Home > Giảng Kinh > Phap-Uyen-Chau-Lam-Quyen-2

Thiên Thứ 28: Nhiếp Niệm


Thiên này có hai Phần: Thuật Ý và Dẫn chứng.

Thứ nhất PHẦN THUẬT Ý

Nghĩ rằng, phàm tình khó ngăn cản, ví như vượn khỉ giữa núi rừng, thường thuận theo ngoại cảnh, tương tự cùng voi điên, ba nghiệp luôn dấy động, duyên tạo thàng rõ ràng, cho nên đức Phật thiết lập giáo pháp để luôn luôn chế ngự tâm tình. Vì vậy kinh nói: Nên làm thầy cho tâm không để tâm làm thầy, ba nghiệp thân khẩu ý không kết giao với ác, thân giới tâm tuệ không lay chuyển như núi cao. Kinh lại nói: Buộc tâm vào một chổ không việc gì không thành. Nhưng mà tâm tánh điên đảo mê hoặc do Ngã Kiến làm đầu, phiền não nghi hoặc khó thâu nhiếp khiến thường làm rối loạn, ở trong tất cả mọi lúc luôn luôn cất cao mà làm cho khuất phục, đương nhiên không nhờ vào nơi tịnh lặng thì làm sao phá tan buộc ba độc phải hàng phục? Thân không rong ruổi lang thang miệng ngậm kín không nói năng, ngủ ít thức nhiều thường ngồi cảnh tỉnh trong thọ dụng ăn uống, suy nghĩ chánh pháp biết rõ chẳng phải có không, thân ngay ý thẳng buộc chặt niệm ngay trước mắt. Những giáo pháp như vậy, đều gọi là nhiếp niệm.

Thứ hai PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Tăng Nhất A hàm nói: Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Nên tu hành mười pháp thì sẽ thành tựu thần thông, loại trừ mọi loạn tưởng cuối cùng đến Niết bàn. Một là niệm Phật, hai là niệm Pháp, ba là niệm chúng, bốn là niệm Giới, năm là niệm Thí, sáu là niệm Thiên, bảy là niệm Hưu tức, tám là niệm An ban, chín là niệm Thân phi Thường, mười là niệm Tử. Hãy cố gắng tu hành!

Niệm đến Phật pháp và Thánh Chúng, Niệm đến Giới Thí và chư Thiên, Niệm đến Hưu tức và An ban, sau cùng niệm đến thân này chết.

Thứ nhất niệm Phật: là tinh chuyên nghĩ đến hình tướng chư Phật Như lai, công đức đầy đủ thân Trí không giới hạn, qua lại khắp cả đều biết rõ ràng . Tu hành một pháp tự dẫn đến Niết bàn, không rời niệm Phật thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Phật.

Thứ hai niệm Pháp: là tinh chuyên nghĩ đến pháp loại trừ các dục ái không còn có trần lao, tâm cạn khô nguồn ái vĩnh viễn không tuôn trào trở lại. Đối với dục không còn dục xa lìa các căn bệnh của phiền não ràng buộc che lấp, giống như trạng thái của các loại hương, không còn tỳ vết của ý niệm loạn tưởng, thì thành tựu thần thông tự đạt đến Niết bàn, tư duy không xa rời thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm pháp.

Thứ ba niệm chúng: là tinh chuyên nghĩ đến Thánh chúng của Như lai, thành tựu chất trực không có tà vạy quanh co, trên dưới hoà thuận, Thánh chúng của Như lai, có bốn đôi tám lớp nên cung kính thừa sự, loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về Tăng thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Tăng.

Thứ tư niệm Giới: vốn gọi là Giới ấy là ngăn lại các điều ác. Giới có năng lực để thành tựu đạo khiến cho người hoan hỷ. Giới vốn là ngọc anh lạc trang nghiêm cho thân hiện tại được tốt đẹp. Giống như chiếc bình bát Cát Tường mọi nguyện ước sẽ được như ý, loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về Giới thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Giới.

Thứ năm niệm Thí: là tinh chuyên nghĩ đến sự bố thí, trong những sự bố thí vĩnh viễn không có tâm niệm hối tiếc, không nghĩ rằng sẽ đền đáp lại, vui sướng được lợi ích tốt lành. Nếu như người ta mắng chưởi hủy nhục cùng dùng dao gậy làm tổn thương thì nên phát khởi tâm Từ không nên dấy lên sân giận. Những gì mình đã bố thí thì ý niệm bố thí không tận cùng. Loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm bố thí thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Thí.

