Ổn thỏa nhất là những gì cần làm cho Tỷ kheo giới và Tỷ kheo ni giới thì nên làm chung. Nhưng làm cho Tỷ kheo giới rồi tôi mới phát nguyện làm cho Tỷ kheo ni giới. Do đó, Tỷ kheo ni giới không có một ít điều tôi đã làm cho Tỷ kheo giới. Ngay lời ghi này cũng vậy. Những gì cần ghi, tôi đã ghi bên Tỷ kheo giới. Luật không ngăn cản Tỷ kheo coi Tỷ kheo ni giới hay ngăn cản Tỷ kheo ni coi Tỷ kheo giới. Vậy những gì bên Tỷ kheo giới, chư vị Tỷ kheo ni có thể thẩm cứu.
Dầu vậy, ở đây tôi muốn ghi về sự ăn thịt cá mà Tỷ kheo ni giới không dịch lược đi được. Mở rộng vấn đề một chút là nói về sự ăn chay ăn mặn.
Nguyên thỉ Phật giáo mà cái này mới chắc là nguyên thỉ thì "tùy thí tùy thực" (cho gì ăn nấy). Nếu tôi nhớ không lầm, thì trước thời Phật, các triết gia U pa ni sát đã ăn chay. Và ăn một cách nghiêm khắc, cái ăn đó có gây phiền phức. Cái ăn đó là một cực đoan. Rồi khi chống lại Phật, muốn lập Phật giáo riêng, Ðề bà đạt đa (Devadatta) đưa ra 5 sự, trong đó "thứ 5 là suốt đời không ăn thịt cá máu mỡ bơ sữa" (Bà sa 116, Phật học đại từ điển trang 533 dẫn). Thế đó lại càng là cực đoan. Bây giờ ta giả thiết bên ăn chay đòi cho được đồ chay, bên ăn mặn đòi cho được đồ mặn, thì thế chính là cực đoan, gây bao phiền phức cho người cho.
Phật không như vậy. Phật thì tăng ni đến gần giờ ăn mới đi khất thực. Khất thực thì ngay bữa ăn của người cho, họ bớt ra mà cúng dường. Bữa ăn của họ có gì, họ cúng dường cũng cái đó. Khất thực không đòi cho được đồ chay hay đồ mặn. Do vậy mà trong luật mới có giới điều nói về sự ăn cá thịt.
Ðại thừa thì khác. Hãy gác vấn đề đại thừa có phải cũng là Phật giáo nguyên thỉ không, chỉ nói đại thừa cấm tuyệt sự ăn mọi thứ thịt, với ý thức ăn thịt là phản Phật tánh, là phi từ bi. Và sự cấm ăn thịt này thực sự tuyệt đối, cấm như sắc lịnh là bởi Lương vũ đế. Ngày nay nói Phật giáo là nói ăn chay. Ăn có thịt cá trở thành lạ lùng, khó nghe và khó coi.
Ghi như trên đây là để giải thích sự ăn có cá thịt trong Luật, cho thấy Phật tử phải ăn chay là vì sao.
Mười hai tháng 5, PL 2537 (TL 1993)
Trí Quang