Home > Giới Luật > Sa-Di-Thap-Gioi-Oai-Nghi-Luc-Yeu

Tập 1


Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa

Kính chào chư vị đại đức tỳ kheo, chư vị sa di, chư vị cư sĩ tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Mời để tay xuống.

Hôm nay là buổi học đầu tiên trong kỳ an cư kiết hạ tại chùa Giác Nguyên, chúng tôi sẽ cùng mọi người học tập bộ “Sa di thập giới oai nghi lục yếu” do đại sư Ngẫu Ích biên soạn. Đây là một khóa trình mà người xuất gia nhất định phải tu học, người tại gia cũng có thể học tập theo.

Bất luận là xuất gia hay tại gia, học Phật thì nhất định phải lấy việc liễu sanh tử, thành Phật đạo làm mục tiêu tu hành của chúng ta. Nguyên nhân căn bản của sanh tử luân hồi chính là những kiến tư phiền não tham, sân, si v.v.. Mục đích của giới luật chính là đối trị kiến tư phiền não của chúng ta, cho nên tu hành thì nhất định phải bắt đầu từ trì giới trước. Cư sĩ tại gia trì giữ chính là năm giới. Năm giới là nhân của trời người, nhưng muốn ngay trong đời này có thể liễu thoát sanh tử thì cư sĩ trì giữ năm giới vẫn chưa đủ, bát quan trai giới mới là nhân thật sự để ngay đời này giải thoát khỏi luân hồi. Bởi vì trong bát quan trai giới có đoạn dâm, đây là nguyên nhân trực tiếp để đoạn trừ gốc rễ của sanh tử. Người xưa nói rằng: “Ái không nặng không sanh Ta bà, niệm không nhất không sanh Tịnh độ”. Muốn vãng sanh Tịnh độ thì phải thật sự phát tâm xuất ly, đoạn trừ gốc rễ ái dục sanh tử. Người xuất gia ít nhất phải trì giữ 10 giới sa di.

Nội dung của 10 giới sa di trên căn bản là giống với nội dung trong bát quan trai giới của cư sĩ, chỉ nhiều hơn một điều là “không cầm giữ tiền bạc vật báu”. Người tại gia thì không cần phải giữ điều giới không cầm giữ tiền bạc này, người xuất gia thì phải giữ giới này, còn có đoạn dâm trong năm giới, và không ăn phi thời, tức là trì ngọ, v.v.. Lại còn không ca múa, biểu diễn nghệ thuật và không đi nghe xem, không đeo tràng hoa thơm, và thoa ướp dầu thơm lên thân, không nằm ngồi trên giường cao rộng, những giới điều này, bát quan trai giới hoàn toàn giống với giới sa di. Cho nên “Sa di thập giới oai nghi lục yếu”, người xuất gia, tại gia đều có thể học tập, hơn nữa đều nên học tập, làm thành một tiêu chuẩn rất quan trọng trong việc trì giới của chúng ta.

Nếu xuất gia rồi mà ngay đến giới sa di chúng ta cũng không làm được, vậy thì thật sự là hổ thẹn với chiếc áo cà sa mà mình mặc, thế nhưng hiện nay Phật pháp suy tàn, người thành tựu vô cùng ít ỏi, nguyên nhân chủ yếu chính là do giới luật đã suy vi và bị lơi lỏng. Chúng xuất gia không cần nói đến 250 giới của tỳ kheo mà ngay đến 10 giới của sa di, người có thể trì giữ được cũng không nhiều. Kỳ thực đạo tràng ở đây của chúng ta yêu cầu không cao, chỉ yêu cầu mọi người giữ tốt giới sa di. Đây là cái gốc thứ tư mà lão hòa thượng đã nhấn mạnh, cư sĩ cũng có thể học tập. Có không ít cư sĩ cũng phát nguyện cả đời trì bát quan trai giới, đây chính là người xuất gia tại gia. Điều này vô cùng khó được.

Thật sự thực hành được 4 cái gốc thì mới không cô phụ ân Phật đà, ân sư trưởng, ân cha mẹ, ân chúng sanh. Trong “Phạm Võng Bồ tát giới bổn” có điều giới thứ 43 là “khinh cấu tội” nói rằng: “Nếu người, do tín tâm mà xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại cố ý khởi tâm hủy phạm Thánh giới, thì không được thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được đi trên đất của quốc vương, không được uống nước của quốc vương, có năm nghìn Đại Quỷ luôn đứng chắn trước mặt người đó mà nói rằng: tên đại tặc. Khi đi vào trong phòng nhà thành ấp gò mả, các Quỷ thường theo quét sạch dấu chân của người ấy. Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sanh mắt đều không muốn nhìn đến người ấy. Người phạm giới, chẳng khác nào loài súc sanh, một khúc gỗ”. Những lời giáo huấn này, chúng ta nghe rồi thật sự cảm thấy rất kinh hoàng khiếp sợ. Nếu chúng ta không cố gắng trì giữ giới luật thì tội nghiệp này rất nặng, cho nên xuất gia là sự nghiệp của một bậc đại trượng phu, muốn làm một tấm gương tốt cho trời người thì phải cố gắng trì giới, bao gồm tất cả các oai nghi chúng ta đều phải thọ trì, như vậy thì thật sự có thể được gọi là đại trượng phu, đại anh hùng, có thể thọ lãnh sự cúng dường của trời, người.

Trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ thế này, nói rằng: “Nếu có người không biết pháp xuất gia, vui thích sanh tử, không cầu giải thoát, Bồ tát thị hiện xả vương vị tiền tài, làm người xuất gia cầu tịch tĩnh. Chúng sanh bị ngũ dục trói buộc chẳng thể xuất gia, vì muốn họ được giải thoát, Bồ tát thị hiện chán ghét cảnh ngũ dục, nên xuất gia cầu giải thoát”. Kinh Hoa Nghiêm có nhiều chỗ nói đến tầm quan trọng của việc trì giới. Ở đây cũng nhắc nhở chúng xuất gia chúng ta, nếu có người không biết pháp xuất gia mà ưa thích sanh tử luân hồi, tham đắm hưởng thụ năm dục sáu trần, không cầu giải thoát, những người như vậy, Bồ tát nhìn thấy sanh tâm thương xót, cho nên thị hiện xả bỏ vương vị tiền tài. Nếu họ là quốc vương thì sẽ xả bỏ vương vị, như Thích ca Mâu ni Phật năm xưa là thái tử đã xả bỏ quốc vị, hết thảy tài phú, quyến thuộc đều xả bỏ. “Làm người xuất gia cầu tịch tĩnh”, thị hiện xuất gia, biểu diễn cho hết thảy chúng sanh mê hoặc điên đảo trên thế gian xem, khơi gợi dẫn dắt họ rằng, tham đắm năm dục sáu trần, tạo sanh tử luân hồi, đến cuối cùng đạt được chỉ là khổ, còn Bồ tát xuất gia là cầu niềm vui tịch tĩnh. Tịch tĩnh chính là niềm vui Niết bàn, không có phiền não, đây chính là Niết bàn.Chúng sanh bị năm dục trói buộc không thể lìa khỏi gia đình, không thể rời nhà bỏ dục, cho nên Bồ tát phải thị hiện vì lý do muốn chúng sanh được giải thoát nên phải thị hiện không vui, không ưa thích khi ở trong cảnh giới ngũ dục. Xả bỏ sạch sẽ năm dục là tài, sắc, danh, ăn, ngủ này.

