Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Khai-Thi-Di-Da-Thap-Niem-Tat-Sanh-Nguyen

Nguyện Thứ Mười Tám Thập Niệm Tất Sanh Nguyện


Tập 1

Trì Giới Là Gốc,
Tịnh Độ Là Nơi Trở Về,
Quán Tâm Là Điều Quan Trọng,
Bạn Lành Là Nơi Nương Tựa.

Chúng ta cùng nhau chắp tay cung kính niệm Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật và khai Kinh kệ.

Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật (3 lần)

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu.
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.
Con nay nghe được chuyên trì tụng.
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Kính thưa các vị Pháp sư, các vị Thiện tri thức, Hội trưởng Ngô của chúng ta và Ban cán sự của Học Hội, xin chào mọi người. (Đại chúng: A di đà Phật). Xin bỏ tay xuống.

Hôm nay, Định Hoằng rất hoan hỷ, một lần nữa nhận lời mời của Tịnh Tông Học Hội Lục Hòa, để chia sẻ sự tâm đắc trong việc tu học với các vị Thiện tri thức. Ba năm trước, Định Hoằng được sự sắp xếp từ bi của ân sư Tịnh Không đến Đài Loan để học Giới, dưới tòa của Luật sư thượng Quả hạ Thanh, dặn dò Định Hoằng phải học ba năm. Thời gian trôi qua rất nhanh. Bây giờ việc học tập đã hoàn thành. Tất nhiên việc theo Luật sư Quả Thanh học Giới đã hoàn thành rồi. Nhưng sau này Định Hoằng vẫn sẽ tiếp tục học Giới, khởi đầu việc hoằng dương Giới Luật. Đại sư Từ Châu đã nói rằng: “Không học Giới, không biết đi đứng. Không học Kinh luận, không biết nói năng”. Câu này được sửa đổi một chút từ nguyên văn của Khổng Tử, đây là câu nói trong Luận Ngữ: “Không học Lễ, không biết đi đứng. Không học Kinh Thi, không biết nói năng”. Lễ mà trong Phật pháp nói đến, trên thực tế là Giới.

Giới và Lễ khác nhau, Lễ là pháp thế gian. Mục đích của nó là có thể làm hài hòa mối quan hệ giữa người với người. Vậy còn Giới? Mục đích là bản thân phải đoạn phiền não. Do Giới được Định, do Định khai Huệ. Khai sáng trí huệ vô lậu thì có thể đoạn trừ Kiến Tư phiền não và cả Trần Sa phiền não, Vô Minh phiền não, để rốt ráo thành Phật.

Tất nhiên, trong Phật pháp cũng có rất nhiều oai nghi rất giống với Lễ của nhà Nho. Không phải chỉ học Giới, mà còn phải học Kinh luận. Bản thân hiểu rõ được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, phải chia sẻ với đại chúng. Cho nên từ nay về sau, Định Hoằng sẽ chính thức bước trên con đường tu hành hoằng pháp tự lợi lợi tha để báo đáp ơn Phật, ơn Thầy. Khóa cuối cùng khi học Giới, Hòa thượng Quả Thanh sắp xếp cho Định Hoằng vào quan phòng Di đà mà trước kia Ngài đã bế quan để niệm Phật chín mươi ngày. Đây là lần thể nghiệm đầu tiên của Định Hoằng bế quan thời gian dài như vậy. Ngày đêm niệm ít nhất trên một trăm ngàn câu Phật hiệu, tổng cộng chín mươi ngày, viên mãn mười triệu câu Phật hiệu. Bản thân cũng mong muốn đem công đức niệm Phật chín mươi ngày này hồi hướng cho lão ân sư Tịnh Không tôn kính. Bởi vì năm nay lão ân sư sắp đại thọ chín mươi rồi.

Trước đây, cư sĩ Bành Tế Thanh, khi cha của ông vãng sanh, cư sĩ Bành đã niệm mười triệu câu Phật hiệu cho cha của mình, điều này có ghi chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Bản thân tôi cũng noi theo tiên hiền, đem công đức niệm Phật của mình hồi hướng cho ân sư, cho cha mẹ. Tất nhiên bao gồm tất cả những vị Thiện tri thức hộ trì cho tôi. Trong chín mươi ngày niệm Phật để thâm nhập và lãnh hội pháp môn Tịnh Độ. Sự lãnh hội này không chỉ là sự lãnh hội trên lời nói và văn tự mà là sự lãnh hội trong thật tu. Niệm từng câu từng câu Phật hiệu như vậy, được chín mươi ngày là một việc không hề dễ dàng. Đối với phàm phu nghiệp chướng sâu dày như tôi mà nói, thật sự không dễ dàng. Có lẽ với mọi người thì không hẳn như vậy.

Sau chín mươi ngày dụng công niệm Phật, đối với pháp môn Tịnh Độ, đối với Kinh Vô Lượng Thọ, quả thực tôi đã nâng cao được sự nhận thức lên rất nhiều. Lòng tin đối với việc niệm Phật vãng sanh Tây Phương cũng hơn nhiều so với ngày xưa. Lần này Hội trưởng Ngô đã thành khẩn mời Định Hoằng trước khi rời khỏi Đài Loan, nhất định phải đến đây kết pháp duyên với mọi người thêm lần nữa. Trên mặt đạo nghĩa, tôi không thể từ chối, tôi đem sự tâm đắc trong việc tu học khi bản thân bế quan để cúng dường cho mọi người.

Chúng tôi chỉ nói về nguyện thứ mười tám của A di đà Phật. Kinh Vô Lượng Thọ là đại Kinh của Tịnh tông, là tổng cương lĩnh của Tịnh tông. Bộ Kinh này đã nói rõ toàn bộ nguyên lý vãng sanh, đặc biệt là tôn sùng pháp môn trì danh niệm Phật. Pháp môn niệm Phật có rất nhiều phương pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm, quý vị xem Tỳ kheo Cát Tường Vân đã nói hai mươi mốt phương pháp niệm Phật. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có bốn phương pháp niệm Phật. Trì danh là phương pháp niệm Phật đơn giản nhất, trực tiếp nhất, phương tiện nhất. Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói rất rõ ràng trong bốn mươi tám phẩm của Kinh Vô Lượng Thọ. Trong bốn mươi tám phẩm của bản hội tập thì phẩm nào quan trọng nhất? Đó chính là phẩm thứ sáu. Phẩm thứ sáu, “Phát Đại Thệ Nguyện”, nói đến bốn mươi tám đại nguyện của Phật A di đà. Cả Tịnh Tông xây dựng trên nền tảng bốn mươi tám đại nguyện của Di đà. Pháp môn Tịnh tông, chính là từ Di đà đại nguyện mà lưu xuất ra.

Trong bốn mươi tám nguyện, Đại sư Thiện Đạo đã đưa ra năm nguyện chân thật. Mà trong năm nguyện chân thật, nguyện thứ mười tám là nguyện chân thật trong chân thật. Đây chính là “Thập Niệm Tất Sanh Nguyện”. Vậy thì “Thập Niệm Tất Sanh Nguyện” trên thực tế đã nói rất đầy đủ về nguyên lý, phương pháp tu học của Tịnh Độ tông. Cho nên tôi ở trong quan phòng, vừa niệm Phật, vừa lãnh ngộ sự vi diệu của đại nguyện thứ mười tám này, thật sự rất là thù thắng.

Trước đây tôi không thể lãnh hội sâu sắc như vậy. Do đó tín nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thật ra trong đó có rất nhiều mức độ. Thật sự có thể thâm nhập lãnh hội nguyện này rồi thì tín nguyện vãng sanh của quý vị kiên cố không dao động. Như Đại sư Ngẫu Ích nói rằng: “Vạn ngưu mạc vãn”, một vạn con trâu cũng không thể kéo bạn trở lại. Cho nên hai tiết học hôm nay, chúng ta thâm nhập để phân tích đại nguyện thứ mười tám này. Đừng xem nguyện này chỉ đơn giản có vài câu, nhưng ý nghĩa và đạo lý sâu rộng vô cùng. Hiểu rõ cái lý này rồi, rõ lý thì tin sâu, nguyện thiết thì hành chuyên. Vậy thì công phu niệm Phật của quý vị tự nhiên đắc lực.

Trước tiên, chúng ta đọc nguyện thứ mười tám. Những vị thuộc thì cùng nhau đọc, không thuộc thì nghe.

“Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác. Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”.

(Khi con thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe danh hiệu con, hết lòng tin ưa, tất cả căn lành tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi nước con, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, thề không thành Chánh Giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp)

Xem ra mọi người đều thuộc Kinh Vô Lượng Thọ, rất nhiều người có thể đọc. Chúng ta bắt đầu giải thích và phân tích lời nguyện này một chút, và kết hợp với sự lãnh hội của bản thân tôi về niệm Phật để nói rõ với mọi người. Phật A di đà phát lời nguyện, “Ngã tác Phật thời”, Ta thành Phật rồi, phải như thế nào? “Thập phương chúng sanh” đã bao gồm tất cả chúng sanh ở cõi nước của chư Phật trong mười phương pháp giới, thế giới Ta bà cũng nằm trong đó. Chúng sanh này đã bao gồm chúng sanh trong mười pháp giới, ngay cả chúng sanh ở cõi địa ngục, cho đến Phật trong mười pháp giới. Phật trong mười pháp giới, trên thực tế vẫn chưa hoàn toàn trở thành vị Phật thật sự. Dùng giáo nghĩa của Thiên Thai để nhận định, họ là Tương Tự Tức Phật, vẫn chưa vào quả vị Phần Chứng. Trên thực tế, vào quả vị Phần Chứng là họ thành Phật rồi nhưng vẫn chưa viên mãn. Họ là Phật thật, không phải Phật giả, gọi là Đồng Sanh Tánh, đều là Pháp thân Đại Sĩ.

Pháp thân Đại Sĩ có bốn mươi hai cấp bậc: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác. Đến Diệu Giác mới là vị Phật viên mãn. Bốn mươi mốt cấp bậc phía trước đều không phải là Phật viên mãn, là Phần Chứng Phật. Giống như mặt trăng, mặt trăng ngày rằm, đó là vị Phật cứu cánh viên mãn. Mặt trăng mùng một chính là quả vị Sơ Trụ, một mặt trăng khuyết nhỏ, nhưng đó là mặt trăng thật. Đó không phải là mặt trăng trong nước, đó là thật, là mặt trăng trên trời. Đến mặt trăng ngày mười bốn gần như là viên mãn rồi. Cũng giống như quả vị Đẳng Giác. Chúng sanh dưới quả vị Đẳng Giác đều được bao gồm trong nguyện này của Phật A di đà. Cho nên “thập phương chúng sanh”, phạm vi chúng sanh đó rất rộng lớn. Tất nhiên là bao gồm mỗi người chúng ta trong đó. Hễ quý vị có thể tùy thuận lời nguyện này của Phật thì sẽ nhận được sự gia trì từ nguyện lực của Phật A di đà.

Vậy tùy thuận thế nào? Thứ nhất, “văn ngã danh hiệu” chữ “văn danh” này, cạn nhất là nghe được một câu A di đà Phật nhưng không hiểu ý nghĩa trong đó. Như vậy, trên thực tế không thể gọi là “văn”. Bởi vì trong chữ “văn” này, nhất định phải hiểu rõ. “Văn huệ”, Tam huệ của Bồ tát là Văn, Tư, Tu. Trong “văn huệ” này nhất định bao gồm Tư, nhất định bao gồm Tu. Một mà ba, ba mà một. Cho nên chữ “văn” này, bao gồm Tư và Tu ở trong đó. Nếu như không có Tư, không có Tu thì không gọi là “văn”. Không thể gọi là “văn”, chỉ có thể gọi là nghe mà không “văn”. Nghe được rồi, trồng một chủng tử thiện, vô lượng kiếp sau, chủng tử này vẫn có thể chín muồi. Quý vị vẫn có thể vãng sanh thành Phật, nhưng đời này thì chưa chắc. Tất nhiên chúng ta không nên đợi đến vô lượng kiếp.

Bây giờ chúng ta nghiên cứu thảo luận là trong đời này có thể vãng sanh thành Phật. Cho nên “văn ngã Phật hiệu” chính là phải thật sự hiểu rõ công đức và lợi ích của danh hiệu. Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A di đà, hai bộ Kinh này là đồng bộ. Đại, tiểu bổn bất đồng, chỉ là số trang nhiều ít khác nhau. Nghĩa lý, phương pháp, cảnh giới trong đó hoàn toàn như nhau. Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A di đà nói đến công đức và lợi ích của danh hiệu. Chúng ta phải thâm nhập để nghiên cứu và học tập. Hiểu sâu về ý nghĩa thì quý vị mới có thể được gọi là “văn ngã danh hiệu”. Chữ “ngã” này chính là Phật A di đà. “Văn” đến khi nào mới được xem là đủ tiêu chuẩn vậy? Câu sau đã nói “chí tâm tín nhạo”. Quý vị “chí tâm tín nhạo” thì “văn ngã danh hiệu” này mới đủ tiêu chuẩn. Nếu như quý vị còn bán tín bán nghi thì không phải là “chí tâm tín nhạo”. Vậy thì cái “văn” này vẫn chưa đủ, phải tiếp tục “văn”, phải nghe nhiều, đọc nhiều lần Kinh Vô Lượng Thọ. Vả lại khi đọc tụng, nhất định phải chí thành khẩn thiết. Phải biết rằng khi đọc Kinh, mười phương chư Phật đều gia trì cho quý vị.

Bộ Kinh này được mười phương tất cả chư Phật hộ niệm. Trong Kinh đã nói rất rõ ràng. Trong Kinh A di đà nói: “Sáu phương chư Phật đều hộ niệm bộ Kinh này”. Quý vị có thể đọc tụng, có thể tư duy để học tập, nghe pháp, thì hiện tiền được mười phương chư Phật gia trì hộ niệm. Tuy nhục nhãn của chúng ta không nhìn thấy Phật quang nhưng Phật quang đã gia bị cho chúng ta rồi, khiến cho tâm chúng ta được an ổn, hoan hỷ. Phật quang là thanh tịnh quang, hoan hỷ quang, giải thoát quang, an ổn quang. Cho nên mọi người ngồi ở đây nghe Kinh có cảm nhận được chút xíu nào không? Hình như tâm rất thanh tịnh, hình như đột nhiên quên mất những trần lao kia rồi. Hoan hỷ, phiền não không dấy khởi, giải thoát rồi, tâm được an ổn. Đây đều là Phật quang gia trì, chú chiếu. Tâm của quý vị càng thành khẩn, thành kính thì quý vị càng cảm nhận rõ được sự gia trì. Đại sư Ấn Quang nói rằng: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Cho nên trong khi “văn” cũng đã tăng trưởng công đức, tiêu trừ nghiệp chướng. Sau khi “văn danh”, có thể “chí tâm tín nhạo” thì càng tuyệt vời hơn nữa. “Chí tâm tín nhạo” thì đời này không thối chuyển. Kinh A di đà đã bảo chứng cho chúng ta rồi: “Không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Vậy thì sự chí tâm này cũng có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn gì vậy? Sự chí tâm này chính là tâm chí thành. Chí là chí cực, đạt đến đỉnh điểm. Đến đỉnh điểm rồi, không còn giữ lại chút gì. Chữ tín này chính là tin và thực hành các pháp đã nghe. Nhạo chính là ưa thích, rất hoan hỷ tiếp nhận, vui vẻ làm theo. Sự “chí tâm tín nhạo” này chính là quả của “văn danh”. “Văn danh” là nhân, “chí tâm tín nhạo” là quả.

Vậy chí tâm tín nhạo phải đạt đến tiêu chuẩn nào? Phía dưới đây nói đến tiêu chuẩn: “Sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm” (tất cả căn lành tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi nước con, cho đến mười niệm). Chính là phán đoán quý vị có chí tâm tín nhạo hay không, dùng câu sau của lời nguyện thì có thể phán đoán được. Quý vị có thể đem tất cả các thiện căn mà quý vị tu được như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, học tập trí huệ Bát nhã v.v… “tâm tâm hồi hướng”. Tâm tâm chính là niệm niệm, không có ý niệm thứ hai, tất cả ý niệm đều cầu vãng sanh Tây Phương. Hồi hướng chính là đem tất cả thiện căn và công đức bản thân đã tu được hồi hướng cho việc vãng sanh Tây Phương. Trong tâm chỉ mong cầu gặp Phật A di đà, mau chóng đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, vào Liên trì hải hội. “Nguyện sanh ngã quốc”, chữ “ngã quốc” này chính là cõi Cực Lạc. Hay nói cách khác, nếu như tâm tâm niệm niệm của bạn không hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì chưa đạt đến chí tâm tín nhạo. Nếu trong tín có nghi ngờ chính là có hoài nghi, điều này không thể gọi là chí tâm tín.

Nếu như trong nguyện mà vẫn chưa buông được thế giới Ta bà này thì không gọi là chí tâm nguyện. Cho nên không còn bất kỳ nghi ngờ nào, không còn lưu luyến bất kỳ điều gì với thế giới Ta bà, có thể buông bỏ tất cả, cầu sanh Tịnh Độ, như vậy là chí tâm tín nguyện. Có chí tâm tín nguyện thì nhất định vãng sanh. Bởi vì Phật A di đà bảo đảm cho quý vị: “Nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác” (cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, thề không thành Chánh Giác). Thập niệm này, Cổ Đức đã phán định rất rõ ràng, chính là mười câu A di đà Phật. Không phải những ý niệm khác. Không phải như Di lặc Bồ tát đã nói: “Một khảy móng tay có ba tỷ hai trăm ngàn niệm”, không phải những ý niệm đó. Ý niệm đó không thể dừng lại, không thể nào khống chế được nó, không phải là ý niệm đó. Ý niệm đó quá vi tế rồi. Chữ “niệm” nói trong đây chính là một câu A di đà Phật, bốn chữ hoặc sáu chữ là một niệm. Cho đến mười câu A di đà Phật, quý vị nhất định được vãng sanh Tây Phương.

Quý vị xem pháp môn này thù thắng biết bao, là đơn giản nhất. Quý vị tu hành như thế nào? Niệm mười câu A di đà Phật, nhất định vãng sanh. Nhưng phải dùng tâm gì để niệm mười câu này vậy? Đây là vấn đề quan trọng, “chí tâm tín nguyện”, đó không phải là lòng tin tùy tiện mà xem thường. Cho nên Phật hiệu này, không quan trọng là quý vị niệm được nhiều hay ít mà quan trọng ở chỗ quý vị có dùng tâm chí thành để niệm hay không. Toàn thân tâm của quý vị có thể hướng về Phật A di đà hay không? Nghĩa là quy y và nương tựa Phật A di đà, buông bỏ toàn bộ thân tâm thế giới. Thân tâm thế giới là giả, không phải là thật. Vì sao quý vị không buông bỏ được? Bởi vì quý vị xem chúng là thật nên quý vị không buông được.

Tôi ở trong quan phòng, có một buổi tối ngủ thấy một giấc mộng. Trong mộng thấy bản thân trước đây làm giáo sư trong trường đại học, lúc đó tâm sự nghiệp rất mạnh. Còn trẻ mà, luôn có tâm sự nghiệp, làm học thuật mà, nên mong muốn có thể viết bài văn hay nhất đăng lên tạp chí đỉnh nhất. Những tạp chí đó đều đoạt giải Nobel kinh tế học, là những tạp chí mà người đoạt giải đăng bài. Tôi mong muốn có thể viết được một bài văn như vậy. Trong giấc mộng, tôi đã quen biết một giáo sư nổi tiếng, đã phan duyên và kết giao với ông, muốn hợp tác với ông, cùng nhau viết luận văn. Sau đó thì tôi bỗng nhiên tỉnh dậy, thì ra bản thân đang ở trong quan phòng, tôi bật cười khanh khách. Cảnh mộng này chính là chủng tử trong A lại da thức hiện tiền. A lại da thức của quý vị có chủng tử như vậy, khi tâm tĩnh lại thì nó hiện ra.

