Nếu dùng con mắt văn học để nhận định thì văn tự kinh Lăng Nghiêm ưu mỹ nhất trong các kinh Phật.
Lúc đức Thế Tôn giảng kinh này, nói ra năm thứ đề mục kinh, các đề mục ấy như sau:
1. Đại Phật Đảnh Tất Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Bảo Ấn Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn.
2. Cứu Hộ Thân Nhân Độ Thoát A Nan Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải.
3. Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa.
4. Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà Ra Ni Chú.
5. Quán Đảnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.
Các đại đức dịch kinh lấy 19 chữ trong các đề mục trên ghép thành “Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”, đặt làm đề mục bản dịch tiếng Hán kinh này. Bây giờ, chúng tôi chia ra thành bảy đoạn để giới thiệu: