Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Ly-Luan-Va-Su-That-Cua-Nhan-Qua

Lý Luận Và Sự Thật Của Nhân Quả


Chư vị đồng tu đại đức,

Đề tài của buổi giảng hôm nay là nhằm giới thiệu bức tranh ‘Địa Ngục Biến Tướng Đồ’, còn có tên là ‘Thập Vương Đồ’, do lão sư Giang Dật Tử vẽ tại Đài Trung, hiện nay đang được triển lãm tại Kinh Đô, Nhật Bản. Bức tranh này chẳng dám nói là tuyệt hậu, nhưng đích thật là từ trước đến nay chưa từng có. Bức tranh gốc được triển lãm tại đây cao sáu tấc sáu (66cm) và dài sáu chục thước, thiệt là một sáng tác vĩ đại. Giang lão sư mời tôi giải thích với mọi người trong buổi triển lãm này, bài thuyết minh đã được in ra, tôi nghĩ dùng bài viết này phối hợp với bức tranh để thuyết minh, vậy thì cũng đầy đủ. Thế thì tôi cần giới thiệu cho quý vị ý nghĩa giáo dục của bức tranh này ở tại chỗ nào? Điểm này vô cùng quan trọng.

Những năm đầu Dân Quốc, Tổ thứ mười ba của Tịnh Độ Tông là Ấn Quang đại pháp sư, hầu như Ngài đã dùng toàn bộ tinh thần và sức lực trong suốt đời để hoằng dương giáo dục Nhân Quả. Năm 1977 lần đầu tiên tôi đáp lời mời của pháp sư Thánh Hoài và cư sĩ Tạ Đạo Liên đến Hương Cảng giảng kinh Lăng Nghiêm. Năm đó chúng tôi giảng hết hai tháng tại Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán, Cửu Long, hai tháng này có phiên dịch sang tiếng Quảng Đông. Sau đó là giảng tại Quang Minh Giảng Đường của Thọ Dã lão hòa thượng ở đường Lam Đường, Hương Cảng, cũng giảng hết hai tháng, mọi người đều nghe quen rồi nên chẳng cần phiên dịch, nhờ vậy nên chúng tôi đỡ tốn rất nhiều thời giờ. Tại Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán tôi xem kinh luận và những sách tốt do Hoằng Hóa Xã của Ấn Tổ phát hành, tôi khá quen thuộc với Hoằng Hóa Xã, tôi đã thỉnh không ít tài liệu tham khảo nhưng cũng không đầy đủ bằng những cuốn tàng trữ tại Đồ Thư Quán, tôi hầu như đã xem hết vì những sách do Hoằng Hóa Xã in có thể nói là những sách tốt trong những năm gần đây. Tiêu chuẩn của sách tốt là chữ sai ít, sách in rất đẹp, có thể làm cho người đọc ưa thích, mỹ quan, những sách tốt này rất quý.

Khi đọc sách tôi có thói quen coi trang ghi bản quyền trước hết, khi coi xong tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, Ấn Tổ in những cuốn An Sĩ Toàn Thư, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Liễu Phàm Tứ Huấn nhiều nhất; tôi thử tính nhẩm số lượng của ba cuốn này cũng phải hơn ba triệu bộ, vào thời đại đó [số lượng] này làm cho người ta vô cùng ngạc nhiên. Lúc đầu tôi cũng chẳng hiểu, một vị Tổ Sư của Tịnh Độ Tông chúng ta [tại sao lại làm như vậy]. Liễu Phàm Tứ Huấn chẳng thuộc sách nhà Phật, chẳng phải là kinh Phật, kể như là sách của Nho giáo; Cảm Ứng Thiên và Âm Chất Văn thuộc Đạo Giáo; ngoài An Sĩ Toàn Thư còn hai thiên Vạn Thiện Tiên Tư, Dục Hải Hồi Cuồng; hai thiên này chuyên giảng về Kiêng Sát, Kiêng Dâm; Thiên cuối cùng là Tây Quy Trực Chỉ nhằm khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; [Tại sao ngài] in [những sách này] nhiều như vậy? Tôi nghĩ suốt mấy ngày mới hiểu được dụng ý khổ nhọc của Tổ sư.

Muốn cứu vãn xã hội hiện nay, năm nay cách năm bảy mươi bảy đã hai mươi năm, trải qua khoảng thời gian dài như vậy trong xã hội ngày nay chúng ta thể hội vô cùng rõ ràng, chân chánh biết nếu dùng Phật pháp để cứu vãn thế gian, dùng Nho giáo để cứu thế gian thì không kịp nữa. Cũng vào thập niên bảy mươi, Bác sĩ Thang Ân Tỷ nói với Trì Điền Đại Tác ở Nhật Bản rằng trong thế kỷ 21 chỉ có Học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại Thừa mới có thể giải quyết vấn đề xã hội. Lúc ông nói câu này mọi người cảm thấy rất ngạc nhiên, nhưng hai mươi năm sau nhìn thử xã hội hiện nay thì thiệt đúng như vậy. Chúng ta thử suy nghĩ kỹ xem, Ấn Quang đại sư còn cao minh hơn. Phật pháp Đại Thừa và Nho Giáo đích thực có thể giải quyết vấn đề, nhưng hai thứ này quá cao siêu, nếu muốn tu học tối thiểu cũng phải mất mười năm, sau mười năm cái thế giới này biến đổi thành như thế nào ai cũng chẳng dám nói, thế nên Ấn Tổ đặc biệt đề xướng Nhân Quả, chúng ta càng nghĩ thì càng có đạo lý.