Thứ sáu niệm Thiên: là tinh chuyên nghĩ đến chư Thiên thân khẩu ý thanh tịnh không tạo ra việc làm dơ bẩn, giới hạnh thành tựu thân, thân tỏa ra ánh sáng rạng ngời không có gì không chiếu rọi được. Thành tựu thân chư Thiên ấy nhờ vào quả báo của thiện nghiệp, thành tựu thân chư Thiên ấy, nhờ vào các hạnh đầy đủ. Loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về chư Thiên thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Thiên.

Thứ bảy niệm Hưu Tức: đó là tâm ý tưởng chấm dứt, chí hướng và tánh tình rõ ràng chân thật cũng không có gì đột ngột kết thúc. Nên chuyên nhất tâm ý vui với đời sống thanh nhàn, thường cầu tìm phương tiện đi vào thiền định tam muội, thường nghĩ đến không tham lam cảnh vật tốt đẹp thường mong ước. Loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về Hưu Tức thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Hưu Tức.

Thứ tám niệm An ban: gọi là tinh chuyên nghĩ đến An ban, gọi là tinh chuyên nghĩ đến An ban, nếu như lúc hơi thở dài quán xét biết mình đang thở hơi lạnh hơi nóng. Phân biệt hơi thở ra vào, đếm biết hơi thở dài ngắn, loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về An ban thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm An ban.

Thứ chín niệm Thân: đó là tinh chuyên nghĩ đến thân thể, từ lông, tóc, móng, răng, da thịt gân xương, tim, gan, phổi, thận, lá lách, dạ dày, ruột già, ruột non, tủy não, máu mủ cứt đái bàng quang, nước mũi, nước miếng, nước mắt, đàm giải, tất cả các vật có trong thân thể này, thì vật gì là thân? Bốn đại chủng là đất là nước gió lửa gió này, đều là tạo thành do cha mẹ, từ nơi nào mà đến là ai đã tạo ra? Sáu căn này ở trong thân thể, vào lúc thân này kết thúc rồi sẽ sanh về nơi đâu? Loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về thân thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Thân.

Thứ mười niệm tử: đó là tinh chuyên nghĩ đến cái chết, nơi này chết đi liền sanh vào nơi kia, qua lại trong các nẽo, mạng chết không ngừng, các căn hủy hoại rời rã giống như cây khô mục nát, mạng căn đoạt tuyệt dòng họ phân ly, không còn hình bóng âm thanh cũng không có tướng mạo. Loại trừ mọi loạn tưởng tự đạt đến Niết bàn, không xa rời ý niệm về cái chết thì đạt được công đức. Đây gọi là niệm Tử.

Bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ rằng:
Niệm đến Phật pháp và Thánh chúng,
Cho đến cuối cùng niệm cái chết,
Tuy cùng với trước gọi như nhau,
Mà ý nghĩa đó đều sai khác.

Còn trong luận Phân Biệt Công Đức nói:

Thứ nhất niệm Phật, sự việc thế nào? Thân Phật là thân Kim cang không có các lậu hoặc. Nếu lúc đi lại thì bàn chân cách mặt đất bốn tấc, đường nét của tướng Thiên Phúc Luân hiện rõ ở mặt đất, các loài sâu bọ dưới bàn chân được yên ổn bảy ngày, nếu các loài ấy mạng chung thì đều được sanh lên cõi Trời. Xưa có một Tỳ kheo ác độc, vốn là ngoại đạo, mượn y phục để phỉ báng và đi theo Như lai, tự giết sâu bướm đặt vào nơi dấu chân đức Phật, nói là đức Phật đạp chết. Nhưng sâu bướm tuy chết mà được nằm nơi dấu chân đức Phật thì lát sau được sống trở lại. Nếu khi đức Phật đi vào thành ấp chân đạp trên ngạch cửa, thì Trời đất chấn động dữ dội, trăm loại âm nhạc không đánh mà tự vang tiếng, những người bị đui điếc câm ngọng và trăm loại bệnh tự nhiên không còn. Người nhìn thấy tướng tốt của đức Phật đi theo ngài liền được cứu độ. Công đức đã cứu độ không thể tính đếm được. Nói tóm lại là vận dụng chuyển tải vạn hạnh làm đầu tiên, đó gọi là niệm Phật. Nghĩa lý sự việc ấy như vậy.

Thứ hai niệm pháp, pháp là đạo vô lậu vô vi vô dục. Phật là vị giáo chủ của các pháp, pháp là chủ của kết sử. Pháp sinh ra chư Phật, pháp sinh ra Phật đạo. Nếu như vậy thì tại sao không niệm pháp trước niệm Phật sau? Đáp: Pháp tuy vi diệu nhưng không có người nào có thể biết được, hãy còn như che kín mà không nơi nào không có, cần phải dựa vào người thông suốt để nêu ra nơi chốn, mới có thể tự nhiên cứu giúp nghèo khó. Pháp cũng như vậy, lý tuy huyền diệu nhưng không có Như lai thì không thông suốt, vì vậy niệm Phật ở trước tiên, xưng gọi pháp là sau Phật.

