Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Ân Oán
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Hồi xưa tất cả cỏ cây và sinh vật đều biết nghe cũng như biết nói. Con người thì có trí khôn, nên được tôn: chúa tể vạn vật. Núi rừng trùng điệp bao la, là giang sơn của Chúa Sơn Lâm. Cọp, đứng đầu trong các loài thú dữ, mà theo luật cung cầu là “Vật dưỡng nhân”. Như thường ngày, cọp nương theo đường mòn đi dọc về ngang, bất thần một hôm chui đầu vào rọ!... Chiếc bẫy rọ được giương lên, ngụy trang khéo léo của nhóm người đi săn. Bẫy sập xuống nhốt gọn Chúa Sơn Lâm. Cọp cố sức vùng vẫy, gào thét, mà không có cách nào thoát ra khỏi bẫy, đành thu mình nằm trong bẫy rọ, đầu óc Cọp hoang mang lo sợ!... Bất ngờ, nghe tiếng động, từ hướng trước mặt, Cọp giương đôi mắt nhìn.

Ô kìa... may mắn thay, bóng dáng một nhà sư, Cọp vội cất tiếng than! “Ông Sư ơi! Là người tu hành ông làm ơn làm phước cứu tôi thoát khỏi bẫy rập này, ơn đức ấy muôn đời tôi ghi nhớ!” Xúc động từ tâm, vị tu sĩ kia vội vàng mở cửa rọ cho Cọp thoát thân. Ðiều ngạc nhiên hơn, vừa thoát ra khỏi bẫy, Cọp rùng mình gầm rống lên vang dội, đôi mắt như hai tia lửa hung tợn chầm chập nhìn thẳng vào nhà sư hiền từ đức độ... Cọp hằn học căm tức lớn tiếng: Loài người các ông ác độc lắm, đánh bẫy định bắt ta ăn thịt. Nay thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng, ta phải giết ông để trả thù, xác ông là miếng mồi ngon cung cấp cho bao tử ta sau hai ngày đói khát... Nhà sư nét mặt bình thản hiền lành trả lời: Thế gian là cõi tạm, sống ở thác về, luật tạo hóa nhiệm mầu, hễ có sanh là lẽ dĩ nhiên phải có tử, nào ai lột da sống hoài mà không chết. Chết là giải thoát kiếp con người trên cõi ô trược này, có điều tôi muốn phân trần với Chúa Sơn Lâm tiếng tăm lừng lẫy lại giết chết một kẻ tu hành. Vì muốn cứu mạng sống của Chúa Sơn Lâm, kẻ này có lỗi với người thợ săn, mở bẫy thả ngài... Mai sau tôi chết rồi, những sinh vật bé nhỏ hơn nó coi thường việc đối xử hẹp hòi của Ngài, biết đâu ngài không khỏi tủi thẹn với cỏ cây sông núi...

Cọp nghe xuôi tai nên nói: Thôi được, tạm để cho ông yên, nhưng ta ra điều kiện thế này: ông cùng ta đi hỏi xem ba nhân chứng khác nhau. Nếu cả 3 mà đồng ý: “Loài người các ông ác” thì tôi xẻ xác ông, ông có chịu không?... Nhà sư Đáp: Mô Phật, tôi xin bằng lòng...

Ðầu tiên, gặp trâu đang ăn cỏ. Cọp cất tiếng Hỏi: Trâu ơi! Ta hỏi câu này, loài người hiền hay ác, Trâu trả lời ta nghe thử?... Trâu nói: Lòng dạ con người độc ác khó đo lường. Người bắt tôi làm lụng suốt ngày hết đi cày đến kéo xe, chở từ hột lúa cho người ăn. Tôi làm thì nhiều mà người bố thí cho một mớ rơm khô để ăn đắp đổi sống qua ngày. Ðến khi kiệt sức còn da bọc xương người không thương, tham lợi bán tôi cho lò thịt. Nơi đây tôi chịu cực hình đau đớn họ lóc từng miếng thịt để chia nhau ăn, thậm chí đến tấm da người đem dóng giày bịt trống. Loài người quá ác độc nhẫn tâm... Ðến lượt thứ hai, gặp cây me, Cọp Hỏi: Me ơi! Ta muốn biết tiếng nói chân thật của me, mi thấy loài người Hiền hay Ác? –Suy nghĩ giây lâu cây me trả lời: Loài người Ác Thiện lẫn lộn. Khi tôi còn bé, người vun phân tưới nước tôi đến tươi tốt trưởng thành. Những tưởng khi lớn lên trả trái cho người để đền đáp ơn săn sóc. Khổ thay, trái chưa kịp chín đến thời kỳ cung cấp, người trèo lên bẻ đại bức càn để ăn tươi nuốt sống, làm cho thân xác ủ ê lá rụng, cành gãy!... Suy đi tính lại, loài người Thiện ít, mà Ác lại nhiều hơn.