Nếu con người không biết Phật cũng chẳng sao, không biết Nho giáo cũng chẳng sao, thậm chí không tín ngưỡng tôn giáo cũng chẳng sao, chỉ cần họ biết đạo lý và sự thật của Nhân Quả Báo Ứng thì được rồi. Tại sao vậy? Khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác thì họ tự nhiên sẽ cân nhắc cẩn thận, được vậy thì họ có thể cứu mình, cứu nhà mình, cứu xã hội, cứu quốc gia, cứu thế giới, từ đó chúng ta mới chân chánh thể hội được dụng ý khổ nhọc của Tổ Sư. Hết thảy đạo lý thế gian và xuất thế gian không vượt ngoài tâm tánh, hết thảy các sự tướng chẳng ra ngoài nhân quả, cho nên tâm tánh và nhân quả có thể bao gồm hết thảy pháp thế và xuất thế gian. Những năm gần đây, bắt đầu từ năm 1977 tôi rời khỏi Đài Loan, hoằng pháp tại nước ngoài, trạm đầu tiên là ở Hương Cảng, bao nhiêu năm nay đi đến rất nhiều quốc gia, địa phương, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người trong mọi tầng lớp, mọi ngành nghề, người Trung Quốc, người ngoại quốc cũng rất nhiều. Tôi hỏi họ muốn phát tài không? Muốn chứ, không ai chẳng muốn phát tài cả! Muốn có thông minh trí huệ không? Muốn. Muốn khoẻ mạnh sống lâu không? Muốn chứ. Bất kể quốc tịch chúng ta bất đồng, chủng tộc khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, ba thứ kể trên đều là sự ham muốn chung, chẳng có người nào chẳng mong cầu, chẳng nghĩ tưởng đến. Vậy thì làm sao mới có thể đạt được? Cho nên người ta tìm đủ mọi phương pháp, thủ đoạn, nói tóm lại đều là lợi mình hại người, dùng bất cứ thủ đoạn gì cũng vì muốn đạt được mục đích này. Như vậy là sai lầm, lý và tâm tánh trái ngược nhau, sự và nhân quả trái ngược nhau, có thể mong cầu được chăng? Chẳng được.

Lúc tôi mới học Phật, thầy tôi dạy ‘Trong cửa nhà Phật có cầu ắt ứng’, tôi nghe xong rất vui thích và liền xin thầy dạy phương pháp và đạo lý ấy cho tôi. Bất kể người nào giảng đạo lý và phương pháp ấy, giảng sâu hay cạn, giảng dài hay ngắn, cũng như thiền sư Vân Cốc, thiền sư Trung Phong, đều giống nội dung trong Liễu Phàm Tứ Huấn. Cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn chuyên giảng về lý luận và chân tướng sự thật của Nhân Quả. Chúng tôi đích thân nghe thầy giảng dạy nên có ấn tượng vô cùng sâu sắc; ‘Trong cửa nhà Phật có cầu ắt ứng’, bạn phải hiểu ý nghĩa của chữ ‘Trong cửa nhà Phật’, nếu bạn hiểu sai và nghĩ rằng ‘trong cửa nhà Phật’ có nghĩa là ‘trong chùa miếu’, đi vào chùa miếu để tìm cầu thì chưa chắc ‘có cầu ắt ứng’. Chùa miếu có phải là ‘trong cửa nhà Phật’ chăng? Có thể nói là phải, cũng có thể nói là không phải, [muốn hiểu] ý nghĩa chân chánh của ‘trong cửa nhà Phật’, bạn phải hiểu Phật nghĩa là gì, chữ Phật là dịch âm từ tiếng Phạn ở Ấn Độ, ý nghĩa của ‘Phật’ là trí, là giác. Phật pháp giảng hết thảy pháp đều giảng đến ‘thể, tướng, và dụng’; thể là trí huệ, trí huệ chân thực, dụng là giác mà không mê, nếu bạn hiểu được ý nghĩa này thì bạn mới hiểu ‘trong cửa nhà Phật’ nghĩa là gì? Nghĩa là ‘trong trí huệ, giác ngộ thì có cầu ắt ứng’, vậy thì bạn mới hiểu hoàn toàn, trong đó chẳng có mê tín, trí huệ tương ứng với tâm tánh, giác ngộ tương ứng với nhân quả, bạn xem thử bạn muốn hay không? Như vậy là chúng ta đã tìm được chỗ y cứ của lý luận này.