Tài thì một xu tiền cũng không chạm đến, không nắm giữ, không tích trữ. Sắc thì hoàn toàn đoạn trừ sắc dục, cả đời tu Phạm hạnh. Danh thì đem tất cả danh văn lợi dưỡng của thế gian đều xả bỏ hết, người xuất gia lấy việc ôm bát đi khất thực làm chánh mạng, ôm bát đi khất thực chính là làm ăn xin, đây là địa vị nghèo khổ nhất ở thế gian, ngủ dưới gốc cây một đêm, giữa ngày ăn một bữa, đem dục vọng ăn ngủ hoàn toàn hạ xuống mức thấp nhất, đây chính là không ưa thích ở trong ngũ dục. Thị hiện rằng hưởng niềm vui của ngũ dục ví như liếm mật trên lưỡi dao vậy, khi trên con dao đó có mật, bạn cảm thấy rất ngọt, dùng lưỡi liếm một cái, xong rồi, vẫn chưa nếm được vị ngọt gì thì lưỡi đã bị cắt đứt rồi. Niềm vui của ngũ dục chính là như vậy, mà chúng sanh thì khăng khăng mê hoặc điên đảo, dính mắc sâu vào trong đó, không thể xả ly, cho nên Bồ tát bèn “xuất gia cầu giải thoát”. Đây chính là thị hiện cho chúng sanh xem. Bồ tát thị hiện chính là làm trái ngược với chúng sanh. Bạn tham chấp cái gì thì tôi xả bỏ cái đó, bạn cho là vui thì ngược lại tôi không cần. Bạn cho là khổ thì tôi rất vui vẻ đi tu hành, lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Đây chính là tự độ độ người, cho nên xuất gia trì giới làm sao có thể xem là Tiểu thừa được chứ? Bản thân [việc này] chính là Bồ tát Đại thừa thị hiện. Cho nên sau khi xuất gia trước tiên phải lấy sa di thập giới oai nghi để yêu cầu bản thân, đoạn trừ các loại tập khí ô nhiễm của thế gian, gọi là thay da đổi thịt, siêu phàm thoát tục, cho nên chúng ta phải nghiêm túc học tập “Sa di thập giới oai nghi lục yếu”. Có lẽ rất nhiều đại đức tỳ kheo chúng ta trong giai đoạn sa di đều không nghiêm túc học tập. Không có nền tảng này mà muốn giữ tốt giới tỳ kheo, thậm chí muốn từ giới đắc định, từ định khai tuệ thì rất khó. Do đó chúng ta cũng cần bổ túc môn học này.

Môn học này năm 2012, tại chùa Viên Minh ở Hồng Kông, tức là chùa của ân sư thế độ của Định Hoằng là trưởng lão thượng Sướng hạ Hoài đã tổ chức trại hè học Phật cho thanh niên, trong đó có không ít người xuất gia ngắn hạn, tôi đã giảng qua bộ “Sa di thập giới oai nghi lục yếu” này. Lúc đó giảng tương đối cạn, lúc đó chủ yếu là kết hợp với văn hóa truyền thống, Đệ Tử Quy để giảng. Kỳ thực giới sa di chính là Đệ Tử Quy của người xuất gia. Hiện nay trải qua 3 năm chuyên học giới, tôi giảng giải lại bộ trước tác này thì tâm đắc thể hội khác hẳn ngày trước, cho nên lần giảng giải học tập này chúng ta sẽ tập trung vào các phương diện giới tướng: trì, phạm, sám hối v.v. của giới luật.

Trước tiên chúng ta nói về do đâu mà có sa di. Ban đầu Phật chỉ độ tỳ kheo, truyền giới cho tỳ kheo, tăng đoàn dần dần lớn mạnh lên, số lượng tăng chúng nhiều rồi. Có một lần đức Phật quan sát thấy người con trai của ngài trước đây khi còn tại gia là La hầu la nhân duyên đã chín muồi, cho nên ngài căn dặn tôn giả Mục kiền liên rằng: “Bây giờ ông hãy đến thành Ca tỳ la để gặp cha của ta và di mẫu Ba xà ba đề của ta, còn có vua Hộc phạn chú thứ ba của ta nữa, sau đó ông có thể khuyên nhủ họ, và bảo họ đến thuyết phục mẹ của La hầu la là Gia du đà la, để cô ấy có thể cắt ái lìa thân cho La hầu la xuất gia để tu học thánh đạo”. Tôn giả Mục kiền liên nhận lệnh của đức Phật đến nước Ca tỳ la, lần lượt thuật lại, trình bày rõ với họ, và muốn đi gặp Gia du đà la, tức là mẹ của La hầu la.

Lúc đó Gia du đà la nghe nói đức Phật sai sứ giả đến yêu cầu con trai của bà xuất gia, bà vô cùng buồn khổ, rất sầu não, bèn sai vệ sĩ trong cung đình đóng tất cả cửa lại, không cho tôn giả vào. Kết quả ngài Đại Mục kiền liên đến ngoài cửa cung không vào được, bèn dùng sức thần thông bay lên trên lầu cao. Gia du đà la vừa nhìn thấy tôn giả Mục kiền liên oai nghi trang nghiêm, hơn nữa có thần thông quảng đại, nhất định là một bậc thánh giả, cho nên lập tức lễ bái và mời tôn giả Mục kiền liên ngồi, sau đó hỏi thăm về Thế Tôn: “Thế Tôn có phải là ít bệnh ít phiền não không? Giáo hóa chúng sanh có mệt nhọc không? Lần này tôn giả đến có mục đích gì?”

Tôn giả Mục kiền liên bèn nói: “Thái tử La hầu la đã 9 tuổi rồi, nên để cho ngài xuất gia đi tu học thánh đạo. Hết thảy ân ái không bao lâu rồi đều sẽ lụi tàn, khi nghiệp báo đến thì mỗi người đều đến chỗ khổ vui riêng của họ, tùy theo nghiệp ác, nghiệp thiện mà luân chuyển trong sáu đường của tam giới. Mặc dù con trai ở bên mẹ vô cùng thân thiết, nhưng chuyện sanh tử thì không cách nào thay thế được, mỗi người đi một con đường riêng. Nếu thái tử có thể tu học thánh đạo, tương lai thành tựu rồi thì có thể độ hóa cho mẹ”. Tôn giả Mục kiền liên dùng mọi lý lẽ để khuyên nhủ, nhưng Gia du đà la thì vô cùng đau buồn khổ não, thậm chí oán hận, vô cùng cố chấp không chịu tiếp nhận sự giáo hóa của tôn giả Mục kiền liên. Cuối cùng tôn giả Mục kiền liên đành cáo lui. Sau đó ngài lại đến nói với quốc vương và phu nhân Ba xà ba đề, tức là dì của Phật, nhiều lần đến khuyên bảo thuyết phục Gia du đà la, nhưng Gia du đà la vẫn cố chấp, không chịu nghe theo.

Đây đều là Bồ tát đến thị hiện, biểu diễn những trạng thái thông thường của chúng sanh chúng ta, những trường hợp này mãi đến hiện nay đều vẫn còn, cha mẹ không chịu để con cái đi xuất gia. Kỳ thực lúc đó Thế Tôn sớm đã hiểu rõ sự tình này rồi, ngài liền phái người biến hóa dùng thần thông hóa hiện thành một người, ở trên không trung nói với Gia du đà la: “Gia du đà la, cô còn nhớ lời thệ nguyện trong đời quá khứ của cô không? Trong đời quá khứ khi tôi hành Bồ tát đạo dùng 500 đồng tiền vàng, mua được 5 bông hoa sen từ chỗ cô để cúng dường Phật Định Quang. Lúc đó cô đã xin tôi đời đời sanh ra đều làm vợ chồng. Tôi không muốn tiếp nhận, bèn nói với cô rằng: “Tôi hành Bồ tát đạo là hạnh nguyện của lũy kiếp bố thí hết thảy, cô không được làm trái ý nguyện của tôi, nếu cô có thể làm được thì tôi đồng ý để cô làm vợ của tôi”. Sau khi cô nghe xong bèn lập thệ nguyện rằng: “Nguyện đời đời sanh ra đều tuỳ thuận theo chàng bố thí tất cả đất nước thành ấp vợ con và cả thân thể của tôi, phát nguyện này rồi tuyệt đối không có tâm hối hận”. Người biến hóa nói với Gia du đà la rằng: “Quá khứ cô đã phát thệ nguyện như vậy, vì sao bây giờ còn tiếc nuối La hầu la, không cho cậu bé đi xuất gia tu học thánh đạo?”

