Địa Tạng Kinh Chú do Vận Hà Thừa Công, hiệu Thanh Liên pháp sư trước tác. Anh Ngài là hòa thượng Ngu Sơn thâm giao với tôi đã lâu; do vậy, Ngài sai tôi viết lời tựa. Tôi tự nghĩ mình trọn chẳng thông thạo kinh sách nhà Phật, một khi miễn cưỡng dùng những lời lẽ mình không quen thuộc để viết lời Tựa, há chẳng mâu thuẫn với ý chỉ chân thành từ những lời lẽ trau chuốt do Sư đã viết ư? Lại nhớ thuở tráng niên, tôi từng theo tiên phụ đến thăm ngài Ngu Sơn, gặp đúng dịp thầy Vận Hà cũng đến thăm anh mình. Vì thế, có dịp tiếp xúc mấy đêm, thưa hỏi lẽ vô cùng. Cha tôi hết sức khen ngợi Sư là bậc học rộng, căn cơ viên đốn, cười bảo ngài Ngu Sơn: “Cổ nhân ca ngợi Vô Trước và Thiên Thân, anh em hòa thượng chẳng lẽ không giống như vậy hay sao?” Tới nay, thoáng chốc đã hơn ba mươi năm, nhớ lại thuở ấy, hội Linh Sơn vẫn nghiễm nhiên chưa tan, khôn ngăn nỗi buồn thương chưa báo đáp ân cha mà đã côi cút. Ngài Ngu Sơn lại kể lời ngài Vận Hà tự thuật [nguyên do soạn bộ chú giải ấy]: “Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh là hiếu kinh do đức Phật đã nói. Do tự than thở đã lo du phương tham phỏng bao năm, lỡ dịp phụng dưỡng song thân, bèn chú giải kinh này để tạo phước trong cõi âm [cho cha mẹ]”. Tôi đang ôm nỗi buồn đau suốt kiếp, do nghe lời ấy, bèn nghẹn ngào, khóc lóc thất thanh, phủ phục dưới đất chẳng thể dậy nổi!
Trong bài Nguyên Đạo, ông Hàn Xương Lê (Hàn Dũ) chỉ dùng những chuyện hành xử thường nhật thuộc về nhân luân để tranh biện về hai giáo (Nho và Phật), cho rằng “Nho có chuyện ấy (đạo hiếu), mà giáo kia (đạo Phật) thì bỏ sót; đạo Nho thông suốt chuyện này, còn đạo Phật thì khuất lấp”. Cũng như trong bài “Dữ phù đồ Văn Sướng Tự” (lời tựa cho tác phẩm của nhà sư Văn Sướng), ông ta lại còn biện định: “Có những kẻ mang tiếng là Nho sĩ mà hành theo Mặc Tử, có những kẻ theo thuyết Mặc Tử mà hành xử theo đạo Nho”. Nay thầy Vận Hà ngoài việc du phương [tham học], còn biết đến cội gốc, mong có cái để báo đền đạo hiếu, bèn sưu tập rộng rãi, sáng tối chẳng mệt. Kinh Thi có câu: “Túc mị, dạ hưng, vô thiểm nhĩ sở sanh” (Dậy sớm, thức trễ; chẳng làm chuyện gì khiến đấng sanh ra ta phải hổ thẹn). Tuy hành vi thể hiện lòng hiếu của thầy Vận Hà chẳng phải là cách ứng xử theo đạo hiếu của Nho gia, nhưng cái tâm ấy có khác gì đạo Nho hay chăng? Nay có những kẻ suốt ngày tuân phụng giáo huấn của Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Châu Công, Khổng Tử, nhưng [hành xử] cứ như “xác sống, thinh lặng nhìn đời”, mong báo đáo ân nghĩa lồng lộng mà chẳng biết làm cách nào! Than ôi! Thiên kinh địa nghĩa là như thế nào mà lại chẳng bằng một vị áo thâm, ăn chay vậy thay! Xét lòng tự Hỏi: “Gần như chưa xứng làm người, hơi đâu mà biện định Nho hay Mặc nữa!”