Thứ ba niệm Tăng, đó là bốn cặp tám lớp mười hai bậc Hiền sĩ, xả bỏ tham lam tranh giành của thế gian mà giảng giải khuyên bảo hàng Trời người, chính là phước điền giúp đỡ tốt lành cho mọi chúng sinh. Xưa có Tỳ kheo ít phước, tên là Phạm Ma Đạt (trong Luật gọi là La Tuần dụ cho Tỳ kheo vậy), ở trong chúng một ngàn hai trăm năm mươi người, khiến cho chúng Tăng không được ăn uống, nhưng chẳng ai biết là lỗi do người nào. Đức Phật khiến phân thành hai phần, một phần được ăn một phần không được ăn. Lại phân phần không được ăn thành hai nhóm, một nhóm được ăn, một nhóm không được ăn. Như vậy lần lượt cho đến lức còn lại hai người, một người được ăn, một người không được ăn. Lúc ấy mới biết người vô phước tuy được thức ăn mà đến bình bát thì tự nhiên tiêu hết không còn. Đức Phật thương xót cho Tỳ kheo khốn khổ ấy nên tự tay trao cho thức ăn đang còn trong bình bát, được thần lực chế ngự cho nên không thể hóa mất. Đức Phật muốn làm cho thân hiện tại được phước thiện, vì vậy khiến hai Tỳ kheo diệt tận lấy thức ăn này ăn no, lập tức được phước thiện. Lúc ấy vua Ba tư nặc nghe vị Tỳ kheo ít phước này được đức Phật thương xót ban cho thức ăn, nay mình cũng nên vì Tỳ kheo ấy tạo phước thiện, liền để lại hạt gạo quý. Lúc ấy có một con quạ bay đến ngậm hạt gạo bay đi, sai người trách mắng rằng: Nhà vua vì Phạm Ma Đạt mà tạo phước thiện, tại sao người lấy đi vậy? Con quạ liền mang trả lại chổ cũ. Vì sao như vậy? Bởi vì Tỳ kheo nhờ phước lực của Tăng, cho nên chim thú không thể nào xâm hại được. Dùng điều này để chứng minh biết là phước điền tốt lành, đã tự độ mình và độ cho người đến Tam Thừa Đạo, pháp niệm chúng Tăng có ý nghĩa như vậy.

Thứ tư niệm Giới, bắt đầu từ năm giới mười giới, hai trăm năm mươi giới đến năm trăm Giới đều là cấm chế thân khẩu trói chặt những tà vạy sai trái, ràng buộc chế ngự sáu tình đoạn trừ các dục niệm trong ngoài thanh tịnh mới thích hợp với giới tánh. Xưa có hai Tỳ kheo, cùng nhau đến nơi Phật. Đường đi qua hồ rộng nhưng mệt nhọc bởi thiếu nước uống. Lúc ấy có hồ nhỏ đầy nước, trong nước nhiều côn trùng sinh sống. Một Tỳ kheo suy nghĩ sâu sắc về luật cấm, lấy không phạm làm đầu tiên, nếu uống nước này thì giết hại rất nhiều sinh vật, thà rằng mất mạng mà giữ trọn giới, thế là mạng chung liền sanh lên cõi Trời. Một Tỳ kheo tự nghĩ rằng: Uống nước bảo toàn thân mạng thì có thể đến được nơi đức Phật, đâu biết sau khi chết sẽ sanh đến nơi nào? Bèn uống nước có côn trùng nên đã làm hại rất nhiều, tuy được thấy Phật nhưng cách Ngài rất xa, khóc tấm tức hướng về Phật tự thưa rằng: Bạn cùng đi đã mạng chung. Đức Phật chỉ vào một vị Trời nói rằng: Ông biết vị Trời này không? Đây chính là bạn cùng đi với ông, bởi vì công đức giữ trọn giới cho nên liền sanh lên cõi Trời; nay đến tại đây, tuy ông thấy ta mà cách Ta rất xa, Tỳ kheo kia tuy mất mạng nhưng luôn luôn ở chổ Ta, nay ông thấy Ta mà chính là nhìn thấy hình tướng thân xác của Ta, lẽ nào biết được giới pháp chân thật hay sao? Vì vậy kinh nói: Ba la đề mộc xoa là đại sư của các ông, nếu có thể trì giới lần lượt thực hành, thì chính là pháp thân của Như lai thường trú bất diệt. Nói đến giới thì có ba loại:

