Phật Học Vấn Đáp


Vị pháp sư đó nói đã tới Tịnh Độ Tây Phương rồi. có đúng như vậy không?
Vị Pháp sư đó nói rằng đã nhiều lần đến Tịnh Độ Tây Phương, cảm nhận sâu sắc chỗ vi diệu tinh túy của bổn nguyện Di Đà, “pháp tiếp dẫn” mà vị Pháp sư đó ngộ được, có thể khiến cho ức ức người vãng sanh, xin hỏi thật có người thần thông như vậy không ạ? Có thể tin được không? Vãng sanh như vậy liệu có nắm chắc được hơn không?

8/14/2022 7:55:13 AM

Tôi chưa từng nghe thấy, tôi chỉ thấy ở trong chú giải, là “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Tứ Thiếp Sớ”, là trong Chú sớ của Đại Sư Thiện Đạo. Có một cách nói Đại Sư Thiện Đạo là A Di Đà Phật tái lai, cách nói này ở Hàn Quốc, ở Nhật Bản đều biết, khi chúng tôi đến tham quan Nhật Bản, người Nhật Bản từng nói với tôi. Đại Sư Thiện Đạo ở trong “Tứ Thiếp Sớ” dạy chúng ta, người thực sự nhất tâm quy mạng Tịnh Độ thì nhất định không thay đổi phương hướng, mục tiêu, bạn tiếp nhận pháp môn này rồi thì thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Ngài nói có A La Hán đến nói với bạn, A La Hán chứng quả rồi, A La Hán nói: tôi có pháp môn tốt hơn, còn nhanh chóng hơn pháp môn này, anh có muốn học không? Người tín tâm kiên cố thì “Cảm ơn A La Hán, con học pháp môn này là được rồi, con không muốn thay đổi nữa”. Ngài nói lại có một Bồ Tát đến, còn cao minh hơn nhiều so với A La Hán, Bồ Tát đích thân truyền cho bạn một Pháp môn tốt, nhanh hơn so với niệm Phật cũng không tiếp nhận. Đến sau cùng nói Thích Ca Mâu Ni Phật đến cũng không tiếp nhận, A Di Đà Phật đến thì nói với A Di Đà Phật: “Con vẫn giữ được Pháp môn của mình, một mực niệm đến cùng”. Đây gọi là tín tâm kiên cố, đây gọi là người chân thật niệm Phật. Chính là đích thân Phật đến nói với bạn, ta có pháp môn tốt thù thắng hơn, nhanh hơn so với pháp môn này, cũng không thay đổi. Các vị hãy xem trong “Tứ Thiếp Sớ”, Ngài đưa ra mấy trường hợp, nói rõ người như thế nào mới là người chân niệm Phật, nhất định được vãng sanh Tịnh Độ.

Đại sư Ngẫu Ích ở trong “Yếu Giải” đã nói hai câu, nói được vô cùng hay, Đại sư Ấn Quang tán thán rằng, “Cho dù A Di Đà Phật tái lai giảng “Kinh Di Đà” cũng không thể vượt hơn của Ngài”. Đây là tán thán đến chỗ cùng cực. Đại sư Ngẫu Ích nói pháp môn Tịnh Độ có thể vãng sanh được hay không là nằm ở chỗ có Tín nguyện hay không. Chân tín thiết nguyện, người này nhất định vãng sanh. Phẩm vị cao hay thấp ở công phu trì danh sâu hay cạn, công phu niệm Phật bình thường của bạn sâu hay cạn, đó là đến Thế giới Cực Lạc phẩm vị cao hay thấp không như nhau. Nhất định được vãng sanh, có tín, có nguyện thì nhất định được vãng sanh. Chỉ sợ tín nguyện đó của bạn là giả, làm sao lại là giả? Gặp được danh văn lợi dưỡng thì hồ đồ, tâm thay đổi, tâm cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc dừng lại, đây chính là giả, không phải thật. Cho nên người thật sự niệm Phật, vào thời xưa môi trường bên ngoài cũng là trợ duyên, nhất định là khổ hạnh, nhất định là buông xuống vạn duyên. Thật đúng là nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì, đem thời gian thảy đều dùng vào niệm Phật, đó gọi là chân thật niệm Phật.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Tịnh Độ        Vãng Sanh        Nguyện        Tây Phương       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật