Phật Giáo lấy con người làm trung tâm, nên phương pháp giáo hóa lấy tâm làm khởi điểm, cũng lấy tâm làm nơi kết thúc. Tâm không đối lập với vật mà là một thực thể nhìn dưới hai mặt khác nhau.
Xuất phát như thế, đi đến nhận định những tương quan trong và ngoài con người, bằng phương pháp duyên khởi để tìm hiểu. Nghĩa là đặt con người trước tâm địa của nó và đặt con người trong tương quan với đồng loại, với môi trường sống. Vì sự tồn tại của cá nhân không thể đơn độc, mà tồn tại là tồn tại với, tồn tại vì.
Con người là sinh vật quan trọng nhất – Đức Phật từ con người mà thành Phật – vì nó có những đặt tính ưu việt hơn tất cả những loài vật khác; nhưng Phật Giáo lại không cho con người là độc tôn, vì còn có những chúng sanh hữu tình và vô tình khác. Hai loại này ở trong một thể thống nhất giữa thế giới và nhân sinh. Vì thế, không có con người là kẻ thù của con người, cho đến loài vật, cây cỏ cũng vậy.
Khi nhìn chúng trong tương quan y báo và chánh báo không thể tách rời nhau, bởi đó là hoạt dụng của tâm thì mới thấy rằng mọi biểu hiện đều xuất phát từ tâm. Dù tâm không nhìn thấy được, không xúc chạm được nghĩa là không cụ thể; nhưng nó biểu hiện qua ngôn ngữ, hành động và ý nghĩ, để lại hệ quả vô cùng lớn lao trong đời sống của chúng ta và ảnh hưởng trên mọi phương diện. Trong suốt 49 năm (theo Bắc truyền) nói pháp độ sanh, đến giờ phút cuối cùng, ĐứcThế Tôn luôn luôn đề cập đến điểm mấu chốt này. Về sau, đệ tử của Ngài cũng tiếp nối con đường giáo hóa như vậy.
Nội dung giáo hóa ấy, nhằm nói lên rằng giữa mình và người, giữa mình và chúng sanh, nói chung là một và có thể hy sinh cho tất cả bằng trọn trái tim của mình, nên có câu: ngũ trược ác thế thệ tiên nhập…Đó là đồng thể đại bi.
Để thể hiện tâm từ bi rộng lớn ấy phải có trí huệ làm kim chỉ nam và đặt trên nền tảng duyên sinh. Điều này giải thích lý do rằng trên bước đường hoằng hóa, Đạo Phật không làm đổ một giọt máu, đến đâu cũng đều hòa nhập với dân bản xứ và chia sẻ vui buồn với dân tộc ấy. Bởi lẽ, trong tinh thần Đạo Phật thấy mình với người là một, mình với vũ trụ đây là một. Nếu tách ra hai sẽ không còn một:
此有故彼有此生故彼生此無故彼無此滅故彼滅
Nghĩa là:
Cái này có nên cái kia có,
Cái này sanh nên cái kia sanh.
Cái này không nên cái kia không,
Cái này diệt nên cái kia diệt.
Ý thức như trên, người con Phật không đổ thừa khổ đau, thất bại hôm nay, đời này cho ai (dù là thần thánh). Mà những khổ đau ấy, ta có một phần trách nhiệm, nên phải nghiêng vai gánh vác, sẻ chia với đồng loại để cho cuộc sống được cải thiện tốt đẹp hơn, cũng là ta làm cho ta trong đời này và đời sau, vì luật duyên sinh không chấm dứt ở đây.
Thực hiện cho được những điều cơ bản về nhân thừa ấy, trước hết, ta hãy học và ý thức thường xuyên là sống, bao giờ cũng sống trong y báo và chánh báo của ta, khi ý thức đã chuyển biến thì hành động của ba nghiệp sẽ có kết quả tốt đẹp ngay trong đời này. Huống gì hiện nay, ai cũng nhận thấy được nhân loại bây giờ, như ở trong một ngôi làng mà mỗi nước là một cái thôn nhỏ, thì ý nghĩa trên lại càng dễ hiểu hơn nhiều.
Từ nội dung giác ngộ dưới cội cây Bồ đề, trên bước đường hành hóa độ sanh của Phật, chưa hề phân biệt con người qua hình thức. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng vì đều có tánh giác ngộ. Đó là điểm cốt yếu trong Phật giáo. Đối với ngôn ngữ và danh từ của văn hóa và kinh điển đương thời, Phật vẫn sử dụng mà không úy kỵ trong những pháp thoại và giao tiếp với mọi người. Cho nên, giáo nghĩa bao quát và thiết thực trong ba tạng kinh luật luận về ngôn ngữ, danh từ chuyên môn rất là phong phú. TỪ ĐIỂN PHÁP SỐ TAM TẠNG (nguyên là Tam tạng pháp số) giúp một phần nhỏ cho người học Phật đi vào kho tàng pháp bảo ấy được dễ dàng hơn.
Sách Tam Tạng Pháp Số ra đời vào triều đại nhà Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc (1424) có 50 quyển, 1555 điều. Mỗi danh từ đều có số đi kèm, nên gọi là pháp số. Đặc biệt mỗi danh từ đều có nêu xuất xứ từ kinh, luật, luận và chú sớ nào, nên trong cùng một danh từ mà ý nghĩa có khác nhau.
Pháp sư Thích Nhất Như vâng chiếu vua, biên soạn, là người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ngài bẩm chất thông minh dĩnh ngộ, bát thông giáo nghĩa Tam tạng và Ngài đã viên tịch vào năm Hồng Hy thứ nhất (1425).
Đây là tác phẩm do Ngài chủ biên, rất ích lợi cho người học Phật.
Dù là với hình thức đơn giản, sách này có được là nhờ sự giúp đỡ về hình thức của Thượng Tọa Thích Giác Trí, Đại Đức Thích Nguyên Hạnh, Đại Đức Thích Đồng Lai. Xin tri ân ba vị.
Về phần người dịch, đây là cả tâm thành của tôi. Chắc chắn có vụng về, sơ suất không sao tránh khỏi. Xin người đọc góp ý cho để dịp in lại được tốt hơn. Trân trọng cảm ơn.
Gò Vấp, 29/01/2011
Dịch giả Lê Hồng Sơn