Ngày xưa, khi tôi làm giáo sư, thực sự là niệm niệm đều theo đuổi sự nghiệp này, sự thành tựu của học thuật. Đã tạo nghiệp, khi quý vị niệm Phật thì nghiệp này lại trỗi dậy. Nếu không giác ngộ thì quý vị theo nghiệp mà lưu chuyển. Vậy thì đời sau quý vị tiếp tục làm giáo sư kinh tế học. Cho nên khởi tâm động niệm thì tạo nghiệp rồi. Tại sao lại có sự theo đuổi này? Lúc đó thật sự là đang theo đuổi. Vì sao bây giờ không muốn theo đuổi nữa? Vì tôi xuất gia rồi, quý vị muốn tôi viết bài văn này để làm gì? Không muốn chút nào. Còn bây giờ? Bây giờ tôi đã giác ngộ rồi, biết rằng những thứ đó đều là không, đặc biệt là cảnh trong mộng lại càng là không. Nhưng tôi ở trong cảnh mộng không cảm thấy đó là không. Vẫn ra sức theo đuổi, gắng sức, đây chính là mê.

Cho nên quý vị tự quán chiếu bản thân một chút, tâm của bạn đang theo đuổi điều gì? Quý vị muốn làm việc gì nhất trong đời này? Có rất muốn gặp người nào không? Có việc nào rất muốn làm không? Những điều này đều là nghiệp của quý vị. Nếu như việc quý vị muốn làm nhất chính là niệm A di đà Phật, quý vị rất muốn gặp Phật A di đà, vậy chúc mừng quý vị, đời này quý vị nhất định vãng sanh. Đây là tịnh nghiệp.

Nếu không phải vậy, quý vị còn muốn có được thành tựu huy hoàng. Tại gia, quý vị là học giả, quý vị muốn làm một đại giáo sư, đại học giả, đoạt giải Nobel, hoặc là quý vị là một nhà doanh nghiệp lớn, kiếm nhiều tiền, làm tỷ phú. Thậm chí quý vị xuất gia rồi, muốn làm một đại Pháp sư, hoằng pháp lợi sanh. Hoặc là làm một đại phương trượng trụ trì đạo tràng, dẫn chúng tu hành rất oai phong. Những việc này đều là mê. Quý vị không biết rằng đời người như một giấc mộng trống không. Trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói rất rõ đạo lý này cho chúng ta biết. Tất cả những cảnh giới mà chúng ta nhìn thấy hiện nay, bao gồm một số tướng mà quý vị nghĩ đến. Quý vị nghĩ đến một người thì sẽ có tướng của một người. Nghĩ đến một việc thì sẽ có tướng của một việc. Đủ các loại tướng, đều như hoa đốm giữa hư không, không có thật. Hoa đốm giữa hư không là gì vậy? Khi chúng ta bị bệnh về mắt, ví dụ như chúng ta dùng tay đè vào nhãn cầu thì mắt nổi một số đom đóm, đúng không? Hoặc là khi có bệnh về mắt nó sẽ huyễn hóa ra một loại hoa mắt giống như hoa đốm giữa hư không. Quý vị nhìn thấy, nhưng người khác không thấy. Quý vị tưởng rằng thật sự có hoa đốm, vậy là mê rồi. Trên thực tế có hoa đốm không? Không có. Chỉ là huyễn hóa. Tuy rằng không có nó, nhưng quý vị thật sự nhìn thấy, cho nên tưởng như có mà lại không. Có mà không có, không phải có thật. Nhưng cũng không thể nói nó không có, bởi vì quý vị nhìn thấy rồi.

Phật đã nói đây là một mảng không. Bên trong cái không này có cảnh giới. Cảnh giới này chính là không. Cuộc đời chúng ta chính là như vậy. Một cảnh mộng. Vẫn luôn ở trong cảnh mộng mà không tỉnh lại, vô lượng kiếp đều nằm mộng. Sinh mạng đời này kết thúc rồi thì tiếp tục giấc mộng của sinh mạng đời sau. Khi tỉnh dậy, không còn cảnh mộng nữa. Như vậy gọi là giác ngộ.

Cho nên trong Kinh Viên Giác nói rằng: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác” (biết huyễn liền lìa, lìa huyễn tức là giác). Biết được những cảnh giới trước mắt chỉ là một giấc mộng ảo thì quý vị lập tức có thể buông xuống. “Ly” tức là buông bỏ, rời khỏi cảnh mộng, “ly” không phải là tôi nhắm mắt lại không nhìn nữa, không phải như vậy. Không nhìn, nhưng mắt quý vị vẫn còn thấy một màn đen tối, quý vị vẫn chưa rời khỏi cảnh giới này. “Ly” chính là mắt quý vị nhìn thấy những cảnh giới này, biết rằng nó là giả, không phải là thật, chỉ là một giấc mộng. Như vậy gọi là “ly”. Buông bỏ rồi, nhưng đến lúc làm gì thì vẫn phải làm việc đó. Đến lúc ăn cơm thì ăn cơm, Đến lúc đi ngủ thì đi ngủ, tùy duyên tiêu nghiệp xưa, chẳng tạo họa mới nữa. Không còn khởi tâm động niệm muốn làm gì, tất cả đều tùy duyên. Người như vậy là đã thật sự giác ngộ. Ly huyễn chính là giác ngộ. Họ không cần phải tuân theo trình tự tu hành, Phật nói trình tự tu hành là vì phương tiện mà nói. Khi vừa giác ngộ, vậy thì thành tựu rồi.

Giống như Thích ca Mâu ni Phật ngồi dưới cây Bồ đề, nhìn sao sáng thì ngộ đạo, liền thành Phật. Sau khi thành Phật, Ngài đã nói gì? Ngài nói: “Lạ thay lạ thay! Chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng do vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc.” Ngài cũng không kiềm chế được đã cười to. Ây da! Thì ra là vậy. Những chúng sanh, đã bao gồm bản thân Ngài, bản thân Ngài cũng là thị hiện. Vì có những vọng tưởng chấp trước này cho nên trí huệ và đức tướng vốn có của Như Lai không thể hiển hiện. Bây giờ buông bỏ rồi, vừa buông bỏ vọng tưởng, chấp trước thì bản tánh của Như Lai hiện tiền. Như vậy là “ly huyễn tức giác”. Tâm tình như vậy, có thể có chút giống với cảm giác tôi nằm mộng trong quan phòng rồi tỉnh mộng. Tất nhiên cảm nhận của tôi không thù thắng như Phật, nhưng chắc là ý đó. Quý vị theo đuổi một cách cuồng loạn trong mộng, sau khi tỉnh lại cũng sẽ bật cười khanh khách. Ây da! Đúng là vô vị, hoang đường. Mình đang làm gì vậy? Cần gì phải ở đây tạo nghiệp? Mê hoặc tạo nghiệp thọ báo, không bao giờ dứt. Khi giác ngộ, biết rằng đó là một mảng không, quý vị không cần cắn răng buông bỏ, nó tự nhiên sẽ buông bỏ. Sự buông bỏ này không khó, nhìn thấu là được. Quý vị nhìn thấu rồi không cần cắn răng nữa, quý vị cắn răng chưa chắc buông bỏ được.

Quý vị xem thanh niên nam nữ thất tình. Thất tình rồi rất đau khổ, cắn răng muốn buông bỏ, vẫn không buông được. Đây là một giấc mộng, Họ vừa tỉnh dậy thì đã buông bỏ liền. Ồ! Thì ra vừa rồi chỉ là nằm mộng thôi, liền buông bỏ. Cho nên nhìn thấu là quan trọng nhất. Thật sự nhìn thấu thế gian này, thân tâm thế giới toàn là “mộng huyễn bào ảnh” (mộng ảo bọt bóng). Quý vị “chí tâm tín nhạo, nguyện sanh bỉ quốc” thì phát khởi cái tâm này rồi. Xả ly cảnh giới hư huyễn, muốn cầu cảnh giới chân thật. Thế giới Cực Lạc là thế giới chân thật. Thế giới Cực Lạc là báo độ, pháp tánh độ từ chân tâm bản tánh của chúng ta lưu lộ ra, đây là chân thật. Cho nên chúng ta phải xả vọng quy chân, cầu sanh Tịnh Độ.

Người học Tịnh nghiệp chúng ta, thật sự muốn đời này nắm chắc phần vãng sanh chính là tin sâu nguyện thiết mà Đại sư Ngẫu Ích nói, thì quý vị chắc chắn vãng sanh. Nhất định phải tĩnh tâm để thông đạt đoạn tôi đã nói vừa rồi. Biết rõ tất cả cảnh giới trước mắt chính là mộng huyễn bào ảnh, không có gì là thật, quý vị mới có thể buông bỏ. Công phu lãnh hội của quý vị về điều này không đủ thì khó tránh khỏi bị mê. Vừa mê thì sẽ đắm nhiễm chấp trước cảnh giới này, vì vậy không thể rời khỏi cảnh giới này. “Tri huyễn tức ly”, quý vị không rời được chính là do quý vị không biết, hoặc là biết không triệt để. Cho nên phải huân tập Kinh giáo, đặc biệt là trí huệ Bát nhã. Đoạn tôi vừa giảng lúc nãy chính là Bát nhã, tức là bảo quý vị buông bỏ.

Kinh Kim Cang giảng đạo lý này: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” (tất cả pháp hữu vi như mộng ảo bọt bóng, như sương cũng như điện, hãy nên quán như vậy). Quý vị phải quán như vậy. Quán chính là lãnh hội. Mỗi ngày tôi đều lãnh hội như vậy. Tất cả người, tất cả việc, tất cả vật nhìn thấy trước mắt thì ra đều là giấc mộng. Tâm đắm nhiễm, chấp trước của quý vị dần dần nhạt đi thì sẽ buông bỏ được. Vậy có cần thiết phải nghiên cứu Kinh Kim Cang hoặc là sáu trăm quyển Kinh Bát nhã không? Nếu quý vị rảnh rỗi, vậy thì không ngại. Nếu không có thời gian thì quý vị nghe lại đoạn tôi giảng vừa rồi một lần nữa, hai mươi phút cũng được rồi. Huân tập nhiều thì ấn tượng sâu sắc, tự nhiên sẽ buông bỏ. Sau đó, “chí tâm tín nhạo”, không cần cắn răng, không cần dùng sức như vậy, tự nhiên được “chí tâm tín nhạo”.

