Home > Sách Phật Giáo > An-Quang-Phap-Su-Van-Sao-Tam-Bien-Bo

3. Bổ Khuyết Thư Gởi Phật Học Báo Quán (Tòa Soạn Báo Phật Học)


(tháng Chạp năm Nhâm Tý, tức năm Dân Quốc thứ hai - 1913)

Hiện thời, giấy Tây phổ biến, kẻ in sách hoặc dùng lối thạch ấn (lithography), hoặc dùng lối in typo, giá thành chẳng cao, lưu thông tiện lợi nhất. Nhưng người ta chỉ biết đến điều lợi ấy, tôi lại sợ cái hại của nó! Vì sao nói như thế? In bằng lối thạch ấn hay in typo, đều phải dùng mực in. Nếu dùng mực và giấy của nước nhà, mực loại nhẹ thì hơn hai mươi năm sau, nét chữ vẫn rõ. Nếu dùng mực đậm thì sau mười mấy năm, nét chữ sẽ phai nhạt. Nếu dùng giấy Tây, trong vòng từ ba năm đến năm năm, [sách đã in] liền trở thành giấy trắng. Bởi lẽ, giấy Tây làm từ chất xơ từ vải dơ, dùng chất thuốc tẩy trắng, cho nên nét chữ dễ bị phai. Không chỉ là in bằng loại mực nước [của phương Tây], dẫu in bằng mực Tàu hay chữ son, cũng đều chẳng lâu sau bị bay nét chữ. Tôi đã từng thí nghiệm nhiều lượt. Tháng Bảy năm ngoái, tôi được bạn bè tặng cho bộ Tam Quốc Phật Giáo Lược Sử do chùa Long Tuyền ở kinh đô in vào tháng Tư theo lối thạch ấn. Bộ này [lúc mới nhận được] nét chữ đã hơi lu mờ; đến nay, chưa đầy nửa năm, khá nhiều chỗ chỉ còn giấy trắng! Chắc hai năm nữa sẽ thành một quyển giấy trắng! Hiện thời, sách giáo khoa toàn dùng loại giấy này in theo lối thạch ấn, trong dăm ba năm, lại phải mua sách khác. Đối với các sách như Ngũ Kinh v.v… cũng có người dùng loại giấy và mực này để in. Hơn nữa, dân quê chẳng biết, nếu dùng loại giấy này để viết các loại khế ước trọng đại, chẳng quá mười năm, sẽ trọn chẳng có bằng chứng nào, chẳng biết sẽ khiến cho bao nhiêu thường dân bị oan uổng! Lại nữa, in bằng lối thạch ấn hoặc typo, bản khắc ván dần dần ít đi. Nếu nhằm lúc thời cuộc thái bình, chẳng ngại in nhiều lượt. Nếu gặp phải lúc đói kém, loạn lạc, mấy chục năm sau, chắc là sách vở bị đoạn diệt. Lại có người in kinh theo kiểu ấy, chính là do lưu thông mà khiến cho kinh điển bị diệt vong, ứng với chuyện Như Lai đã thọ ký “thời Mạt Pháp, kinh điển biến thành giấy trắng”. Đó chính là cái gốc khiến cho nước nghèo, dân hèn, diệt thánh giáo của Nho lẫn Thích; sao lại không có ai vì dân mà nghiêm cấm in sách bằng loại giấy này? Sao lại không có một ai vì đồng bào mà lo lắng hậu hoạn, luôn đăng báo khắp nơi để nêu rõ cái họa của loại giấy này?

Phật Học Tùng Báo vốn nhằm lưu thông Phật pháp, chẳng giống như các báo khác, hễ xem xong liền trở thành vật bỏ đi. Cần phải vĩnh viễn không bay nét chữ thì mới có lợi ích thật sự. Nếu chỉ vài năm đã mất sạch chữ, ắt quý vị chỉ uổng công khổ tâm, chẳng cứu nổi đêm dài hắc ám! Số báo đầu tiên nét chữ đã mờ, tôi hết sức lo âu. Muốn sao lại, nhưng thị lực chẳng đủ; muốn để đó, chỉ lo bị mòn diệt, to gan dâng lời quê kệch, mong chư quân soi xét. Khẩn cầu [chư vị hãy] lập riêng một cách thức, dùng giấy mực của nước nhà để ấn loát, ắt dăm ba năm hoặc trăm năm, vẫn có thể bảo tồn. Dẫu phí tổn tốn gấp một hai phần, nhưng lợi ích sẽ nhiều đến trăm, ngàn, vạn, ức, vô lượng vô biên lần! Hơn nữa, in chữ trên cả hai mặt giấy, nếu bị hư rách, sẽ chẳng thể tu bổ được!

Năm Quang Tự 31 (1905), tôi đến Kim Lăng Khắc Kinh Xứ , thấy bản Đại Tạng Kinh do người Nhật in vào thời ấy, bèn hỏi Dương lão cư sĩ (cư sĩ Dương Nhân Sơn): “[Bản kinh ấy in bằng] mực in ngoại quốc, hay mực Tàu?” Ông Dương nói là loại mực dầu của ngoại quốc. Lại hỏi: “Có bị bay chữ hay không?” Ông Dương đáp: “Không bay”. Nếu thật sự không bay, nếu lỡ như chẳng thể in bằng mực Tàu được, xin hãy dùng loại mực dầu ấy. Vẫn mong đem những số đã in trước đây, chọn lấy những bài trọng yếu, so sánh phân loại để in mộc bản, hoặc dùng cách in bằng lối chữ rời khác để ấn hành, lưu thông, ắt văn chương của các vị có thể tồn tại sánh cùng trời đất, các hữu tình nơi đại địa trong hiện tại lẫn vị lai sẽ cùng được lên thuyền từ phổ độ. Nếu có thể thương xót lòng ngu thành của tôi, ắt sẽ chẳng nề xả thân cúng dường.