1: Tục giới, 2. Đạo giới, 3. Định giới. Năm giới, tám giới, mười giới, cụ túc giới đều là Tục giới, vô lậu Tứ đế là Đạo giới, Tam muội Thiền sư là Định giới. Dùng Tuệ chế ngự giới khiến cho thành tựu vô lậu, chính là phù hợp với Đạo giới. Giới của hàng Thanh văn dụ như hoa nơi đầu gối, động chuyển thì giải tán; đại sĩ trì giới dụ như hoa cài trên đầu, đi lại cử động vẫn không biến chuyển. Tiểu thừa chọn lấy hình tướng hễ lay động là vượt quá oai nghi, Đại Sĩ dẫn dắt tâm tánh không trói buộc quỹ phạm bên ngoài. Quỹ phạm của Đại Tiểu khác nhau, cho nên dùng hình tướng và tâm tánh làm sai biệt, trong ngoài tuy sai biệt mà cùng đến Niết bàn, cho nên nói là niệm Giới vậy.

Lại trong kinh Phật Bát Nê Hoàn nói: Vả lại muốn gần đạo nên có bốn tâm hoan hỷ thích hợp để thực hành thiện niệm: 1. Niệm Phật tâm ý hoan hỷ không xa lìa, 2. Niệm pháp tâm ý hoan hỷ không xa lìa, 3. Niệm chúng tâm ý hoan hỷ không xa lìa, 4. Niệm giới tâm ý hoan hỷ không xa lìa. Nghĩ đến bốn tâm hoan hỷ này nhất định khiến cho đầy đủ, mà tự mình nhìn thấy rõ ràng, nên hướng về chánh độ, cầu mong giải thoát thân, có thể đoạn trừ đường khổ của địa ngục ngạ quỷ súc sanh, tuy di chuyển qua lại giữa cõi người và trên cõi Trời nhưng bảy lần sanh tự đạt đến bến bờ khổ đau.

Còn trong Tam Thiên Oai Nghi nói: Nên nghĩ đến có năm sự việc: 1. Nên nghĩ đến công đức của Phật, 2. Nên nghĩ đến kinh giới của Phật, 3. Nên nghĩ đến trí tuệ của Phật, 4. Nên nghĩ đến công đức to lớn khó báo đáp của Phật, 5. Nên nghĩ đến hạnh tinh tiến cho đến Niết bàn của Phật. Lại có năm sự việc: 1. Nên nghĩ đến Tỳ kheo Tăng, 2. Nên nghĩ đến ân đức của Sư, 3. Nên nghĩ đến ân đức của cha mẹ, 4. Nên nghĩ đến ân tình của bạn đồng học, 5. Nên nghĩ đến tất cả mọi người đều khiến cho giải thoát xa lìa tất cả mọi nỗi khổ đau.

Lại trong kinh Xứ Xứ nói: Ví như cát trong biển lớn không thể nào tính đếm biết được, như người đã làm thiện ác hoạ phước, trước sau đã làm không thể nào tính biết, cần phải vào lúc mạng sống kết thúc, làm ác thì gặp nơi ác, làm thiện thì gặp nơi thiện, hoạ phước đều có nơi dành sẳn, cũng có trước cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc cùng chung con đường thì dừng lại. Nếu như không cùng chung con đường thì không đoạn tuyệt. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nên nghĩ đến tự thân vô thường! Có một Tỳ kheo liền trả lời đức Phật rằng: Con nghĩ đến chẳng phải Thường, như người ở thế gian, cao nhất có thể đến năm mươi tuổi. Đức Phật bảo rằng: đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể ba mươi tuổi. Đức Phật bảo rằng: Đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể mười tuổi. Đức Phật bảo rằng: Đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể 1 tuổi. Đức Phật bảo rằng: đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể một tháng. Đức Phật bảo rằng: Đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể một ngày: Đức Phật bảo rằng: Đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể một giờ. Đức Phật bảo rằng: Đừng nói lời như vậy! Lại có một Tỳ kheo thưa: Có thể trong một hơi thở. Đức Phật bảo rằng: Đúng vậy! Đức Phật dạy rằng: Hơi thở ra không trở vào lại thì thuộc về đời sau, mạng người vút nhanh ở trong một hơi thở.