Tăng Tử bảo: “Đạo hiếu thì cứ xét đến trọn hết biển Đông làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Tây làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Bắc làm chuẩn, xét đến trọn hết biển Nam làm chuẩn”. Tây Trúc ở ngoài Lưu Sa xa xôi, cách Trung Hoa chẳng biết mấy vạn dặm, nhưng giáo pháp nhà Phật lấy vô tướng làm Tông, lấy Không Vô Sở Hữu làm chân lý, chỉ riêng nói đạo hiếu thì thế gian lẫn xuất thế gian chẳng hề bỏ phế được! Đấy gọi là “cùng một tâm này, cùng một lý này”. Bản chú giải của thầy Vận Hà đã nêu tỏ đạo của chính mình, lại còn giúp [hiển dương] kinh điển đạo Nho chẳng cạn! Há tôi có thể nại cớ chẳng quen học tập sách vở nhà Phật mà chẳng thốt một lời tán dương ư? Ngài Ngu Sơn thường sách tấn tôi: “Hãy nên thấu hiểu tột cùng ý nghĩa của chuyện này”, đấy là đạo hiếu đó chăng? Có phải chính là chuyện ấy hay chăng? Hay chẳng phải vậy? Tôi đã là kẻ côi cút trơ trọi, có lắm nỗi thiếu sót, chỉ nghĩ tới thuở theo cha đi lại đây đó, càng cảm thấy anh em ngài Ngu Sơn anh xướng em họa du dương, đồng tâm nhất trí, mỗi vị đều đáng gọi là bậc rồng, hổ nơi kinh điển, giáo nghĩa; còn tôi là kẻ kém cỏi, tài sơ, tuổi già lắm bệnh, tinh thần suy lụn, buông lung, bất tài, chẳng thể giải ngộ chút nào, thua kém đến mức nào? Vì thế, lệ đẫm nghiên mực, giãi bày đôi điều.
Đầu mùa Hạ năm Đinh Mão (1687) đời Khang Hy, cức nhân Từ Trác xông hương, tắm gội, lễ bái kính đề.
Lời tựa cho bộ Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú
Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú do Vận Hà Thừa Công Thanh Liên đại sư trước tác, hậu duệ của ngài Thiên Thai Trí Giả là pháp sư Mẫn Hy tìm kiếm suốt mười mấy năm mới tìm được, giao cho thợ khắc ván in ra vào mùa Thu năm Tân Tỵ (1881), bảo tôi viết lời tựa. Tôi từ tạ: “Lời tựa của ông Từ đã trọn hết lẽ nhiệm, tôi còn nối đuôi làm gì nữa?” Ngài Mẫn Hy bảo: “Đúng là vậy, nhưng cũng chưa hoàn toàn đúng là như thế. Lời tựa ấy tuy hay, nhưng chưa phơi bày trọn hết những điều ẩn tàng. Ông là Nho sĩ mà hành đạo Thích, tuổi thiếu niên đã đỗ Tiến Sĩ, làm quan chỗ nổi tiếng, thông hiểu kinh sách hai nhà (Nho và Phật). Có một lời xác chứng của ông, sẽ hơn vạn vạn lần [những lời đoan quyết của] hàng Tăng sĩ!” Tôi thắp hương, lặng lẽ đọc [bộ sách chú giải này, nhận thấy]: “Đức Phật đã lên trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ, lại triệu vời Địa Tạng Đại Sĩ vĩnh viễn làm U Minh giáo chủ, để những kẻ có cha mẹ trong cõi đời, đều được báo đền nguồn cội, truy tiến cho cha mẹ đều được dự lên Cực Lạc”. Liền xếp sách, nức nở nói: Đây là hiếu kinh của đạo Nho vậy! Người đời khinh mạn, chẳng suy xét, chỉ coi là kinh dạy suông về nhân quả, lầm lạc lắm thay! Phàm là hiếu như đạo Nho đã nói, thì trên là làm quan cao chức cả [khiến cho cha mẹ] được sắc phong vinh hiển, dưới là tìm kiếm những món ngon béo để cung phụng. Ngoài những chuyện ấy ra thì lặng thinh chẳng nghe nói chi khác nữa! So với đạo Thích khăng khăng thành tựu chính mình ngõ hầu thành tựu cha mẹ, [khác biệt] há chỉ một trời, một vực! Do người đời chẳng suy xét cặn kẽ dấu vết xuất