Cho nên ‘trong cửa nhà Phật’ nghĩa là ‘trong trí giác’, phải hiểu điểm này, đây mới thực sự là ‘trong cửa nhà Phật’, tự viện và am đường đều là hình tướng, khi xưa Chương Gia đại sư nói với tôi: ‘Phật pháp trọng thực chất, chẳng trọng hình thức’, tôi học được từ Ngài, cho nên thực chất thì cũng từ trong nhà Phật mà đi tìm trí giác, cũng là ý nghĩa chân chánh hàm chứa trong danh từ ‘Phật đà da’. Kinh Đại Thừa dạy chúng ta: ‘Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai’, câu này rất hay, câu này là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy trong ‘phẩm Xuất Hiện’ của Kinh Hoa Nghiêm. Hết thảy chúng sanh, phạm vi này quá lớn, chúng ta chẳng nói đến phạm vi lớn như vậy, chúng ta chỉ nói đến cõi người thì dễ hiểu hơn, chúng ta ở trong cõi người, sanh sống trên trái đất này, hiện nay thống kê nhân số trên thế giới đã gần bảy mươi ức (bảy tỷ) người. Chỉ luận về cõi người, chúng ta thâu nhỏ phạm vi của ‘chúng sanh’, trong Phật pháp ‘chúng sanh’ là nói đến chín pháp giới, nếu kể luôn pháp giới Phật thì là mười pháp giới, trong mười pháp giới chúng ta chỉ nói đến pháp giới người mà thôi, bạn hãy xem ‘đều có trí huệ của Như Lai’. Như Lai nghĩa là gì? Kinh Kim Cang nói rất hay: ‘Như Lai giả chư pháp như nghĩa’, ý nghĩa của câu này rất sâu, một giờ đồng hồ cũng giảng không hết, tôi chỉ có thể đề cập thoáng qua. Chúng ta có ‘Giảng Ký kinh Kim Cang’, nếu chư vị có hứng thú thì hãy nghe thử. Bộ kinh Kim Cang này được giảng hết hai trăm bốn mươi tám giờ đồng hồ, chỉ câu này thôi cũng đã giảng mất mấy giờ, đó chẳng phải là mê tín đâu.

‘Như’ là chân như, là lý, ‘Lai’ là giảng về hiện tướng, nói đến tác dụng. Nếu chúng ta từ ‘thể, tướng, dụng’ mà xét thì ‘Như’ là nói về lý thể, ‘Lai’ là nói về tướng và tác dụng. Nói theo cách thông thường, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật trong Thiền Tông thì những người đã kiến tánh đều có thể xưng họ là Như Lai. Như Lai là một trong mười hiệu của Phật. Mười hiệu này là đức hiệu, vốn đã có sẵn, chỉ cần bạn kiến tánh, danh hiệu này có thể trao cho bạn, đây là đức hiệu đầu tiên trong mười đức hiệu. Nói một cách khác Như Lai tức là chân tánh của bạn, chân tâm của bạn, vốn đã có sẵn vô lượng trí huệ, chẳng khác gì với đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, và hết thảy mười phương chư Phật, Phật có trí huệ bao lớn thì bạn cũng có giống vậy. Bạn xem năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỗi ngày đều giảng kinh thuyết pháp, giảng hết bốn mươi chín năm, các bạn đều biết chuyện này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, người đời sau ghi chép lại thành kinh điển, hiện nay bộ Đại Tạng Kinh đang lưu thông tại Trung Quốc là do đức Phật Thích Ca giảng đấy, rốt cuộc Ngài đã giảng bao nhiêu bộ kinh? Chúng ta không có cách gì để biết vì kinh điển được truyền đến Trung Quốc chỉ là một phần, chẳng phải toàn bộ.

Thời xưa giao thông bất tiện, hơn nữa lúc đó kinh điển đều được viết bằng tay, lại chẳng có giấy, kinh được viết trên lá của cây ‘Bối đa la’ nên được gọi là ‘kinh lá Bối’, rất cồng kềnh và nặng nề, vô cùng bất tiện. Vì tình trạng giao thông như vậy nên khi pháp sư Ấn Độ đến Trung Quốc hay pháp sư Trung Quốc đến Ấn Độ thỉnh kinh đều phải chọn lựa tỉ mỉ, chỉ chọn và chở về những kinh hay nhất, thích hợp với nhu cầu sanh hoạt của người Đông Phương chúng ta. Những kinh khác thì chẳng có biện pháp nào chở hết nên phải để lại. Thế nên chúng ta biết những kinh điển cả đời đức Thế Tôn giảng quá nhiều, quá nhiều, tôi tin tưởng rằng ít nhất cũng nhiều gấp mười lần bộ Đại Tạng Kinh của chúng ta hiện nay. Cách suy đoán này của tôi chắc cũng không quá đáng lắm đâu. Những gì chúng ta được thừa hưởng ngày nay trên số lượng bất quá chỉ là một phần mười của toàn bộ mà thôi. Nhưng Tạng Kinh ngày nay của chúng ta cũng rất khả quan, bạn xem trí huệ ấy bao lớn, chúng ta ai cũng có sẵn trí huệ này, nhưng chúng ta chẳng hiểu những gì Phật giảng, tại sao lại như vậy? Trí huệ của chúng ta bị một cái gì che phủ, chứ chẳng phải bị mất, chỉ bị che đậy thôi nên trí huệ chẳng thể hiện tiền, cái che đậy là gì? Phật dạy đó là phiền não, Phật nói đến ba thứ: Vô Minh phiền não, Trần Sa phiền não, Kiến Tư phiền não, ba thứ này che kín nên tuy có sẵn trí huệ rốt ráo viên mãn nhưng không thể hiển lộ.

Không những trí huệ của bạn vốn sẵn có, mà năng lực, tài năng, tài nghệ, vạn đức vạn năng đều là sẵn có, tuyệt đối chẳng phải do học mà có. Hơn nữa còn phước báo, phước báo tức là tướng hảo nói trong kinh, tướng hảo là phước báo, phước báo cũng viên mãn. Bạn xem những gì bạn mong cầu, thọ mạng trong phước báo, chúng ta muốn được thông minh trí huệ, muốn đa tài đa nghệ, chẳng gì là chẳng được, muốn vô lượng vô biên phước báo, Phật nói trong chân tâm bản tánh của bạn hoàn toàn đầy đủ. Thế nên Phật, chư Phật, Bồ Tát chẳng dám khinh lờn một chúng sanh nào cả, tại sao? Các Ngài biết chúng sanh giống hệt như mình, mình có trí huệ bao lớn thì họ chẳng thua mình, mình có tài cán bao lớn thì cũng chẳng nhiều hơn người khác. Phước báo của chúng ta đều bình đẳng, chỉ là hiện nay tôi có thể dùng được còn người kia tuy có nhưng chẳng dùng được, chẳng dùng được là vì chướng ngại này. Kinh Hoa Nghiêm chẳng dùng những danh từ này, chẳng nói phiền não, chẳng dùng danh từ Vô Minh, Trần Sa, Kiến Tư phiền não, những danh từ này được dùng trong rất nhiều kinh điển Đại thừa và Tiểu thừa, kinh Hoa Nghiêm dùng danh từ ‘vọng tưởng và chấp trước’ thì dễ hiểu hơn. ‘Chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng được’, vọng tưởng chính là Vô Minh phiền não, chấp trước chính là Kiến Tư phiền não, trong đó còn một thứ đã được giản lược bớt, chỉ nói cái đầu, cái chót, cái chính giữa đương nhiên cũng bao gồm trong ấy, cái chính giữa này là ‘phân biệt’, phân biệt là Trần Sa phiền não. Phật dạy vì chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên trí huệ vốn sẵn có của chúng ta không thể hiển lộ, đức năng, phước báo của chúng ta chẳng thể hiện tiền.

Nói một cách khác chỉ cần bạn buông bỏ vọng tưởng, phân biệt và chấp trước, buông xả hết thì trí huệ và đức năng của Như Lai sẽ hiện tiền, là bạn vốn sẵn có. Chúng ta phải biết rõ lý luận và đạo lý này. Nhưng bạn biết vọng tưởng, phân biệt, và chấp trước chưa đoạn dứt, phước báo hiện nay bạn đang hưởng là do tu tập mà có, chẳng xứng tánh. Đây là của tự tánh, tự tánh chúng ta là bình đẳng, những gì tu được thì chẳng bình đẳng. Phước báo của chúng sanh trong lục đạo đều là do tu mà được, chẳng phải là trong tự tánh. Phước báo của Tứ Thánh pháp giới có một phần là do tự tánh phát ra, còn một phần là do tu mà được, phần tự tánh phát ra cũng chẳng viên mãn. Tam Giới đều hình thành như vậy, nói chung thì phải biết phạm vi của Tam Giới này lớn, chẳng phải Tam Giới trong lục đạo. Nếu bạn có cả ba thứ vọng tưởng, phân biệt và chấp trước thì bạn sanh sống nơi nào? Trong lục đạo, đây là chúng sanh trong lục đạo. Phật dạy nếu chúng ta chẳng chấp trước các pháp thế gian và xuất thế gian, buông xuống chấp trước rồi nhưng còn phân biệt, chấp trước buông xuống thì đã giỏi lắm rồi, lục đạo chẳng còn nữa, cũng giống như lời của Vĩnh Gia đại sư trong Chứng Đạo Ca:

Mộng lý minh minh hữu lục thú,
Giác hậu không không vô đại thiên.

(Trong mộng rành rành phân sáu nẻo,
Giác rồi ba cõi rỗng toang hoang).

Đại thiên ở đây là chỉ lục đạo, bạn đã siêu việt (thoát khỏi) lục đạo rồi. Chỉ cần không có chấp trước thì sẽ siêu việt lục đạo, do đó mới biết chấp trước hại người, đã hại chúng ta đời đời kiếp kiếp kẹt mãi trong sanh tử luân hồi, bạn còn muốn chấp trước nữa hay chăng?

Thế nên khi chân chánh giác ngộ thì bạn sẽ buông xuống chấp trước, đối với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian bạn đều chẳng chấp trước nữa; chẳng chấp trước thì tâm sẽ thanh tịnh. Nhân ngã, thị phi là chấp trước, danh văn lợi dưỡng là chấp trước, tham sân si mạn là chấp trước, những thứ này mất hết thì tâm địa thanh tịnh, siêu việt lục đạo luân hồi. Tuy siêu việt nhưng bạn vẫn còn phân biệt, phiền não phân biệt nhẹ hơn chấp trước nên lúc phân biệt chưa đoạn hết thì bạn hãy còn trong Tứ Thánh pháp giới, đồng tu học Phật biết [đây là] Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật (Phật trong thập pháp giới). Nếu đoạn dứt ý niệm phân biệt các pháp thế gian và xuất thế gian thì được tâm thanh tịnh, bạn sẽ siêu việt thập pháp giới. Siêu việt thập pháp giới xong thì bạn đi đâu? Đến Nhất Chân pháp giới. Hoa Tạng thế giới là Nhất Chân pháp giới, Cực Lạc thế giới là Nhất Chân pháp giới, các báo độ của chư Phật đều là Nhất Chân pháp giới, đây là Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Ở nơi ấy vẫn còn cấp bậc, cấp bậc từ đâu đến? Cấp bậc tức là vọng tưởng của bạn nặng nhẹ khác nhau. Vọng tưởng là gì? Trong phần đông những đạo tràng giảng kinh chúng ta thường nói đến khởi tâm động niệm, lục căn đối với cảnh giới lục trần vẫn còn khởi tâm động niệm. Tuy khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, mức này cao rồi, rất cao rồi, trong Thiền Tông gọi mức này là Bồ Tát minh tâm kiến tánh; minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, xưng ngài thành Phật. Trong kinh Kim Cang gọi là chư Phật Như Lai, các bạn xem chú giải của cư sĩ Giang Vị Nông, chữ chư Phật này tức là bốn mươi mốt vị Pháp Thân đại sĩ ở Hoa Tạng thế giới, bốn mươi mốt vị này tức là bốn mươi mốt cấp bậc vô minh đề cập trong kinh Đại Thừa; phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp thân, là có ý nghĩa này, giống như học trong trường vậy, trường học này từ lớp một đến lớp thứ bốn mươi mốt, học xong lớp bốn mươi mốt thì tốt nghiệp và chứng được quả vị Phật cứu cánh viên mãn.