Gia du đà la nghe lời khai thị của người biến hóa, do có Phật lực gia trì nên cô chợt sáng tỏ thông suốt nhân duyên trong đời quá khứ, giống như tức thời có túc mạng thông, có thể nhớ được những sự việc trong quá khứ rất rõ ràng, giống như chuyện xảy ra ngày hôm qua vậy, thế là tình chấp thương con liền tự nhiên biến mất, cô bèn thỉnh tôn giả Mục kiền liên đến, sám hối với ngài, đồng thời nắm tay La hầu la, dặn dò phó thác cho tôn giả Mục kiền liên, yêu cầu La hầu la theo tôn giả đến chỗ Phật xuất gia.

Mẹ con li biệt, đương nhiên là khóc lóc nức nở, mẹ con đều rất đau khổ, rơi lệ đau thương. La hầu la cũng rất hiếu thuận, đã quỳ xuống trước mặt mẹ nói rằng: “Mẹ à, mẹ đừng đau buồn, con đi bái kiến phụ vương, thỉnh an Thế Tôn xong, không lâu sau sẽ quay về gặp lại mẹ”, trẻ nhỏ mà, ngài đã nói như vậy, kết quả vua Tịnh Phạn đã sắp xếp chính thức đưa La hầu la đến chỗ Thế Tôn xuất gia. Vua Tịnh Phạn lại triệu tập tất cả quý tộc trong nước đến, nói với họ rằng: “Bây giờ tiểu vương tử phải đến chỗ Thế Tôn để xuất gia, các ông cũng nên cử một người con trai của các ông đi để làm bạn đồng hành, cùng La hầu la xuất gia”.Vậy là tất cả đại thần chỉ còn cách tuân theo mệnh lệnh của vua đưa con trai mình đi, tổng cộng có 50 người, 50 người con cùng La hầu la đến chỗ Phật. Phật bảo ngài Xá lợi phất làm hòa thượng thế độ, ngài Mục kiền liên làm a xà lê, cạo tóc xuất gia cho La hầu la, truyền tam quy thập giới cho ngài, độ ngài làm sa di. Ngài chính là thủy tổ của các sa di, vị sa di đầu tiên trên thế gian đã xuất hiện rồi.

Cũng có người sẽ hỏi: “Vì sao Phật không đích thân thế độ cho La hầu la mà bảo ngài Xá lợi phất làm hòa thượng chứ?” Căn cứ theo câu trả lời của luật sư Quảng Hóa, thì đó là vì Phật là Phật bảo, Xá lợi phất, Mục kiền liên là tăng bảo. Tam bảo Phật pháp tăng đều có địa vị riêng, không thể hỗn loạn được, cho nên độ sa di, bao gồm cả việc truyền tam quy ngũ giới cho cư sĩ v.v., Phật đều sai tăng chúng đi làm, Phật không đích thân làm. Song những người thọ tam quy ngũ giới này, hoặc là sa di thọ tam quy thập giới, họ đắc được giới thể đều là từ trong tam quy y mà đắc được giới, cũng chính là quy y Phật bảo, pháp bảo, tăng bảo, phải có đầy đủ tam bảo thì mới có thể đắc giới, không thể chỉ quy y một bảo hoặc là quy y hai bảo, phải đầy đủ tam bảo thì mới có thể đắc giới. Cho nên sa di là bắt đầu từ ngài La hầu la.

Hình thức của sa di có ba loại, căn cứ theo độ tuổi, thực chất và giới thể của họ có thể chia làm ba loại. Loại thứ nhất gọi là “khu ô sa di”, ô chính là con quạ, nguồn gốc của danh từ này là đối với những chú sa di nhỏ tuổi, độ tuổi từ 7 đến 13 tuổi, đây là nói tuổi mụ, tuổi tây là 6 tuổi đến 12 tuổi, ở chỗ chúng ta có một người, loại người này bởi vì tuổi còn quá nhỏ, không thể làm được các công việc khác, ở trong tăng đoàn được sai bảo vệ giữ gìn ngũ cốc lúa gạo cho đại chúng tăng. Khi những con quạ, những loài chim đến ăn thì những chú sa di này ra đuổi chúng đi, cho nên gọi là “khu ô sa di”, đồng thời cũng không được để những con chim này hót quá lớn tiếng, quấy nhiễu các vị sư phụ tu thiền, có trường hợp như vậy cũng phải đuổi chúng đi. Cho nên, họ chỉ có thể làm được những công việc nhẹ nhàng như vậy, do đó gọi là khu ô sa di, tóm lại là có thể phục vụ cho tăng đoàn, không thể ngồi hưởng thụ đồ của tín thí, uổng phí thời gian được. Tóm lại họ phải tu phước này thì mới có thể tiếp nhận đồ của đàn việt cúng dường.

Ngoài ra, hạng sa di thứ hai gọi là “ứng pháp sa di”, ứng pháp sa di là từ 14 tuổi đến 19 tuổi. Tuổi của họ thật sự có thể ứng pháp rồi, cũng tức là họ có thể: thứ nhất là phụng sự sư trưởng lao động phục dịch, có thể phụng sự cho sư trưởng mà chấp tác lao động, phục vụ cho tăng đoàn, phục vụ cho tỳ kheo rồi. Thứ hai họ có thể tu tập thiền tụng, tu tập thiền định, đọc tụng kinh sách, bởi vì những người trẻ từ 14 tuổi đến 19 tuổi thì sức ghi nhớ của họ rất tốt, cho nên có thể học thuộc sách, lúc này những sách nên học thuộc thì đều phải học thuộc hết. Ở đây chúng ta yêu cầu sa di đều phải học thuộc năm thời công khóa, còn có “Sa di thập giới oai nghi lục yếu”, “Phạm Võng Bồ tát giới”, “Di giáo tam kinh” đều phải học thuộc, nhưng hiện nay dường như vẫn chưa làm được. Việc này cần phải cố gắng hơn nữa. Đây gọi là ứng pháp sa di.

Thứ ba gọi là “danh tự sa di”, danh tự sa di là chỉ người từ 20 tuổi đến 70 tuổi. Trong giới luật yêu cầu người đủ 20 tuổi thì nên đi thọ giới cụ túc, nhưng hạng người này có thể vì căn tánh tương đối ngu độn, hoặc là xuất gia khi tuổi tương đối lớn vẫn đang trong thời gian sát hạch của tăng đoàn, cho nên họ vẫn chưa thể đi thọ giới cụ túc, tức là giới tỳ kheo. Cho nên, dù tuổi của họ đã có thể đăng đàn thọ giới cụ túc, nhưng vẫn ở vị trí sa di, do đó gọi là danh tự sa di.

Đây là chia theo phẩm bậc, theo độ tuổi, để chỉ ba loại sa di này.

Giả dụ đã thọ mười giới sa di rồi. Từ giới thể mà nói thì họ đã đắc được giới thể của 10 giới sa di rồi, người như vậy gọi là “pháp đồng sa di”. Nếu như chỉ cạo tóc mà chưa đi thọ 10 giới, tức là trên thể thì vẫn là bạch y, nhưng trên hình tướng thì là hình tướng của sa di, tướng xuất gia, người như vậy gọi là “hình đồng sa di”. Hiện nay ở đại lục chúng ta, bao gồm cả nước ngoài cũng như vậy, trường hợp này rất nhiều, tức là trường hợp hình đồng sa di rất nhiều. Trên cơ bản người muốn xuất gia thì đều xuống tóc trước, sau đó đợi tương lai khi thọ giới cụ túc sẽ thọ giới trong ba đàn liên tiếp: đàn sa di, đàn tỳ kheo, sau đó lại thọ giới Bồ tát, đây gọi là Tam đàn đại giới.

Liên quan đến điều này, luật sư Quảng Hóa đặc biệt chỉ ra rằng: làm như vậy trên thực tế là đã mất đi thứ lớp, không cách gì kiểm tra đánh giá được giới hạnh của người xuất gia, không hợp với điều Phật chế. Nói cách khác, điều này không thể như pháp như luật, như vậy sẽ khiến bên trong cửa Phật vàng thau lẫn lộn. Đây là quan điểm của luật sư Quảng Hóa. Ngài cũng là một bậc Thái Sơn Bắc Đẩu về luật học trong thời cận đại của chúng ta. Trước tác của ngài bao gồm “Sa di luật nghi yếu lược tập chú”, còn có “Tứ phần luật tỳ kheo giới bổn giảng nghĩa”, những trước tác này đều được lưu thông vô cùng rộng. Ngài cũng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Trước đây hòa thượng Quả Thanh, vị y chỉ luật sư của chúng tôi cũng từng thường thân cận ngài. Luật sư Quảng Hóa nói, ngài hy vọng sau này các vị tăng ni tinh thông giới luật hãy dẫn đầu sửa lại điều sai lầm này, nghĩa là đừng chỉ có xuống tóc rồi không thọ 10 giới sa di mà nên sau khi xuống tóc xong ngay hôm đó lập tức thọ 10 giới sa di. Ân sư xuống tóc có thể là hòa thượng truyền 10 giới sa di, rồi thỉnh một vị giáo thọ a xà lê, hai vị tỳ kheo thì có thể truyền giới sa di rồi. Nghi thức truyền giới này, hiện nay đều có sẵn rồi, có thể trực tiếp làm được, đừng chỉ cạo tóc mà không thọ giới. Bởi vì sau khi thọ giới sẽ có giới thể, vậy thì có thể phòng lỗi ngăn ác một cách tự nhiên, đối với việc tu hành của họ sẽ có sự trợ giúp lớn.

Sau khi nói xong điều này, chúng tôi sẽ có một đoạn giải thích rõ lời nói đầu. Chúng tôi dùng bộ “Sa di luật nghi yếu lược” của đại sư Liên Trì, phần đầu có một đoạn vô cùng hay, có thể làm thành lời nói đầu của chúng ta. Đại sư Liên Trì và đại sư Ngẫu Ích cùng là tổ sư của Tịnh tông, một vị là tổ thứ tám, một vị là tổ thứ chín, nhưng hai ngài đều vô cùng xem trọng giới luật, cho nên sách về giới sa di của hai ngài đều lưu thông vô cùng rộng. Chúng tôi chọn dùng bộ của đại sư Ngẫu Ích, song bộ của đại sư Liên Trì cũng rất đáng để tham khảo. Mọi người nghiên cứu học tập giới luật sa di không ngại thì cũng có thể tham khảo bộ “Sa di luật nghi yếu lược” của đại sư Liên Trì. Luật sư Hoằng Tán triều nhà Thanh có một bản chú giải gọi là “Tăng chú”, luật sư Quảng Hóa có một bản “Tập chú”, đều là những chú giải vô cùng hay.

Tôi dùng văn bạch thoại để nói rõ ý của đại sư Liên Trì với mọi người trước: “Phật chế định cho người xuất gia, năm hạ đầu phải chuyên tinh giới luật, sau năm hạ mới cho nghe kinh giáo, tham thiền”. Đây là quy định của Thế Tôn chế định người xuất gia năm hạ đầu đều phải chuyên tinh giới luật, đặc biệt là tỳ kheo. Tỳ kheo sau khi thọ giới xong thì phải học giới trong năm hạ. Hạ là chỉ cho an cư kiết hạ, giống như sáng hôm qua chúng ta đã chính thức tác pháp an cư kiết hạ, cho đến sáng ngày 16 tháng 7 khi minh tướng xuất hiện thì mới giải hạ. Đây mới gọi là một hạ, liên tục năm năm đều phải an cư kiết hạ, đều học tập giới luật, đây là do Phật chế định. Sau năm hạ mới có thể nghe giáo, tham thiền. Học giáo là tinh chuyên các kinh luận, tham thiền thì nỗ lực dụng công trên hành môn. Đương nhiên nghe kinh giáo và tham thiền không thể tách ra. Đại sư Ngẫu Ích đặc biệt nhấn mạnh người tham thiền thì nhất định phải nghe kinh giáo, giải hành đều xem trọng. Niệm Phật cũng thuộc về tham thiền, trong kinh Đại Tập nói: “Niệm Phật là thiền vô thượng thâm diệu”. Chúng ta tham là thiền vô thượng thâm diệu, cho nên thật sự muốn dụng công trên giải môn, hành môn thì trước tiên phải đặt nền tảng 5 năm, đừng cho rằng như vậy là lãng phí thời gian, điều này tuyệt đối không phải lãng phí thời gian. Điều này giúp bạn có thể vững vàng tiến bước, tương lai bạn tu hành, mới có thể thật sự thành tựu định tuệ, cũng đừng cho rằng hiện nay tuổi tác tôi lớn rồi không còn thời gian học nữa, không còn thời gian học nữa thì bạn hà tất phải xuất gia làm gì? Đã xuất gia rồi, hơn nữa thọ giới làm tỳ kheo rồi, vậy thì phải làm việc của tỳ kheo, làm tròn bổn phận của tỳ kheo, bằng không chúng ta tiếp nhận những lợi dưỡng của tỳ kheo, nhưng lại không làm bổn phận của tỳ kheo. Như vậy không gọi là đôn luân tận phận, mà đây gọi là uổng phí nhận đồ của tín thí, chẳng bằng không xuất gia thì tốt hơn.

Khi xưa ngài Hiếp Tôn giả 80 tuổi mới bắt đầu học tập Tam tạng, dụng công tinh tấn đều có thể thông đạt. Hiện nay nếu chúng ta vẫn chưa đến 80 tuổi thì vẫn còn thời gian. Cho nên điều này tuyệt đối không phải là lãng phí thời gian, mà chắc chắn có thể giúp bạn vãng sanh, là một tăng thượng duyên rất tốt cho việc niệm Phật vãng sanh. A di đà Phật sẽ không vì bạn học giới mà không đến đón bạn, không phải như vậy, mà do: “Giới là gốc của vô thượng Bồ đề, phải trì đầy đủ tịnh giới. Nếu có thể trì đầy đủ tịnh giới thì hết thảy các đức Như Lai đều tán thán”. A di đà Phật nhất định sẽ tán thán bạn, cho nên nhất định sẽ đến tiếp dẫn bạn. Cuối cùng bạn không có thời gian niệm Phật nữa, niệm một tiếng Phật hiệu đều có thể vãng sanh. Nhưng nếu không cố gắng trì giới mà nói niệm Phật, nói thật niệm Phật tuyệt đối không thanh tịnh, bởi vì các giới đều không trì thì ác nghiệp sẽ không thể dừng lại, ác nghiệp không thể dừng lại vậy thì thân khẩu ý của chúng ta làm sao có thể thanh tịnh được? Niệm Phật làm sao có thể thanh tịnh được? Như vậy thì không tương ưng. Những điều này đại sư Ngẫu Ích đều có những bài luận bàn phân tích rất tường tận, nói đến “trì giới niệm Phật vốn là một môn, tịnh giới là nhân, Tịnh độ là quả”. Người học luật tinh chuyên nhất định có thể vãng sanh bậc thượng phẩm. Đây đều là những lời khai thị của đại sư Ngẫu Ích. Ngài là tổ sư của Tịnh độ tông, đây tuyệt đối là tri kiến của Phật, nên chúng ta có thể tín nhận phụng hành.