thế nơi tâm, chỉ thấy họ rời lìa cha mẹ để tham phỏng bậc danh sư liền quở trách: “Đấy là cái học đoạn tuyệt luân thường!” Chẳng biết như người vượt biển, bỗng gặp bão lốc, cả nhà chìm đắm, mạng trong khoảnh khắc, có một người đủ sức bơi được vào bờ, kiếm được một chiếc tàu to, cứu giúp người thân đều lên Cực Lạc. So với chuyện một mực cùng nhau cam chịu đắm chìm, chẳng cầu thoát ra, để rồi cùng nhau chết sạch là như thế nào vậy? Kinh này quả thật là hiếu kinh của nhà Phật, chẳng phải là như kinh Thi đã nói “hiếu tử bất quỹ, dận tích nhĩ loại” (hiếu tử chẳng bị thiếu thốn, trời cao vĩnh viễn ban ơn cho ngươi) đấy sao? Vì thế, viết lời tựa.
Ngày lành giữa tiết Thu năm Ất Dậu (1885) đời Quang Tự, Tiến Sĩ xuất thân, được ban thưởng cài hoa, bổ dụng làm tri phủ huyện An Cát thuộc phủ Hồ Châu tỉnh Chiết Giang là Lý Tông Nghiệp rửa tay kính soạn.
Lời tựa tái bản bộ Địa Tạng Kinh Khoa Chú
Kẻ bất hiếu với cha mẹ, không đáng làm người! Hiếu mà chẳng liễu sanh tử, chẳng đáng coi là hiếu! Vì lẽ nào? Không ân nào lớn hơn ân cha mẹ. Dẫu nhọc nhằn chăm sóc, phụng dưỡng, chẳng bỏ sót một điều nhỏ nhặt nào, bất quá [chỉ nhỏ nhặt như] một cân từ quả núi, hoặc một giọt nước biển! Không nỗi khổ nào bằng nỗi khổ sanh tử, dẫu thành ý chánh tâm, cúi xuống, ngẩng lên đều chẳng thẹn, khó tránh luân hồi trong các cõi, huống hồ con người chưa chắc đã hiếu thảo! Dẫu hiếu thảo, chưa chắc đã tinh thuần!
Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Công Đức Kinh, gọi đại lược là kinh Địa Tạng, chính là hiếu kinh xuất thế do đức Phật nói ra. Từ khi thành đạo trở đi, đức Phật ôm lòng bi mẫn, rộng thực hiện hóa độ. Do vì thời nhập Niết Bàn sắp đến, mà ân mẹ chưa báo, Ngài bèn lên Đao Lợi, vì mẹ thuyết pháp; thừa dịp ấy phóng quang, triệu tập vô số phân thân Địa Tạng tới cung trời, lại còn bốn lượt xưng dương, rốt cuộc ân cần dặn dò, giao phó trách nhiệm độ sanh nặng nề cho Bồ Tát. Bởi lẽ, lúc tu nhân, ngài Địa Tạng từng là cô gái Bà la môn và nàng Quang Mục, đều do cứu mẹ mới phát ra thệ nguyện vĩ đại, giống như tâm Phật, phù hợp khít khao. Vì thế, [đức Phật] nói Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Công Đức Kinh để độ Phật mẫu Ma Da phu nhân, cũng như khiến cho đệ tử Phật trong mai sau, ai nấy đều hiếu thảo với cha mẹ, cùng đều lên bờ kia, thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Kinh này có hai bản dịch: Một là do ngài Pháp Đăng và Pháp Cự dịch, niên đại lẫn thời gian đều chẳng rõ. Bản kia do Tam Tạng sa môn xứ Vu Điền là Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường. Từ ngữ tuy đại đồng tiểu dị, nhưng Liên Trì đại sư phán quyết dùng bản dịch đời Đường làm bằng chứng. Gồm thâu những điểm cương yếu thì mười ba phẩm có thể chia thành bốn chương lớn:
1) Phẩm thứ nhất là Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông, và phẩm thứ hai là Phân Thân Tập Hội, nói rõ ngài Địa Tạng là vị hóa chủ, tức là Đại Sĩ phân thân vô lượng, thâm nhập Nê Lê (Naraka, địa ngục), là vị U Minh giáo chủ dùng lòng hiếu để giáo hóa, khiến [chúng sanh đang đọa địa ngục] được sanh vào đường trời, người.
2) Phẩm thứ ba, tức Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên, phẩm thứ tư là Diêm Phù Chúng Sanh Nghiệp Cảm, và phẩm thứ năm là Địa Ngục Danh Hiệu, nói rõ căn cơ được giáo hóa bởi Địa Tạng Bồ Tát, tức là những chúng sanh tội ác bất hiếu với song thân, chẳng tôn kính Tam Bảo, do tham, sân, si Hoặc mà tạo thân, khẩu, ý nghiệp, đang đọa trong Vô Gián.
3) Phẩm thứ sáu, tức Như Lai Tán Thán, phẩm thứ bảy là Lợi Ích Tồn Vong, phẩm thứ tám là Diêm La Vương Chúng Tán Thán, nói về cái duyên độ sanh, tức thắp hương, tụng kinh, tạo phan, tạc tượng, trai tăng cúng dường đại chúng, các thứ thiện duyên.
4) Phẩm thứ chín là Xưng Phật Danh Hiệu, phẩm thứ mười là Giảo Lượng Bố Thí Công Đức Duyên, phẩm thứ mười một là Địa Thần Hộ Pháp, phẩm thứ mười hai là Kiến Văn Lợi Ích, phẩm thứ mười ba là Chúc Lụy Nhân Thiên, nói rõ cái nhân thành Phật, tức là dạy mọi người chí thành cung kính, niệm danh hiệu Phật, hoặc danh hiệu Bồ Tát, cho đến bố thí tài hay bố thí pháp, đều là chánh nhân Bồ Đề để độ trọn hết chúng sanh.
Nhân quả tường tận, rõ ràng, văn từ sáng sủa, trôi chảy, phô bày trọn vẹn diệu đế “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba vô sai biệt”. Của quý báu tột cùng trong đời Mạt Pháp không chi hơn được kinh này! Đời nhà Thanh, vị cổ đức trong tông Thiên Thai là pháp sư Thanh Liên đã soạn bộ Khoa Chú gồm sáu quyển, dung thông Giáo Quán, lại còn giải thích, giảng giải. Không chỉ khiến cho những kẻ sơ cơ dù Tăng hay tục đối với lòng đại từ đại hiếu của đức Phật và đại nguyện đại lực của ngài Địa Tạng vừa mở sách ra bèn hiểu rành rành, chẳng còn ẩn giấu mảy may, mà còn khiến cho những bậc long tượng trong biển Giáo cũng nương theo “sơ đồ hướng dẫn” này, tuân phụng như của báu bí mật. Đối với sự giáo hóa của đức Phật, công lao của bản chú giải này há có bờ bến? Tiếc là bản gốc do giấy đắt, giá thành cao, chẳng dễ phổ cập. Những vị cùng chí hướng thuộc Tô Châu Giác Xã đã thương lượng với Cổ Ngô Phật Kinh Lưu Thông Xứ và Thượng Hải Phật Học Thư Cục chiêu mộ rộng rãi những vị cùng chí hướng, in lại sách này mấy ngàn bộ để rộng kết pháp duyên, mong sao những chốn hẻo lánh quê mùa đều có được một bản, sẽ do lòng hiếu thảo với cha mẹ mà từ mình nghĩ đến người khác, ngõ hầu cha mẹ ba đời còn sống thì nghiệp tiêu, Hoặc tận, lìa khổ được vui, đã khuất thì sẽ dự vào địa vị Bất Thoái, chứng Vô Sanh Nhẫn. Đấy cũng là Tăng Na “địa ngục chưa trống, thề chẳng thành Phật” đấy chăng? Khôn ngăn hoan hỷ tán thán, thuật bày duyên khởi như thế đó.