Còn trong kinh Tỳ ni Mẫu nói: Nếu lúc thuyết pháp thì Tỳ kheo lại cần phải luôn luôn nghĩ nhớ, quán xét thân là khổ không vô thường vô ngã bất tịnh, đừng làm cho cách tuyệt. Tại vì sao? Bởi vì sẽ đạt được 12 ý niệm thành tựu Thánh pháp. Những gì là mười hai ý niệm? Đó là: 1. Ý niệm thành tựu thân của mình, 2. Ý niệm thành tựu cho người khác, 3. Ý niệm nguyện có được thân người, 4. Ý niệm sanh vào nhà có dóng dõi tôn quý; 5. Ý niệm ở trong Phật pháp được phát sinh tín tâm, 6. Ý niệm nơi được sanh ra không thêm nhiều công phu mà được giác ngộ giáo pháp, 7. Ý niệm nơi được sanh ra có đầy đủ các căn, 8. Ý niệm được gặp chư Phật Thế tôn xuất hiện ở thế gian, 9. ý niệm nơi đã sanh ra luôn luôn được thuyết giảng chánh pháp, 10. Ý niệm nguyện cầu pháp đã thuyết giảng luôn luôn được thường trú, 11. Ý niệm nguyện cầu pháp thường trú được tuỳ thuận tu hành, 12. ý niệm thường có được tâm thương xót các chúng sinh. Có được 12 ý niệm này đầy đủ thì chắt chắn đạt được Thánh pháp.

Lại trong kinh Tạp A hàm nói: Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Vào thời quá khứ có lùm cỏ giữa sông, có con rùa sống ở trong đó, lúc ấy có con Dã can đói bụng đi kiếm ăn, từ xa trông thấy con rùa nên bơi nhanh đến bắt lấy, con rùa thấy con Dã can xuất hiện thì liền rụt đầu giấu chân. Con Dã can đi theo chờ đợi hy vọng con rùa thò đầu và chân ra, muốn có được để ăn thịt. Canh giữ con rùa rất lâu, nhưng con rùa vẫn không thò đầu cũng không thò chân ra, con Dã can đói thiếu nên tức giận mà bỏ đi. Này các Tỳ kheo! Các ông hôm nay cũng lại như vậy, biết ma Ba tuần luôn luôn rình rập các ông, hy vọng mắt các ông đắm vào sắc, tai nghe Thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân đắm xúc, ý nhớ pháp, muốn làm cho sanh ra nhiễm trước sáu cảnh. Vì vậy cho nên các Tỳ kheo, hôm nay các ông luôn luôn phải giữ gìn con mắt trú trong luật nghi, giữ gìn nhãn căn luật nghi, thì ác ma không giành được dịp thuận tiện, tùy duyên mà xuất hiện; tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy, đối với sáu căn ấy như xuất hiện như duyên theo không giành được dịp thuận tiện của mình. Giống như con mắt rùa thì con Dã can không giành được dịp thuận tiện của nó. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn liền thuyết kệ rằng:

Con rùa sợ hãi con Dã can,
Rụt đầu giấu chân vào trong mai,
Tỳ kheo khéo thâu nhiếp tâm niệm,
Giấu kín mọi ý tưởng cảm giác,
Không theo không sợ hãi ma kia,
Che kín tâm niệm chớ nói năng!

Bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Ví như bậc Sĩ phu đi lại trong ngôi nhà vắng tanh bắt được sáu loại chúng sinh, đầu tiên bắt được con chó thì nắm con chó ấy buộc vào một chổ, tiếp đến bắt được con chim, tiếp đến bắt được con rắn độc, tiếp đến bắt được con Dã can, tiếp đến bắt được loài Thất thâu Ma la, tiếp đến bắt được con khỉ, những chúng sinh này bị bắt đều đem trói lại một chổ. Con chó ấy ham vui muốn đi vào thôn xóm, con chim ấy luôn luôn muốn bay lượn giữa bầu Trời, con rắn ấy luôn luôn muốn chui vào hang ổ, con Dã can ấy thích hướng về trong mồ mả, loài Thất Thâu Ma La thì luôn luôn muốn đi vào biển cả, con khỉ thì muốn đi vào núi rừng. Sáu chúng sinh này đều bị trói vào một chổ, tất cả đều thèm khát đến nơi yên lành của mình, đều không thích cùng với kẻ lạ ở một chổ mà còn bị trói chặt, loài nào cũng dùng sức lực của mình hướng đến nơi mình thích mà không thể nào thoát được. Như vậy các loại cảnh giới của sáu căn, tất cả đều tự mong cầu cảnh giới mà mình thích, không thích với cảnh giới khác. Mắt thường mong cầu cái Sắc đáng yêu, Sắc không hợp ý thì sanh ra chán ghét; tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy, các loại hành xứ của sáu loại căn này, mỗi một căn đều không mong cầu cảnh giới của căn khác, người có năng lực thì có thể luôn luôn tự tại tùy thuận cảm nhận cảnh giới, như bậc Sĩ phu kia trói giữ 6 loại chúng sinh, vì vậy nên chịu khó tu tập quán niệm về thân!

Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Ví như có bốn con rắn hung dữ hơi độc phun ra hừng hực cùng nhốt trong một cái hòm nhỏ. Lúc ấy có bậc Sĩ phu thông minh cầu vui chán khổ cầu sanh ngán tử, bấy giờ có một Sĩ phu nói với Sĩ phu thông minh rằng: Nay ông lấy hòm rắn này vuốt ve tắm rửa, ân tình thân thiết nuôi giữ ăn uống, mà vào lúc thả lỏng bên trong, nếu như có bốn con rắn độc thoát ra thì ắt sinh chuyện khổ não, hoặc là có thể cắn chết ông hoặc là khiến cho tiếp cận cái chết, ông nên phòng ngừa cẩn thận! Lúc ấy Sĩ phu thông minh sợ hãi bốn con rắn độc, và năm kẻ thù rút dao xua đuổi nên bỏ chạy. Người kia lại nói rằng: bên trong Sĩ phu có 6 tên giặc, đuổi theo rình rập ông, gặp dịp thuận tiện sẽ giết ông, ông nên đề phòng cẩn thận! Lúc ấy Sĩ phu thông minh sợ hãi bốn con rắn độc năm kẻ thù rút dao và sáu tên giặc trong, vì sợ quá nên chạy nhanh vào trong một thôn xóm vắng vẻ, trông thấy ngôi nhà trống rỗng kia mục nát hư hoại rất nguy hiểm, có những đồ vật xấu xa nhưng đều bị tổn hại không có gì kiên cố. Người kia lại nói: Sĩ phu ơi đây là nơi thôn xóm vắng vẻ, sẽ có sáu tên giặc đến chắc chắn làm hại ông đó! Bấy giờ Sĩ phu thông minh sợ hãi bốn con rắn độ năm kẻ thù rút dao sáu tên giặc bên trong và sáu tên giặc nơi thôn xóm vắng vẻ, nên lại chạy trốn. Bỗng nhiên con đường dẫn đến đứng trước một dòng sông lớn, nước sông lại chảy xiết, nhưng thấy bờ bên này có những nỗi sợ hãi, mà thấy bờ bên kia yên ổn vui sướng lại thanh tịnh không có gì đáng sợ, chỉ có điều là không có cầu thuyền có thể vượt qua đến được bờ bên kia! Bèn dấy lên tư duy rằng: Mình lấy cỏ cây buộc nhau lại làm thành chiếc bè, tay chân tìm cách vượt qua đến bờ bên kia! Dấy lên ý nghĩ này rồi, liền thu nhặt cỏ cây dựa vào bên bờ sông, buộc nhau lại làm thành chiếc bè, tận dụng tay chân tìm cách cắt dòng chảy vượt ngang qua. Như vậy Sĩ phu thông minh tránh khỏi bốn con rắn độc năm kẻ thù rút dao sáu tên giặc bên trong, lại được thoát khỏi bọn giặc nơi yên ổn vui sướng ở bên kia. Ta nói ví dụ này, nên hiểu ý nghĩa đó! Này các Tỳ kheo! Cái hòm nhỏ là dụ cho bốn Đại thô thiển của sắc thân này, bốn đại đã tạo ra từ thể chất của tinh huyết, nuôi lớn bằng thức ăn dơ bẩn, bảo vệ bằng áo quần tắm rửa, đều là pháp của sự vô thường biến hoại không yên ổn. Rắn độc là dụ như bốn Đại, đó là bốn Đại chủng đất nước lửa gió. Đại chủng của đất nếu như tranh chấp thì có thể làm cho thân chết hoặc là tiếp cận cái chết; nước lửa gió tranh chấp cũng lại như vậy, 5 kẻ thù rút dao là ví dụ cho năm Thọ ấm, sáu tên giặc bên trong ví dụ cho sáu ái hỷ, thôn xóm vắng vẻ là ví dụ cho sáu nhập bên trong. Quán sát đi vào nơi ánh mắt, là pháp của sự vô thường biến hoại không chân thật; tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy. Bọn giặc nơi thân xóm vắng vẻ là ví dụ cho sáu nhập Xứ bên ngoài ánh mắt đã bị sắc vừa ý và sắc không vừa ý làm hại, mũi ngửi hương, tai nghe thanh, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, Ý nghĩ pháp cũng lại như vậy. Vượt qua dòng chảy là ví như bốn Lưu, Dục lưu Hữu lưu Kiến lưu và vô minh lưu. Dòng sông ví như Ba ái, Dục ái sắc ái và Vô sắc ái. Bờ này nhiều nỗi sợ hãi là ví như có thân, bờ kia mát mẻ yên vui là ví như Vô dư Niết bàn. Chiếc bè là ví như Tám chánh đạo, vận dụng tay chân tìm cách cắt dòng chảy vượt ngang qua, là ví như tinh tiến dũng mãnh đến được bờ kia. Trú xứ của Bà la môn là ví như bậc Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác,

