Quý vị và các bạn đang cầm trên tay quyển “Vài chuyện bạn và tôi học Phật” của Đại Đức Thích Phổ Huân, tri sự chùa Pháp Bảo tại Sydney Úc Đại Lợi. Hẳn quý vị cũng đã nhận thấy công phu của tác giả đã phải trải qua nhiều thời gian năm tháng tu Phật, học Phật cũng như hành Phật nên mới tạo thành một tác phẩm trên 400 trang, không phải là chuyện đơn thuần.
Đọc suốt quyển sách, quý vị sẽ thấy được lối hành văn giản dị, nhằm mô tả, giải thích những câu chuyệân về luân hồi tâm lý gia đình và hạnh tu của những vị Bồ Tát hay các vị Thánh Tăng, nhằm để chúng ta dễ thâm nhập vào Phật lý. Tác giả tuy không sắp xếp theo thứ tự ngũ thừa Phật Giáo, từ nhân thừa lên Phật thừa. Tuy nhiên khi lần dò vào trong từng trang sách, quý vị sẽ thấy nhân thừa qua ngũ giới, nhất là giới không sát sanh, tác giả đã giới thiệu, mô tả nhiều hình ảnh sống động, bàng bạc khắp đó đây trong quyển sách, nhằm nhắc nhở mọi người hãy tạo nhơn lành trong ngũ giới để được lợi mình và lợi người khi ở cảnh giới này hay ở cảnh giới khác, khi mà con người vẫn còn nằm trong vòng sanh tử, tử sinh.
Về Thanh Văn thừa, tác giả cũng đã giới thiệu qua bài pháp đầu tiên mà chính Đức Bổn Sư đã thuyết giảng tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Ông Kiều Trần Như cách đây 2600 năm về trước. Ở đó tác giả đã đào sâu về khổ và nguyên nhân của sự khổ, để chúng ta thấy được nguyên nhân của sự khổ và cố gắng tu học qua con đường diệt khổ và Đạo Đế để thoát ly sanh tử luân hồi.
Về Duyên giác thừa qua pháp tu Thập Nhị Nhơn Duyên mà vô minh và ái dục là khởi đi không biết bao nhiêu lần sanh tử tử sanh để lúc làm chồng, lúc làm cha, mẹ, vợ, con; hay ngay cả đầu thai vào những nơi khác do sự ái nhiễm mà thành.
Về Bồ Tát Thừa qua lục độ vạn hạnh và phép tu về tánh không cũng như Kim Cang Bát Nhã hay Trung Quán, Tác giả đã minh chứng qua hình ảnh liễu đạo của Lục Tổ Huệ Năng đã thoát ra khỏi vòng sanh tử, tử sinh mà một chân thân xá lợi của Ngài vẫn còn tồn tại ở chùa Nam Hoa tại Thiều Quang, Quảng Đông ngày nay là một minh chứng hùng hồn nhất cho những ai nương vào Thiền, Tịnh, Mật nhất là Diệu lý của kinh Kim Cang để được giải thoát sanh tử luân hồi.
Về Phật Thừa tác giả đã y cứ và dẫn chứng một phần nhỏ qua 37 phẩm trợ đạo để thẳng đến Bồ Đề. Là một hành giả tu Thiền hay Tịnh hay Mật cũng phải lấy 37 phẩm trợ đạo nầy làm căn bản để đến Nhứt Thừa như trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phật đã đề cập đến.
Ngoài ra tác giả cũng có nhấn mạnh đến tinh thần truyền thừa và tu chứng qua các giai đoạn chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp, mà kinh điển chơn truyền, giới luật tinh chuyên là những phần tinh túy căn bản nhất để các vị Bồ tát, các vị Thánh Tăng A la Hán nương vào đó tu học để được giải thoát giác ngộ. Còn chúng ta ngày hôm nay, qua kinh văn mà những lời giải thích, bình chú, luận giải thật nhiều; nhưng nếu không thực hành thì đó cũng chẳng qua là cố gắng để giải thích lời Phật dạy; nhưng nhiều khi không đúng cách sẽ dễ làm cho: “y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan và ly kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết”.
Khi đạo Phật được truyền vào Trung Hoa, đạo Phật ấy phải dung hợp được văn hóa và truyền thống của Trung Quốc. Do vậy mà chư Tổ đã đặït ra kinh Thủy Sám, kinh Lương Hoàng Sám hay Kinh Báo Ân Phụ Mẫu v.v... ngày nay các nhà học giả Nhật Bản cho rằng đó là những ngụy kinh chứ không phải là chơn kinh. Tuy nhiên, dầu là ngụy; nhưng ngụy ấy sẽ thể hiện tinh thần chơn, qua cách nhập thế, dấn thân của tinh thần Đại Thừa, thì tinh thần ấy tuy có hòa nhưng không bị đồng hóa bởi thế tục. Đó là tinh thần “hòa nhi bất đồng”.