Nước chảy mãi thành sông, tất cả đều là tự nhiên. Trong Kinh nói đến: “Sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc” (tất cả căn lành, tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi nước con). Đây là lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập nhiều bản dịch khác nhau. Bản dịch của Khang Tăng Khải không có hai câu “sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng” này. Nguyên văn của Kinh là: “Chí tâm tín nhạo, dục sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm”. “Sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng” là trong một bản dịch khác đã nói đến, hội tập vào đây rất tuyệt vời. Đã tỏ rõ ý nghĩa trong đây.

Muốn vãng sanh Tây Phương, quan trọng nhất chính là nguyện, “nguyện sanh ngã quốc”. Làm thế nào để thể hiện cái nguyện này? Tất cả thiện căn của quý vị đều tâm tâm hồi hướng, như vậy là nguyện. Chính là quý vị không cầu điều gì khác, quý vị chỉ cầu vãng sanh Tây Phương, “tâm tâm hồi hướng”. Nếu quý vị vừa muốn vãng sanh Tây Phương, vừa muốn làm chuyện gì đó, lại muốn có được thứ gì đó thì không thể gọi là tâm tâm hồi hướng, đó là xen tạp. Giống như trước đây khi tôi làm giáo sư đã xen tạp. Lúc đó tôi cũng đã học Phật được mười mấy năm, năm nay cũng đã hai mươi mấy năm rồi. Khi làm giáo sư, mỗi ngày cũng tụng Kinh Vô Lượng Thọ của Tịnh Độ, cũng thường nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ, nhưng không phải là chí tâm tín nguyện. Bởi vì vừa muốn vãng sanh Tây Phương, vừa muốn đăng một bài văn trên tạp chí đỉnh nhất. Như vậy không phải là chí tâm tín nguyện. Chí tâm tín nguyện là buông bỏ hết tất cả những ý niệm khác, chỉ có một ý niệm là vãng sanh Tây Phương. Những việc còn lại không quan trọng. Có cũng được, không có cũng được, tùy duyên thôi. Đó là chí tâm tín nguyện.

Còn trẻ thì phải làm việc, phải đi làm, không xuất gia thì phải nuôi dưỡng người nhà, công việc thì vẫn phải làm, vẫn phải kiếm tiền. Nhưng khi quý vị làm việc, khi quý vị kiếm tiền thì đừng mê. Biết rằng đây là một quá trình. Tôi làm việc kiếm tiền không phải là mục đích, mục đích là phải vãng sanh Tây Phương. Bây giờ không còn cách nào khác, bởi vì vẫn còn thân thể, vẫn phải sống, vẫn phải ăn cơm, đi ngủ, cho nên không thể không làm những việc này. Khi lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giảng bài đã nêu ra một ví dụ như thế này, cũng rất thực tế. Ngài nói giống như một người mẹ và một đứa con trai, hai mẹ con chung sống với nhau. Con trai trưởng thành rồi, mẹ phải cưới vợ cho con trai. Cưới vợ thì trước tiên phải kiếm tiền. Thế là hai mẹ con chuẩn bị bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành kiếm chút tiền để kết hôn. Cho nên hai mẹ con thức khuya dậy sớm để chuẩn bị những món điểm tâm này. Sáng sớm ngày hôm sau phải ra ngoài bán rất vất vả. Bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành hai năm rồi đã kiếm đủ tiền, con trai liền cưới vợ. Đây cũng là ví dụ rất bình thường trong cuộc sống. Hai mẹ con này, vì sao họ lại chịu cực chịu khổ để bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành như vậy? Bởi vì mục đích của họ là muốn cưới vợ. Mục đích của họ không phải là bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành. Bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành chỉ là một quá trình, cưới vợ mới là mục đích. Vậy mục đích hiện nay của chúng ta là vãng sanh Tây Phương. Bây giờ phải bán dầu cháo quẩy đậu nành, cũng được, cũng không ảnh hưởng, chính là ý này. Mọi người lãnh hội được rồi chứ?

Quý vị phải đi làm, phải nuôi gia đình, phải sống qua ngày. Quý vị phải biết rằng đó không phải là mục đích, đó là bất đắc dĩ, nên phải sống như vậy. Đến lúc cần buông bỏ thì mau chóng buông bỏ, cầu sanh Tịnh Độ. Nếu là người cao tuổi đã nghỉ hưu rồi, không cần phải làm việc nữa, kinh tế của mình cũng không gặp khó khăn gì, còn có lương hưu. Vậy quý vị đừng bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành nữa, quý vị nhanh chóng niệm A di đà Phật, chuyên tu Tịnh Độ, như vậy thì quý vị mới chí tâm tín nguyện. Nếu quý vị buông không được, vừa bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành, vừa niệm Phật vậy thì xin lỗi, quý vị không phải tâm tâm hồi hướng. Trong tâm của quý vị vừa muốn vãng sanh vừa muốn bán dầu cháo quẩy, sữa đậu nành vậy thì không đúng. Cho nên, có thể chuyên tu Tịnh Độ, là việc tốt nhất, thù thắng nhất. Thật sự không thể, vậy thì bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ, nhưng chỉ cần quý vị chí tâm tín nguyện thì vẫn được vãng sanh. Phật A di đà cũng sẽ nhiếp thọ. Tất nhiên không chắc chắn được phẩm vị cao.

Ba bậc vãng sanh trong Kinh Vô Lượng Thọ: “Kỳ trung bối giả: Tuy bất năng hành tác sa môn, đại tu công đức” (bậc trung là những người tuy không thể làm sa môn, tu các công đức lớn). Họ không thể làm như vậy, tức là không thể chuyên tu. Nhưng họ vẫn có thể chân thành khẩn thiết cố gắng tu tập, vì vậy vẫn có thể vãng sanh. Thậm chí phước báo của quý vị rất mỏng, làm việc đến khi già cũng không thể nào chuyên tu được. Vậy thì “nãi chí thập niệm”, chắc chắn được vãng sanh. Quý vị xem Phật A di đà từ bi biết bao! Hay nói cách khác, hễ quý vị chịu vãng sanh thì Phật A di đà sẽ nhiếp thọ quý vị. Quý vị phải thật sự bằng lòng, chỉ sợ quý vị không thật lòng. Muốn gặp Phật A di đà, nhưng ở cõi này vẫn còn rất nhiều việc chưa làm xong. Vừa muốn thế giới Cực Lạc lại muốn thế giới Ta bà. Chân bước lên hai chiếc thuyền, sau cùng e rằng sẽ làm hại bản thân.

Cho nên ba bậc vãng sanh, quý vị hãy nghiêm túc nghiên cứu Kinh văn này một chút. Phật nói, bậc thượng là thù thắng nhất, khuyến khích quý vị phải thượng bối vãng sanh. Quý vị xem Kinh văn nói như thế nào? “Kỳ thượng bối giả, xả gia khí dục, hành tác sa môn, phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A di đà Phật, tu chư công đức, nguyện sanh bỉ quốc” (bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục, làm sa môn, phát tâm Bồ đề, chuyên tâm niệm Phật A di đà, tu các công đức, nguyện sanh về cõi đó). Hạng người này là “hành tác sa môn”, sa môn bao gồm hai hạng. Chúng ta nói đến xuất gia. Xuất gia gồm hai hạng: Một là thân tâm đều xuất gia, hai là thân không xuất gia nhưng tâm xuất gia. Thân tâm đều xuất gia, giống như những vị Pháp sư này. Nếu thật sự tu hành, thân xuất gia xuống tóc, khoác y, hiện tướng xuất gia, và niệm niệm trong tâm cũng để trong đạo nghiệp, muốn cầu ra khỏi ba cõi, thoát luân hồi. Hạng người này được gọi là thân tâm đều xuất gia. Vậy thì tất nhiên rất thù thắng. Còn thân không xuất gia mà tâm xuất gia cũng rất tốt, hiếm có. Là các đồng tu tại gia. Họ bị đủ thứ nhân duyên trói buộc, không thể nào thoát thân, nhưng tâm đã xuất gia rồi. Họ không còn bị đắm nhiễm ngũ dục lục trần của thế gian, không còn những chướng ngại chấp trước tình thân, vậy thì tâm xuất gia rồi. Tâm tâm niệm niệm của họ muốn gặp Phật A di đà. Hai hạng người này đều là “hành tác sa môn”. “Phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A di đà Phật”, sự phát tâm Bồ đề nhất hướng chuyên niệm này chính là tông chỉ của Kinh Vô Lượng Thọ, là tông chỉ tu hành.

Tâm Bồ đề, cách nói thông thường chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Trên sự phải phát tâm Bồ đề: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Thật sự phát khởi tâm này. Trên lý, phát tâm Bồ đề chính là giác ngộ. Biết rõ vạn pháp đều là không, tất cả thế giới, vi trần, cõi nước, Ta bà cũng vậy, Cực Lạc cũng vậy, do tâm biến hiện, không hề có thật, đều là một cảnh mộng. Vậy thế giới Cực Lạc cũng là cảnh mộng sao? Cũng là cảnh mộng, hễ có tướng thì đều là cảnh mộng.

Trong Kinh Kim Cang nói rằng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (phàm có hình tướng đều là hư vọng). Không chỉ cảnh giới Ta bà là hư vọng mà thế giới Cực Lạc cũng là hư vọng. Không phải vừa rồi quý vị nói thế giới Cực Lạc là có thật sao? Đúng, sự chân thật này là sự chân thật tương đối. Tức là so với thế giới Ta bà thì đây là chân thật. Chân thật là gì? Chân thật là vĩnh hằng bất biến, gọi là chân thật. Mọi thứ trong thế giới Ta bà này đều là vô thường, làm sao mà chân thật chứ? So với sự vô thường này mà nói, thế giới Cực Lạc vô lượng thọ, không có sanh, lão, bệnh, tử, đây là chân thật. Nhưng nói đến lý cứu cánh, những thứ như ao sen thất bảo, y chánh trang nghiêm ở thế giới Tây Phương đều không chân thật. Chân thật là gì vậy? Không có tướng là chân thật. Tự tánh của bản thân chúng ta vốn tự thanh tịnh, như vậy mới là chân thật. Vốn tự thanh tịnh, vốn không có vật gì, làm gì có thế giới Cực Lạc? Làm gì có Phật A di đà? Đây là chân thật.