Đầu Hạ năm Bính Tý, tức năm Dân Quốc 25 (1936), Quý Thánh Nhất kính cẩn viết lời tựa.
Duyên khởi của Địa Tạng Kinh Luân Quán Khoa Chú
Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh chính là hiếu kinh do đức Phật đã nói. Nguyên do nói kinh này là để ngăn dứt sự báng bổ sâu đậm [rằng đạo Phật] chẳng biết ân nghĩa, hòng dạy sâu xa đạo báo ân là cái gốc to tát. Vì thế, khi lửa ứng hóa của đức Phật sắp tắt, Ngài bèn lên trời Đao Lợi giảng kinh cho mẹ, khiến cho [chúng sanh] trông thấy dấu đạo ấy, chẳng phải là đã chỉ bày đại hiếu xuất thế ở ngay trong đạo Thích của chúng ta đó ư? Thừa dịp ấy, đức Phật phóng quang, triệu tập các phân thân của ngài Địa Tạng về cung trời, phô bày dáng vẻ đại hiếu. Do khi còn tu nhân, Đại Sĩ làm cô gái Bà la môn và cô Quang Mục, đều do cứu mẹ mới phát khởi hoằng thệ, đồng tâm nhất trí với tâm đức Phật. Vì thế, đức Phật nói kinh Địa Tạng Bổn Nguyện. Hãy nên biết kinh này: Trên trời Đao Lợi, đức Phật căn dặn, giao phó trời, người trong tương lai cho đức Địa Tạng, đợi tới khi ngài Di Lặc tại rừng hoa [thành Chánh Giác]. Đúng là thuyền Từ trong biển nghiệp, là bó đuốc to trong nẻo tối, là đường tắt để tiến nhập nhân thiên, là pháp môn trọng yếu để nhập Phật đạo. Vứt bỏ pháp này, sợ rằng sẽ lang thang không chốn quay về. Nay nêu tường tận nguyên do, ngõ hầu [người đọc] sẽ thấy được lẽ thật.
Tông yếu của cả bộ kinh, có thể chia đại lược thành bốn chương:
1) Trước hết là chỉ rõ đấng hóa chủ, tức là Đại Sĩ phân thân vào chốn Nê Lê, dùng lòng hiếu để giáo hóa, chủ yếu là khiến cho chúng sanh được sanh trong đường trời người.
2) Kế đó, nói rõ căn cơ được Ngài giáo hóa, tức là những kẻ phạm tội bất hiếu song thân, [bất kính] Tam Bảo, tạo ác đọa khổ.
3) Thứ ba là nói rõ cái duyên độ thoát, tức là khiến cho những ai đọc bản kinh hiếu thuận, cúng dường tượng của bậc Đại Hiếu, sẽ tạo thành cái duyên cơ cảm độ thoát.