Ngài Huyền Trang là một bậc Đại Thánh Tăng có công không nhỏ, đã băng rừng vượt suối đi từ kinh đô Trường An đến Ấn Độ, trải qua 2 năm đi và 2 năm về và qua 13 năm tu học tại Ấn Độ, để đến năm 645 mang về lại kinh đô Trường An Trung Quốc lúc bấy giờ 657 bộ kinh chữ Phạn và suốt 19 năm trường Ngài đã chủ tọa việc phiên dịch từ tiếng Phạn sang chữ Hán, để từ đó văn hiến và ngôn ngữ của Trung Hoa tăng thêm hơn ba vạn chữ mới trong ngôn ngữ văn tự Trung Quốc lúc bấy giờ. Quả thật Phật Giáo đã tạo đượïc một niềm tin vững mạnh trên từ vua quan, dưới cho đến muôn dân trăm họ, đâu đâu cũng hưởng được pháp mầu thanh tịnh giải thoát ấy. Sau 19 năm phiên dịch, đến năm 664 Ngài đã thị tịch tại Ngọc Hoa cung, hưởng thọ 69 tuổi. Với chừng ấy tuổi thọ; nhưng công đức của Ngài qua chuyến đi học đạo và qua sự phiên dịch đã để lại cho gia tài Phật Giáo Trung Hoa nói riêng và Phật Giáo Đại Thừa nói chung một kho tàng Pháp Bảo vô giá.
Tác giả cũng đã giới thiệu Đức Đạt Lai Lạt Ma qua lòng từ cũng như sự liễu ngộ và những sự tái sanh của các vị Lạt Ma Tây Tạng đó đây để minh chứng cho chúng ta hiểu rằng: chết không phải là hết, mà chết chỉ là bắt đầu lại một kiếp sống khác; nhưng kiếp sống đó trước và sau khi chết rất quan trọng. Người có học Phật sẽ quyết định cho sự ra đi đầu thai hoặc vãng sanh của mình; còn người tuy đọc sách Phật; nhưng không tu và không hành hạnh Phật thì cũng giống như người xách nón ra đi; nhưng chẳng biết đi đến hướng nào.
Cách phát tâm Bồ Đề của các Lạt Ma Tây Tạng hoặc của Ngài Huệ Khả chặt tay để dâng cho Bồ Đề Đạt Ma hay sự phó thác của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cho Lục Tổ Huệ Năng là những bằng chứng hùng hồn nhất cho những người tu Phật và hành hạnh Phật để chứng được pháp Phật cao sâu huyền diệu.
Qua tứ trọng ân, ta thấy được những điểm then chốt mà tác giả muốn gởi gắm đến những người học Phật về ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn Tam Bảo và ơn chúng sanh; nhằm thể hiện một lòng tin và một sự đền ân đáp nghĩa đối với những bậc sanh thành ra ta và những gì ta đã thọ ơn đối với quốc gia, với Tam Bảo cũng như với những chúng sanh đồng loại đã cung dưỡng cho ta, để ta nhờ đó có cơ hội thăng hoa đời sống tâm linh nhiều hơn thế nữa.
“Như Lai giả vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Đó là định nghĩa về Như Lai, về Niết Bàn an lạc. Nghĩa là; Như Lai không từ đâu đến, lại chẳng đi về đâu; cho nên gọi là Như Lai như trong kinh Kim Cang mà Phật vẫn thường dạy và Niết Bàn chính là: Không, vô tướng, vô tác hay vô nguyện. Nên Niết Bàn không phải là nơi chốn để tìm về mà chính là tự thể của mỗi người phải tự chuyển đổi, hoán cải tâm phàm phu trở thành tâm Thánh Nhơn và chuyển đổi phiền não thành Bồ Đề nơi tự tâm của mỗi người. Đó chính là Niết Bàn vô trụ và an lạc giải thoát, hoàn toàn cứu cánh và vô ngã.
Những câu chuyện dẫn chứng về cuộc đời cũng như hành hoạt của 10 vị Thánh Tăng Đại Đệ Tử của đức Phật, tác giả cũng đã bỏ công nghiên cứu, thu thập tài liệu và chứng minh bằng những ngôn ngữ dung dị, khiến độc giả dễ hiểu và từ đó có thể rút ra những hạnh lành để tu tập, trong đó có mật hạnh của Ngài La Hầu La.