Chúng ta hiểu rõ đạo lý này xong, nhà Phật gọi là tham thấu rồi thì chúng ta phải coi trọng ba thứ phiền nào này, hiện nay chúng ta đều có đủ. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều có đủ thì trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh không thể hiện tiền; những gì hiện nay chúng ta hưởng thọ đều do tu tập mà có, tu được thì chẳng rời khỏi nhân quả, cho nên mới nói trồng nhân lành thì được quả lành, nếu tạo nhân ác thì sẽ bị ác báo, đây là cái lý của việc này, bạn chẳng thể không hiểu. Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất hay, Liễu Phàm tiên sinh rất hiếm có, lúc mười mấy tuổi gặp được một người coi bói rất giỏi là Khổng tiên sinh, ông Khổng nói: ‘Anh là người trong giới sĩ đồ’, ‘sĩ đồ’ nghĩa là người thư sinh. Ngày xưa đi học là để làm quan, tham gia các kỳ thi của quốc gia, thời đó gọi là công danh. Ông Khổng nói: ‘Tại sao anh không đi học?’. Ông Liễu Phàm bèn thuật lại lời của mẹ ông, kể lại rằng cha ông đã qua đời, lúc qua đời cha ông dặn sau này tốt nhất cho con học ngành thuốc, học ngành thuốc có thể cứu người, có thể nuôi sống gia đình, đây là ý của cha ông, hy vọng ông có thể làm như vậy nên ông theo học ngành thuốc.

Học ngành thuốc thường thường phải đi vào rừng để nhận biết dược thảo, học cách đi kiếm thuốc, trên đường đi lấy thuốc ông Liễu Phàm gặp Khổng tiên sinh. Khổng tiên sinh coi tướng cho ông, đoán mạng ông và nói: ‘Anh đáng lý phải đi học và tham gia thi cử’. Ông rất kính trọng Khổng tiên sinh, nhìn thấy ông này chắc không phải người phàm, phiêu bồng như tiên nên mời ông về nhà gặp mẹ. Mẹ ông tiếp đón Khổng tiên sinh rất tử tế, đem ngày sinh tháng đẻ của con cho Khổng tiên sinh đoán quẻ, Khổng tiên sinh xem xong và nói rất tường tận. Nói ông Liễu Phàm năm nào đi thi và đậu hạng mấy, năm nào đi thi nữa và đậu hạng mấy, một mạch đoán đến lúc năm mươi ba tuổi, thọ mạng ông chỉ có năm mươi ba tuổi mà thôi. Đáng tiếc là trong mạng chẳng có con cái, đến năm mươi ba tuổi có thể làm tri huyện một huyện nhỏ ở Tứ Xuyên, đến năm mươi ba tuổi thì ông phải từ chức về nhà, thọ mạng của ông đã đến.

Sau khi nghe [Khổng tiên sinh nói xong] ông bèn đi học chữ, nhà người bà con có mở trường tư dạy học nên ông đến đó học chữ. Đến lúc tham gia thi cử thì quả nhiên không sai, mỗi lần đi thi và thi đậu hạng mấy đều đúng như lời Khổng tiên sinh đã dự đoán. Từ đó ông mới biết mạng sống của một người suốt cả đời đều đã định sẵn, đúng như câu ‘Cả đời đều là mạng, nửa điểm cũng chẳng do người định’ (Nhất sanh giai thị mạng, bán điểm bất do nhân), thế nên tâm của ông an định, hết thảy mong cầu đều chẳng còn nữa. Những gì người ta cạnh tranh, nỗ lực cạnh tranh thì ông đều buông bỏ, trong mạng đã định sẵn, tranh giành cách mấy cũng tranh không được, đến lúc nào đó thì tự nhiên có sẵn, cứ như vậy hai mươi năm trôi qua. Tôi gọi ông là phàm phu chánh cống, tại sao? Vận mạng trong hai mươi năm tơ hào chẳng chuyển biến, chẳng tăng chẳng giảm, tại sao? Ông ấy chẳng tu thiện và cũng chẳng làm ác, cả đời người mặc cho vận mạng đẩy đưa mà sống qua ngày.

Có một năm, ông Liễu Phàm đến núi Lâu Hà ở Nam Kinh viếng thăm Vân Cốc Thiền sư, một cao tăng đương thời, ông đi thăm lão hòa thượng này. Lão hòa thượng tham thiền, lúc ông Liễu Phàm đến thì lão hòa thượng đang ở trong thiền đường. Hòa thượng chẳng nói gì chỉ đưa cái bồ đoàn cho ông và kêu ông ngồi kế bên. Lão hòa thượng có công phu, ngồi hết ba ngày ba đêm, ông Liễu Phàm cũng ngồi hết ba ngày ba đêm, chẳng khởi một ý niệm. Lão hòa thượng rất ngạc nhiên, suốt ba ngày ba đêm chẳng khởi tâm động niệm, đây chẳng phải là việc một người thường có thể làm được. Ngài nói:

‘Công phu của anh rất khá, anh tu như thế nào [mà giỏi vậy]?’

Ông Liễu Phàm nói lời thành thật: ‘Vận mạng của con đã được Khổng tiên sinh đoán hết rồi, cho dù con có khởi tâm động niệm, khởi vọng tưởng cũng chẳng có ích gì hết; thế nên con chẳng thèm khởi tâm động niệm nữa’.

Vân Cốc thiền sư nghe xong bèn cười ha hả: ‘Tôi tưởng anh là thánh nhân, tưởng anh có công phu, thiệt ra anh vẫn là phàm phu’.

Nghe xong ông Liễu Phàm bèn hỏi: ‘Tại sao con vẫn là phàm phu?’.

Vân Cốc thiền sư đáp: ‘Vận mạng có hay không? Có, nhưng vận mạng chẳng phải là định số.’

Vận mạng có thể nói là một cái thường số (hằng số). Các bạn phải hiểu đạo lý này, nó chẳng phải là định số. Trong thường số có biến số, khi bạn khởi một ý niệm thiện, một hành vi thiện thì mạng của bạn tăng thêm một chút; khi bạn khởi một ác niệm hoặc làm một việc xấu thì mạng bạn giảm một chút. Bất luận là trí huệ, đức năng, tướng hảo mỗi ngày đều có thêm, bớt, nhân, trừ. Những cái thêm, bớt, nhân, trừ này là biến số. Ngài nói: ‘Hai chục năm nay anh bị người ta đoán chắc rồi, chẳng có gia tăng và cũng chẳng giảm bớt, nếu anh không là phàm phu thì ai mới là phàm phu?’

Cho nên câu chuyện này nói rõ về nhân quả, khi bạn có ý niệm thiện, có hành vi thiện, làm lợi ích chúng sanh, lợi ích cá nhân, trí huệ của bạn sẽ tăng trưởng, khả năng và phước báo của bạn cũng sẽ tăng trưởng; cái thường số của bạn sẽ tăng trưởng. Ngược lại nếu bạn khởi ác niệm, hành vi xấu ác, thì thường số ấy sẽ giảm bớt. Thí dụ giàu có, bạn chẳng cầu giàu có! Trong vận mạng của bạn có của cải vạn ức, của cải vạn ức này chẳng xứng tánh, nếu xứng tánh thì nó sẽ vô lượng vô biên, đây là gì? Bạn tu thiện nhiều đời nhiều kiếp tích lũy lại nhân thiện này, bạn tu như thế nào? Chỉ có kinh Phật giảng rõ ràng, kinh Phật dạy chúng ta đây là ‘Trong cửa nhà Phật có cầu ắt ứng’. Thầy tôi dạy dùng phương pháp gì để cầu? Bạn mong muốn tiền tài, tôi chẳng muốn phát tài, chẳng mong cầu có quá nhiều tiền tài, chỉ hy vọng đời sống vật chất của mình đầy đủ là được rồi, nếu muốn như vậy cũng phải tu, tu như thế nào? Tu bố thí tài vật. Nếu không có tiền thì làm sao tu bố thí tài vật? Thầy tôi hỏi: ‘Anh có một đồng hay không, có mười xu không?’ Như vậy cũng được, một đồng, mười xu cũng có thể tu bố thí tài vật, khi nào có bèn bố thí. Như vậy cũng tu được, thế nên chúng tôi mới hiểu.

Tu bố thí gì? Vì lúc đó tôi đã tiếp xúc với Phật pháp, cũng thường đến chùa, trong chùa có người tổ chức in kinh. ‘Bạn ra bao nhiều tiền?’, tôi góp một đồng, góp hai đồng, ‘tích lông nên áo’ [ý nghĩa giống câu ‘góp gió thành bão'], để những kinh điển, sách khuyến thiện này có thể xuất bản. Trong trường hợp này chúng ta lấy tiền đi bố thí, trong mạng của mình chẳng có tiền tài nhưng từ từ sẽ có tài, tiền tài ngày càng gia tăng. Chẳng có thông minh trí huệ, bố thí pháp sẽ được thông minh trí huệ; in kinh luận và sách khuyến thiện là bố thí pháp, từ từ sẽ có trí huệ, đây là cách tu trí huệ; khoẻ mạnh sống lâu là do bố thí vô úy. Học bố thí vô úy thì tôi làm hai việc: thứ nhất là phóng sanh, thứ nhì là bố thí thuốc men; bố thí thuốc men lúc bấy giờ rất khó nhọc, tôi chẳng có tiền, hai ba tháng mới để dành được một ít tiền, chỉ được hai ba chục đồng thôi, hai ba tháng mới có hai ba chục đồng để tặng cho bịnh viện, giúp cho những người nghèo khổ mua thuốc men, cho họ tiền thuốc. Quả báo của phóng sanh và bố thí thuốc men là được khoẻ mạnh và trường thọ.