Ðến nhân chứng cuối cùng. Cọp gặp chú khỉ con... Vì khiếp oai Cọp nên Khỉ thập thò nhìn lén!... Cọp gọi khỉ lại, hỏi y như hai câu hỏi lần trước, chú khỉ nhíu mày, nét mặt nhăn nheo khó nghĩ!... Hồi lâu Khỉ trả lời: Việc đời khó đo lường, mà cũng khó nói, trời đất đang yên lặng nhưng bỗng đâu chốc lát giông gió nổi lên, lòng dạ người ta vô cùng khó hiểu. Nhưng tôi muốn biết vì sao Chúa Sơn Lâm lại hỏi tôi câu này? Khỉ hỏi ngược lại, Cọp bèn thuật lại việc bị mắc rọ cho khỉ nghe, chăm chú nghe xong câu chuyện Khỉ Đáp: Vừa nghe ngài kể là một việc, còn sự thật có hay không lại là một việc khác. Vì đầu óc non nớt của tôi, khi nào thấy được tận mắt tôi mới tin là sự thật. Cọp gầm lên: chú Khỉ không tin thì leo lên lưng ta cõng chú đến đó cách đây một dặm đường. Khỉ bằng lòng theo Cọp cùng vị Sư.

Tại đây Cọp chỉ vào bẫy rọ phân trần với Khỉ. Lúc đó ta bị kẹt trong ấy! Khỉ Hỏi: Rồi làm sao mà ngài ra được? Cọp trả lời: Chú mày ngu quá. Lúc ấy cái nắp bẫy được giương lên. Khỉ gật đầu ra điều hiểu biết: Bây giờ đâu ngài làm lại tôi xem nắp bẫy sập ra làm sao? Muốn cho Khỉ thấy tận tường, Cọp nhờ nhà sư dở nắp bẫy lên, đoạn chui vào bẫy rọ. Nắp sụp lại! Khổ thay, Cọp bị mắc lừa chú Khỉ con bé nhỏ kia... Sự việc xảy ra y như lúc Cọp vừa mắc bẫy, Khỉ nhìn về nhà Sư Hỏi: Còn nhà Sư lúc đó ở đâu? Cọp cướp lời: ông từ hướng trước kia đi lại. Nghe xong Khỉ nói: Giờ đây sự thật đã hiển nhiên rồi, thì giờ rất quí báu. Bậc tu hành thì đường thẳng ông cứ việc đi, xem như chẳng có việc gì xảy ra, lo chi thêm nhiều phiền lụy!... Hướng về phía Cọp, Khỉ nói: Phần tôi nhỏ bé lại yếu đuối, không giải quyết được việc gì, phiền Chúa Sơn Lâm chờ dịp may khác, biết đâu lại cũng có người đến cứu ông. Tôi cầu mong trời đất phò hộ ông nhiều sức lực để đương đầu với sư tử, mãng xà, kiếu ông, tôi xin tạm biệt!... Cọp nghe xong nổi giận gầm vang rền cả núi rừng. Mặt trời vừa chen lặn, trả về núi rừng một vẻ âm u.

HUỲNH VĂN BỘ

“Bóng ai bỗng hiện trên non vắng

Lửng thửng trên đồi một vị sư

Ta gắng hỏi sư, sư chẳng đoái

Mắt nhìn mây trắng vẫn trầm tư”.

 

 



Từ Ngữ Phật Học Trong: Ân Oán