4) Thứ tư là nêu ra cái nhân thành Phật, tức là dạy họ hãy niệm danh hiệu của bậc hiếu thuận trong nhà Phật, bố thí, thuận theo điều phước, sẽ thành tựu Vô Thượng Bồ Đề. Vì thế, kinh Phạm Võng dạy: “Thích Ca Mâu Ni Phật thành Vô Thượng Chánh Giác, đã kết quy điều đầu tiên trong Ba La Đề Mộc Xoa (giới cấm) cho hàng Bồ Tát là hiếu thuận cha mẹ, sư tăng, Tam Bảo”. Há hạnh hiếu thuận chẳng phải là phần Chánh Tông của bộ kinh này? Phần Tự nhằm dẫn nhập điều này, phần Lưu Thông nhằm lưu truyền điều này. Chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối đều tốt lành, thuần nhất vô tạp; đấy chính là bổn hoài xuất thế của đức giáo chủ, là đại sự nhân duyên của chư Phật. Không chỉ là [kinh này] có cùng công năng như kinh Pháp Hoa, mà đức còn to lớn hơn, càng khó có hơn nữa! Cớ sao pháp hóa chưa hưng thịnh mà pháp vận đã ngưng lấp. Kể từ thuở kinh được dịch từ tiếng Phạn vào đời Đường trở đi, cho tới nay, vẫn chưa được soạn tập, pháp môn rất thiếu sách vở, tiền nhân trọn chẳng quan tâm, lại là vì lẽ nào vậy?
Tôi xuất gia từ bé, chẳng được phụng dưỡng song thân. Tới lớn lo đi tham học, càng ít có dịp hỏi han, thăm viếng. Sau này, mong đón về hầu hạ, cha mẹ đã hết nghiệp, ra đi, chỉ đành buồn suông trước cảnh “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, mong phụng dưỡng mà chẳng có cách nào! Bèn vào cuối Đông năm Kỷ Mùi (1679) trong niên hiệu Khang Hy, thắp hương, biên chép kỹ càng một bộ, vào mỗi dịp Thập Trai, đắp y, kính tụng một lượt để làm kế sách to lớn hòng ngầm giúp [cho hương hồn cha mẹ], dùng đó làm thường khóa để đền đáp thâm ân. Ngay trong lúc vừa mở kinh ra, phần lớn luôn có cảm giác tươi mới tràn trề. Nay đã quá tuổi “nhĩ thuận” (sáu mươi), quang âm sắp hết, nếu chẳng ngay lập tức lập ngôn, sợ sẽ thành nguyện niệm suông! Dẫu thiếu tài viết lách, phán định cao tột, rất thiếu tinh lực và tâm tư để tận lực tìm tòi như chư tổ, nhưng đối với bộ kinh viên mãn này, đâu nỡ làm ngơ! Do vậy bèn viết phần Luân Quán để giải thích tựa đề kinh, lại còn soạn khoa chú để giải thích từng câu kinh văn. Điều chánh yếu là tỏ rõ bi tâm của đức Phật, tỏa rạng bổn nguyện của đức Địa Tạng, bù đắp sự thiếu thốn sách vở cho pháp môn này, khơi gợi lòng hiếu thảo cho hàng hậu học đó thôi! Hoàn thành bản cảo, cho khắc ván, thỉnh giáo bậc cao minh, hiềm rằng am của tôi vốn thiếu kinh điển, chẳng có người giúp sức, sao tránh khỏi chuốc tiếng chê cười “nêu một điều, thiếu sót cả vạn!” Những mong được bậc thông đạt chỉ bày cặn kẽ, rủ lòng soi xét chí hướng ngu thành của tôi. Ngưỡng mong ai nấy cùng tuân theo bổn nguyện, noi dấu độ sanh, khiến cho Phật nhật mãi treo, soi tan sự tăm tối giữa hai rặng Thiết Vi, khiến cho cửa ải tối tăm luôn mở, tiêu trừ nỗi chua xót ức kiếp chốn Nê Lê, ngõ hầu chẳng phụ tấm lòng bi hiếu của đức Phật thuyết pháp, dặn dò Đại Sĩ chốn thiên cung. Đấy chính là chỗ để chúng ta báo ân. Vì thế, trần thuật duyên khởi để trình bày đại lược đầu mối vậy.
Từ ngày thượng nguyên năm Giáp Tý cho đến ngày Phật thành đạo vào tháng Chạp năm Đinh Sửu (1697) đời Khang Hy, người nối pháp Thiên Thai Giáo Quán Chánh Tông đời thứ năm là Thanh Liên bật sô Linh Thừa soạn.