Nhưng phàm phu chúng ta, trong chốc lát muốn khế nhập sự chân thật này thì khó. Điều này chỉ người thượng thượng căn mới có thể làm được. Đại sư Lục Tổ Huệ Năng làm được, Ngài nghe được nửa bộ Kinh Kim Cang liền ngộ nhập sự chân thật này. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, đó là bậc thầy của trời người, nên đã tiếp nhận y bát của Ngũ Tổ. Phàm phu chúng ta không có căn tánh này. Về lý, có thể hiểu được một chút, chứ không thật sự chứng nghiệm được. Nhưng hiểu được một chút cũng rất tốt, biết được phương hướng tu hành của chúng ta chính là minh tâm kiến tánh.

Vậy chúng ta từ thế giới Ta bà vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, phải biết rằng, không rời khỏi tự tánh của quý vị. Ta bà, Cực Lạc đều là chân tâm tự tánh của quý vị lưu lộ ra. Chỉ là cảnh giới từ chân tâm bản tánh của quý vị lưu lộ ra, hiện nay đã bị tham sân si mạn, kiến tư phiền não của quý vị làm ô nhiễm. Cho nên những gì quý vị nhìn thấy chính là Ta bà hiện tiền, ngũ trược ác thế. Trên thực tế, hiện tiền chính là thế giới Cực Lạc. Quốc sư Trung Phong nói rằng: “Tịnh Độ là phương này, phương này là Tịnh Độ”. Quý vị có tin không? Quý vị nói tôi không nhìn thấy, về nhà chỉ thấy vợ con, đi làm thấy ông chủ của công ty. Sau đó có lẽ còn đấu đá nhau, nhân ngã thị phi, bản thân sanh lão bệnh tử, đủ loại khổ não, không thấy được thế giới Cực Lạc. Đó là bởi vì quý vị có phiền não, sự phiền não đã cản trở quý vị. Không phải không thấy, mà là thấy mà như không thấy.

Tôi nêu một ví dụ đơn giản để mọi người có thể thể nghiệm được. Tôi giảng Kinh ở đây, mọi người nhìn thấy tôi rồi chứ? Xin hỏi quý vị có nhìn thấy bình hoa trước mặt tôi không? Thấy rồi. Vì sao nhìn thấy vậy? Vì tôi nhắc quý vị. Khi tôi chưa nhắc quý vị, quý vị có nhìn thấy không? Thấy mà không thấy, không chú ý đến. Chỉ nhìn tôi thôi, không nhìn đến hoa, có phải không? Cho nên những gì quý vị thấy, chính là nằm trong phạm vi chú ý của quý vị. Vật này vốn dĩ để ở trước mắt quý vị, quý vị lại không nhìn thấy, tôi nhắc quý vị mới nhìn thấy. Nhắc rồi thì quý vị chú ý đến, không nhắc thì không chú ý đến, cho nên không nhìn thấy. Không phải là không nhìn thấy, nó cũng vào nhãn căn của quý vị. Không phải là trước mắt tôi có một cái bảng che bình hoa này lại, quý vị không nhìn thấy, không phải. Nó vào nhãn căn của quý vị, nhưng mà nhãn thức của quý vị không chú ý đến nó. Nhãn thức là do phân biệt, chấp trước dấy khởi. Nhãn căn không có phân biệt, chấp trước. Cho nên trong chú sớ Kinh Lăng Nghiêm của Đại sư Giao Quang đã nói: “Phải dùng tánh trong căn”.

Tánh trong căn không có phân biệt chấp trước. Tất cả những cảnh giới này lúc ẩn lúc hiện vào nhãn căn của tôi, không có phân biệt, chấp trước. Nhưng phàm phu chúng ta không làm được. Tức là đồ vật quý vị chú ý đến thì có thể nhìn thấy. Vừa chú ý thì dùng ý thức, ý thức là phân biệt. Sau khi phân biệt rồi lại thêm vào chấp trước. Chấp trước là ý căn, chính là thức thứ bảy. Hai thức thứ sáu và thứ bảy, đem những thứ mà quý vị nhìn thấy, cảnh giới mà nhãn căn tiếp xúc được, phân biệt chấp trước. Quý vị muốn thấy thì thấy được, không muốn thấy thì không thấy được, đây là một ví dụ rất rõ. Vậy bây giờ thế giới Cực Lạc đang ở trước mặt quý vị, Phật A di đà đang ở trước mặt quý vị, quý vị có nhìn thấy không? Không nhìn thấy, vì sao không nhìn thấy? Vì không chú ý. Điều bạn chú ý là những thứ ở thế giới Ta bà, chính là đạo lý này.

Cho nên tâm phiền não như phân biệt, chấp trước của quý vị đã cản trở nhãn căn của quý vị. Có mắt nhưng không thấy thế giới Cực Lạc, có tai nhưng quý vị đều không nghe thấy đức Di đà thuyết pháp. Sáu căn đều bị cản trở, rất đáng thương! Quý vị vẫn sống trong những cảnh giới phiền não do sáu thức của quý vị sinh ra, cả đời cũng không ra khỏi. Không chỉ đời này không ra khỏi mà đời đời kiếp kiếp cũng không ra khỏi. Những người tham thiền, có rất nhiều người học Kinh Lăng Nghiêm, học hai mươi lăm viên thông, nhĩ căn viên thông của Quán Âm Bồ tát. Bởi vì nhĩ căn của chúng sanh trong cõi Diêm phù đề lanh lợi nhất, cho nên khi Văn thù Bồ tát lựa chọn viên thông, đã chọn nhĩ căn viên thông. Tai dễ lãnh hội nhất, vừa rồi tôi dùng mắt làm ví dụ. Dùng tai cũng như vậy, tôi hỏi mọi người lần nữa: “Mọi người có nghe thấy tiếng gió thổi của cây quạt bên đó không?” Có nghe thấy không? Vừa rồi có nghe thấy không? Vừa rồi không nghe thấy, bởi vì quý vị vừa rồi nghe gì vậy? Nghe Pháp sư Định Hoằng thuyết pháp. Bây giờ tâm tĩnh lại rồi, cái tiếng đó phát ra rồi. Trên thực tế, âm thanh đó cũng vào nhĩ căn của quý vị. Vậy lúc nãy không nghe thấy, do quý vị dùng nhĩ thức, không dùng căn tánh của nhĩ căn, cho nên quý vị không nghe thấy.

Do đó người tham thiền phải buông bỏ những sự phân biệt, chấp trước, không chú ý điều gì cả. Tức là không dùng tâm ý thức. Để cho tâm tĩnh lặng, âm thanh của mười phương đều hiện tiền, trụ trong cảnh giới như vậy mà tu nhĩ căn viên thông. Tu thành rồi, có thể nghe tất cả âm thanh của mười phương ba đời. Bởi vì tất cả âm thanh của mười phương ba đời đều là nhất tâm của quý vị biến hiện ra. Quý vị nghe âm thanh trong chân tâm bản tánh của chính mình. Vậy Phật A di đà hiện đang thuyết pháp, mọi người có nghe thấy không? Tiếng gió, tiếng cây, tiếng chim trên thế giới Cực Lạc đều đang thuyết pháp. Mọi người có nghe thấy không? Không nghe thấy. Vì sao vậy? Quý vị đang dùng nhĩ thức, chính là đạo lý này.

Bây giờ chúng ta phải làm thế nào? Phải dần dần buông bỏ nhĩ thức của chúng ta. Phải buông bỏ hết tám thức. Gọi là chuyển thức thành trí thì thế giới Cực Lạc tự nhiên sẽ hiện tiền. Cho nên cổ đức đã nói: “Sanh ắt nhất định sanh, đi không thật sự đi”. Vãng sanh Tây Phương, đối với những phàm phu mà nói, dùng phương tiện thuyết: “Từ thế giới Ta bà này, qua phương Tây mười vạn ức cõi Phật, có Phật hiệu là Vô Lượng Thọ hiện nay đang thuyết pháp, có thế giới tên là Cực Lạc”. Nói quý vị biết, những điều này có phải là thật không? Là thật. Cõi Phàm Thánh Đồng Cư, từ thế giới Ta bà của chúng ta qua phương Tây mười vạn ức cõi Phật. Điều này về mặt sự là chắc chắn có, không hề sai.

Phàm phu chăm chỉ niệm Phật, nhất hướng chuyên niệm thì hướng về phía Tây chuyên niệm A di đà Phật, chắc chắn sẽ cảm được Phật A di đà đến tiếp dẫn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc khi lâm chung. Nhưng vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, bởi vì chưa khai ngộ. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc hoa nở thấy Phật, liền khai ngộ. Đóa hoa này là biểu pháp. Khi hoa chưa nở chúng ta ở trong đó không ra được là bởi vì mê. Hoa nở thì giác ngộ. Giống như người thông thường nói câu thành ngữ: “Tâm hoa nở rộ, tâm hoa nở rộ”. Vậy quý vị lấy tâm hoa cho tôi xem xem, xem nó nở ra chưa? Chưa nở. Tâm hoa đó là một ví dụ. Là ví dụ tâm của quý vị vẫn chưa khai ngộ thì hoa cũng không nở. Tâm vừa khai ngộ thì hoa cũng sẽ nở. Thế giới Cực Lạc cũng là ý này. “Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh”, đó chính là nói đã giác ngộ rồi. Vừa giác ngộ thì liền phát hiện, thì ra mười phương pháp giới đều là thế giới Cực Lạc. Đông phương, Tây phương đều là Cực Lạc. Khi chưa giác ngộ thì quý vị phải vãng sanh Tây Phương.