Bạn hãy làm suốt đời chẳng gián đoạn, có bao nhiêu sức lực thì làm bấy nhiêu, chúng ta hãy làm những chuyện thiện này. Tôi đã làm được năm mươi ba năm, càng làm càng hoan hỷ, các bạn có thể nhìn thấy quả báo chăng? Trong mạng tôi chẳng có phước báo, trong số mạng tôi chẳng có trường thọ, thầy bói đoán mạng tôi chẳng bằng ông Liễu Phàm, ông Liễu Phàm thọ được năm mươi ba tuổi, thọ mạng của tôi chỉ được bốn mươi lăm tuổi thôi. Ấn Quang đại sư, các bạn cũng biết lúc Ấn Quang đại sư còn trẻ tuổi, người ta đoán mạng Ngài chỉ có ba mươi tám tuổi, Ngài đã sống đến tám mươi tuổi, cả đời khổ hạnh tu thành một vị Tổ Sư, đây là do Ngài tu mà được chứ chẳng phải trong mạng có sẵn, đây là phương pháp cải tạo vận mạng. Cho nên ông Liễu Phàm được sự dạy dỗ của Vân Cốc thiền sư, Trung Phong thiền sư, ông y giáo phụng hành nên đã thành công. Lúc tôi còn trẻ, người ta đoán mạng cho tôi, mạng tôi rất bần tiện, ‘bần’ nghĩa là không giàu có, ‘tiện’ nghĩa là không có địa vị, số tôi là số mạng một người công chức nhỏ, miễn cưỡng có thể duy trì được no ấm, thọ mạng chẳng dài, tôi rất tin.

Vì vậy gặp được Phật pháp, nói thực ra gặp được Phật pháp và quyển sách tôi đọc đầu tiên, tôi đã kể câu chuyện này với các bạn nhiều lần rồi, lão cư sĩ Châu Kính Trụ tặng tôi cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn. Sau khi tôi nhận được cuốn sách này trong vòng hai tuần lễ tôi đã xem đi xem lại hết ba mươi lần, tin sâu chẳng nghi, chân thành sám hối, sửa lỗi đổi mới. Những tật xấu của ông Viên Liễu Phàm lúc còn nhỏ tuổi tôi đều có đủ, những ưu điểm của ông tôi chẳng có, thiệt là sánh chẳng bằng ông, [tôi tự hỏi] đời tôi phải làm thế nào? Hiểu được đạo lý và biết được chân tướng sự thật này nên tự mình triệt để sửa lỗi đổi mới. Tôi chẳng sợ người khác cười chê, trong nhóm này có bạn làm chung sở, xếp lớn, bạn học, bạn bè, tôi cứ làm y theo lời dạy trong kinh điển, y theo lời dạy của thầy giáo mà làm, tôi có được một chút thành tựu là nhờ cả đời tôi làm một học trò ngoan, những gì thầy dạy tôi đều làm theo, tôi hoàn toàn tiếp nhận. Hiện nay chúng ta thấy nhiều người trẻ tuổi thân cận một vị thiện tri thức suốt mười mấy hai mươi năm chẳng có thành tựu là vì nguyên nhân gì? Là vì họ chẳng hoàn toàn tiếp nhận những lời thầy dạy bảo, [họ nghĩ] lúc thầy giáo răn dạy học trò đều là răn dạy người khác, chẳng ăn nhằm gì đến họ, thế nên chẳng học được gì cả.

Tôi hơi khác với mọi người, tôi theo học thầy Lý mười năm, hầu như mỗi ngày thầy Lý đều răn dạy học trò, khi tôi có mặt ở đó thì tôi lắng nghe, câu nào cũng là để dạy tôi hết, tôi tiếp nhận hoàn toàn. Khi rời khỏi thầy, bạn xem hầu như chẳng có ngày nào mà tôi không đọc kinh, vả lại thời gian đọc kinh rất dài; hết thảy những gì Phật, Bồ Tát dạy trong kinh đều là dạy cho tôi, tôi có thể học tập được. Những năm gần đây tôi có dịp tiếp xúc với nhiều tôn giáo, tôi đọc Thánh Kinh. Khi tôi đọc Thánh Kinh thì Chúa Giê Su, Mosé đều dạy tôi, những gì ghi trong kinh điển đều là dạy tôi hết, tôi tuyệt đối chẳng nghĩ đây là để dạy tín đồ Cơ Đốc, chẳng phải vậy, đều là để dạy tôi hết, Giê Su là thầy của tôi, Mosé là thầy của tôi. Tôi đọc kinh Koran, mỗi câu trong kinh Koran đều dạy tôi, học rộng nghe nhiều, thành tựu trí huệ của mình, thành tựu đức năng của mình, bạn chẳng thể nói Mục Hãn Mặc Đức (Mohammed) chỉ dạy cho người Hồi Giáo mà thôi, thế thì bạn chẳng học được gì hết, phân biệt chấp trước trong tâm của bạn ngày càng tăng thêm, bạn chẳng thể hóa giải. Tôi [nghĩ] hết thảy đều là để dạy tôi, vọng tưởng này của tôi chẳng có biện pháp đoạn dứt, phân biệt chấp trước thiệt là mỗi năm đều giảm bớt, tại sao vậy? Vì tôi học, tất cả đều là thầy của tôi, đều là thiện tri thức của tôi, sống đến già, học đến già, học chẳng hết.