Cho nên sa di cạo tóc rồi thì trước tiên phải thọ 10 giới, kế đến giáo dục sa di hoàn thành rồi thì mới đăng đàn thọ cụ túc giới. Nếu đối với giới pháp của sa di đều mù mịt không biết gì, hoặc là ngạo mạn không chịu học tập thì đây gọi là đốt cháy giai đoạn. Đốt cháy giai đoạn là học không theo thứ tự, học sẽ không có thành tựu. Cho nên mặc dù là chí hướng cao xa nhưng cũng là nói thì hay mà làm thì dở, tu hành cuối cùng đều biến thành xây lầu các trên không trung. Điều này khiến người ta vô cùng cảm khái. Cho nên trong kinh Phật Tạng, đây là một bộ kinh điển, trong đó nói rằng nếu “người không học Tiểu thừa trước rồi sau học Đại thừa thì không phải đệ tử của Phật”. Nếu không học tập giới pháp Tiểu thừa, không học những giới luật này trước, mà đốt cháy giai đoạn nhảy thẳng đến những kinh luận Đại thừa, thì Phật nói những người này không phải đệ tử của Phật, không phải đệ tử Phật mà chính là đệ tử của ma vương ngoại đạo, điều này rất đáng sợ.

Phía sau của “Sa di thập giới oai nghi lục yếu”, đại sư Ngẫu Ích có một phần phụ lục, phần phụ lục này là trích dẫn kinh điển nói rõ tầm quan trọng của việc trước học Tiểu thừa rồi sau mới học Đại thừa. Tiểu thừa chính là nền tảng của Đại thừa, hơn nữa kỳ thực ngay bản thân Tiểu thừa cũng chính là Đại thừa. Học kinh Pháp Hoa thì sẽ biết kỳ thực Phật chỉ nói pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba, nói hai thừa, ba thừa đều là nói pháp phương tiện. Cho nên, nói Tiểu thừa kỳ thực mục đích chính là giúp bạn nâng cao lên đến Đại thừa. Cho nên, ngay nơi thể của pháp Tiểu thừa chính là pháp Đại thừa. Chúng ta dùng tâm đại Bồ đề để trì giữ luật nghi của Tiểu thừa, thì luật nghi Tiểu thừa chính là luật nghi giới trong tam tụ tịnh giới của Bồ tát, đó chính là giới Đại thừa. Cho nên Tiểu thừa, Đại thừa không phải luận ở trên pháp, mà luận nơi tâm của bạn. Bạn phát tâm Tiểu thừa mà học kinh Hoa Nghiêm thì cũng là pháp Tiểu thừa. Bạn phát tâm đại Bồ đề mà học giới sa di, học kinh A hàm thì cũng là pháp Đại thừa. Chúng ta nhất định phải có quan điểm này. Đây là quan điểm của Viên giáo, không phải phân biệt từ trên pháp, pháp là bình đẳng, không có cao thấp.

Cho nên, người có tâm tốt xuất gia thì phải “hết lòng tuân hành, thận trọng chớ phạm”. Đây là lời dặn dò của đại sư Liên Trì. Thế nào gọi là “tâm tốt xuất gia”? Chúng ta có phải là người có tâm tốt mà xuất gia hay không? Căn cứ theo “Tập chú” của luật sư Quảng Hóa nói rằng: Người có tâm tốt xuất gia tức là không phải dựa vào Phật để sống qua ngày, mà là người chân thật phát tâm vì trên cầu Phật đạo, hoằng pháp lợi sanh mà xuất gia. Đây đều là tâm tốt mà xuất gia. Trước tiên bản thân chúng ta phải kiểm điểm xem tâm của chúng ta có phải tâm tốt hay không. Nếu có chút tà vạy, thiên lệch thì nhanh chóng sửa đổi lại. Động cơ xuất gia phải thuần chánh, tôi đến cửa Phật không phải chỉ vì mưu sinh kiếm ăn, dựa vào Phật để kiếm sống, nhờ cậy vào cửa Phật, trong cửa Phật có lợi dưỡng. Bạn xem không phải lao động, lại không cần làm việc, mỗi ngày có người cúng dường quần áo ăn uống cư trú đi lại, tứ sự cúng dường, còn có rất nhiều người tặng phong bì. Khi tặng phong bì còn rất cung kính, trước tiên đảnh lễ rồi mới cúng dường, đối với cha của họ đều không như vậy, nhưng đối với chúng ta đều có thể như vậy. Nếu tham muốn những thứ này thì rất phiền phức, tương lai thật sự đều như các bậc cổ đức nói: “Trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Điều này không phải là lời hù dọa người, đây là sự thực, có câu: “Một hạt gạo thí chủ, nặng như núi Tu di; đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả”. Đời này là trai chủ, đời sau chính là chủ nợ, thật đáng sợ. Cho nên, chúng ta phải cố gắng trì giới mới không cô phụ tâm tốt xuất gia của chúng ta.

Đại sư Liên Trì nói giới sa di này: “Gần là bậc thềm của giới tỳ kheo, xa là căn bản của giới Bồ tát, từ giới sanh định, từ định phát tuệ, như vậy thì gần như đã thành tựu thánh đạo rồi, không cô phụ chí hướng xuất gia”. Gần là bậc thềm của giới tỳ kheo, xuất gia trước tiên phải thọ giới sa di, ít nhất phải có một khoảng thời gianrèn luyện ở trong tăng đoàn, thông qua khảo nghiệm ở trong tăng đoàn rồi, thấy họ có thể đã đủ tư cách thọ giới tỳ kheo thì mới có thể thọ giới tỳ kheo. Nếu rất tùy tiện, giai đoạn sa di không rèn luyện tốt mà thọ giới tỳ kheo thì chỉ lấy được danh phận này thôi, trên thực tế ngược lại trở thành chướng ngại trong việc tu đạo của chúng ta, do bị đốt cháy giai đoạn. Cho nên, đại sư Liên Trì khuyên chúng ta phải theo thứ lớp mà tu hành, gọi là leo lên cao thì phải trèo từ chỗ thấp. Bạn trèo lên chỗ cao thì nhất định phải từ chỗ thấp từ từ mà trèo lên, cho nên gọi là bậc thềm của giới tỳ kheo. Bạn không có bậc thềm này mà bạn muốn trèo lên cao thì không trèo được. Đây là nói gần, bởi vì giới tỳ kheo và giới sa di đều thuộc về giới Thanh văn, đây là nói gần.

Giới Bồ tát gọi là xa, xa chính là nói đến Phật quả cứu cánh, không phải là tỉ dụ về Hóa Thành 300 dặm. Giống như trên kinh Pháp Hoa nói Niết bàn của Tiểu thừa chỉ là đến Hóa Thành 300 dặm, bạn dừng lại ở đó, không chịu cầu Phật quả, vậy thì không được. Nhất định phải đến thành Đại niết bàn cuối cùng thì mới gọi là cứu cánh, cho nên mục đích, mục tiêu của giới Bồ tát chính là cầu quả Phật vô thượng, cho nên gọi là xa, vậy nên giới sa di có thể là căn bản của giới Bồ tát. Nếu không cố gắng trì giữ giới sa di thì không những giới tỳ kheo không cách gì giữ tốt, mà giới Bồ tát càng không làm được, cho nên phải từ giới sanh định, từ định phát tuệ, có giới rồi thì định tuệ mới có căn bản, như vậy thì gần như có thể thành tựu thánh đạo rồi, không cô phụ chí nguyện, tâm tốt ban đầu khi chúng ta xuất gia.

Tiếp theo chúng tôi sẽ chính thức giải thích bộ “Sa di thập giới oai nghi lục yếu” của đại sư Ngẫu Ích với mọi người. Trong bộ trước tác này, đại sư Ngẫu Ích có một lời nói đầu, cũng nói vô cùng hay. Trước tiên chúng ta nói qua về đoạn lời nói đầu này rồi mới chính thức giảng “Sa di thập giới oai nghi lục yếu”. Chúng ta xem sách:

“Người xuất gia thọ 10 giới gọi là sa di. Trung Hoa dịch là tức từ. Nghĩa là dứt trừ tình nhiễm của thế gian, lấy lòng từ để cứu độ chúng sanh. Lại nói, mới bước vào Phật pháp còn nhiều tình cảm trần tục, nên cần phải dứt ác hành từ. Đường Tam Tạng gọi là thất lợi ma na lộ ca, Trung Hoa dịch là cần sách nam. Ký Quy Truyền nói: thọ mười giới rồi gọi là thất la mạt ni, dịch là “cầu tịch”.

Chúng ta giảng giải đoạn này trước.

“Xuất gia thọ mười giới”, thì gọi là sa di. Mười giới của sa di, kỳ thực mọi người chúng ta đều biết các giới điều này. Ngoài năm giới “giết trộm dâm dối rượu” ở phía trước ra, thì còn có không đeo tràng hoa thơm, không thoa dầu thơm lên thân; không ca múa, biểu diễn nghệ thuật và không đi nghe xem; không nằm ngồi trên giường cao rộng lớn; không ăn phi thời; còn có không cầm giữ kim loại quý vàng bạc vật báu. Đây gọi là ý nghĩa của sa di, cho nên thọ giới thể của mười giới thì chính là sa di.

Sa di dịch thành tiếng Hoa, căn cứ theo đại sư Ngẫu Ích thì đây là từ tiếng Phạn phiên dịch thành, nhưng bị truyền sai, gọi là ngoa lược, ngoa nghĩa là sai, lược tức là tỉnh lược đi rất nhiều âm của nó, cho nên cuối cùng không giống như âm cổ, âm tiếng Phạn nữa, lại không phải là tiếng Hoa, nhưng vì làm theo truyền thống cũ, cho nên gọi là sa di. Dịch thành tiếng Hoa nghĩa là “tức từ”. Nghĩa của tức từ, tức nghĩa là dứt trừ tình nhiễm của thế gian, từ nghĩa là từ bi cứu độ chúng sanh. Vì sao nói phải dứt trừ tình nhiễm của thế gian? Chính là diệt trừ năm dục sáu trần, những chấp trước ô nhiễm của thế gian. Bởi vì phàm phu chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay bị vô minh phiền não che lấp chân như bổn tánh của chúng ta, cho nên sanh ra nhiều loại vọng tưởng mà phan duyên theo cảnh giới năm dục sáu trần ở bên ngoài, khiến tâm chúng ta đắm nhiễm năm dục của thế gian, năm dục là “tài, sắc, danh, ăn, ngủ”. sáu trần chính là chỉ “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Bởi vì nhiễm trước cho nên thân khẩu ý tạo tác nhiều điều bất thiện. Nếu khởi nhiều phiền não tham sân si nghiêm trọng thì tương lai nhất định sẽ cảm lấy khổ báo ở tam đồ. Ví dụ người tham dục nặng thì tương lai sẽ chiêu cảm đường ngạ quỷ. Người tâm sân giận nặng tương lai chiêu cảm đường địa ngục, người tâm ngu si nặng, không hiểu rõ lý sự, mơ mơ hồ hồ, hạng người này tương lai chiêu cảm đường súc sanh. Ba đường ác tuy rằng trên nghiệp nhân đều có các loại phiền não, nhưng có một thứ rất nặng. Vậy bản thân chúng ta có thể quán chiếu, bản thân chúng ta tương lai sẽ đi vào đường nào, xem bản thân có phiền não nào nặng nhất, giới luật chính là giúp chúng ta diệt trừ những tập khí phiền não này, cho nên người có thể trì giới thì ít nhất sẽ không đọa vào ba đường ác. Bản thân diệt trừ được những tình nhiễm thế gian này, tức là đắm nhiễm năm dục sáu trần, còn phải phát khởi tâm xuất ly, đoạn trừ những tập khí ác của sáu đường, thì có thể ra khỏi tam giới, chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, có thể cố gắng trì giới, đoạn ác tu thiện thì vãng sanh sẽ ít chướng ngại. Ví dụ thân khẩu ý không thanh tịnh thì chướng ngại vãng sanh sẽ lớn, cho nên trì giới là trợ hạnh quan trọng nhất của việc vãng sanh Tịnh độ.

Không những bản thân phải diệt trừ những phiền não tham sân si mà còn phải từ tế quần sanh, từ bi làm lợi ích và cứu giúp chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh cũng đoạn ác tu thiện. không những giúp chúng sanh thoát ly tam giới lục đạo mà còn phải giúp chúng sanh viên mãn lục độ vạn hạnh, đi thẳng đến Bảo Sở 500 dặm, chứ không dừng lại ở Hóa Thành 300 dặm. Nói cách khác, phải giúp chúng sanh chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Phật thì mới gọi là rốt ráo, giúp chúng sanh đến địa vị thành Phật thì mới gọi là rốt ráo, cho nên sa di là có hàm nghĩa như vậy, tức là độ mình độ người, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, điều này sa di đều phải làm, cho nên đừng xem sa di là Tiểu thừa. Chúng ta thật sự có thể làm được như vậy thì rất cừ khôi rồi, phải làm Bồ tát sa di.

Lại nói, trong lời nói đầu nói “mới bước vào Phật pháp”, tức là vừa mới xuất gia, vào trong cửa tam bảo, bước vào tăng đoàn “còn nhiều tình cảm trần tục”, có rất nhiều tập khí trần tục ô nhiễm của thế gian, phải đem những tập khí này gọt dũa hết, cho nên phải “dứt ác hành từ”. Làm sa di thì trước tiên phải đào thải hết những tập khí trần tục của thế gian này đi, thông qua việc tu tập giới luật thì có thể thay da đổi thịt làm bậc thầy mô phạm của trời người. Cho nên phải đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, độ hết thảy chúng sanh, chính là ý nghĩa của việc dứt ác hành từ, cho nên chúng ta thọ mười giới sa di, bao gồm cả cư sĩ thọ năm giới, bát quan trai giới, và tỳ kheo thọ giới cụ túc, đều phải duyên cảnh phát tâm quán tưởng, duyên niệm thập phương thế giới, thập pháp giới, hết thảy chúng sanh hữu tình và vô tình, phát đại tâm Bồ đề, độ hết thảy chúng sanh, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, độ hết thảy chúng sanh, nguyện hết thảy chúng sanh đều được thành Phật. Đây chính là ý nghĩa của dứt ác hành từ, ở trong tâm đại Bồ đề này đắc được giới thể, cho nên giới thể sa di, thể của nó chính là giới thể của giới Bồ tát . Điểm này chúng ta đều phải hiểu rõ.