Bởi vì bây giờ chúng ta chưa giác ngộ nên niệm A di đà Phật cầu sanh Tây Phương. Trong Kinh dạy chúng ta: “Phát Bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Vừa rồi đã nói đến tâm Bồ đề. Về sự thì gồm Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Về lý là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, không phải không, cũng chẳng phải có. Trên tánh không có, trên tướng thật sự có, trên lý là không, trên sự là có. Cho nên không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không có. Cũng không thể nói chẳng có, chẳng không có. Cũng không thể nói chẳng không có, chẳng không không. Gọi là: “Ly tứ cú, tuyệt bách phi” (lìa bốn câu, bỏ trăm không. Bốn câu là: có, không cũng có, cũng không chẳng phải có, chẳng phải không cũng chẳng phải có, cũng chẳng phải không). Khiến quý vị buông bỏ suy nghĩ này.

Buông bỏ tướng ngôn thuyết, tướng văn tự, tướng tâm duyên để quý vị lãnh hội sự nhất tâm. Lãnh hội rồi, về mặt sự vẫn phải niệm Phật, A di đà Phật, tuy rằng danh tự tánh không. Danh hiệu A di đà Phật này bản tánh là không, vạn pháp đều là không. Tất nhiên danh hiệu cũng không ngoại lệ, đều là không. Tuy biết tánh là không nhưng tôi vẫn chân thành khẩn khiết niệm Phật. Cái gọi là từ có niệm đến vô niệm. Vô niệm này không phải là không niệm. Vô niệm này là niệm mà vô niệm. Vẫn phải niệm A di đà Phật, A di đà Phật. Ngày đêm mười vạn câu không gián đoạn.

Quý vị biết danh tự tánh không. Trong thể của tự tánh, xưa nay không có một vật, làm gì có niệm nào? Cho nên niệm mà vô niệm, vô niệm vẫn phải niệm. Đây chính là trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Vậy thì tướng của thế giới Cực Lạc cũng là tánh không. Tuy rằng tánh không nhưng tôi vẫn phải cầu vãng sanh. Mãnh liệt cầu sanh Tịnh Độ. Chính là câu nói trong đây: “Chí tâm tín nhạo, nguyện sanh ngã quốc”. Từ vãng sanh đến vô sanh, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc chứng vô sanh pháp nhẫn. Quý vị biết được tất cả pháp không sanh không diệt. Vừa rồi nói giống như hoa đốm giữa hư không xuất hiện trong mắt. Hoa đốm giữa hư không có sanh không? Không sanh, là huyễn hóa, không sanh, không có sanh, vậy có diệt không? Nó cũng không có diệt. Bởi nó vốn dĩ không có nên không thể nói đến diệt. Ban đầu có, vậy tất nhiên có diệt. Ban đầu không có, nói đến cái diệt đó là không có ý nghĩa. Không sanh không diệt. Thế giới Cực Lạc chính là như vậy, không sanh không diệt. An trụ trong trí huệ này, chính là vô sanh pháp nhẫn.

Vô sanh tức là không có chúng sanh. Vô pháp tức là không có tất cả pháp. Nhẫn là thừa nhận cảnh giới như vậy không có chúng sanh nào, không có tất cả pháp. Tức là đều không có chúng sanh hữu tình vô tình, nhưng trên tướng thì vẫn có. An trụ trong trí huệ của trung đạo đệ nhất nghĩa đế như vậy. Cho nên người niệm Phật chúng ta, không phải là không có trí huệ, không phải là không cần trí huệ Bát nhã, cũng cần có trí huệ Bát nhã. Khi quý vị niệm Phật đều đủ sự lý, như vậy thì rất dễ cảm ứng đạo giao với Phật A di đà. Cho nên, trong việc trì danh này cũng có sự trì, lý trì.

Chúng ta niệm A di đà Phật, niệm câu này nối tiếp câu kia. Phật A di đà giống như mẹ hiền của chúng ta vậy. Chúng ta một lòng quy y nương tựa, như vậy gọi là sự niệm, sự trì. Và khi nhất tâm niệm Phật như vậy, cũng hiểu rõ đối tượng mà quý vị quy y nương tựa không nằm ngoài tự tánh của quý vị. Như vậy chính là tự tánh sở hiện. Tôi quy y Phật A di đà đó chính là quy y tự tánh, trở về với tự tánh, thấy Phật chính là thấy chân tâm bản tánh của tôi. Trong tâm quý vị hiểu rất rõ điều này, trên sự thì vẫn niệm câu Phật hiệu, câu này nối tiếp câu kia, như vậy gọi là lý trì. Lý trì không phải chỉ là hiểu lý thôi thì được, trên sự không niệm Phật, không phải vậy. Như vậy không gọi là lý trì, đó là chấp lý bỏ sự. Lý trì chính là biết được cái lý của nó, nhưng trên sự vẫn giống như sự trì. Sự trì thêm vào rõ lý, thì gọi là lý trì.

Không hiểu lý, không sao cả, niệm A di đà Phật, A di đà Phật như vậy, niệm đến sau cùng “xảo nhập vô sanh, ám hợp đạo diệu”. Xảo nhập vô sanh là gì vậy? Bản thân không hiểu, không hay không biết thì đã chứng vô sanh pháp nhẫn rồi. Như trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, sau cùng Phu nhân Vi đề hi chứng vô sanh pháp nhẫn. Điều này thật tuyệt vời! Vô sanh pháp nhẫn chính là A duy việt trí Bồ tát. Ban đầu bà cũng không hiểu. Phàm phu, người thế tục, một người phụ nữ, không hiểu rõ lắm về Phật pháp, được Phật điểm hóa, bà đã niệm Phật. Niệm Phật, không hay không biết thì bản thân đã chứng vô sanh pháp nhẫn rồi. Pháp môn này thù thắng như vậy, “ám hợp đạo diệu”. Cho nên phát tâm Bồ đề có trí huệ bên trong. Do đó, nguyện độ tất cả chúng sanh, biết rõ tất cả chúng sanh là huyễn hóa.

Cho nên độ chúng sanh không nên sanh phiền não, tiểu Bồ tát độ chúng sanh sẽ sanh phiền não. Sao chúng sanh khó độ như vậy? Người nhà của quý vị rất khó độ, có đúng không? Người chồng này, giáo hóa thế nào cũng không được, rất khó độ. Vì sao vậy? Vì quý vị không có trí huệ Bát nhã, phải độ mà không độ. Biết rằng chồng mình là huyễn hóa, đây là người chồng trong cảnh mộng, không phải là chồng thật. Vậy thì quý vị độ đi, độ được thì độ, độ không được thì thôi. Dù gì thì tỉnh mộng cũng là như vậy, đều là không. Cứ như vậy, nhưng không phải nói là không độ, vẫn phải độ. Như vậy gọi là trung đạo, đây chính là tâm Bồ đề.

Người Nhị Thừa không thể phát tâm Bồ đề được. Người Nhị Thừa thiên về không, biết rằng tất cả chúng sanh đều là huyễn hóa, là giả, nên không độ. Như vậy không có tâm Bồ đề. Không có tâm Bồ đề thì không thể vãng sanh Tịnh Độ. Vì Tịnh Độ là Đại Thừa, phải phát tâm Bồ đề. Quyển Kinh này đã nói rõ rồi, chính là: “Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Ngay cả hạ bối vãng sanh cũng phải phát tâm Bồ đề. Cho nên Đại sư Đàm Loan biên soạn quyển Luận Vãng Sanh đã nói rằng: “Nhị Thừa chủng bất sanh”. Người có chủng tánh Nhị Thừa không phát tâm Bồ đề, không có trung đạo, họ không thể vãng sanh. Cho nên chúng ta phải phát tâm Bồ đề, vậy “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”.

Quý vị biết phiền não cũng là huyễn hóa, bản tánh của phiền não cũng là không. Quý vị đừng vì phiền não lại thêm phiền não. Có người vì phiền não mà phiền não. Ây da! Tôi vẫn không thể đoạn phiền não. Quý vị xem phạm tội rồi lại sám hối, sau khi sám hối lại phạm. Trong lòng rất khổ não, đây là vì phiền não mà phiền não. Như vậy không thể đoạn phiền não, chỉ tăng thêm phiền não, Ban đầu có một phiền não, bây giờ thêm vào thành hai phiền não. Như vậy thì quý vị làm sao tiêu nghiệp chướng? Không tiêu trừ được, chỉ có tăng thêm nghiệp chướng. Quý vị phải biết nghiệp chướng, phiền não tánh không. Gọi là tánh không chính là hoa đốm trong mắt quý vị nhìn thấy vậy. Giống như có, trên thực tế là không có, là giả, không phải là thật. Vậy thì đoạn phiền não dễ hơn rồi. Đoạn mà không đoạn, không đoạn mà đoạn. Ngay lúc đó quý vị giải thoát ra khỏi phiền não, giải thoát ra khỏi nghiệp chướng.

Có rất nhiều đồng tu than thở rằng nghiệp chướng bản thân sâu nặng, đi bái sám để tiêu nghiệp chướng. Được thôi, tôi đề xướng để quý vị lạy Chiêm Sát Sám, đã lạy rõ chưa? Đã tiêu nghiệp chướng chưa? Khi nào quý vị biết rằng nghiệp chướng tánh không, chúc mừng quý vị, tiêu nghiệp chướng rồi. Trong Chiêm Sát Sám đặc biệt nhấn mạnh sự quán chiếu này.

Bắt đầu từ lạy Phật, “năng lễ sở lễ, tánh không tịch”. Năng lễ của quý vị là bản thân mình. Sở lễ là Phật, hoặc Địa Tạng Bồ tát đều là tánh không. Đây đều là hoa đốm giữa hư không, đều là giả. Nhưng vẫn phải lạy, chí thành lễ lạy, là trung đạo. Bây giờ sám tội, rất thành khẩn sám hối tội lỗi, biết rằng tội tánh vốn không thì tội này được sám hối hết rồi. Biết rằng tội tánh vốn không nhưng vẫn chân thành khẩn thiết sám hối. Đây là trung đạo. Lạy Chiêm Sát Sám phải có trí huệ này, quý vị được luân tướng thanh tịnh rất nhanh. Vậy thì nghiệp chướng không thể làm chướng ngại quý vị được.