Ở đây chúng ta cử ra một thí dụ, thí dụ chuyện phát tài, phía trước cũng đã nói qua, trong mạng của bạn có một ức (một trăm triệu), giả sử có nhiều tiền như vậy, nếu tâm của bạn hiền hậu, hành vi lương thiện, tuyệt đối chẳng làm việc hại người lợi mình, còn có thể hy sinh cống hiến, thế thì trong đời này bạn sẽ không chỉ có một ức thôi đâu, có thể sẽ có hai ức, tại sao? Nó tăng thêm, do tâm hạnh của bạn quá tốt, trong số mạng đã có mà cả đời còn tiếp tục tu bố thí nữa, làm những việc từ thiện, đem phước lợi cho xã hội, nếu bạn chịu làm những chuyện này, lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội, tiền tài của bạn từ mức căn bản này càng tăng thêm lên, đây là trồng thiện nhân gặt được thiện quả. Nếu chẳng hiểu đạo lý ấy, bạn làm thế nào kiếm ra tiền tài? Bạn phải gạt người khác, trong tâm luôn luôn nghĩ chuyện hại người lợi mình, bạn có thể phát tài hay không? Cũng phát tài nhưng đại khái chỉ có ba chục triệu, năm chục triệu, một ức đã bị giảm hết phân nửa, giảm hết một phần ba, đó là tại sao? Do nghiệp chẳng thiện của bạn tạo thành, nó giảm bớt, do đó có thể hiểu [tại sao lại] thêm, bớt, nhân, trừ. Là vì tiền tài trong số mạng của bạn quá nhiều, tuy tạo rất nhiều ác nghiệp nhưng vẫn còn dư, sau khi giảm bớt cũng còn dư một số, số còn dư này cũng khá lớn, đạo lý là như vậy.

Nếu bạn thông hiểu đạo lý này, thông minh trí huệ, khoẻ mạnh sống lâu đều giống như vậy. Chúng ta phải hiểu đạo lý nhân quả, sự thật nhân quả đều ở ngay trước mắt, chỉ cần bạn quan sát kỹ lưởng, bạn xem hết thảy chúng sanh, bạn xem họ suy nghĩ những gì, họ làm chuyện gì, họ nói những gì, nếu những thứ đó tương ứng với tâm tánh, thì phước báo nhất định sẽ tăng trưởng, phước báo vốn có trong số mạng tăng lên cũng như có thêm lời. Nếu cách suy nghĩ, cách nói, cách làm sai lầm, đều là hại người, chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng màng người khác sống chết ra sao, thế thì những gì họ đạt được sẽ bị giảm bớt rất nhiều, những gì còn lại chẳng bao nhiêu! Chỉ cần bạn để ý quan sát thì đều ở ngay trước mặt. Trên thế gian này bất luận lúc nào, bất luận ở đâu, nếu bạn quan sát thì sẽ thấy được rõ ràng, sau đó bạn mới biết mình phải làm như thế nào.

Tôi ở đây hiện thân thuyết pháp cho các bạn xem, trong số mạng tôi chẳng có phước báo, chẳng trường thọ, chỉ có một chút thông minh trí huệ, rất may mắn gặp được duyên tốt, cả đời này gặp được thầy tốt chỉ đạo, tự mình là một học trò ngoan, có thể y giáo phụng hành, chuyển biến vận mạng đời này quay ngược một trăm tám mươi độ. Chẳng có tiền tài, nhưng ngày nay tôi muốn chi dùng gì được nấy, tuy chẳng có tiền nhưng khi làm việc gì cần bao nhiêu thì tiền tự động đến, lúc chẳng làm việc gì thì cái gì cũng không có, khi muốn làm thì có đầy đủ. Thông minh trí huệ, mấy năm nay các bạn coi tôi giảng kinh, nghe tôi giảng kinh, tôi đã giảng kinh hết bốn mươi chín năm, mỗi năm mỗi khác, so sánh tôi giảng năm nay với những cuồn băng thâu hình cũ thì sẽ thấy rõ, trí huệ ngày càng gia tăng. Khỏe mạnh sống lâu thì khỏi nói nữa, số mạng tôi chỉ sống đến bốn mươi lăm tuổi, năm nay tôi bảy mươi tám tuổi rồi. Thân thể khỏe mạnh, về thể lực thì lần này chúng tôi đi du lịch Âu châu, người đi chung lớn tuổi nhất cũng chỉ là sáu mươi mấy tuổi, thể lực những người bốn mươi mấy tuổi chẳng bằng tôi, tôi chẳng bị thời sai (náo lộn giờ giấc khi đến một địa phương khác múi giờ trên trái đất). Cho nên cả đời tôi hoàn toàn chứng minh cho câu mà thầy tôi đã dạy: ‘Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng’, câu này là một sự thật vững chắc như đinh đóng cột.

Bạn phải hiểu lý luận, biết phương pháp, mong cầu đúng như lý, như pháp thì chẳng gì cầu không được, ngay cả việc thành Phật làm Tổ cũng có thể làm được huống chi là tiền tài, thông minh trí huệ, khoẻ mạnh sống lâu trên thế gian, đây là những chuyện trong Phật pháp gọi là chuyện lông gà, vỏ tỏi, chuyện quá nhỏ nhoi, rất dễ đạt được. Nhưng chúng ta phải cầu chuyện lớn hơn nữa, phải cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, cầu nâng cao linh tánh của mình, đề cao đức hạnh, trí huệ của mình, những thứ này đều quan trọng. Bây giờ đã hết giờ, xin cám ơn quý vị.