Lại trong kinh Lộc Hoạn Tử nói: Lúc ấy có vị vua tên là Ba Lưu Ly, trong đất nước gặp hoạn nạn, thưa với đức Phật rằng: Đất nước con ở vùng biên giới nhỏ bé nhiều năm bị giặc xâm chiếm cướp bóc thóc lúa hoa màu đắt đỏ, dịch bệnh phát ra khắp nơi làm cho nhân dân khốn khổ vô cùng, con luôn luôn cảm thấy lo lắng, không làm sao tu hành pháp tạng sâu rộng được, chỉ nguyện cầu rủ lòng thương xót cho con có được pháp chủ yếu! Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Nếu muốn diệt trừ phiền não chướng ngại, thì nên xâu thành một chuỗi hạt gỗ có 108 hạt, thường dùng để tùy theo chí tâm không phân tán, xưng danh Nam mô Phật Đà, Nam mô Đạt ma, Nam Mô Tăng già, mới lần qua một hạt gỗ. Như vậy theo thứ tự vượt qua hết xâu chuỗi hạt gỗ, hoặc là mười, hai mươi chuỗi, hoặc là trăm ngàn chuỗi, cho đến trăm ngàn vạn chuỗi, nếu có thể đủ hai mươi vạn lần, thì thân tâm không bị rối loạn xa lìa mọi hành vi không hợp đạo lý do người ta gây ra, khi xả thọ mạng được sanh lên cõi Trời Diệm Ma thứ ba, cơm áo tự nhiên thường thực hành yên vui. Nếu lại có thể niệm đủ một trăm vạn lần thì sẽ đoạn trừ một trăm lẻ tám kiếp nghiệp đạt được quả vị Vô thượng. Nhà vua nghe rồi hoan hỷ thưa rằng: Con sẽ vâng mạng thực hành! Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Có Tỳ kheo Sa Thăng, tụng kinh Tam bảo Danh trải qua mười năm, được thành tựu quả vị Tư đà hàm, theo thứ tự tu hành, nay ở thế giới Phổ Hương làm vị Bích chi Phật. Nhà vua nghe lời này rồi tiếp tục tu hành càng tinh tiến gấp bội.

Còn trong kinh Hiền Ngu nói: Trong nước Ba la nại có Cư Sĩ, tên gọi Cúc Đề. Người này có con trai tên là Ưu Ba Cúc Đề, sau đó tuổi trưởng thành nhà nghèo xác xơ, người cha giao cho tài vật ở nơi cửa tiệm buôn bán. Có vị A la hán tên Gia Thế Kỳ, đi đến bên cửa tiệm, mà thuyết pháp cho người con dạy cách thâu nhiếp ý niệm, lấy những viên đá nhỏ trắng đen, dùng làm vật tính toán, niệm thiện dùng màu trắng, niệm ác dùng màu đen. Ưu Ba Cúc Đề vâng lời tiếp nhận phương pháp ấy, niệm thiện ác dấy lên thì bỏ vào một viên đá. Ban đầu đá đen lại rất nhiều mà đá trắng rất ít. Dần dần tu tập thì đen trắng đều bằng nhau. Không ngừng thâu nhiếp ý niệm, lại không còn đá đen, chỉ có đá trắng hoàn toàn, niệm thiện đã tràn đầy thì lúc ấy đạt đến Sơ quả.

Lại trong kinh Thí Dụ nói: Xưa có người không hề tín kính, người vợ lại rất tin thờ đức Phật. Người vợ bày tỏ với chồng rằng: Mạng người là vô thường nên tu tạo phước đức. Người chồng vô tâm lười biếng, người vợ sợ rằng tương lai sẽ vào trong địa ngục, bèn tiếp tục bày tỏ với chồng là muốn treo một cái chuông nhỏ đặt ở trước cửa, lúc chàng ra vào lắc chuông phát ra tiếng, xưng niệm Nam Mô Phật. Người chồng nói: Rất hay! Như vậy qua một thế gian dài, người chồng mạng chung, ngục tối bắt lấy ném vào trong vạc nước sôi. Cái chĩa ba chạm vào vạc đồng phát ra tiếng, nói đó là tiếng vang của chuông, liền xưng niệm Nam Mô Phật. Ngục quan nghe thấy, nghĩ rằng người này tin thờ đức Phật nên khiến tha cho ra ngoài, được sanh trong loài người.