Tôi dụng công ở trong quan phòng, trước đây chưa từng tinh tấn như vậy. Ngày đêm niệm mười vạn (100.) câu Phật hiệu. Mọi người có cơ hội thì bản thân thể nghiệm một chút. Đếm chuỗi niệm, ba, ba, bốn, mười câu lần một hạt chuỗi. Lần hết một trăm lẻ tám hạt chuỗi là một ngàn câu. Sau đó bấm một cái vào máy đếm số, hết mười chuỗi thì một vạn câu một, trăm chuỗi thì mười vạn câu. Ngày thứ nhất tôi niệm được hơn bảy vạn. Ây da! Rất vất vả, không thể niệm tiếp nữa, được rồi, đi ngủ thôi. Ngày thứ hai, vừa ra sức niệm đến tám vạn câu thì không thể niệm tiếp nữa, lại đi ngủ. Ngày thứ ba, niệm đến tám vạn rưỡi, chín vạn, mười vạn câu. Mỗi ngày đều tăng lên. Sau cùng là mười hai vạn, mười bốn vạn, mười sáu vạn câu liên tục. Mười ngày mười đêm, mỗi ngày mười sáu vạn câu Phật hiệu. Mười sáu vạn câu Phật hiệu, trên cơ bản là khoảng hai mươi mốt tiếng đồng hồ. Ngoại trừ khi ăn cơm, đi vệ sinh, thật sự không còn thời gian ngủ nữa. Mười ngày mười đêm, bởi vì Kinh Vô Lượng Thọ đã nói: “Thập nhật thập dạ, nãi chí nhất nhật nhất dạ bất đoạn tuyệt giả” (trong mười ngày mười đêm, cho đến một ngày một đêm không ngừng nghỉ Phẩm hai mươi lăm, Chánh Nhân Vãng Sanh). Phải xông lên, mười ngày mười đêm không ngừng nghỉ. Tất nhiên là vẫn bị ngừng nghỉ, vẫn có vọng tưởng xen vào, vẫn bị hôn trầm. Được rồi, cuối cùng liều mạng. Niệm một ngày một đêm, hai mươi bốn tiếng đồng hồ, niệm được hai mươi hai vạn câu. Hai mươi hai vạn câu này là niệm đến không ăn không ngủ. Sao lại không ăn cơm? Buổi sáng hôm đó người hộ thất đưa điểm tâm vào, ăn no rồi, đến trưa ngày hôm sau mới ăn trưa. Khoảng thời gian đó là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Trung bình thì một tiếng năm phút niệm được một vạn câu.

Tất nhiên phải niệm rất thành thục thì mới niệm được nhanh như vậy. Khi mới bắt đầu thì không niệm được nhanh như vậy. Quý vị càng gấp thì càng niệm chậm, còn phát cáu, cho nên phải niệm thành thục. Đây là công phu, không còn cách khác, quý vị không thể gấp gáp. Hễ gấp lên, thường sẽ có ma chướng. Người bế quan cũng thường hay nảy sinh vấn đề này. Tâm gấp gáp, hễ gấp thì ngũ ấm sí thịnh, ngũ ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức này gọi là ngũ ấm ma. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói năm mươi loại ngũ ấm ma, đã nói đủ các tình trạng. Ma chướng xuất hiện, thấy được đủ các cảnh giới. Đây chính là cảnh giới mà quý vị huyễn hóa ra, không có thật.

Tôi ở trong quan phòng cũng gặp phải cảnh giới này. Lúc giữa đêm khuya, tôi ở sau núi, rất là yên tĩnh. Khắp cả núi đồi đều đang hát ca khúc đang thịnh hành, còn hát kịch Quảng Đông, cũng nghe được rất rõ ràng. Còn hát nhạc yêu nước, nhạc cách mạng, kỳ lạ quá! Ai lại hát lớn vào lúc nửa đêm vậy? Liền biết rằng đó chính là ấm ma huyễn hóa. Quý vị không nên chú ý nghe những thứ đó, nghe một hồi thì nhập tâm vào đó. Quý vị hiểu giáo lý rồi thì cứ mặc kệ nó. Những thứ huyễn hóa đó, tất nhiên cũng sẽ thấy được một số cảnh giới, cũng mặc kệ nó. Khi mặc kệ nó thì không bị dính vào ma. Quý vị cứ niệm như vậy. Trong tâm nắm giữ câu Phật hiệu, ngoài ra thì cứ mặc kệ. A di đà Phật, A di đà Phật…, tịnh niệm nối nhau, mỗi câu Phật hiệu đều niệm cho rõ ràng rành mạch, nghe cho rõ ràng rành mạch. Sau đó cũng nhớ số rõ ràng rành mạch. Nhớ số nhanh, nhanh cũng phải rõ ràng rành mạch, không thể hỗn loạn cả lên. Cho nên dụng công như vậy. Lúc trước nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Tôi ước đoán là do lúc trước đã lạy Chiêm Sát Sám. Địa Tạng Bồ tát đã phát nguyện, hễ quý vị lạy được luân tướng thanh tịnh thì Địa Tạng Bồ tát nhất định sẽ hộ trì quý vị. Quý vị tiếp tục dụng công tinh tấn, không có ma chướng, thật sự là rất tốt. Đây là trợ hạnh của niệm Phật.

Phát tâm Bồ đề, áp dụng vào trong Tịnh tông, Đại sư Ngẫu Ích đã nói cho chúng ta biết rất rõ: “Thâm tín phát nguyện tức vô thượng Bồ đề”. Quý vị có thể tin sâu, ý nghĩa trong tin sâu rất sâu rộng, Đại sư Ngẫu Ích đã nói sáu niềm tin, đầy đủ sáu niềm tin mới gọi là tin sâu. Sáu niềm tin: Thứ nhất tin tự, thứ hai tin tha, thứ ba tin sự, thứ tư tin lý, thứ năm tin nhân, thứ sáu tin quả; Tự, tha, sự, lý, nhân, quả. Trong phần đầu của Di đà Yếu Giải Huyền Nghĩa đã nói rất rõ ràng. Thế nào gọi là “tin tự”? Tin vào tự tánh chúng ta sẵn có. Sự tin tự này không phải người thế gian thường nói quý vị rất có lòng tự tin. Lòng tự tin đó rất yếu ớt, lòng tự tin quý vị thường nói là tin vào thân tâm này của chính mình. Nhưng cái thân này là vay mượn tứ đại hợp thành. Tâm này chỉ là thọ, tưởng, hành, thức, toàn là giả, không phải thật. Không có gì đáng tin.

Phật pháp nói đến sự tự tin này, tin tự chính là tin tự tánh vốn có của chúng ta. Tự tánh này vốn không sanh diệt, vốn không dao động, mọi người có đủ. Phật có, chúng ta cũng có, chúng ta không thiếu gì cả. Tuy rằng bây giờ chúng ta đang luân hồi trong phiền não nhưng tự tánh vẫn không diệt, vốn sẵn đủ. Có Kinh Đại Thừa gọi là Như Lai Tạng tánh. Như Lai Tạng, chữ Tạng này có nghĩa là bao hàm. Chúng ta bao hàm Như Lai, hay nói cách khác, quý vị vốn là Phật. Bây giờ là vị Phật bị bao bọc lại, vẫn chưa hiển hiện ra Phật thật. Vị Phật được bao bọc của quý vị cùng với Phật thật là không hai không khác. Cũng giống như tạo tượng Phật, tạo một tôn tượng Phật, trước tiên phải làm cái khuôn, đúng không? Ví dụ sau đó quý vị tạo tượng Phật bằng vàng, quý vị đun vàng thành nước, đổ nước vàng vào cái khuôn đó. Khi nguội rồi thì trở thành tượng Phật. Sau khi đổ vào trong, quý vị phải đóng khuôn đó lại, để nó định hình. Sau khi định hình mới mở cái khuôn ra. Chúng ta chính là vị Phật khi chưa mở khuôn ra. Vị Phật bị bọc lại trong khuôn. Như vậy mọi người dễ hiểu hơn, mở ra rồi thì thành Phật thật. Chưa mở ra, trong đó vẫn là Phật thật, gọi là Như Lai Tạng, mọi người đều sẵn đủ.

Tin điều này, tuy rằng bản tánh của chúng ta bây giờ là Phật, nhưng không có thọ dụng của Phật, làm sao đây? Phải tu hành. Gọi là tu đức có công, tánh đức mới hiển lộ. Quý vị phải mở khuôn ra. Quá trình mở khuôn ra chính là tu. Tu đức có công, tánh đức mới hiển lộ, thì Phật hiện rõ rồi. Chúng ta tu Tịnh Tông, nương vào pháp môn tha lực, là “tín tha”, lòng tin thứ hai chính là tín tha. Tin tha thứ nhất là tin Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật đã nói cho chúng ta biết pháp môn Tịnh Độ là chân thật không giả dối, tuyệt đối không nói dối. Hễ quý vị chí tâm tín nguyện, cho đến mười niệm thì nhất định vãng sanh. Thứ hai, tin Phật A di đà có thật, thế giới Cực Lạc có thật, bốn mươi tám đại nguyện của Phật A di đà tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh là có thật. Tuyệt đối không phải hư cấu, không phải thần thoại, đó là chân thật. Cũng tin mười phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài để tuyên thuyết pháp môn Tịnh Độ cho chúng ta, khuyên bảo tất cả chúng sanh cầu sanh Tịnh Độ. Tin vậy thì “tín tha”. Tất nhiên là phải nghe theo lời giáo huấn của Phật tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ. Như vậy mới gọi là thật tin.