Giới thể là tùy theo tâm của bạn, không phải luận ở trên giới tướng. Bạn phát tâm Bồ đề rộng lớn thì bạn thọ năm giới, bát quan trai giới, giới sa di, giới tỳ kheo hết thảy đều là giới thể của Bồ tát, nhưng do đây là thọ pháp của Thanh văn, nên chúng ta nương theo pháp của Thanh văn để trì giữ, gọi là “thọ tùy tương ứng”. Thọ pháp này là pháp của Thanh văn, căn cứ theo pháp của Thanh văn mà thọ giới. Ví dụ nói tỳ kheo, hiện nay chúng ta đều lấy Luật Tứ Phần, có 10 vị thầy làm pháp “bạch tứ yết ma” để thọ giới. Đây là dùng pháp của Luật Tứ Phần, thọ giới pháp Thanh văn, nhưng giới thể mà bạn đắc vẫn là giới thể trong giới Bồ tát. Nhiếp luật nghi giới trong giới Bồ tát, nhiếp luật nghi giới trong Tam tụ tịnh giới đương nhiên cũng bao gồm nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới ở trong đó. Vậy chúng ta làm theo mà nói thì chính là trì giữ các giới điều, là căn cứ theo giới tướng của Thanh văn để trì giữ, kỳ hạn mà chúng ta phải ước định chính là đến khi mạng chung, khác với giới Bồ tát, giới Bồ tát ước định thời gian là tận vị lai tế, giới Thanh văn mà chúng ta thọ là giới thể của Bồ tát, nhưng thời gian ước định chính là đến khi mạng chung, chỉ có điều này không giống mà thôi, những điều khác, trên thể mà nói thì chính là giới thể của Bồ tát.

Tiếp theo lại trích dẫn Đường Tam Tạng, chính là đại sư Huyền Trang. Đại sư Huyền Trang phiên dịch rất nhiều kinh điển. Ngài phiên dịch sa di thành “thất lợi ma na lộ ca”. Đây hoàn toàn là chữ Phạn, tiếng anh là sramanera, hoàn toàn tương thông với chữ Phạn, ý nghĩa chính là “cần sách nam”, phía sau sẽ nói về ý nghĩa của cần sách. Nam chính là nam chúng, sa di chính là nam chúng. Nếu là sa di ni thì là nữ chúng, phải gọi là cần sách nữ.

“Ký Quy Truyền”, đây là chỉ tác phẩm “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyền” của Nghĩa Tịnh Tam Tạng triều nhà Đường. Trong này nói “người đã thọ mười giới”, sau khi thọ mười giới sa di thì người này gọi là “thất la mạt ni”, giống với âm mà đại sư Huyền Trang phiên dịch. Đại sư Nghĩa Tịnh dịch sang tiếng Hoa là “cầu tịch”. Ý nghĩa của cầu tịch thì phía sau đại sư Ngẫu Ích cũng có nói rõ, phía sau chúng ta sẽ nói đến.Đây là một đoạn văn ngắn ở phía trước.

Tiếp theo chúng ta lại xem đại sư Ngẫu Ích giải thích:

Hai chữ sa di, thời xưa đã bị truyền sai và lược bớt âm, nhưng nay dùng ba ý nghĩa phiên dịch để giải thích. Một là tức từ, dứt kiến tư ác, tu sanh duyên từ là Tạng giáo sa di; dứt kiến tư ác, tu pháp duyên từ là Thông giáo sa di; tiếp theo là dứt tam hoặc, tu tam từ là Biệt giáo sa di; nhất tâm viên mãn, dứt tam hoặc, tu tam từ viên mãn là Viên giáo sa di.

Chúng ta xem đoạn nhỏ này trước. Đoạn nhỏ này là giải thích tên được dịch ra là “tức từ”, đoạn nhỏ thứ hai là giải thích “cần sách”, đoạn nhỏ thứ ba là giải thích “cầu tịch”, chỗ này vừa khớp với đoạn văn phía trước.

Chỗ này đại sư Ngẫu Ích giải thích là dùng bốn giáo trong tông Thiên Thai để nói, nói vô cùng viên mãn. Trong đọan văn nói hai chữ “sa di” này là cổ đức phiên dịch ra, nhưng bị truyền sai, hơn nữa đã bị lược bớt, do đó không giống với âm gốc, nhưng đã thông dụng rồi, nên chúng ta tiếp tục sử dụng. Hiện nay dùng ba ý nghĩa phiên dịch để giải thích sa di, chính là tức từ, cần sách và cầu tịch nói ở phía trước. Trước tiên giải thích “tức từ”.

Những điều này nếu như muốn học khoa phán, không ngại thì tự mình có thể làm một bảng khoa phán. Bởi vì văn ở đây rất đơn giản, muốn học tập kinh giáo thì có thể tự làm khoa phán. Căn cứ theo những tầng ý nghĩa của đại sư Ngẫu Ích thì có thể vẽ được bảng khoa phán rồi. Muốn chân thật học tập thì bản thân phải dụng công nhiều một chút, chẳng phải là mỗi ngày chỉ nghe các bài giảng một tiếng rưỡi, mà sau đó chính mình còn phải làm rất nhiều công khóa bài tập, như vậy thì bạn sẽ học được, giống như trước đây lão hòa thượng học pháp với lão giáo thọ Lý Bỉnh Nam, một tuần ngài chỉ giảng kinh một lần, giảng 45 phút, sau đó là 45 phút phiên dịch sang tiếng Đài Loan. Trước khi lão hòa thượng nghe kinh đều xem qua tất cả những chú giải ấy, sau đó lại nghe thầy giảng như thế nào, nghe ra được cửa đạo, cho nên ngài học rất thâm nhập, rất nhanh. Mặc dù thời gian nghe giảng ngắn, nhưng sau khi tan học thì thời gian làm công khóa bài tập rất nhiều, cho nên một tuần một bải giảng, ngài cảm thấy tiến độ này rất tốt. Nếu hằng ngày đều giảng thì ngài sẽ không theo kịp, không có nhiều thời gian như vậy. Đây chính là người thật sự chịu học tập, chính là như vậy, học tập thì nhất định phải tự đốc thúc mình, không thể để thầy giáo đến đốc thúc bạn được. Thầy đốc thúc bạn thì bạn sẽ không học thành tựu được. Chúng tôi đều học tập như vậy, lão hòa thượng căn bản là không đốc thúc chúng tôi. Ngài giảng kinh của ngài, còn chúng tôi tự học bài của chúng tôi, có chỗ không hiểu thì nhanh chóng đi hỏi, hoặc tự tìm chú giải. Ví dụ chúng tôi giảng giới sa di, bạn lấy tất cả những chú giải về giới sa di để xem, thư viện chỗ chúng ta có một bộ “Sa di học xứ” dày như vậy, bạn có thể xem, đây đều là những sách tham khảo rất hay cho các bạn.

Tiếp theo là nói với mọi người về bốn giáo. Bạn muốn học bốn giáo của Thiên Thai thì nội dung trong ấy cũng rất rộng lớn, không ngại thì bạn có thể xem “Thiên Thai Tứ Giáo Nghi”, có một bộ “Tập Chú”, là tập chú do đại sư Đế Nhàn viết, một bộ sách rất dày. Bạn muốn xem thì chỗ tôi có, có thể cho bạn mượn, tức là bản thân phải biết dụng công. Ở đây chúng tôi sẽ giải thích đơn giản một chút về bốn giáo của Thiên Thai. Bởi vì ở đây có nói sa di chia ra làm bốn giáo, có Tạng giáo sa di; có Thông giáo sa di; có Biệt giáo sa di; có Viên giáo sa di. Trước tiên chúng ta phải biết những danh tướng này.