Về Lục hòa, nguyên nhân chính là do hai phái của chư tăng không đồng ý với nhau về cách giữ luật và cách giải thích về pháp của Phật trong thời Phật còn tại thế; nên đưa đến chuyện bất hòa trong Tăng Đoàn. Do vậy Đức Phật đã rời chúng vào rừng trong một mùa An Cư Kiết Hạ tại xứ Kosabi. Sau khi Tăng chúng thiếu bóng dáng của Phật suốt trong 3 tháng, họ cảm thấy không an, khi có lời vặn hỏi của các vị cư sĩ. Do vậy cả hai nhóm cùng đến nơi Đức Phật để tự sám hối và phép lục hòa Phật đã lấy đó làm nguyên nhân để nói ra, nhằm ứng dụng cho các đệ tử xuất gia của Ngài từ thuở ấy và mãi cho đến ngày hôm nay pháp lục hòa nầy vẫn còn có giá trị và đang ứng dụng trong cuộc sống của Tăng Đoàn.
Đặc biệt lâu nay quý vị đã làm quen với các tác phẩm: Hương Thơm Niệm Phật, Vượt Luân Hồi vào Tịnh Độ, Nghĩ về Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân mà Đại Đức Thích Phổ Huân đã biên soạn, qua việc ấn tống của chùa Pháp Bảo tại Sydney cũng như mạng thông tin rộng rãi toàn cầu www.lotuspro.net của Đạo hữu Tâm Kiến Chánh tại Hoa Kỳ, đã mang những tác phẩm của Thầy Phổ Huân đến gần gũi với những hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ nhiều hơn. Nay thì trong tác phẩm nầy chủ yếu tác giả muốn giới thiệu đến những người sơ cơ học Phật qua ngôn ngữ dễ hiểu bằng cách tự đối thoại để giải quyết những nghi vấn khi học Phật; nhưng tác giả cũng muốn lồng vào đây những câu chuyện về Thiền và Tịnh Độ để nhắc nhở cho mọi người thấy rằng dầu cho tu Thiền hay Tịnh Độ cũng phải cần đến tha lực. Vì hình ảnh chư Phật vẫn còn hiện hữu đó và qua kinh văn người ta mới có thể chứng thật được về Thiền. Do vậy Thiền hay Tịnh cũng chỉ là một pháp tu, mà mục đích là làm cho con người giải thoát được sanh tử luân hồi. Đó mới thật là chơn lý và mục đích cứu cánh của đạo Phật.
Cuối cùng pháp Tứ Y, tác giả muốn gởi đến mọi người hãy nhắm vào mục đích cứu cánh giải thoát là quan trọng; còn phương tiện để đi đến sự giải thoát như con người, ngôn ngữ, trí thức, việc chẳng liễu nghĩa v.v... chỉ là hình tướng mà đạt đến sự giác ngộ, an lạc của đời sống nội tâm của người học Phật mới là điều quan trọng.
Tuy chỉ là “vài chuyện” mà Tác giả khiến tôi đọc phải hụt hơi sau 8 tiếng đồng hồ mới ghi lại được lời giới thiệu như thế nầy, mà “vài chuyện” như thế quả thật có giá trị vô cùng, nhất là với những người mới làm quen với giáo lý giải thoát của bậc giác ngộ.
Thầy Phổ Huân được cái may mắn là được làm đệ tử và ở gần Thầy Bổn Sư của mình là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc; nên đã học được đức tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, rồi những khi trước tác, viết lách cũng được Hòa Thượng duyệt xem; nên tác giả đã hưởng được phần lợi lạc, phước báu ấy ngay chính trong đời này, để các tác phẩm của Thầy ấy đến được mọi người một cách thông suốt hơn.
Nguyện cầu cho Tác Giả có nhiều thời giờ hơn để đi sâu vào trí tuệ của Như Lai qua các kinh điển đã được truyền lại bao đời nay và nhờ đó quý vị và các bạn sẽ có được những tác phẩm giá trị trong thời gian tới. Vì lẽ khi con tằm ăn dâu thì phải nhã ra những sợi tơ óng ả để dệt nên những gấm hoa cho cuộc đời trên vải, lụa. Nếu tằm ăn dâu mà chỉ thải ra toàn là những chất dâu cặn bã thì sự thu thập ấy nó chẳng có ý nghĩa gì. Từ đó việc thâu nhập và ứng dụng giáo lý vào cuộc đời nầy cũng vậy; không phải chỉ ở tác giả, mà độc giả chúng ta cũng vậy.
Mong được như thế.
Sa Môn Thích Như Điển giới thiệu
Viết nhân lúc nhập thất lần thứ 3
tại Tu Viện Đa Bảo Sydney Úc Đại Lợi năm 2005