Tin mà không hành thì không phải là thật tin. “Tín sự”, “tín lý”. Trên sự, thế giới Tây Phương Cực Lạc có thật. Từ thế giới này qua phương Tây mười vạn ức cõi Phật, có Phật hiệu là A di đà, hiện nay đang thuyết pháp. Liên trì hải hội có vô lượng vị đại Bồ tát cùng vây quanh. Bây giờ chúng ta tín nguyện trì danh, vừa vãng sanh liền làm A duy việt trí Bồ tát, chính là Bồ tát bất thối chuyển, liền có thể đến mười phương thế giới cúng dường Như Lai, cúng Phật nghe pháp, được Phật thọ ký, hóa thân về cõi nước mà chúng ta có duyên để hóa độ chúng sanh. Tất cả mọi việc đều là thật, trên sự là có thật. Còn lý? Lý nói đến bản tánh là không, chữ không này là gì vậy? Do tự tánh biến hiện. Giống như nằm mộng vậy, cảnh mộng có việc này. Như tôi nằm mộng thấy muốn đăng bài văn, trên sự là có thật, cảnh mộng là có thật. Tôi thật sự gặp được vị giáo sư đó, muốn hợp tác với ông ấy. Thật sự đang cố gắng viết bài văn. Trên sự là có thật, nhưng mà tánh không, cảnh mộng sao là thật chứ? Vậy cảnh mộng từ đâu ra? Là do tâm nằm mộng của quý vị biến hiện ra. Không có tâm nằm mộng thì lấy đâu ra cảnh mộng? Cho nên cảnh chính là tâm. Tâm cũng chính là cảnh.

Đi đâu tìm cái tâm này? Tâm nằm mộng ở đâu? Lấy ra đi. Tổ sư Đạt Ma vừa đưa tay: “Ông đưa tâm cho tôi, tôi an tâm cho ông”. Quý vị lấy tâm nằm mộng ra, không lấy ra được. Quý vị quay lại tìm tâm, tìm không được, sau đó liền thấy thì ra tất cả cảnh giới đều là tâm của quý vị. Cảnh mộng toàn là tâm của quý vị. Người trong cảnh mộng chính là tâm của quý vị. Tất cả mọi vật trong cảnh mộng cũng là tâm của quý vị. Bao gồm bản thân quý vị cũng là tâm của quý vị. Tất cả chúng sanh đều là tâm của quý vị. Toàn cảnh là tâm, vậy toàn tâm chính là cảnh. Tâm cảnh không hai, đây là lý. Vậy còn thế giới Cực Lạc? Chính là cái ý này, cảnh giới thế giới Cực Lạc. Cảnh giới này là cõi nước vi diệu. Cõi nước vi diệu thù thắng nhất. Vậy cảnh giới này từ đâu ra? Từ tâm niệm Phật của quý vị biến hiện ra. Quý vị niệm câu A di đà Phật, cứ luôn niệm như vậy, tâm này sẽ biến hiện thế giới Cực Lạc. Cũng như tâm nằm mộng thấy cảnh mộng vậy. Phật A di đà cũng là tâm của quý vị. Ao sen bảy báu, bảy tầng mành lưới, bảy tầng hàng cây ở thế giới Cực Lạc, đều là tâm của quý vị. Có gì không phải là tâm của quý vị? Cho nên toàn Phật là tâm, cõi nước Cực Lạc, toàn cảnh là tâm. Tâm và Phật không hai, tâm và cảnh không hai. Đây chính là lý.

Cho nên chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, làm sao vãng sanh? Quý vị chỉ cần thành thật niệm A di đà Phật, niệm đến tâm thanh tịnh hiện ra rồi thì Phật hiện tiền, vậy thì thấy Phật. Trên thực tế là thấy được chân tâm của chính mình. Cho nên, có người rất là xem thường Tịnh Độ, đặc biệt là những người học đại Kinh đại Luận, hoặc người tham thiền cho rằng Tịnh Độ làm sao có thể thù thắng, cao hơn minh tâm kiến tánh của người tham thiền chúng tôi chứ? Các người đều theo đuổi trên sự tướng, vãng sanh Tây Phương, thấy Phật A di đà, đều là trên mặt sự. Tham thiền đều là trực tiếp minh tâm kiến tánh trên lý tánh. Họ cho rằng vãng sanh Tây Phương cũng là vọng tưởng. Thấy Phật A di đà cũng là vọng tưởng. Cũng không sai, là vọng tưởng, nhưng đây là vọng tưởng thù thắng nhất. Quý vị không vọng tưởng như vậy thì quý vị sẽ vọng tưởng về luân hồi. Đợi đến khi quý vị đến Tây Phương, thấy Phật A di đà rồi thì không còn vọng tưởng này nữa. Từ có niệm đến vô niệm, vọng tưởng này không còn nữa. Sau khi không còn, quý vị thấy bản tánh Phật, đó chính là minh tâm kiến tánh.

Tịnh Độ và tham thiền, những cảnh giới này không có cao thấp, hoàn toàn như nhau. Chỉ là quý vị không thông đạt đạo lý: tâm và Phật không hai. Quý vị cho rằng minh tâm kiến tánh là cao hơn thấy Phật, quý vị không biết rằng thấy Phật cũng là minh tâm. Bởi vì tâm và Phật không hai. Quý vị chỉ nói tôi muốn minh tâm, khăng khăng không chịu thấy Phật. Vậy quý vị vẫn là hai, không phải không hai. Quý vị vẫn chưa tỏ ngộ, quý vị phải biết rằng tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Như vậy gọi là tướng tức là nghĩa. Chỉ là tham thiền thì dụng công trong tâm, thấy tâm chính là thấy Phật.

Tịnh Độ chúng ta dụng công trên Phật, niệm Phật chính là niệm tâm. Thấy Phật chính là minh tâm, như nhau thôi. Vả lại pháp môn Tịnh Độ của chúng ta có sự đảm bảo. Tham thiền đó của quý vị nếu lỡ không minh tâm thì phiền phức rồi, quý vị phải luân hồi. Bởi vì quý vị không muốn thấy Phật, vậy Phật không thể giúp quý vị. Chúng ta tu Tịnh tông, chúng ta thấy Phật, cho dù không minh tâm cũng không sao cả. Vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vậy thì không thối chuyển, làm A duy việt trí Bồ tát. Ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thấy Phật nghe pháp, thấy Phật hằng ngày, “chỉ cần gặp Di đà, lo gì không khai ngộ?” Cho nên Ngài bảo đảm với quý vị. Quý vị có thể minh tâm, vậy thì rất tốt. Có thể minh tâm thì vãng sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cõi Thường Tịch Quang. Không minh tâm, không sao cả, ở dưới còn hai cõi bảo đảm cho quý vị. Cho nên tin sự, tin lý, còn có tin nhân, tin quả. Nhân quả này không nói đến nhân quả khác. Chỉ là nói đến nhân là tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh Độ, nhất định cảm được quả là khi lâm chung Phật tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Độ. Quả thành Phật không thối chuyển. Nhân quả, chúng ta thật sự tin nhân quả này thì thành thật niệm Phật.

Cho dù quý vị là trì niệm trên sự hay là lý trì. Lý trì là gì vậy? Tức là sự trì thêm vào rõ lý. Dù gì cũng phải là sự trì, tức là luôn niệm A di đà Phật, A di đà Phật… như vậy. Thiền sư Triệt Ngộ nói rằng: Niệm một câu Di đà như thế, xâu chuỗi một trăm lẻ tám hạt đứt rồi đổi xâu mới. Xâu chuỗi niệm Phật đứt rồi thì đổi xâu mới, tiếp tục niệm. Niệm đứt rồi lại đổi. Phải niệm như vậy, liều chết mà niệm. Niệm đến chết, nhất định vãng sanh Tây Phương, như vậy là phát tâm Bồ đề. Tin sâu thì quý vị phát nguyện, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Tịnh Độ, trên sự là có thật, liền vãng sanh Tây Phương. Vậy còn lý? Tôi hiểu rõ lý, đó là tự tánh biến hiện. Tự tánh biến hiện, tôi vẫn phải vãng sanh Tây Phương. Cũng như tự tánh là một vòng tròn lớn. Thế giới Ta bà là vòng tròn nhỏ ở phía Đông. Vòng tròn nhỏ bên trong vòng tròn lớn. Thế giới Cực Lạc là vòng tròn nhỏ ở phía Tây. Tôi từ vòng tròn nhỏ phía Đông vãng sanh đến vòng tròn nhỏ phía Tây, cũng đều nằm trong tự tánh, không ra khỏi tự tánh. Cho nên đi là thật sự là không đi, không rời khỏi tự tánh. Nhưng mà vãng sanh thì nhất định vãng sanh, nhất định vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên trên sự phát nguyện vãng sanh là thành thật niệm Phật, tín nguyện trì danh. Như vậy thì nhất định vãng sanh.

Đại sư Ngẫu Ích nói đây chính là vô thượng Bồ đề, khi niệm Phật chính là thành Phật. Đại sư Ngẫu Ích nói: “Quả thật có thể dựa vào tín phát nguyện, dựa vào nguyện khởi hạnh. Hạnh này chính là trì danh”. Trong từng niệm lưu lộ ra vô lượng Như Lai. Bản thân quý vị không nhìn thấy, vậy không sao cả. Quý vị biết được vô lượng Như Lai đó từ trong một câu danh hiệu lưu lộ ra. Công đức của danh hiệu quá thù thắng. Cho nên phát tâm Bồ đề phải nhất hướng chuyên niệm. Nhất hướng chính là một phương hướng vãng sanh Tịnh Độ. Chuyên chính là chuyên tâm niệm Phật, luôn niệm, niệm không ngừng nghỉ, đây là tông chỉ của Kinh Vô Lượng Thọ, cũng là tông chỉ của Kinh A di đà.

Trong Kinh A di đà nói phát tâm Bồ đề thành tin sâu nguyện thiết, quý vị tin sâu nguyện thiết chính là tâm vô thượng Bồ đề. Nhất hướng chuyên niệm chính là chấp trì danh hiệu. “Tín nguyện trì danh” trong Kinh A di đà nói chính là “Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” mà trong Kinh Vô Lượng Thọ nói.

Thời gian chiều nay đã hết rồi, chúng tôi chỉ nói đến đây. Bảy giờ tối còn có một tiết học, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với quý vị. Cảm ơn mọi người.

Kệ hồi hướng:

Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ,
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.
Nếu có ai thấy nghe,
Đều phát tâm Bồ đề,
Khi hết báo thân này,
Đồng sanh cõi Cực Lạc.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Nguyện Thứ Mười Tám Thập Niệm Tất Sanh Nguyện