Thiên Thai nói đến bốn giáo là từ đại sư Trí Giả, đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai, là người triều nhà Tùy. Ngài đã lập ra một phương pháp phán giáo. Bốn giáo ở đây phân làm hai loại, một loại gọi là hóa pháp tứ giáo, một loại gọi là hóa nghi tứ giáo. Hóa pháp tứ giáo chính là phương pháp đức Phật giáo hóa chúng sanh, giống như các vị thuốc của thế gian vậy, đại thể có thể chia ra làm bốn giáo: tạng, thông, biệt, viên, tức là nói đức Phật là đại y vương. Ngài dùng các vị thuốc khác nhau để giúp những người mắc những căn bệnh khác nhau, đối trị những chứng bệnh khác nhau. Điều này giống như những vị thuốc của thế gian vậy, gọi là hóa pháp tứ giáo. Hóa nghi tứ giáo tức là phương thức mà cả đời Như Lai xuất thế giáo hóa chúng sanh, giống như đơn thuốc của thế gian, có những đơn thuốc khác nhau, chia làm đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo và bất định giáo. Đây gọi là hóa nghi tứ giáo.

Ở đây do đại sư Ngẫu Ích không nhắc đến hóa nghi tứ giáo nên chúng tôi không giải thích nữa, chỉ giải thích hóa pháp tứ giáo là Tạng Thông Biệt Viên. Thế nào gọi là Tạng giáo? Tạng nghĩa là hàm chứa, tức là ba tạng kinh luật luận, mỗi tạng đều hàm chứa nội dung của tất cả các tạng, cho nên gọi là Tạng giáo, cũng gọi là Tam tạng giáo, tức là hàm chứa những nghĩa lý, giáo lý của ba Tạng kinh luật luận. Căn cơ mà Tạng giáo hướng đến, chính thức giáo hóa là người nhị thừa, tức là người có căn tánh Tiểu thừa, bên cạnh đó giáo hóa cả Bồ tát nữa, cho nên không thể đơn giản gọi Tạng giáo là Tiểu thừa giáo được. Bởi vì nó cũng kiêm dạy cả Bồ tát nữa, chỉ là căn tánh chúng sanh mà nó chính thức hướng đến là căn tánh Tiểu thừa. Nhưng trên thực tế, trong giáo này đầy đủ giáo pháp của ba thừa, giáo pháp của ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát đều có cả, cho nên không thể chỉ nói là Tiểu thừa giáo.

Người thuộc Tạng giáo, căn tánh của Tạng giáo tương đối chậm lụt, cho nên Phật nói pháp sanh diệt tứ đế cho người tam thừa. Tứ đế này chính là khổ tập diệt đạo. Bốn chữ này đã bao hàm hết thảy đạo lý nhân quả của thế xuất thế gian. Khổ tập là nhân quả của thế gian, diệt đạo là nhân quả của xuất thế gian. Hết thảy giáo pháp mà Phật nói đều có thể quy nạp thành tứ đế: khổ tập diệt đạo, không chỉ là Tiểu thừa mà Đại thừa cũng là tứ đế. Căn tánh chúng sanh Tạng giáo tương đối chậm lụt, cho nên Phật nói với họ về tứ đế sanh diệt. Tứ đế cũng có bốn cách nói: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Điều này chúng ta để đến buổi học sau sẽ nói rõ.

Người thuộc Tạng giáo dùng “tích không quán” để đoạn kiến tư phiền não. Phật dạy họ “tích không”, nghĩa là phân tích, hết thảy vạn pháp đều có thể phân tích đến cuối cùng là không, giống như khoa học hiện nay trên cơ bản người có căn tánh này, họ phát hiện ra tất cả vật chất đều là do hạt cơ bản tổ hợp thành. Năm trước đã phát hiện có nguyên tử. Hiện nay sớm đã phát hiện ra nguyên tử không phải là hạt nhỏ nhất, trong đó có hạt nhân nguyên tử và các electron. Trong hạt nhân nguyên tử có proton và neutron. Hiện nay phát hiện electron cũng không phải hạt nhỏ nhất, còn có neutrino, đại khái là bằng một phần 10 tỷ electron. Hiện nay lại phát hiện, phát hiện đến cuối cùng tất cả các hạt đều do sóng tạo thành. Sóng không phải là vật chất, các nhà khoa học gọi là dao động, đây gọi là lý thuyết dây, giống như dây đàn rung động mà gảy ra nốt nhạc vậy. Hạt chính là vật chất, là do rung động mà sanh ra, giống như dây đàn rung động mà sanh ra nốt nhạc vậy. Cho nên, tất cả vũ trụ vạn vật, tất cả vật chất phân tích đến cuối cùng chỉ là rung động, là không, không có vật chất. Đây gọi là “tích không quán”, phân tích đến cuối cùng thì phát hiện ra vốn dĩ không có vật chất, sắc tức là không, sắc pháp chính là vật chất đều là không, đương nhiên thọ tưởng hành thức, những thứ này gọi là năm ấm, thân tâm cuối cùng đều quy về không, như vậy thì có thể đoạn trừ kiến tư phiền não.

Hết thảy đã là không thì bạn phiền não cái gì chứ? Không có gì đáng phiền não cả, bạn tham cái gì? Bạn giận cái gì? Bạn đối lập với ai? Đều là không, cho nên không có phiền não. Không có phiền não nữa thì có thể vào vô dư Niết bàn, gọi là thân tâm đều được diệt tận, năm ấm diệt tận, không còn dư sót nữa, điều này gọi là đốt nhục thân thành tro, dứt bặt tâm trí, cũng gọi là “khôi thân diệt trí”, mọi thứ đều là không rồi thì đây gọi là Niết bàn. Điều này thuộc về người căn tánh Tạng giáo, Phật dùng cách “tích không quán” giúp họ phân tích, tất cả mọi thứ đều là không, cuối cùng khiến họ đoạn kiến tư phiền não, nhập vào vô dư Niết bàn.

Vâng hôm nay thời gian đã hết rồi, trong bốn giáo chúng tôi chỉ giới thiệu đơn giản loại thứ nhất, ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục nói rõ với mọi người. Hôm nay giảng có chỗ nào không được thỏa đáng xin mọi người phê bình sửa sai nhiều giúp tôi, cảm ơn mọi người!

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tập 1

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Tổng Quan Về Giới Luật, Hòa Thượng Thích Nhất Chân
2.    Luật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Phước Sơn
3.    Sa Di Ni Kinh Luật, Khuyết Danh, Việt Dịch
4.    Tứ Phần Luật Quyển 1, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
5.    Tứ Phần Luật Quyển 2, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
6.    Tứ Phần Luật Quyển 3, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
7.    Tứ Phần Luật Quyển 4, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
8.    Tứ Phần Luật Quyển 5, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
9.    Tứ Phần Luật Quyển 6, Tỳ Kheo Thích Nguyên Chứng | Hòa Thượng Thích Đức Thắng, Việt Dịch
10.    Luật Ma Ha Tăng Kỳ, Tam tạng Phật-đà Bạt-đà-la và Sa-môn Pháp Hiển | Hòa Thượng Thích Phước Sơn, Việt Dịch
11.    Luật Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma, Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh | Hòa Thượng Thích Đổng Minh, Việt Dịch
12.    Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Hàm Chú Giới Bổn, Đại Sư Đạo Tuyên | Thích Thọ Phước, Việt Dịch
13.    Tưởng Niệm Hòa Thượng Luật Sư Thích Đổng Minh Tôn Sư, Nhiều Tác Giả
14.    Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần, Tỳ Kheo Thích Giới Bổn | Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Việt Dịch
15.    Sa Di Luật Nghi Yếu Lược, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
16.    Từ Điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam, Sa Môn Thích Hạnh Thành
17.    Sa Di Luật Giải Trọn Bộ 2 Quyển, Đại Sư Châu Hoằng | Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Việt Dịch
18.    Cương Yếu Giới Luật, Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Ni Sư Thích Nữ Tuệ Đăng, Việt Dịch