Còn trong kinh Tạp Thí Dụ nói: Xưa có năm trăm người buôn giong thuyền đi vào biển, gặp con cá Ma Kiệt, nhô đầu há miệng muốn ăn thịt chúng sinh. Ngày hôm ấy ít gió mà thuyền đi như tên bắn, chủ buôn tên là Tát bạc nói với mọi người rằng: Thuyền đi quá nhanh có thể hạ buồm! Như lời nói liền hạ buồm xuống, thuyền tiếp tục di chuyển băng băng không thể nào dừng lại được. Chủ buôn Tát bạc hỏi người trên lầu cao rằng: Ông thấy những gì? Người ấy nói: Tôi trông thấy phía trên có hai mặt Trời xuất hiện, phía dưới có dãy núi màu trắng, ở giữa có núi màu đen. Chủ buôn Tát bạc kinh hãi nói: Đây là con cá lớn, nên làm thế nào đây! Tôi và mọi người nay đang gặp phải hoàn cảnh khốn đốn, vào bụng con cá này không cách nào còn sống được, mọi người cùng thuận theo sự cố xảy ra dốc lòng cầu nguyện! Thế là mọi người đều thuận theo niềm tin của mình, dốc lòng quy mạng cầu mong thoát được tai ách này. Sự cầu nguyện càng chân thành thì con thuyền đi cành nhanh, chốc lát không dừng lại sẽ trôi vào miệng cá. Thế là chủ buôn Tát bạc nói với mọi người rằng: Tôi có đấng thần long vĩ đại, danh hiệu là Phật, mọi người đều xả bỏ niềm tin của mình vâng theo đấng thần linh vĩ đại hết lòng để xưng niệm! Lúc ấy năm trăm người cùng phát ra âm thanh lớn xưng niệm Nam mô Phật. Con các nghe danh hiệu Phật tự nhiên tư duy rằng: Hôm nay ở thế gian lại nghe có Phật, mình làm sao đành lòng làm thương tổn đến chúng sinh. Lập tức ngậm miệng nên dòng nước chảy ngược lại, chuyển con thuyền cách xa miệng cá, năm trăm người buôn lập tức phát sinh tâm thiện, đều được giải thoát.

Lại trong kinh Đại tập nói: Ví như Sa môn tự nhiên có đầu tóc mọc ra nhưng không thể tự mình biết được là dài mấy phân. Như vậy tội lỗi của Bồ tát phát sinh mà không thể nào tự biết, nói là mình không tội lỗi gì.

Còn trong kinh Tạp A hàm nói: Bấy giờ Đức Thế tôn thuyết kệ rằng:

Cố gắng giữ gìn thân khẩu ý,
Và đối với tất cả các nghiệp,
Tàm quý mà tự mình phòng ngừa,
Thì gọi là khéo léo bảo vệ.

Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Có hai pháp thanh tịnh có năng lực bảo vệ thế gian. Thế nào là hai pháp? Đó gọi là tàm và quý. Giả sử thế gian không có hai pháp thanh tịnh này, thì thế gian cũng không biết là có cha mẹ anh em trai chị em gái vợ con, không có trật tự của họ hàng thân thích thầy trò bạn bè, điên đảo hổn loạn như loài súc sanh. Liền thuyết kệ rằng:

Thế gian nếu như không còn có,
Hai pháp thanh tịnh là tàm quý,
Thì càng xa cách đạo thanh tịnh,
Hướng về với sanh lão bệnh tử.
Thế gian nếu như được thành tựu,
Hai pháp thanh tịnh tàm quý ấy,
Thì đạo thanh tịnh được Tăng trưởng,
Vĩnh viễn khép lại cửa sanh tử.

Lại trong kinh Duy Vô Tam Muội nói: Đức Phật bảo với A nan; Nay người thiện nam! Người cầu đạo an thiền trước tiên nên đoạntrừ ý niệm; con người sống ở thế gian sở dĩ không đạt được tạo, bởi vì chỉ ngồi suy nghĩ tưởng nhớ đến nhiều ý niệm không đáng, một niệm đến một niệm đi, một ngày một đêm có tám ức bốn ngàn vạn niệm, niệm niệm không ngừng dấy khởi. Một niệm thiện dấy khởi cũng có được quả báo báo thiện, một niệm ác phát sinh cũng gặt lấy quả báo ác. Như tiếng vang ứng với âm thanh, như bóng đi theo hình, vì vậy cho nên thiện ác tội phước đều khác nhau. Tụng rằng:

Lặng yên suy nghĩ quên buồn lo,
Còn buồn lo chẳng phải là lý,
Cảnh xuất hiện đưa vào hư không,
Hư không nào đáng để nuối tiếc?
Dựa vào ấm dạo trong sâu xa,
Sâu xa mất dấu tích không còn,
Bốn quả đều vui mừng cầu đạt,
Riêng Nhất Thừa phai mờ khó hiểu.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiên Thứ 28: Nhiếp Niệm